Nội dung

Bài giảng viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis)

Đại cương (định nghĩa)

Viêm da tiết bã là bệnh da sẩn vảy mạn tính. Bệnh xảy ra ở trẻ thơ và người lớn tại vùng có nhiều tuyến bã như da đầu, vùng nang lông tuyến bã của mặt và thân mình, và vùng nếp đôi khi cũng bị. Bệnh đặc trưng bởi hồng ban và vảy bã. Viêm da tiết bã là một trong những bệnh da phổ biến trên bệnh nhân nhiễm HIV hoặc AIDS.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của viêm da tiết bã vẫn chưa biết nhưng có thể liên quan đến tăng tiết bã nhờn, bất thường về thành phần chất bã và Malassezia furfur.

Yếu tố nguy cơ

Viêm da tiết bã (VDTB) thường thấy ở bệnh nhân Parkinson, một số thuốc an thần, methyldopa, cimetidine. Stress có thể làm bùng bệnh viêm da tiết bã.

Chẩn đoán

Dịch tễ học

Viêm da tiết bã có hai đỉnh: thứ nhất ở trẻ 3 tháng đầu đời và thứ hai là xung quanh tuổi 40 -70 tuổi. Ở Mỹ, khoảng từ 3 đến 5 % dân số mắc bệnh. Nam giới thường bị nhiều hơn nữ. Khoảng 85% bệnh nhân nhiễm HIV và AIDS có viêm da tiết bã.

Lâm sàng

Bệnh khởi phát từ từ. Ngứa thay đổi tùy trường hợp.

Thương tổn điển hình là mảng hồng ban hơi vàng, được bao phủ bởi vảy bã và vảy này được tách ra dễ dàng. Trên da đầu thương tổn thay đổi từ vảy khô (gàu) đến vảy vàng bã và hồng ban. Ở mặt, bệnh ảnh hưởng chân mày, điểm giữa trên gốc mũi, nếp má mũi, xoăn tai và nếp sau tai ngoài. Thương tổn thay đổi độ nặng từ mảng đỏ đến tróc tróc vảy mịn rời rạc.

Ở nam, thương tổn có thể có ở râu, râu quai nón, tóc. Trên ngực và phần giữa ngực của nam hay gặp nhất với mảng hình tròn tróc vảy đỏ nhạt ở trung tâm và sẩn đỏ sậm hơn ở ngoài rìa.

Bệnh nhân nhiễm HIV thương tổn lan rộng và nổi bật là tình trạng viêm và rỉ dịch.

Các dạng lâm sàng

Người lớn

Pityriasis capitis (gàu): Viêm da tiết bã nhẹ ở da đầu với tróc vảy là hình ảnh nổi bật.

Viêm mi mắt: Hồng ban tróc vảy ở bờ mi mắt, có thể kèm viêm kết mạc.

Viêm da tiết bã dạng vẩy phấn: dạng hiếm, gặp ở thân và chi, với phát ban đỏ da toàn thân tróc vảy.

Viêm da tiết bã tại nếp gấp: liên quan đến nếp cơ thể đặc biệt nếp sau tai ngoài, nếp trong đùi, vùng sinh dục và nếp dưới vú, hăm kẽ đôi khi thương tổn rỉ dịch.

Viêm nang lông do malassezia: Sẩn đỏ nang lông, ngứa, đôi khi có mủ, đặc biệt nơi nhiều tuyến bã; có thể là biến chứng của VDTB, thường gặp người suy giảm miễn dịch.

Đỏ da toàn thân tróc vảy: toàn thân da đỏ, tróc vảy; biến chứng cực kỳ hiếm của VDTB do điều trị không đúng thuốc tại chỗ gây viêm da kích ứng; hậu quả nhịp tim nhanh và rối loạn điều hòa thân nhiệt hay gặp.

Trẻ nhỏ

Thương tổn là mảng hồng ban hơi vàng với vảy bã, có thể rất dày và dính. Các mảng rải rác hoặc riêng rẽ trên mặt và ngực. Thương tổn lan tỏa ở da đầu và vùng tã lót.

Viêm da tiết bã ở da đầu: mảng vàng đỏ được bao phủ bởi vảy trên da đầu của nhũ nhi; gặp ở trẻ sau vài tuần tuổi.

Pityriasis amiantacea: vảy giống như amiăng dày dính tạo túm tóc ở da đầu; có thể đi kèm với viêm da cơ địa, vảy nến hoặc nấm.

Viêm da tiết bã liên quan hiv

Viêm da tiết bã bùng phát, lan tỏa và viêm nhiều hơn so với người khỏe mạnh.

Cận lâm sàng

Mô bệnh học: tâm điểm là hiện tượng á sừng với một ít neutrophil, tăng lớp tế bào gai vừa phải và xốp bào, viêm không đặc hiệu của lớp bì. Hình ảnh đặc trưng nhất là các neutrophil tại đỉnh của lỗ của nang lông giãn biểu hiện của mày hay vảy,

Soi nấm trực tiếp giúp loại trừ dermatophyte hoặc nấm men.

Chẩn đoán phân biệt

Vảy nến, nấm, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, trứng cá đỏ, erythrasma.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

Đây là bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị ban đầu, tiếp theo là điều trị duy trì.

Gàu được điều trị thường xuyên với dầu gội đầu có chất chống nấm Malassezia như selenium sulphide, kẽm pyrithione, kétoconazole và dầu gội đầu có chứa hắc ín. Dung dịch terbinafine 1% cũng có hiệu quả.

Trường hợp gàu nhiều tróc vảy liên tục hoặc đóng mày thì thuốc mỡ 5% salicyclic acid có hiệu quả.

Giai đoạn cấp có thể dùng thuốc tại chỗ steroid loại nhẹ hay kétoconazole; hoặc kết hợp thuốc chống nấm (imidazole) với steroid, sau đó duy trì kem kétoconazole.

Tacrolimus, pimecrolimus hiệu quả trong điều trị, đặc biệt đối với viêm da tiết bã.

Những trường hợp không đáp ứng có thể điều trị UVB; uống itraconazole (100mg/ngày uống đến 21 ngày) hoặc terbinafine. Những trường hợp kháng trị isotretinoin (1mg/kg) toàn thân cũng có hiệu quả.

Nếu có nghi ngờ hoặc bội nhiễm vi khuẩn uống kháng sinh (erythromycin hoặc flucloxacilline).

Điều trị cụ thể:

Thuốc

Thành phần

Cách dùng

Tác dụng phụ

Kháng nấm

Ketoconazole

 

2% dầu gội, gel, kem

Da đầu

2 lần/tuần đến khi sạch thương tổn

Duy trì 1 lần/tuần hoặc 1 lần/ 2tuần

Nơi khác

2 lần/ngày đến khi sạch thương tổn

Duy trì 2 lần/tuần x 1 lần/ 2 tuần

 

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Ciclopirox olamine (ciclopirox)

 

1% hoặc 1,5% dầu gội, kem

Da đầu

2 – 3 lần/tuần đến khi sạch thương tổn

Duy trì 1 lần/tuần hoặc 1 lần/ 2tuần

Nơi khác

2 lần/ngày đến khi sạch thương tổn

Duy trì 1 lần/ngày

 

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Corticosteroids

Hydrocortisone

Kem 1%

Nơi khác hơn da đầu: 1-2 lần/ngày

Teo da, rậm lông nếu dùng lâu

Betamethasone dipropionate

Lotion 0.05%

Nơi khác và da đầu: 1-2 lần/ngày

Teo da, rậm lông nếu dùng lâu

Clobetasol 17- butyrate

Kem 0.05%

Nơi khác hơn da đầu: 1-2 lần/ngày

Teo da, rậm lông nếu dùng lâu

Desonide

Lotion 0.05%

Nơi khác và da đầu: 1-2 lần/ngày

Teo da, rậm lông nếu dùng lâu

Ức chế Calcineurin

Pimecrolimus

Kem 1%

Nơi khác hơn da đầu: 2 lần/ngày

Phản ứng tại chỗ cao hơn placebo

Tacrolimus

Thuốc mỡ 0,03%, 0,1%

Nơi khác hơn da đầu: 2 lần/ngày

 

Thuốc khác

Selenium sulfide

Dầu gội 2,5%

Da đầu: 2 lần/tuần

Phản ứng tại chỗ # 3%, làm phai màu tóc nhuộm

Zinc pyrithione

Dầu gội 1%

Da đầu: 2 lần/tuần

Phản ứng tại chổ # 3%

Diễn tiến và tiên lượng

Bệnh thường kéo dài từ nhiều ngày đến nhiều tháng. Bệnh trở nên trầm trọng hiếm, đỏ da toàn thân tróc vảy có thể xảy ra.

Tiên lượng tốt.

Trẻ bị viêm da tiết bã không có nghĩa khi trưởng thành bị viêm da bã nhờn.

Phòng ngừa (giáo dục sức khỏe)

Khi bắt đầu điều trị, nhấn mạnh với bệnh nhân là viêm da tiết bã có thể điều trị nhưng không có chữa lành vĩnh viễn.

Bệnh có thể cần điều trị đều trong nhiều năm.

Đầu bị gàu tránh những chế phẩm có chứa cồn, hair tonic.

Tài liệu tham khảo

J.Berth-Jones (2010), “Eczema, Lichenifi cation, Prurigo and Erythroderma”, Rook’s Textbook of Dermatology, Wiley Blackwell, Chapter 23, pp 23.29 – 23.34.

Gerd Plewig, Thomas Jansen (2008), “Seborrheic Dermatitis”, Fitzpatrick’s Dermatology in general medicine, Mc Graw Hill, Chapter 22, pp. 219-225.

Habif, Thomas P. (2010), “Psoriasis and Other papulosquamous Disease”, Clinical dermatology, A Color Guide To Diagnosis And Therapy, Elsevier, chapter 8.

Kay Shou-Mei Kane et al. (2005), “Seborrheic Dermatitis”, Color Atlas and Synopsis of Pediatric Dermatology, Mc Graw Hill, Section 2, pp. 52 -53.

Klaus Wolff et al. (2009), “Seborrheic Dermatitis”, Fitzpatrick’s Color Atlas and Synopsis of Clinical Dermatology, Mc Graw Hill, Section 2, pp. 49 -51.

Luigi Naldi, M.D, Alfredo Rebora, M.D. (2009), “Seborrheic Dermatitis”, The new england journal of medicine, 360;4, pp.387 – 396.

WILLIAM D JAMES et al. (2006), “Seborrheic Dermatitis, Psoriasis, Recalcitrant Palmoplantar Eruptions”, Andrews’ Diseases Of The Skin Clinical Dermatology, Elsevier, chapter 10, pp.191 -193.