Nội dung

Bàn mổ và vận chuyển người bệnh trong phòng mổ

Cấu tạo bàn mổ

Cấu tạo chung

Chân bàn: hình trụ ống hay khối lồng ghép để có thể di chuyển lên cao hay xuống thấp theo yêu cầu.

Bệ: có bánh xe nhỏ dễ dàng di chuyển và có thể cố định bằng một bộ phận hãm khi mổ.

Mặt bàn: có thể có 3 mảnh ghép với nhau, có thể dễ dàng tháo rời phần đầu hay phần cuối, còn phần giữa có thể vận động được qua các đoạn khớp nối. Hai mép của mặt bàn có các thanh dọc để lắp các ô trượt theo chiều dài của mép và qua các lỗ ổ trượt có thể lắp thêm các phần phụ. Dưới mặt bàn của phần giữa có khoang để lắp phim chụp ngay lúc đang mổ. Trên mặt bàn có 3–4 miếng đệm được bọc nylon hay vải giả da để chống thấm.

Một số loại mặt bàn mổ có phần chân là 2 miếng chữ nhật ghép lại theo chiều dọc và có thể tách rời ra thành hình chữ V.

Chú ý: bàn mổ chuyên khoa như sản phụ khoa có thể lắp một cọc ngắn để lắp van kéo khớp vệ hay bàn chỉnh hình có thêm một số cấu trúc khác.

Đầu bàn mổ: tất cả các bàn mổ đều có một khung để trải vải che mổ để biệt lập đầu người bệnh ra khỏi vùng mổ bụng, ngực.

Các bộ phận phụ của bàn mổ

Gồm có:

Giá đỡ 2 tay người bệnh khi mổ bụng: một tay truyền dịch và một tay để đo huyết áp.

Giá đỡ 2 đầu gối trong tư thế sản phụ khoa hay mổ tầng sinh môn.

Giá đỡ lưng hay ngực trong tư thế mổ thận hay mổ lồng ngực. Các bao da để buộc vào chân hay băng dính để giữ tay và băng da để buộc chân.

Vận hành bàn mổ

Nâng cao hay hạ thấp bàn mổ: nhờ một cái cần thường lắp ở chân bàn mổ, cần này hoạt động như 1 cái kích hoặc bằng cơ học hoặc bằng hệ thống dầu.

Quay mặt bàn nghiêng sang phải hay trái: nhờ một bộ phận lắp ở đầu bàn do vô lăng, tay quay hoặc nút ấn. Bàn có thể quay cho đầu cao hay đầu thấp cũng do một bộ phận lắp ở gần đầu bàn. Mặt bàn có thể nâng cao ở đoạn giữa trong tư thế mổ thận theo đường hố thận. Chú ý, tuyệt đại đa số các bộ phận điều khiển tư thế bàn được bố trí ở phần đầu bàn.

Các phòng mổ có trang bị hiện đại thường theo dõi người bệnh qua các monitor với các thông số: điện tim, mạch… do vậy cần phải lắp dây đất vào bàn để chống nhiễu.

Bảo quản bàn mổ

Sau khi mổ, điều dưỡng lau sạch bàn mổ, lau chùi các vết máu và dịch, nhất là ở các khe và kẽ nhằm chống hoen gỉ để kéo dài tuổi thọ của bàn, chống nhiễm khuẩn (các vết hoen gỉ hay dịch bẩn, máu là ổ chứa nhiều vi khuẩn).

Định kỳ cho dầu vào bánh xe, các khớp của bàn và các bộ phận quay nhằm sử dụng dễ dàng và kéo dài tuổi thọ của bàn. Hàng tuần cọ rửa bằng nước và xà phòng toàn bộ bàn mổ và sau đó phải lau khô ngay để chống hoen gỉ. Các phụ kiện của bàn mổ để đúng nơi quy định, dễ tìm khi dùng và hàng tuần cũng phải lau chùi như bàn mổ.

Vận chuyển người bệnh lên xuống bàn mổ

Đưa người bệnh lên bàn mổ

Người bệnh đi lại được: điều dưỡng hạ thấp bàn mổ giúp người bệnh tự lên bàn mổ. Nếu mặt bàn xuống hết mức mà còn quá cao với người bệnh thì dùng ghế có nhiều bậc để người bệnh tự trèo lên. Sử dụng các phương tiện để giữ tay và chân của người bệnh.

Người bệnh nặng không đi lại được hay đã tiền mê: điều dưỡng đẩy cáng người bệnh song song với bàn mổ hay tạo với bàn mổ thành chữ L để chuyển người bệnh từ cáng sang bàn mổ với sự giúp đỡ của 2–3 điều dưỡng. Chú ý, luôn giữ người bệnh ở tư thế nằm ngang, tuyệt đối không thay đổi tư thế đột ngột. Chọn tư thế để đầu người bệnh cho thích hợp để khi di chuyển thì đầu người bệnh đặt đúng vào đầu bàn mổ ngay lập tức. Đặt người bệnh ở tư thế mổ đúng với phương thức phẫu thuật khi người bệnh đã được gây tê hay gây mê. Sử dụng các phương tiện để giữ tay và chân người bệnh.

Chuyển người bệnh từ bàn mổ sang giường: để chuyển sang phòng hồi tỉnh.  Điều  dưỡng  cần lượng  giá tình trạng  người bệnh  sau  mổ chưa tỉnh  hoàn toàn, mất phản xạ, ho  sặc,… do vậy nếu nôn thì dịch  dạ dày dễ trào ngược vào đường hô  hấp. Do người bệnh  còn  ảnh  hưởng  của thuốc mê và quá  trình  phẫu  thuật, tuần hoàn chưa ổn định, vì vậy, nếu thay đổi tư thế đột ngột dễ gây tụt   huyết áp, truỵ tim mạch cho    người bệnh. Do tác dụng của thuốc dùng trong gây  mê  và nhiệt độ  của phòng  mổ  với bên  ngoài  có  chênh lệch nên người   bệnh phải được ủ ấm thích hợp theo mùa, chống mất nhiệt để  tránh người bệnh bị cảm lạnh.   Khi di chuyển nên cho người bệnh tư thế đầu bằng và nhẹ nhàng.

Quá trình chuyển người bệnh từ phòng mổ về phòng hồi sức: khi chuyển người bệnh từ bàn mổ sang giường bệnh điều dưỡng đặt giường song song với bàn mổ hay tạo với bàn mổ hình chữ L. Khi chuyển người bệnh cần sự trợ giúp của 2–3 điều dưỡng. Động tác di chuyển phải nhẹ nhàng, từ từ và giữ người bệnh ở tư thế nằm ngang. Khi sang giường đặt đầu người bệnh nghiêng sang một bên đề phòng nôn, tránh tụt lưỡi. Nên đặt tube Mayor để nâng góc lưỡi. Giữ nhiệt độ người bệnh như phủ chăn mỏng nếu là mùa hè, chăn bông nếu là mùa đông. Nâng bộ phận đỡ dọc 2 bên cáng đề phòng người bệnh ngã. Nếu không có bộ phận đỡ thì phải buộc giữ người bệnh hoặc có 2 điều dưỡng đi hai bên. Chuyển người bệnh về phòng hồi sức, bàn giao cho điều dưỡng chăm sóc sau mổ về: hồ sơ bệnh án để thực hiện y lệnh điều trị, tình trạng người bệnh lúc bàn giao, dấu chứng sinh tồn, dẫn lưu, y lệnh chăm sóc đặc biệt.