Nội dung

Bệnh viêm màng bồ đào trước cấp tính  

Đại cương

Viêm màng bồ đào trước cấp tính là viêm cấp tính của mống mắt và thể mi. Bệnh khá phổ biến, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nặng và dẫn đến mù loà. 

Nguyên nhân 

Nhiễm trùng: Vi khuẩn (Tụ cầu, liên cầu, phế cầu…). Virus (Herpes, Zona, cúm…). Nấm (Candida, Aspergilus…).  Ký sinh trùng (Toxoplasma, giun, ấu trùng sán…).

Miễn dịch: Yếu tố kháng nguyên HLA. Hội chứng Behçet. Hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada…

Dị ứng: Chất nhân protein của thuỷ tinh thể. 

Nhiễm độc: Hoá chất, độc tố tác nhân nhiễm khuẩn, u ác trong nhãn cầu…

Chẩn đoán

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:  

+ Nhìn mờ: do đục các môi trường trong suốt…

+ Đau: Đau do co thắt thể mi và đầu thần kinh bị kích thích bởi độc tố. 

+ Sợ ánh sáng và chảy nước mắt: do kích thích dây V.

+ Đỏ mắt: do cương tụ rìa. 

Triệu chứng thực thể:

+ Cương tụ rìa: do ứ đọng và giãn mạch máu sâu quanh rìa, càng xa vùng rìa cương tụ càng giảm dần, có khi mầu tím sẫm. 

+ Tủa sau giác mạc: Dạng bụi.

+ Trong giai đoạn cấp của viêm màng bồ đào mãn tính có thể có hạt trên mống mắt :

  • Hạt Koeppe: nhỏ và nằm trên bờ đồng tử.
  • Hạt Busacca: lớn hơn ít gặp. Nằm trên bề mặt mống mắt, trong các đợt cấp viêm màng bồ đào mãn tính.

+ Tyndall (+): Tế bào trong tiền phòng là dấu hiệu của viêm hoạt tính.

+ Xuất tiết: do tổn thương mạch máu mống mắt, dò rỉ protein ra thuỷ dịch.

+ Mủ tiền phòng: Có thể có.

+ Dính mống mắt vào mặt trước thuỷ tinh thể.

+ Tế bào ở dịch kính trước. 

+ Nhãn áp: giai đoạn đầu nhãn áp hạ do thể mi giảm tiết thuỷ dịch. Giai đoạn cuối nhãn áp thấp vĩnh viễn do thể mi bị huỷ hoại gây teo nhãn cầu. Trong đợt viêm cấp có thể tăng nhãn áp do nghẽn đồng tử hoặc góc tiền phòng.

Cận lâm sàng:

Các khám nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh như: 

+ Siêu âm để phát hiện tình trạng vẩn đục của dịch kính do viêm màng bồ đào sau hoặc tổ chức hoá dịch kính hoặc bong võng mạc là biến chứng của viêm màng bồ đào.

+ Chụp mạch huỳnh quang đáy mắt để phát hiện tình trạng viêm mạch máu, ổ viêm hắc-võng mạc, tình trạng thiếu máu võng mạc hoặc phù võng mạc do viêm…

+ Chụp OCT đáy mắt để phát hiện tình trạng phù võng mạc, tân mạch võng mạc… do viêm.

Các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân:

+ Xét nghiệm sinh hoá.

+ Xét nghiệm huyết học.

+ Xét nghiệm miễn dịch. 

+ Chẩn đoán hình ảnh: X quang, CT scanner, chụp cộng hưởng từ…

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng.

+ Cương tụ rìa. 

+ Tủa sau giác mạc.

+ Tyndall.

+ Xuất tiết.

+ Dính mống mắt vào mặt trước thuỷ tinh thể.

Cận lâm sàng.

+ Để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm màng bồ đào trước tăng nhãn áp và glôcôm góc đóng: 

Glôcôm góc đóng: 

+ Lắng đọng mặt sau giác mạc là sắc tố mống mắt.

+ Đồng tử có thể dính, nhưng luôn tự giãn.

Viêm kết mạc cấp

+ Ra dử mắt nhiều.

+ Cương tụ nông.

+ Không ảnh hưởng đến thị lực.

 Viêm loét giác mạc:

+Có tổn thương trên giác mạc.

Điều trị

Nguyên tắc chung:

Chống viêm.

Chống dính.

Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

Điều trị cụ thể:

Thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi.

+ Dùng dung dịch Artropin 1% – 4% tra ngày 2 -3 lần, nếu đồng tử giãn được cần duy trì ngày 1 lần. 

+ Nếu đồng tử không giãn với thuốc tra, cần tiêm dưới kết mạc quanh rìa dung dịch Adrenalin 1mg + Artropin 1/4 mg, vị trí tiêm 4 điểm: 3-9-6-12 giờ nếu đồng tử dính toàn bộ. Nếu không dính toàn bộ, tiêm dưới kết mạc tương ứng với chỗ dính đồng tử. 

Dùng kháng sinh và các thuốc đặc hiệu theo nguyên nhân.

+ Kháng sinh: 

  • Dùng theo kháng sinh đồ nếu có lấy bệnh phẩm nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.
  • Dùng các kháng sinh phổ rộng (Cefalosporin thế hệ 2,3, nhóm new quinolon, nhóm Macrolid) đường uống hoặc tiêm truyền.

+ Thuốc chống virus, chống lao, chống nấm.

+ Thuốc chống viêm.

  • Corticoid là thuốc chủ lực trong điều trị viêm màng bồ đào.

Corticoid đường tra tại mắt.

▪ Là phương pháp điều trị chủ yếu của viêm màng bồ đào trước cấp. 

▪ Số lần dùng tuỳ thuộc mức độ của viêm màng bồ đào.

▪ Nên dùng liều cao từ đầu để khống chế được phản ứng viêm, sau đó giảm dần liều trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, mỗi lần giảm khoảng 50% liều khi triệu chứng lâm sàng đã cải thiện.

Tiêm cạnh nhãn cầu:

▪ Dùng điều trị bổ trợ cho các trường hợp viêm màng bồ đào trước nặng.

▪ Thường tiêm 1ml chứa 40mg Methyl-prednisolon hoặc Triamcinolon.

Đường toàn thân.

▪ Được chỉ định trong các trường hợp viêm màng bồ đào trước nặng.

▪ Có thể dùng prednisolon uống với liều khởi đầu 1mg/kg trong 1 tuần sau đó giảm liều dần hoặc dùng đường truyền tĩnh mạch Methyl prednisolon trong các trường hợp nặng.

Các thuốc chống viêm không steroid, được sử dụng trong những trường hợp chống chỉ định corticoid hoặc để giảm bớt liều corticoid, như: Indomethacin, Diclofenac… 

+ Thuốc ức chế miễn dịch.

Phối hợp với bác sĩ nội khoa, chỉ định khi không đáp ứng điều trị với corticoid hoặc chống chỉ định với corticoid.

  • Nhóm alkylating:. Chỉ dùng trong những trường hợp nặng như: hội chứng Behçet, Wegener, Cyclophosphamide với liều bắt đầu 2mg/ kg/ ngày.
  • Nhóm chống chuyển hoá: Azathioprine và Methotrexate.
  • Nhóm ức chế hoạt hoá tế bào lympho T qua tác dụng ức chế chức năng interleukin-1 và interleukin-2: Cyclosporin A liều 2,5 đến 5 mg/ kg/ ngày.

Tiến triển và biến chứng: 

Đa số các trường hợp viêm màng bồ đào trước đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng như glôcôm, đục thuỷ tinh thể, phù hoàng điểm, bong võng mạc, teo nhãn cầu…

Phòng bệnh

Hiện chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

 

Tài liệu tham khảo

Ali A, Samson CM. Seronegative spondyloarthropathies and the eye. Curr Opin Ophthalmol. Nov 2007;18(6):476-80. 

Braun J, Sieper J. Ankylosing spondylitis. Lancet. Apr 21 2007;369(9570):1379-90. 

McCannel CA, Holland GN, Helm CJ, Cornell PJ, Winston JV, Rimmer TG. Causes of uveitis in the general practice of ophthalmology. UCLA CommunityBased Uveitis Study Group. Am J Ophthalmol. Jan 1996;121(1):35-46. 

Suzuki T, Ohashi Y. Corneal endotheliitis. Semin Ophthalmol. Jul-Aug 2008;23(4):235-40. 

Jabs DA, Nussenblatt RB, Rosenbaum JT. Standardization of uveitis nomenclature for reporting clinical data. Results of the First International Workshop. Am J Ophthalmol. Sep 2005;140(3):509-16.