Nội dung

Biện chứng luận trị chứng quý

Định nghĩa.

Tâm quý là chứng hồi hộp, trống ngực; thông thường chia thành 2 loại kinh quý và chính xung.

Kinh quý là chứng rối loạn nhịp tim mà bệnh tình còn nhẹ, toàn thân tương đối tốt.

Chính xung là chứng hồi hộp trống ngực nhiều, hay giật mình lo sợ, bệnh tình nặng, tình trạng toàn thân kém.

Sách Hồng Lô điểm tuyết ghi “Quý là tim đột nhiên động không yên, kinh là tim đập mạnh và kinh sợ, chính xung là tim đập thình thịch không yên như có người muốn bắt mình”. Như vậy kinh quý là bệnh nhẹ còn chính xung là bệnh ở mức độ nặng hơn.

Nguyên nhân.

Tâm huyết hư (tâm huyết bất túc):

Đó là nguyên nhân của các bệnh mãn tính mất máu, âm huyết hư, suy nghĩ quá độ, lao lực quá độ… gây nên huyết hư. Huyết hư không dưỡng được tâm gây nên tâm quý.

Tâm thần không yên (tâm thần bất an), (kinh khủng nhiễu tâm):

Đây là các nguyên nhân nội nhân (thất tình) chủ yếu là kinh, khủng (kinh sợ). Kinh gây khí loạn, sợ thì khí xuống làm cho tâm không giữ được thần gây nên chứng tâm quý.

Âm hư hoả vượng.

Do âm hư bệnh lâu ngày gây thận thủy kém (bệnh nhiệt làm hao tổn tân dịch gây thận âm hư), thận âm hư gây mất quân bình âm dương làm cho tâm hoả vượng xuất hiện chứng hồi hộp, buồn bực, ít ngủ, váng đầu, ù tai, hoa mắt, đó là chứng tâm qúy.

Thủy ẩm, thủy khí lăng tâm:

Do dương khí yếu, thuỷ ẩm ứ đọng chèn vào tâm (thủy khí lăng tâm) tương ứng như tràn dịch màng ngoài tim gây tâm quý.

Phong thấp xâm nhập vào mạch:

Do phong thấp gây bệnh tý, bệnh tý không được chữa khỏi, phong thấp xâm nhập vào mạch làm huyết mạch bị bế tắc, huyết mạch là nguồn nuôi dưỡng tâm, khi bị tắc thì tâm không được nuôi dưỡng gây tâm qúy.

Biện chứng luận trị.

Căn cứ vào các nguyên nhân gây bệnh ở trên cho thấy tâm qúy liên quan đến khí, huyết, tâm, tỳ, thận. Trong đó tâm là tạng đóng vai trò quan trọng nhất.

Tạng tâm đứng đầu các tạng (tâm quân chi quan) có thêm tạng phụ tâm bào lạc bảo vệ bên ngoài, phụ trách hoạt động về thần chí. Tâm chủ huyết mạch, tâm khai khiếu ra lưỡi, biểu hiện ra ở mặt. Tâm là nơi cư trú của thần “tâm tàng thần”. Khi tâm huyết không đầy đủ sẽ xuất hiện các chứng như: hồi hộp, mất ngủ, hay mê, đó là tâm qúy.

Tỳ ở trung tiêu chủ vận hoá, chủ cơ nhục, thống nhiếp huyết, khai khiếu ra miệng vinh nhuận ở môi, tỳ quan hệ rất mật thiết với tâm. Trong lâm sàng hay gặp chứng tâm tỳ hư: biểu hiện các triệu chứng trống ngực hồi hộp, ngủ kém, hay mê, mệt mỏi, vô lực. Điều trị dùng phép bổ ích tâm tỳ.

Thận tàng tinh, chủ cốt tủy, phụ trách về sinh dục và phát dục của cơ thể, chủ nạp khí, chủ thủy khai khiếu ra tai, tiền âm, hậu âm, vinh nhuận ra tóc, thận giữ một vai trò quan trọng trong cơ thể là nơi góp phần điều ho à thủy hoả. Thận có thận âm, thận dương giữ cho cơ thể phát triển bình thường. Về quan hệ với tạng tâm thì tâm ở trên thuộc hỏa, thận ở dưới thuộc thủy. Tâm thận tương giao là thứ quân bình sinh lý. Nếu thận thuỷ không đầy đủ, không chế ước được tâm hoả sẽ gây nên chứng “tâm thận bất giao” gồm các triệu chứng: hồi hộp, mất ngủ, trống ngực hay quên, hoa mắt ù tai, tiểu tiện ngắn đỏ. Đó chính là triệu chứng của tâm quý.

Lâm sàng tâm qúy có 5 thể thường gặp là:

Thể tâm huyết hư:

Tâm huyết hư, tâm huyết không đủ để dưỡng tâm gây ra các triệu chứng: tim hồi hộp, nhịp không đều, đầu váng, sắc mặt không tươi nhuận, móng tay nhợt, chân tay yếu, lưỡi nhợt.

Phương pháp điều trị: ích khí, bổ huyết, dưỡng tâm, an thần.

Phương thuốc 1

Bố chính sâm (sao gừng) 20g

Củ mài (hoài sơn sao) 16g

Hạt sen (liên nhục ) sao 16g

Long nhãn 20g

Táo nhân sao đen 12g

Hà thủ ô đỏ chế 20g

Cam thảo dây 8g

Rau má (liên tiền thảo sao) 20g

Ý nghĩa: sâm, củ mài, hạt sen, long nhãn, cam thảo để ích khí, hà thủ ô, rau má để dưỡng huyết, táo nhân để an thần.

Phương thuốc 2 (qui tỳ thang):

Hoàng kỳ 20g

Đẳng sâm 20g

Cam thảo 6g

Bạch truật 20g

Mộc hương 5g

Táo nhân 12g

Long nhãn 12g

Phục thần 12g

Đương quy 12g

Viễn trí 6g

 

 

Ý nghĩa: sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo để ích khí, kiện tỳ bổ cái gốc sinh huyết (bổ khí, sinh huyết) đương quy, long nhãn để dưỡng huyết.

Phục thần, táo nhân, viễn trí để an thần, mộc hương để hành khí.

Nếu có mạch kết đại, chứng tỏ ngoài tâm huyết bất túc còn tâm dương không phấn chấn, huyết tuần hoàn không thông thoát.

Phương pháp điều trị: ích khí hoà tâm, bổ huyết, phục mạch hoặc dưỡng tâm thông mạch.

Phương thuốc 3: chích cam thảo thang (phục mạch thang).

Cam thảo chích 16g

Sinh khương 12g

Nhân sâm 8g

Sinh địa 20g

Quế chi 12g

A giao 8g

Mạch môn 16g

Đại táo 12g

 

Ý nghĩa: cam thảo, nhân sâm, đại táo để ích khí của tâm tỳ. Sinh địa, mạch môn, a giao để dưỡng tâm, bổ huyết, nhuận phế, sinh tân. Sinh khương, quế chi để thông dương phục mạch.

Thể tâm thần bất an hay còn gọi là kinh khủng nhiễu tâm:

Bệnh nhân thường hay sợ hãi tim hồi hộp trống ngực, giật mình, ngủ hay mộng, hoảng sợ, mạch hư.

Phương pháp điều trị: trấn tâm an thần.

Phương thuốc: an thần định chí hoàn.

Nhân sâm

Viễn trí

Phục linh

Xương bồ

Phục thần

Long xỉ

Ý nghĩa: sâm, long xỉ để bổ khí, trấn kinh, phục linh, phục thần, viễn trí có thêm mẫu lệ, toan táo nhân, bá tử nhân để tăng tác dụng trấn kinh an thần. “Tuệ tĩnh dùng bá tử nhân, hương nhu, toan táo nhân lượng bằng nhau, mỗi lần uống 2 đồng cân với nước sắc mạch môn để chữa chứng kinh sợ hồi hộp”.

Nếu lại có đờm nhiều, lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác thì dùng:

Phương pháp điều trị: trấn kinh ôn đởm.

Phương thuốc: ôn đởm thang.

Thổ phục linh 16g

Bán hạ sao gừng 12g

Đại táo 12g

Trần bì 12g

Tinh tre 12g

Cam thảo 8g

Can khương 4g

Chỉ thực sao 12g

 

Ý nghĩa: bán hạ dùng để giáng nghịch hoà vị, táo thấp hóa đờm. Tinh tre thanh nhiệt hoá đờm trừ phiền. Chỉ thực hành khí tiêu đờm. Trần bì để lý khí hoá thấp, phục linh để kiện tỳ trừ thấp, can khương, đại táo, cam thảo để ích khí hoà vị. Đờm hóa được thì tâm an được và bớt tim đập hồi hộp, có thêm táo nhân để giúp an thần. Nếu tâm hoả thịnh có thể thêm hoàng liên, chi tử để thanh tâm hoả.

Thể âm hư hoả vượng:

Do thận âm hư cho nên hoả vượng động gây nên triệu chứng: tim đập hồi hộp, bứt rứt không yên (ngực đầy tức) váng đầu, ù tai, thắt lưng mỏi, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: tư thuỷ chế hoả (tư âm thanh nhiệt).

Phương thuốc 1: tư âm thanh nhiệt thang.

Thiên môn sao 12g

Huyền sâm sao 12g

Thục địa 16g

Hạt sen (liên tử ) sao 12g

Mạch môn sao 12g

Thạch hộc 12g

Táo nhân sao đen 12g

Bá tử nhân sao 12g

Bố chính sâm sao 12g

Ý nghĩa: thiên môn, mạch môn, thạch hộc, thục địa, huyền sâm để tư thủy chế hoả, bố chính sâm, hạt sen, ích khí để yên tâm vị, bá tử nhân, táo nhân để ninh tâm, an thần.

Phương thuốc 2 (hoàng liên, a giao thang):

Hoàng liên 12g

A giao 8g

Hoàng cầm 12g

Kê tử hoàng 1 quả

Bạch dược 20g

 

Ý nghĩa: phương thuốc này nghiêng về dưỡng tâm, thanh hoả. Hoàng liên, hoàng cầm để thanh tâm hoả, a giao, bạch thược, kê tử hoàng để dưỡng tâm huyết có thể thêm đan sâm để giúp an thần định qúy.

Phương thuốc 3 (thiên vương bổ tâm đơn):

Sinh địa 16g

Đan sâm 20g

Bạch linh 20g

Viễn trí 20g

Quy thân 40g

Mạch môn 40g

Toan táo nhân 40g

Nhân sâm 20g

Huyền sâm 20g

Ngũ vị tử 40g

Cát cánh 20g

Thiên môn 40g

Bá tử nhân sao 40g

Chu sa (làm áo)

 

Tán bột mịn luyện mật ong làm hoàn, dùng chu sa làm áo ngoài, ngày uống 12g chia 2 lần.

Ý nghĩa: sinh địa để bổ thủy chế hoả, dưỡng huyết nhuận tân dịch, huyền sâm, thiên môn, mạch môn để thanh hư hoả, tư âm. Đương quy, đan sâm để bổ huyết, nhân sâm, bạch linh để ích khí, toan táo nhân, ngũ vị tử để liễm tâm khí an thần, bá tử nhân, viễn trí, chu sa để dưỡng tâm an thần.

Phương thuốc này dùng trong trường hợp âm hư hỏa vượng để tư âm dưỡng huyết ích khí sinh tân, dưỡng tâm an thần.

Thể thủy ẩm, thủy khí lăng tâm:

Triệu chứng: tim đập hồi hộp, chóng mặt, khát không muốn uống, nước tiểu ít.

Phương pháp điều trị: lợi thuỷ hành khí hoà trung.

Phương thuốc: phục linh cam thảo thang.

Phục linh 40g     Quế chi 20g         Sinh khương 20g       Cam thảo chích 20g

nghĩa: phục linh để kiện tỳ thẩm thấp khử đờm hóa ẩm, quế chi để ôn thông kinh mạch trợ khí hóa bàng quang, giúp lợi thủy. Cam thảo để giúp bồi thổ hoà trung. Sinh khương để giúp ôn trung hành thủy – thủy hành được không lăng tâm nữa thì hết tim đập hồi hộp.

Nếu tim đập hồi hộp, không khát, buồn nôn thì dùng phép điều trị: giáng nghịch hành thủy.

Phương thuốc: tiểu bán hạ phục linh thang.

Bán hạ 30g          Sinh khương chấp 50ml                 Phục linh 20g

Ý nghĩa: bán hạ để táo thấp hoà đờm, phục linh để kiện tỳ thẩm thấp lợi thuỷ, vừa để trừ đờm đã có, vừa để trừ đờm tận gốc, sinh khương chấp để giảm độc của bán hạ và để ôn hoá đờm ẩm lợi thủy.

Nếu thấy đập ở vùng rốn, đầu váng, mắt hoa đó là do thủy khí muốn xung lên gây nên thì dùng phép điều trị: lợi thủy trấn nghịch.

Phương thuốc: phục linh, quế chi, cam thảo, đại táo thang.

Phục linh 40g       Cam thảo 20g        Quế chi 20g         Đại táo 20g.

Ý nghĩa: phục linh để kiện tỳ thẩm thấp, khử đờm, hóa ẩm, quế chi để ôn dương hoà khí để hóa ẩm lợi thuỷ bình khí thương xung giáng nghịch. Cam thảo, đại táo để ích khí hoà trung.

Nếu thấy tim đập hồi hộp không yên, ngực đầy tức, khó thở, người lạnh, chân tay lạnh, đái khó, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch vi tế hoặc kết đại. Đó là do thủy khí xung lên, dương khí ở ngực bất túc gây nên.

Phương pháp điều trị: ôn dương hành thủy giáng nghịch.

Phương thuốc: chân vũ thang.

Phụ tử chế 12g

Bạch linh 12g

Sinh khương 12g

Bạch truật 12g

Bạch thược 12g

 

Ý nghĩa: phụ tử, sinh khương để ôn dương tán hàn, phục linh, bạch truật để kiện tỳ lợi thủy, bạch thược để liễm âm hoãn cấp, gia thêm nhục quế, trạch tả, sa tiền tử để trợ ôn dương hành thủy.

Thể phong thấp nhập vào mạch:

Đây là thể phong thấp tý mà không trừ hết tà, nên tà nhập vào tâm làm tâm bị trở tắc.

Triệu chứng: tim đập hồi hộp, thở ngắn hơi, ngực đầy hoặc đau thắt, gò má đỏ, nếu nặng thì môi, móng tay tím, ho ra máu, khạc máu, lưỡi nhợt xanh hoặc có ứ huyết, mạch tế hoặc kết đại.

Phương pháp điều trị: hoạt huyết hoá ứ, trợ dương thông mạch, trừ phong thấp.

Phương thuốc: đào nhân hồng hoa tiễn khứ sinh địa.

Đan sâm 30g

Đào nhân 10g

Hương phụ 10g

Thanh bì 10g

Xuyên khung 10g

Xích thược 20g

Hồng hoa 10g

Diên hồ sách 12g

Đương qui 12g

Ý nghĩa: đào nhân, hồng hoa, đan sâm, đương quy để hoạt huyết hoá ứ, diên hồ sách, xuyên khung, hương phụ hỗ trợ thêm tác dụng hoạt huyết, hoá ứ. Bỏ sinh địa vì không thích hợp với hoạt huyết hoá ứ, thanh bì để lý khí, hỗ trợ hoạt huyết thêm quế chi, cam thảo để thông dương ở tâm, mẫu lệ để trấn tâm an thần.

Nếu có khạc máu bỏ xuyên khung, hương phụ thêm tô tử, trầm hương, tam thất để thuận khí, chỉ huyết.

Nghiệm phương.

Chứng tâm qúy như được mô tả ở trên tương ứng với các trường hợp loạn nhịp tim của Y học hiện đại.

Trong loạn nhịp tim nói chung thì loạn nhịp ngoại tâm thu thất (NTTT) là loại hay gặp nhất và cũng là loại loạn nhịp gây nhiều biến chứng nguy hiểm cần được kịp thời phát hiện và điều trị. Tại Bệnh viện 103 trong đề tài nghiên cứu điều trị loạn nhịp tim NTTT bằng bài thuốc Y học cổ truyền, chúng tôi đã nghiên cứu trên 125 bệnh nhân NTTT ở các thể và các nguyên nhân khác nhau bằng bài thuốc TNCC (thuỷ xương bồ, ngưu tất, cây xấu hổ, củ bình vôi) với kết quả đã được nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng năm 2000 là:

Thuốc không xác định được LD50 bằng đường uống ở mức liều tối đa mà động vật thí nghiệm có thể uống được điều này chứng tỏ thuốc rất ít độc.

Thuốc không gây ảnh hưởng gì lên các cơ quan tạo máu gan, thận của động vật cũng như bệnh nhân.

Hiệu quả xóa ngoại tâm thu thất là 65,26% trong đó NTTT mức độ nhẹ đạt tỷ lệ 93,33%, mức độ trung bình là 65%, nặng là 62,5%.