Nội dung

Bộc lộ tĩnh mạch ngoại vi để truyền dịch điều trị bệnh nhân bỏng

Khái niệm

Đối với người bệnh bỏng, đặc biệt bỏng nặng, một trong những nhiệm vụ cấp thiết của người thầy thuốc là phải thiết lập được đường truyền dịch nhằm bổ sung khối lượng máu lưu hành, cũng như đưa các thuốc đường tĩnh mạch để cấp cứu & điều trị người bệnh.

Ưu tiên hàng đầu là các đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, tiếp đến là các tĩnh mạch trung tâm. Có thể đặt 2 – 3 đường truyền cùng một lúc. Tuy nhiên, trong những trường hợp khó khăn (hay gặp ở trẻ em), phải bộc lộ tĩnh mạch ngoại vi, hoặc truyền qua xương xốp, thể hang … để đưa dịch và thuốc điều trị người bệnh.

Chỉ định

Người bệnh bỏng có chỉ định truyền dịch mà không thể hoặc không có điều kiện đặt được đường truyền tĩnh mạch ngoại vi hoặc tĩnh mạch trung tâm.

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Thận trọng khi người bệnh bỏng có: phù phổi cấp, bệnh tim nặng.

Chuẩn bị

Người thực hiện: bác sỹ, điều dưỡng.

Địa điểm: buồng tiểu thủ thuật.

Phương tiện

Dịch truyền theo y lệnh, cọc truyền, bộ dây truyền, kim luồn tĩnh mạch         

Khay vô khuẩn, khay quả đậu.

Hộp tiểu phẫu.

Găng tay vô khuẩn, băng dính, băng cuộn.

Phiếu truyền dịch.

Hộp thuốc chống sốc, huyết áp kế, nhiệt kế ….

Hộp đựng vật sắc nhọn, hộp đựng rác thải, …

Người bệnh

Giải thích để người bệnh yên tâm và phối hợp với chuyên môn.

Cho người bệnh đi đại tiện, tiểu tiện trước khi truyền dịch.

Hồ sơ bệnh án 

Chuẩn bị hồ sơ bệnh án theo quy định, các xét nghiệm liên quan.

Các bước tiến hành 

Nhân viên y tế đội mũ, rửa tay, mang khẩu trang.

Giải thích, động viên người bệnh.

Kiểm tra dịch truyền, đặt quang treo vào chai dịch, sát khuẩn nút chai, pha thuốc (nếu có).

Cắm dây truyền vào chai dịch, treo chai dịch, đuổi khí qua dây, khoá lại. 

Chọn tĩnh mạch bộc lộ, thường chọn tĩnh mạch hiển ở chi dưới (hiển trong: ở trước trong mắt cá trong; tĩnh mạch hiển ngoài: trên mắt cá ngoài), tốt nhất là ở xa vùng bị bỏng.

Người bệnh được giảm đau, an thần hoặc tê tại chỗ. 

Đi găng vô khuẩn, buộc dây garo trên vùng bộc lộ 3 – 5 cm.

Sát khuẩn vùng bộc lộ từ trong ra ngoài 2 lần. Trải xăng lỗ ở vùng bộc lộ.

Nếu bộc lộ ở tĩnh mạch hiển: Rạch da ngang trên phía trước mắt cá trong hoặc ngang trên mắt cá ngoài, bộc lộ tĩnh mạch.

Thắt đầu ngoại vi tĩnh mạch bộc lộ. Mở thân tĩnh mạch phía trên chỗ thắt, luồn kim luồn tĩnh mạch, buộc cố định.

Nối kim luồn tĩnh mạch với dây truyền dịch, tháo dây garo.

Mở khoá cho dịch chảy. Khâu che phủ tĩnh mạch và phục hồi vết rạch da, cố định kim luồn và dây truyền, che vết mổ bằng gạc vô khuẩn, cố định bằng nẹp (nếu cần).

Điều chỉnh tốc độ theo y lệnh, ghi phiếu theo dõi truyền dịch. 

Theo dõi và phát hiện tai biến.

Thu dọn dụng cụ, tháo găng, rửa tay.      

Thực hiện truyền dịch theo y lệnh.

Theo dõi và xử trí tai biến

Toàn thân

Hướng dẫn người bệnh và gia đình không được tự ý thay đổi tốc độ truyền dịch.

Theo dõi tình trạng ý thức, mạch, nhiệt độ, huyết áp, hô hấp của người bệnh, phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, rét run, khó thở, …

Nếu có sốc phản vệ: Xử trí theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ (thở oxy, kháng histamin, corticoid, adrenalin,…).

Tại chỗ 

Nhiễm khuẩn: thay vị trí truyền, điều trị kháng sinh, trích rạch ổ nhiễm khuẩn…

Huyết khối tĩnh mạch, tắc mạch phổi: hiếm gặp. Điều trị bằng Heparin.

Viêm hoặc tắc tĩnh mạch: chườm ấm, thay vị trí truyền.

Chệch ven: truyền dịch ra ngoài ven. Cần dừng truyền, chuyển vị trí khác