Nội dung

Các quy định liên quan tới hành nghề điều dưỡng và chăm sóc người bệnh

Nguồn : TÀI LIỆU ĐÀO TẠO THỰC HÀNH LÂM SÀNG CHO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN MỚI – NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI – Bộ Y tế 2020

Giới thiệu

Là công dân ai cũng phải thực thi quyền và nghĩa vụ đối với xã hội, nhà nước và nhân dân. Là điều đưỡng viên, bên cạnh năng lực chuyên môn, bạn cần phải có năng lực về pháp lý và đạo đức nghề nghiệp đó là những lĩnh vực năng lực thiết yếu để đảm bảo chất lượng chăm sóc người bệnh và an toàn cho người sử dụng, người cung cấp dịch vụ y tế.

Sự hiểu biết các quy định pháp lý liên quan tới hành nghề khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh của điều dưỡng viên cần phải được chuyển hóa thành hành động thông qua việc tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật trong suốt quá trình hành nghề điều dưỡng. Để có cơ sở tiếp cận với các quy định pháp lý liên quan tới hành nghề điều dưỡng bạn cần phân biệt được các khái niệm dưới đây:

Tuân thủ pháp luật là không thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm 

Thi hành pháp luật là thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định

Sử dụng pháp luật là thực hiện các quyền của mình do pháp luật quy định

Áp dụng pháp luật là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Nội dung bài này sẽ tập trung vào việc trình bày các vấn đề liên quan tới nguyên tắc hành nghề, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và nghĩa vụ của người bệnh, các quy định về cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn của diều dưỡng viên trong chăm sóc người bệnh.

Quy định chung về hành nghề

Nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh

Điều 3. Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định

Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.

Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.

Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật

Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.

Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.

Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.

Các hành vi bị cấm

Điều 6. Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định

Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh

Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sĩ đông y, y sĩ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.

Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh.

Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh.

Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.

Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh.

Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.

Gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề.

Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc.

Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Các quyền của người bệnh

Điều 7 đến Điều 13 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định 7 quyền của người bệnh bao gồm:

Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế.

Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư

Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh

Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh

Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

Nghĩa vụ của người bệnh

Điều 14 đến Điều 16 trong Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2019/QH12 quy định nghĩa vụ của người bệnh như sau: 

Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề: Tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác.

Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh: (1)Cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (2) Chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề; (3) Chấp hành và yêu cầu người nhà của mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Người bệnh có trách nhiệm chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật

Quyền của người hành nghề

Điều 31 đến Điều 35. Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định 5 quyền của người hành nghề như sau:

Quyền được hành nghề: (1) Được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn; Được quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; (2) Được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (3) Được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh: (1) Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; (2) Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn: (1) Được đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với trình độ chuyên môn hành nghề; (2) Được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về y tế.

Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh: (1) Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến; (2) Được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.

Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề: (1) Được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp; (2) Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể; (3) Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Nghĩa vụ của người hành nghề

Điều 36 đến Điều 40. Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định 5 nghĩa vụ của người hành nghề như sau:

Nghĩa vụ đối với người bệnh: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; (2) Tôn trọng các quyền của người bệnh; (3) Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định; (4) Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình; (5) Chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định.

Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp: (1) Thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; (2) Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình; (3) Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; (4) Tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; (5) Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án; (6) Thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh, đồng nghiệp; (7) Không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi.

Nghĩa vụ đối với đồng nghiệp: (1) Hợp tác và tôn trọng đồng nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh; (2) Bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.

Nghĩa vụ đối với xã hội: (1) Tham gia bảo vệ và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; (2) Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác; (3) Chấp hành quyết định điều động của cơ quan quản lý trực tiếp; (4) Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

Nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp: Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh

Theo quy định tại Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định đã có một trong các hành vi sau đây:

Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; 

Xâm phạm quyền của người bệnh.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 xác định người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định:

Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;

Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.

Trách nhiệm của người hành nghề khi xảy ra tai biến

Điều 76 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến như sau:

Doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho người bệnh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác

Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng người hành nghề không sai sót chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.

Đăng ký hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn

Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với điều dưỡng viên

Điều 5 Nghị Định số 109/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam áp dụng cho điều dưỡng quy định như sau:

Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn điều dưỡng 

Giấy xác nhận quá trình thực hành

Giấy chứng nhận đủ sức khỏe 

Phiếu lý lịch tư pháp.

Sơ yếu lý lịch tự thuật

Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm

Ghi chú: Các hồ sơ nói trên phải theo mẫu quy định kèm theo NĐ số 109/NĐ-CP.

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp

Điều 33. Nghị Định số 109/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp quy định như sau:

Cơ sở vật chất:

Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình; 

Phòng tiêm (chích), thay băng phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

Có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

Thiết bị y tế:

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà

cơ sở đã đăng ký;

Có hộp thuốc chống sốc.

Nhân sự:

Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề;

Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh về tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp ít nhất là 45 tháng.

Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà

Điều 34. Nghị Định số 109/NĐ-CP quy định Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà như sau:

Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thiết bị y tế:

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở dịch vụ đăng ký.

Nhân sự:

Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng.

Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng

Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, theo đó phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng quy định như sau:

Điều dưỡng hạng II

Nhiệm vụ

Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế

Khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh;

Nhận định tình trạng sức khỏe người bệnh và ra chỉ định chăm sóc, theo dõi phù hợp với người bệnh;

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá diễn biến hằng ngày của người bệnh; phát hiện, phối hợp với bác sĩ điều trị xử trí kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh;

Tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh;

Tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh;

Phối hợp với bác sĩ đưa ra chỉ định về phục hồi chức năng và dinh dưỡng cho người bệnh một cách phù hợp;

Tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh; 

Tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá việc ghi chép hồ sơ theo quy định;  

Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh.

Sơ cứu, cấp cứu

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu;

Đưa ra chỉ định về chăm sóc; thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu và một số kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu chuyên khoa;

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe

Lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh;

Tham gia xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và thực hiện truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe;

Tổ chức đánh giá công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Tổ chức thực hiện truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng;

Tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia;

Nhận định và chẩn đoán chăm sóc, can thiệp điều dưỡng tại nhà: tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng.

Bảo vệ và thực hiện quyền của người bệnh

Thực hiện quyền của người bệnh, biện hộ quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật;

Tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị

Thực hiện phân cấp chăm sóc người bệnh;

Phối hợp với bác sĩ điều trị tổ chức thực hiện công tác chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện;

Hỗ trợ, giám sát và chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với việc thực hiện nhiệm vụ của điều dưỡng cấp thấp hơn;

Tổ chức, thực hiện quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.

Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp

Tổ chức đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng;

Tổ chức, thực hiện nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh; áp dụng cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh;

Cập nhật, đánh giá và áp dụng bằng chứng trong thực hành chăm sóc;

Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo liên tục và đào tạo chuyên khoa đối với viên chức điều dưỡng.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tốt nghiệp chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ chuyên ngành điều dưỡng;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng II.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Hiểu biết về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, đưa ra chẩn đoán chăm sóc, phân cấp chăm sóc, chỉ định chăm sóc và thực hiện can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng;

Thực hiện thành thạo kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng hiệu quả khi có tình huống cấp cứu, dịch bệnh và thảm họa;

Có khả năng tư vấn, giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng;

Có kỹ năng tổ chức đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề nghiệp điều dưỡng;

Chủ nhiệm hoặc thư ký hoặc tham gia chính (50% thời gian trở lên) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên hoặc sáng kiến/phát minh khoa học/sáng kiến cải tiến kỹ thuật chuyên ngành đã được nghiệm thu đạt;

Viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III lên chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm, trong đó có thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III tối thiểu là 02 năm.

Điều dưỡng hạng III

Nhiệm vụ

Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế

Khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh;

Theo dõi, phát hiện, ra quyết định, xử trí về chăm sóc và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh cho bác sĩ điều trị;

Thực hiện và kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh;

Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, kỹ thuật điều dưỡng chuyên sâu, phức tạp, kỹ thuật phục hồi chức năng đối với người bệnh;

Nhận định nhu cầu dinh dưỡng, thực hiện và kiểm tra đánh giá việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh;

Thực hiện và tham gia việc ghi chép hồ sơ theo quy định;

Tham gia xây dựng và thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh.

Sơ cứu, cấp cứu

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu;

Thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu, xử trí trong những tình huống khẩn cấp như: sốc phản vệ, cấp cứu người bệnh ngừng tim, ngừng thở và một số kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu chuyên khoa;

Tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe

Đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe đối với người bệnh; 

Hướng dẫn người bệnh về chăm sóc và phòng bệnh;

Tham gia xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và thực hiện truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe;

Đánh giá công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe. d) Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng;

Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng tại nhà: tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng.

Bảo vệ và thực hiện quyền người bệnh

Thực hiện quyền của người bệnh, biện hộ quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh. e) Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị

Phối hợp với bác sĩ điều trị phân cấp chăm sóc và tổ chức thực hiện chăm sóc người bệnh;

Phối hợp với bác sĩ điều trị chuẩn bị và hỗ trợ cho người bệnh chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện;

Hỗ trợ, giám sát và chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với việc thực hiện nhiệm vụ của điều dưỡng cấp thấp hơn;

Thực hiện quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.

Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp

Đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng;

Thực hiện nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh và áp dụng cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh;

Tham gia xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo liên tục đối với viên chức điều dưỡng.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành điều dưỡng;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Hiểu biết về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, sử dụng quy trình điều dưỡng làm cơ sở để lập kế hoạch chăm sóc và thực hiện can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng;

Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu và đáp ứng hiệu quả khi có tình huống cấp cứu, dịch bệnh và thảm họa;

Có kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng;

Có kỹ năng đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề nghiệp;

Viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV lên chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV tối thiểu là 02 năm đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp điều dưỡng cao đẳng hoặc 03 năm đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp điều dưỡng trung cấp.

Điều dưỡng hạng IV

Nhiệm vụ

Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế:

Khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh;

Theo dõi, đánh giá diễn biến hằng ngày của người bệnh; phát hiện, báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh;

Tham gia chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh;

Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản cho người bệnh theo chỉ định và sự phân công;

Nhận định nhu cầu dinh dưỡng, tiết chế và thực hiện chỉ định chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh;

Ghi chép hồ sơ điều dưỡng theo quy định.

Sơ cứu, cấp cứu:

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu;

Thực hiện, tham gia thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu; 

Tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe:

Đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe đối với người bệnh; 

Hướng dẫn người bệnh về chăm sóc và phòng bệnh;

Thực hiện, tham gia thực hiện truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Tham gia truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng; 

Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện dịch vụ chăm sóc tại nhà: tiêm, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng, tắm gội, thay băng theo chỉ định.

Bảo vệ và thực hiện quyền người bệnh:

Thực hiện quyền của người bệnh, tham gia biện hộ quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị:

Tham gia phân cấp chăm sóc người bệnh;

Chuẩn bị và hỗ trợ người bệnh chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện;

Quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.

Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp:

Hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng trong phạm vi được phân công;

Tham gia, thực hiện và áp dụng sáng kiến, cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành điều dưỡng. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hộ sinh hoặc y sĩ thì phải có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành điều dưỡng theo quy định của Bộ Y tế;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Hiểu biết về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, sử dụng quy trình điều dưỡng làm cơ sở để lập kế hoạch chăm sóc và thực hiện các can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng;

Thực hiện được kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu;

Có kỹ năng giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

Quốc hội (2009). Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.

Chính phủ (2016). Nghị Định số 109/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016

Bộ Y tế & Bộ Nội vụ (2015). Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.