Đặc điểm chung.
Tỉ lệ mắc các rối loạn hoang tưởng nói chung là 0,03% dân số và chiếm khoảng 1 – 2% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú trong các bệnh viện tâm thần, khởi phát bệnh thường ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, tỉ lệ mắc bệnh trong cuộc đời là 0,05 – 0,1%.
Các yếu tố văn hoá, tôn giáo và giới tính của bệnh nhân cần được chú ý khi xem xét và đánh giá các rối loạn hoang tưởng. Một số nền văn hoá có niềm tin đặc biệt được coi là hoang tưởng ở các nền văn hoá khác. Rối loạn hoang tưởng nói chung không có sự khác biệt về giới tính, nhưng hoang tưởng ghen tuông thường gặp ở nam hơn ở nữ giới.
Rối loạn hoang tưởng có thể có liên quan với các vấn đề về xã hội, hôn nhân và nơi làm việc, thường bệnh nhân biện luận và giải thích tương đối phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, thí dụ như: hoang tưởng gán ý, các sự kiện chỉ bình thường nhưng bệnh nhân gán cho một ý nghĩa đặc biệt. Một số bệnh nhân khác, rối loạn hoang tưởng biểu hiện bằng khí sắc bị kích thích hoặc bị hành hạ hoặc ghen tuông thường nổi khùng và có hành vi bạo lực hoặc kiện cáo. Các giai đoạn trầm cảm chủ yếu hoặc trầm cảm nhẹ thường thấy ở bệnh nhân rối loạn hoang tưởng. Rối loạn hoang tưởng còn có thể phối hợp với các rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn cảm giác bản thể và rối loạn nhân cách thể paranoid hoặc khép kín.
Rối loạn hoang tưởng thường gặp với tỉ lệ cao hơn ở những người họ hàng của những bệnh nhân TTPL. Một số nghiên cứu cho rằng rối loạn nhân cách thể khép kín hoặc thể paranoid có thể thấy ở những người có quan hệ huyết thống mức độ I của bệnh nhân rối loạn hoang tưởng. Rối loạn hoang tưởng nhìn chung khởi phát ở những người cao tuổi, tiến triển mạn tính, khả năng lao động thường không bị giảm sút. Trong một số trường hợp, giai đoạn ổn định có thể lâu dài. Cũng có trường hợp tái phát ngay sau đó.
Các thể lâm sàng.
Rối loạn hoang tưởng thể được yêu:
Hoang tưởng được yêu là hoang tưởng xây dựng trên cơ sở có một người khác yêu mình. Bệnh nhân cho rằng đó là một tình yêu lãng mạn, lí tưởng, có thiên hướng về tinh thần hơn là tiếp xúc tình dục và tin rằng thường người đó có vị trí cao hơn bệnh nhân và hoàn toàn xa lạ như: những người nổi tiếng hoặc các vĩ nhân. Bệnh nhân tìm mọi cách, cố gắng tiếp xúc với người trong hoang tưởng như: gọi điện, viết thư, tặng quà hoặc đến thăm. Tỉ lệ hoang tưởng được yêu trong lâm sàng cả 2 giới tương đương nhau.
Rối loạn hoang tưởng thể tự cao:
Hoang tưởng tự cao là thể hoang tưởng được xây dựng trên một niềm tin có khả năng to lớn nhưng chưa được biết đến hoặc tiềm năng lớn chưa được khám phá, hiếm hơn người bệnh có những hoang tưởng có một mối liên quan đặc biệt với các bậc vĩ nhân như: một cố vấn của tổng thống chẳng hạn, thậm chí còn cho rằng mình là một nhân vật vĩ đại. Hoang tưởng tự cao còn có thể có nội dung tôn giáo như: bệnh nhân tin rằng mình có một thông điệp của thượng đế.
Rối loạn hoang tưởng thể ghen tuông:
Hoang tưởng ghen tuông là thể hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở cho rằng vợ hoặc chồng hoặc người yêu của mình không chung thủy, nhưng niềm tin này không có cơ sở thực tế và suy diễn trên cơ sở sai lầm của các bằng chứng mà bệnh nhân cho là rõ rệt, được chọn lọc theo phán quyết của hoang tưởng. Bệnh nhân có hoang tưởng ghen tuông thường hành hạ vợ hoặc chồng hoặc người yêu và cố gặng hỏi theo khía cạnh phản bội của đối tượng.
Rối loạn hoang tưởng thể bị hại:
Hoang tưởng bị hại là thể hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở cho rằng một số người có mưu đồ chống lại mình như: theo dõi, lừa đảo, làm gián điệp, đầu độc hoặc gây lạm dụng ma tuý. Một thiếu sót nhỏ có thể được phóng đại và trở thành trung tâm của hoang tưởng. Những hoang tưởng bị hại có thể trở thành những xung động lặp đi lặp lại để thoả mãn cho chính bản thân bệnh nhân. Bệnh nhân có hoang tưởng bị hại dễ bị phật ý và có thể sử dụng bạo lực đối với những đối tượng mà họ cho rằng đang chống lại mình.
Rối loạn hoang tưởng dạng cơ thể:
Hoang tưởng dạng cơ thể là hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở các rối loạn chức năng hoặc rối loạn bản thể. Hoang tưởng này có thể rất khác nhau, thường gặp nhất là bệnh nhân tin rằng mình nhận thấy mùi khó chịu ở da, miệng, trực tràng hoặc âm đạo hoặc bị nhiễm các bệnh do côn trùng ở da hoặc bị hỏng một cơ quan nội tạng nào đó hoặc một phần cơ thể cảm thấy không bình thường hoặc dị dạng, bất chấp các bằng chứng rõ rệt hoặc tin rằng có một phần cơ thể hoặc các nội tạng không hoạt động.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv – tr.
Hoang tưởng không kì quái (nghĩa là có liên quan đến tình huống có thật trong cuộc sống như: bị theo rõi, bị đầu độc, bị nhiễm khuẩn, được yêu từ xa, bị vợ, chồng hoặc người tình lừa dối, bị bệnh) kéo dài ít nhất 1 tháng.
Tiêu chuẩn A cho TTPL không bao giờ được thoả mãn. Lưu ý: thường ảo xúc giác hoặc ảo khứu giác có thể xuất hiện, nếu có thì liên quan đến chủ đề của hoang tưởng.
Ngoài tác động của hoang tưởng và hậu quả của nó, các chức năng tâm lí- xã hội không bị rối loạn, hành vi không mang tính lạ lùng hoặc kì dị rõ rệt.
Nếu có rối loạn cảm xúc xuất hiện đồng thời với hoang tưởng thì thời gian xuất hiện cảm xúc phải ngắn hơn thời gian của toàn bộ hoang tưởng.
Rối loạn hoang tưởng không phải là hậu quả trực tiếp của một chất hoặc một bệnh cơ thể gây ra.
Lưu ý: Theo ICD-10, để chẩn đoán rối loạn hoang tưởng dai dẳng (F22.0), các hoang tưởng phải kéo dài ít nhất 3 tháng.
Chẩn đoán phân biệt.
Sảng, mất trí hoặc rối loạn tâm thần do một bệnh cơ thể có biểu hiện giống rối loạn hoang tưởng như: hoang tưởng bị hại đơn thuần trong giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer cần được chẩn đoán là Alzheimer có hoang tưởng.
Loạn thần do nghiện chất như: amphetamin hoặc cocain có thể bị nhầm với rối loạn hoang tưởng, chỉ phân biệt được nhờ mối liên quan đến chất gây loạn thần với triệu chứng khởi phát và thoái lui của rối loạn hoang tưởng.
Rối loạn hoang tưởng phân biệt với TTPL hoặc rối loạn dạng phân liệt có các triệu chứng đặc trưng cho pha hoạt động của TTPL như: ảo thanh hoặc ảo thị rõ rệt, hoang tưởng kì quái, ngôn ngữ thanh xuân, hành vi căng trương lực và các triệu chứng âm tính. Rối loạn hoang tưởng ít khi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động nghề nghiệp và xã hội.
Rối loạn hoang tưởng thường phối hợp với rối loạn cảm xúc rất khó phân biệt với nhau. Chúng có chung các triệu chứng hoang tưởng không kì quái và không có ảo giác rõ rệt, nhưng giữa rối loạn cảm xúc và rối loạn hoang tưởng có sự khác nhau căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn cảm xúc hay hoang tưởng.
Rối loạn hoang tưởng nghi bệnh khó phân biệt với ám ảnh nghi bệnh (nhận thức về bệnh giảm). Trong ám ảnh nghi bệnh liên quan với một bệnh nghiêm trọng (chấp nhận bệnh không được biểu hiện), nhưng cường độ không mạnh bằng rối loạn hoang tưởng nghi bệnh. Rối loạn hoang tưởng cũng khó phân biệt với rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Bệnh nhân có rối loạn ám ảnh cưỡng bức có khả năng nhận ra các ám ảnh cưỡng bức là quá mức và không hợp lí. Ở một số bệnh nhân mất cảm giác phân tích, do đó ám ảnh cưỡng bức có thể đạt tới mức của hoang tưởng.
Điều trị.
Rối loạn hoang tưởng là một bệnh khó điều trị. Mục đích điều trị để xác định chẩn đoán và quyết định các biện pháp thay đổi điều kiện sống.
Liệu pháp hoá dược:
Rối loạn hoang tưởng điều trị ngoại trú là chủ yếu, nhưng điều trị nội trú cho một số trường hợp sau:
Bệnh nhân cần khám toàn thân, đặc biệt là khám thần kinh để tìm nguyên nhân của rối loạn hoang tưởng.
Bệnh nhân kích động, có hành vi bạo lực, tự sát, giết người do hoang tưởng chi phối.
Bệnh nhân có hành vi gây rối loạn trong gia đình và nơi công tác do các hoang tưởng chi phối.
Liệu pháp tâm lí:
Liệu pháp tâm lí nhằm xác lập niềm tin hợp lí cho bệnh nhân. Liệu pháp tâm lí cá nhân, liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi và liệu pháp tâm lí gia đình có kết quả tốt hơn liệu pháp tâm lí nhóm.