Nội dung

Chẩn đoán x quang lao phổi

Đại cương.

Phân chia các thể lao phổi:

Có 10 thể lao phổi chính sau đây có thể thấy được trên phim chụp X quang quy ước:

Lao sơ nhiễm (primary tuberculosis).

Lao hạch khí-phế quản.

Lao kê cấp tính (milliar tuberculosis).

Lao tản mạn đường máu bán cấp và mãn tính.

Lao huyệt.

Lao thâm nhiễm (infiltrate tuberculosis).

Phế viêm lao thượng thuỳ phổi phải (tuberculosis pneumonia).

Phế mạc viêm lao.

Lao xơ hang mãn tính.

Lao xơ ngạnh kết.

Các giai đoạn tiến triển của lao phổi:

Giai đoạn thâm nhiễm: là giai đoạn ổ lao trong tình trạng viêm xuất tiết trước khi ổ tổn thương đi đến nhuyễn hoá.

Giai đoạn phá huỷ lan tràn: ổ lao tiến tới bã đậu hoá và phá huỷ thành hang. Các nốt thâm nhiễm có xu thế lan tràn theo chiều hướng gia tăng.

Giai đoạn hấp thu: khi sức đề kháng của cơ thể đã hơn hẳn sự tấn công của bệnh. Quá trình viêm xuất tiết giảm, bệnh trong thời kỳ thoái lui. Kích thước ổ thâm nhiễm thu nhỏ dần.

Giai đoạn liền sẹo xơ hoá, vôi hoá: tổn thương được giới hạn rõ, có nhiều ổ vôi hoá và nhiều dải mờ xơ hoá gây co kéo.

Trên thực tế, các giai đoạn trên đây của lao phổi có thể phối hợp xen kẽ lẫn nhau trên cùng một bệnh nhân. Hiện tượng xơ hoá có thể đã xuất hiện ngay ở giai đoạn thâm nhiễm cũng như trong giai đoạn hấp thu.

Phân vùng tổn thương:

Vùng đỉnh và dưới đòn: từ cung trước sườn 2 trở lên đỉnh.

Vùng rốn: từ cung trước sườn 4 trở lên đến cung trước sườn 2.

Vùng nền: từ cung trước sườn 4 trở xuống đến vòm hoành.

Hình 1:Phân chia vùng phổi

T

Hình 2: Định khu phân thùy phổi

Hệ số biểu diễn  tổn thương lao:

Hệ số biểu diễn tổn thương lao là một phân số, trong đó:

Tử số là các vùng tổn thương ở phổi phải.

Mẫu số là các vùng tổn thương ở phổi trái.

Các phần có hang thêm C.

Số 1: là tổn thương ở vùng đỉnh.

Số 2: là tổn thương ở vùng rốn.

 Số 3: là tổn thương ở vùng nền.

Ví dụ: 1C + 2C + 3

              1C + 2

Đặc điểm các thể lao phổi.

Lao sơ nhiễm:

Là tổn thương biểu thị sự xâm nhập của vi khuẩn lao lần đầu tiên vào cơ thể. Lao sơ nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi có thể gặp ở người lớn.

Giải phẫu bệnh:

Vi khuẩn lao xâm nhập từ đường phế quản vào phế nang tạo nên một ổ viêm chung quanh có viêm bạch mạch lao (được gọi là ổ sơ nhiễm). Viêm bạch mạch phát triển vào các hạch rốn phổi tạo nên phức bộ sơ nhiễm. Phức bộ sơ nhiễm bao gồm: ổ sơ nhiễm, viêm bạch mạch, viêm hạch rốn phổi. ổ sơ nhiễm thường ở sát phế mạc và vùng giữa phế trường, 60% ở bên phải, 40% ở bên trái, hiếm khi ở vùng đỉnh, ít khi có nhiều ổ sơ nhiễm, thường chỉ có một ổ.

Hình ảnh x quang:

Lao sơ nhiễm có 3 đặc điểm sau đây tạo nên một phức bộ sơ nhiễm (primary complex):

ổ  sơ nhiễm:

ổ sơ nhiễm có hình nốt mờ lẻ loi, cản quang kém, thường nằm ở ngoại vi rốn phổi. Có khi ổ sơ nhiễm quá nhỏ hoặc chồng lên tim hoặc rốn phổi nên hình ảnh lao sẽ không thấy được trên phim chụp X quang.

Sưng hạch rốn phổi:

Tương ứng với bên phổi có ổ sơ nhiễm, rốn phổi rộng ra, lồi hình cung hoặc đa cung. Phát hiện hạch rốn phổi sưng ở trẻ nhỏ rất khó vì bị tuyến ức còn tồn tại che lấp, cần chụp phim nghiêng nếu nghi ngờ.

ổ sơ nhiễm và hạch rốn phổi sưng tạo nên hai cực của phức bộ sơ nhiễm nên người ta hình dung như một hình tạ. Một giải mờ nhỏ nối hai cực này là do đường bạch mạch viêm tạo nên.

Đường bạch mạch viêm:

Hình ảnh này ít khi thấy được trên phim.

Phức bộ sơ nhiễm trên đây ít khi xuất hiện đầy đủ trên cùng một bệnh nhân.

Tiến triển của bệnh:

Lao sơ nhiễm có thể khỏi hoàn toàn: hầu hết các trường hợp lao sơ nhiễm đều tiến tới khỏi hoàn toàn, tổn thương không để lại vết tích trên phim X quang.

Đóng vôi: ổ sơ nhiễm và hạch rốn phổi có thể để lại di chứng trên phim là những nốt mờ cản quang đậm dạng vôi hoá, nằm đơn độc ở nhu mô hoặc vùng hạch rốn phổi, thường thấy trên phim chụp phổi ở những năm sau của bệnh và tồn tại vĩnh viễn.

Hậu lao sơ nhiễm: Nếu bệnh nhân không được điều trị khỏi sẽ tiến tới những diễn biến lao hậu sơ nhiễm như lao hạch khí-phế quản, lan truyền theo đường máu dẫn đến lao các cơ quan khác.

ở một số bệnh nhân có thể thấy kèm theo hình sơ nhiễm là một vùng mờ rộng ở phế trường. Vùng mờ này là vùng xẹp phổi do các nguyên nhân sau đây tạo nên: Hạch rốn phổi sưng to chèn ép khí quản, hẹp phế quản do các củ lao trong niêm mạc phế quản; hạch bã đậu hoá vỡ vào lòng phế quản.

Có thể gặp lao sơ nhiễm ở người lớn nhưng rất hiếm, hình ảnh X quang giống như  lao sơ nhiễm ở trẻ em.

Lao các hạch khí-phế quản:

Tổn thương lao sơ nhiễm ở trẻ em có thể lan truyền trực tiếp theo đường bạch mạch hoặc đường máu vào hạch rốn phổi lao gây lao hạch. Hay gặp nhất là sự lan truyền theo bạch mạch vào chuỗi hạch khí-phế quản, nếu tiến triển xấu sẽ chuyển thành lao hạch rốn phổi. Vì thế lao hạch rốn phổi thường gặp ở người trẻ.

Hình: lao sơ nhiễm trẻ em và hạc rốn phổi

Vị trí các hạch rốn phổi:

Hạch rốn phổi chia thành các chuỗi như sau:

Hạch cạnh khí quản.

Hạch giữa khí-phế quản trái.

Hạch rốn phổi.

Hạch to làm rộng bờ trung thất, hoặc lồi ra khỏi bờ ngoài tim tạo nên một vùng tròn hình cung thuần nhất. Có khi có phản ứng viêm xung quanh một hạch sưng gọi là viêm rốn phổi (Hilite).

Hạch sưng to có thể thấy ở các vị trí sau:

Đám hạch cạnh khí quản nằm ở tầng trên của trung thất (trên quai động mạch chủ). Hạch lao thường xuất hiện ở một bên. Nếu ở bên phải, nó sẽ làm rộng trung thất, lồi ra ngoài tĩnh mạch chủ trên, dọc bờ khí quản, hình mờ thuần nhất, có hình nhiều vòng (polycyclic), nằm im không đập, hình hạch không kéo dài quá cao lên cổ. Nếu ở bên trái, nó sẽ đẩy khí quản sang phải, làm rộng và đẩy vòng cung động mạch chủ.

Đám hạch rốn phổi làm rốn phổi rộng ra và đậm, bờ trong giới hạn về phía tim bởi một đường cong vòng, bờ ngoài chồng lên các nhánh huyết quản nên bờ không rõ lắm.

Đám hạch chỗ khí quản phân chia: chỉ thấy rõ trên phim chụp nghiêng hoặc chụp cắt lớp. Trên phim chụp nghiêng có ba khối hạch: phía trước, phía sau và phía trên khí quản.

Chẩn đoán phân biệt hạch rốn phổi sưng to với:

Động mạch phổi giãn: có hình “vòi voi” bên rốn phổi phải, chiếu X quang thấy đập, kèm theo bóng thất phải to.

Bóng trung thất bè to do tư thế chụp nằm ngửa.

K phế quản thể trung tâm (ung thư rốn phổi): Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, ở người lớn tuổi, nếu rốn phổi một bên phì đại thì trước hết cần nghĩ đến K phế quản thể trung tâm; còn ở trẻ nhỏ cần nghĩ đến lao hạch rốn phổi.

Tuyến ức to: làm to đều hai bờ phải và trái của trung thất hoặc chỉ lồi sang bờ phải kiểu hình “cánh buồm”, còn hạch rốn phổi có hình đa cung hoặc  hình tròn.

Bờ của quai động mạch chủ do xơ vữa: gặp ở  người lớn tuổi.

Những tổn thương lao hậu sơ nhiễm:

Từ ổ sơ nhiễm, trực khuẩn lao có thể lan truyền theo đường máu dẫn đến các thể lao sau:

Lao kê cấp tính.

Lao kê bán cấp và mãn tính.

Lao tản mạn.

Đặc điểm của các thể lao này là đều lan truyền theo đường máu nên phân bố của nốt lao ở cả hai phế trường. Số lượng các nốt lao tập trung chủ yếu ở vùng đỉnh và thưa dần ở nền.

Lao kê cấp tính:

Vi khuẩn lao lan truyền từ ổ lao sơ nhiễm hoặc từ lao hạch qua đường máu, đường bạch mạch và đường phế quản, thường gặp ở trẻ em. Lâm sàng của lao kê cấp tính có sốt cao, tím tái, khó thở, lách to; phản ứng Mantoux (+); tổn thương lao ở phổi và nhiều cơ quan khác. Đặc biệt, thể viêm màng não có triệu chứng nhức đầu, nôn vọt, dấu hiệu cứng gáy, kernig dương tính…

Diễn biến của lao kê cấp tính trong vòng hai đến ba tuần. Khi các ổ kê tụ lại thành nốt to hơn sẽ chuyển thành lao kê bán cấp hoặc mãn tính. Nếu điều trị tốt thì các nốt kê biến mất hoặc bị vôi hoá.

Hình ảnh X quang: ở cả hai phế trường có những nốt mờ nhỏ như hạt kê, đường kính khoảng 1 đến 5mm, phân bố khá đều, mỗi nốt cách nhau 1 đến 2mm. Chiếu X quang có thể không thấy các nốt, chỉ thấy hai phế trường mờ đi nên dễ bị bỏ qua. Các nốt kê thường tập trung nhiều ở đỉnh phổi, thưa dần và nhỏ dần ở đáy phổi.

Phân biệt chẩn đoán:

Bụi phổi: đỉnh phổi thường vẫn sáng, các nốt tập trung nhiều ở giữa phế trường, kích thước to hơn lao kê, ít cân đối như trong lao kê.

Phù phổi và xung huyết phổi trong bệnh tim: nốt mờ thường tập trung ở rốn và nền, các nốt to hơn và lan toả theo rốn phổi, có dấu hiệu tim bệnh lý.

Di bào ung thư phổi thể kê: các nốt to hơn có kích thước từ 1cm đến 2cm đường kính, phân bố hai phế trường, đặc biệt là phát triển từ nền phổi lên, ít thấy ở đỉnh phổi.

Bệnh thoái hoá hạt (Sarcoidose) của Besnier-Boeck-Schaumann, thường các nốt tập trung quanh rốn phổi, có hạch phổi hai bên sưng to; triệu chứng lâm sàng thường nghèo nàn; ít khi có chèn ép khí-phế quản.

Lao lan tràn đường máu bán cấp và mãn tính:

Đại cương:

Thời gian tiến triển từ  2 đến 6 tháng gọi là bán cấp.

Thời gian tiến triển từ  6 tháng đến 2 năm gọi là mãn tính.

Thương tổn lao có thể thấy ở cả xương, khớp, tiết niệu, màng não…

Các nốt mờ to hơn nhưng ít hơn so với lao kê cấp tính và phân bố không đều, đường kính nốt mờ từ 1 đến 3cm .

Diễn biến :

Các nốt lao có thể bị vôi hoá hoặc thành sẹo. Có thể nhiều nốt tụ lại thành đám thâm nhiễm rộng hơn và phá huỷ thành hang. Hang này có đặc điểm thành mỏng, không có thâm nhiễm xung quanh. Lao tản mạn đường máu khi có phối hợp lan truyền theo đường phế quản thì các nốt mờ trở nên không cân đối, phân bố dọc hai bên đường đi của phế quản.

Lao huyệt:

Lao huyệt còn gọi là lao khu trú; thường tập trung ở phân thuỳ đỉnh, giới hạn phía trên cung trước sườn 2, đường kính mỗi huyệt dưới 15mm, thường ở một bên phổi.

Lâm sàng: Triệu chứng không rõ ràng; BK hiếm khi dương tính; tốc độ máu lắng bình thường; không sốt hoặc sốt nhẹ; ít có rối loạn chức phận nên thường phát hiện chỉ là tình cờ và muộn, khi lao huyệt đã có vỏ bọc tiến triển.

Tiến triển của lao huyệt:

Chuyển từ ổ lao thâm nhiễm phá huỷ thành hang.

Huyệt lao khu trú một thời gian.

Lan tràn ra cả hai phổi.

Hình ảnh X quang:

Lao huyệt khu trú ở đỉnh, tròn hoặc bầu dục, đường kính dưới 15mm, có hai loại:

Huyệt lao mềm: chưa có vỏ bọc, nền mờ, giới hạn không rõ.

Huyệt lao cứng: giới hạn rõ vì có vỏ bọc, thường ổn định thời gian dài, tiên lượng tốt.

Lao thâm nhiễm:

Đại cương:

Lao thâm nhiễm là thể lao hay gặp nhất; tổn thương lao có dạng một đám mờ rộng cản quang không thuần nhất, đường kính ổ tổn thương trên 20mm, giới hạn rõ hoặc không rõ. Đám thâm nhiễm có thể chiếm cả thuỳ hoặc một phân thuỳ phổi.  Diễn biến của lao thâm nhiễm có thể theo các dạng sau đây:            

Lao thâm nhiêm có thể khỏi hoàn toàn.

Lao thâm nhiễm có vỏ bọc (u lao).

Lao thâm nhiễm nhuyễn hoá, phá huỷ thành hang, lan tràn.

ổ thâm nhiễm tiến tới xơ hoá.

Biểu hiện ở các thể:

Phế viêm lao thượng thuỳ phổi bên phải:

Hay gặp bên phải hơn bên trái (90 – 95% bên phải, 5 – 10% bên trái). Dạng tổn thương này thường xảy ra trên một cơ thể có sức đề kháng với lao kém, dấu hiệu lâm sàng của nhiễm độc lao rõ.

Hình ảnh X quang: đám mờ nhạt ở đỉnh chiếm cả một thuỳ, giới hạn dưới của đám mờ là một đường thẳng của rãnh liên thuỳ, đám mờ nhạt dần lên phía trên, giới hạn trên không rõ.   

Diễn biến:

Phá huỷ thành hang: hình mờ có dạng cản quang không thuần nhất, có nhiều ổ sáng tròn là các hang phá huỷ.

Tiến tới xơ hoá: Thùy lao co rút lại về phía rốn phổi trông như một cái quạt xếp lại.

Chẩn đoán phân biệt với phế viêm thuỳ cấp tính:

Phế viêm thuỳ do phế cầu khuẩn: vị trí gặp thường ở thùy giữa phải hoặc thùy dưới phổi, hình cản quang thường thuần nhất.

Đám mờ do xẹp phổi: đám mờ tương đối thuần nhất, có dạng một tam giác, bờ dưới của đám mờ có cạnh lõm về phía thuỳ xẹp.

Thâm nhiễm sớm Assmann:

Hình ảnh X quang: Hình nốt mờ tròn đơn độc, to hoặc nhỏ dưới xương đòn, không có những tổn thương ở tổ chức phổi xung quanh, cản quang nhạt kiểu mây khói, giới hạn khá rõ.

Diễn biến:                 

Thâm nhiễm sớm có thể khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tháng, nếu được điều trị kịp thời.

Xơ hoá hoặc phá huỷ thành hang.

Chẩn đoán phân biệt:

Thâm nhiễm ái toan mau bay kiểu Loeffler: chụp phim kiểm tra sau 8 – 10 ngày thấy ổ bệnh lý tiêu nhanh không để lại dấu vết.

Thâm nhiễm kiểu mây: hình mờ cản quang nhạt, giới hạn không rõ ở phân thuỳ trên.

Thâm nhiễm tròn tạo vỏ bọc dạng u lao (tuberculoma): hình ảnh X quang cho thấy hình mờ tròn, thuần nhất, đường kính từ  2 – 3 cm, có thể có một hoặc nhiều nốt. Có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của phổi, thường ở ngoại biên. Hình mờ có cản quang đậm, giới hạn rõ. Không có các phản ứng ở nhu mô phổi bao quanh, trung tâm có thể có các nốt vôi hoá. U lao có thể bị phá huỷ thành hang.

Để chẩn đoán phân biệt với tất cả các tổn thương tạo hình mờ ở phổi (như ung thư phổi, di căn ung thư … ) cần căn cứ  thêm về lâm sàng.

Phế viêm nhuyễn lao:

Phế viêm nhyễn lao gây ra do sự lan truyền mãnh liệt của tổn thương lao trên một cơ thể suy kiệt, mất sức đề kháng, tổn thương rộng, nhuyễn hoá nhanh chóng.

Hình ảnh X quang: bóng mờ rộng xâm nhập hết đỉnh phổi, hình tam giác dạng phế viêm nhưng tồn tại lâu; có thể có hạch rốn phổi; xuất hiện nhiều hình sáng trong đám mờ khi có hang phá huỷ; ở giai đoạn cuối có nhiều nốt huyệt lan tràn ra những vùng phổi còn lại.

Lao xơ hang mãn tính:

Lao xơ hang mãn tính là tổn thương ở giai đoạn cuối cùng của các thể lao phổi, các ổ lao có thể đứng nguyên tại chỗ trong một thời gian dài thành sẹo xơ hoá hoặc tái phát lan tràn ra tổ chức xung quanh. Quá trình xơ hoá có thể để lại những hang. Hang lao trong giai đoạn xơ hang có thể tròn hoặc bờ không đều, nhưng bờ hang giới hạn rõ. Phần lớn có co kéo tổ chức và các tạng lân cận. Sự  co kéo của tổ chức xơ làm bóng trung thất, khí-phế quản lệch về phía tổn thương, khe gian sườn hẹp hơn bên lành, vòm hoành bị kéo lên cao. Một số trường tổn thương lao xơ có thể co kéo lệch vẹo cả cột sống. Nhìn chung, chức năng thông khí bị hạn chế, phổi bị bệnh trở nên mờ hơn. Có khi do co kéo của sẹo lại gây ra những vùng sáng do khí phế thũng. Một số hang có phế quản dẫn lưu (hình vợt). Nếu hang quá bé hoặc thành dày khó thấy thì cần chụp cắt lớp vi tính để xác định.

Hình ảnh x quang:

Hình xơ hoá: thường thấy ở  một bên hoặc thấy cả hai bên phế trường nhất là phía có hang. Xơ hoá làm cho hang bị biến dạng. Sự co kéo ảnh hưởng nhất khi co kéo khí-phế quản, co kéo rốn phổi, vòm hoành, xương sườn. Sự co kéo của sẹo tới các phế quản gây hẹp phế quản, tạo nên hình ảnh khí phế thũng (emphyseme).

Hình hang: có nhiều cỡ khác nhau, hang nhỏ nhiều hơn hang to, bờ hang rõ. Nếu có bội nhiễm lao thâm nhiễm kết hợp sẽ thấy xuất hiện rải rác các huyệt lao tạo nên những hình nốt mờ đậm xung quanh.

Lao xơ hang là một thể lao nguy hiểm. Khoảng 50% trường hợp lao thâm nhiễm và 30% trường hợp lao huyệt nếu điều trị không tốt sẽ dẫn tới lao xơ hang. Chẩn đoán sự có mặt của hang rất quan trọng, nếu bỏ sót sẽ ảnh hưởng tới kết quả điều trị.

Hang lao cần được phân biệt với:

Các hình tròn sáng của các nhánh phế quản gần rốn phổi chạy dọc theo hướng tia  X khi chụp.

Hình kén phổi thường đơn độc, thành kén mỏng, đường kính lớn (thường trên 5cm). Xung quanh không có tổn thương phối hợp (như lao xơ hoá hoặc co kéo) như hang lao

Hình giãn phế quản, dạng giãn phế nang; có hình phổi tổ ong, không gây co kéo, thường gặp ở vùng nền phổi cả hai bên.

áp xe phổi.

Khí phế thũng.

Hình hang phá huỷ do ung thư phổi.

Tràn khí phế mạc thành kén, mủ phế mạc.

Phế viêm do tụ cầu: lâm sàng có triệu chứng nhiễm trùng huyết. Hình ảnh X quang cho thấy nhiều hình hang nhỏ rải rác khắp hai phế trường. Hang có đường kính từ  2 đến 4cm, kèm theo mức dịch-mức khí.

Lao xơ ngạnh kết:

Là thể phát triển cuối cùng của các thể lao khác. Đặc điểm chủ yếu của lao xơ nghạnh kết là phổi có nhiều xơ, gây co kéo biến dạng lồng ngực. Lao sơ ngạch kết khác lao xơ hang ở chỗ yếu tố xơ hoá là chủ yếu, hang lao là yếu tố thứ yếu.

Phế mạc viêm do lao:

Thương tổn lao gây ra ở màng phổi, thường gây xuất tiết ở khoang màng phổi.

Hình ảnh X quang tuỳ thuộc vào mức độ tràn dịch, có thể có:

Từ góc sườn hoành, có đường cong lõm vươn cao về phía nách (đường cong Damoiseau).

Một số trường hợp tràn dịch khu trú ở rãnh liên thuỳ hoặc khu trú ở vòm hoành, trung thất  (tràn dịch phế mạc khu trú).

Tiến triển:

Khỏi không để lại di chứng: góc sườn hoành sáng trở lại bình thường.

Di chứng dày dính màng phổi: mờ góc sườn hoành, đường cong Damoisau lúc này trở nên sắc nét.

Vôi hoá phế mạc: đám mờ ở ngoại vi phổi, không thuần nhất. Nếu vôi hoá xảy ra trên toàn bộ màng phổi thì phim chụp X quang cho thấy đám cản quang có dạng “mai mực”.

Một số hình ảnh bệnh lý cần được phân biệt với lao phổi.

Thâm nhiễm mau bay (loeffler):

Thâm nhiễm mau bay là một dị ứng không những biểu hiện ở phổi mà còn ở gan, thận… 78% trường hợp do ấu trùng giun đũa xâm nhập vào phế nang gây ra. Ngoài ra, có thể do sán Echinococcus, phế cầu trùng, trực trùng lao hoặc do thuốc penicillin, streptomycin…

Dấu hiệu lâm sàng nghèo nàn: sốt nhẹ, ho, tỷ lệ bạch cầu ái toan cao. Các nốt thâm nhiễm thường biến mất trên X quang từ 8 ngày đến 10 ngày, không để lại dấu tích gì ở phổi. Một số trường hợp ổ thâm nhiễm biến đi nơi này rất nhanh chóng nhưng lại xuất hiện ở nơi khác. Thâm nhiễm lâu bay có hình ảnh X quang nhiều vẻ, có thể gặp các nốt thâm nhiễm to bằng hạt đậu đến bằng quả mận, quả chanh, có khi tụ lại thành đám to hơn. Các ổ thâm nhiễm có khi ở một phế trường, có khi cả hai bên, cản quang mờ nhạt kiểu mây khói, qua hình mờ vẫn thấy mạng lưới phổi. Xét nghiệm BK (-), Mantoux (-).

Bệnh thoái hoá hạt besnier-boesk-schaumann (bbs):

Là bệnh thoái hoá hạt mãn tính (granulomatosis). Triệu chứng lâm sàng rất kín đáo, thường được phát hiện tình cờ trên X quang, Mantoux (-). Bệnh giống lao lan truyền theo đường máu và lao hạch rốn phổi, các nốt kê không bị bã đậu hoá. Có thể bị xâm nhập hạch cổ, nách bẹn, không có tràn dịch phế mạc. Có ba giai đoạn:

Sưng hạch.

Lan truyền theo đường máu.

Thoái lui – xơ hoá.

Trong hai giai đoạn đầu có một sự không cân xứng giữa hình ảnh X quang và lâm sàng-triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn, trong khi hình ảnh tổn thương ở phổi rất nặng nề. Đặc biệt, hạch tạo nên những u tròn ở cả hai bên rốn phổi, nhô rõ vào hai bên phế trường kiểu đa cung. Tuy nhiên, những hạch này không bao giờ bị vôi hoá, không chèn ép khí-phế quản và huyết quản, không có tràn dịch phế mạc.

Có ba thể:

Thể sưng hạch rốn phổi.

Thể kê.

Thể có dấu hiệu X quang ở nhu mô phổi.

Ba thể trên có thể phối hợp với nhau.

Cần chẩn đoán phân biệt với lao kê: nốt kê rõ ở giữa trường phổi tập trung nhiều ở đỉnh, không có tràn dịch phế mạc, Mantoux (+).