Nguyên nhân và cơ chế.
Cơ chế chấn thương trực tiếp: thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các tai nạn sinh hoạt khác, gần đây còn gặp trong các tai nạn điều trị nội soi tiết niệu.
Cơ chế chấn thương gián tiếp: rất hiếm xảy ra chỉ khi bàng quang căng đầy nước tiểu và tăng áp lực đột ngột trong ổ bụng.
Tổn thương giải phẫu bệnh lý.
Được chia ra làm các mức độ sau đây:
Giập bàng quang: có thể tổn thương một trong các thành phần của thành bàng quang nhưng không gây thủng hoàn toàn.
Thủng, vỡ toàn bộ thành bàng quang, lại được chia ra làm hai loại:
Thủng, vỡ bàng quang ngoài phúc mạc: máu và nước tiểu thoát ra vùng hố chậu dưới phúc mạc.
Thủng, vỡ bàng quang trong phúc mạc: máu và nước tiểu tràn vào ổ bụng dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc (gây nên hội chứng bụng ngoại khoa).
Triệu chứng.
Triệu chứng lâm sàng:
Vùng hạ vị tím bầm, nắn đau.
Đau vùng hạ vị sau chấn thương: thường thì đau âm ỉ liên tục, đau tăng lên khi bệnh nhân rặn đái.
Mót đái và mót ỉa liên tục.
Đái ra máu đỏ tươi, nhất là cuối bãi đái.
Số lượng nước tiểu mỗi lần đái rất ít (do nước tiểu tràn vào ổ bụng hoặc khoang chậu khi bàng quang bị vỡ).
Sốc: chỉ xảy ra khi bệnh nhân có tổn thương phối hợp nặng như vỡ khung chậu hoặc tổn thương các tạng khác.
Triệu chứng cận lâm sàng:
Xét nghiệm nước tiểu: hồng cầu, bạch cầu tăng nhiều.
Chụp X.quang bàng quang ngược dòng bơm thuốc cản quang: có hình ảnh thuốc hoặc hơi tràn vào ổ bụng (tuy nhiên xét nghiệm này chỉ nên làm ở những nơi có điều kiện can thiệp phẫu thuật).
Siêu âm: có hình ảnh đường vỡ của bàng quang và ổ đọng nước tiểu trong ổ bụng hoặc tiểu khung
CT – Scanner đánh giá hình ảnh tổn thương bàng quang và phụ cận.
Điều trị.
Giập bàng quang:
Khi có chẩn đoán chắc chắn giập bàng quang thì điều trị bảo tồn bằng các biện pháp sau đây:
Đặt thông tiểu qua niệu đạo vào bàng quang để rửa và dẫn lưu nước tiểu bằng sonde Foley ba chạc.
Kháng sinh toàn thân và tại chỗ.
Lưu sonde trong 7 – 10 ngày.
Theo dõi sát diễn biến toàn thân và tại chỗ.
Thủng, vỡ bàng quang:
Khi có chẩn đoán xác định hoặc dù chỉ nghi ngờ có thủng, vỡ bàng quang thì cần phải can thiệp phẫu thuật:
Khâu vết rách và dẫn lưu bàng quang trên xương mu kết hợp.
Rửa sạch và dẫn lưu ổ bụng hoặc hố chậu.
Kháng sinh toàn thân và tại chỗ để chống nhiễm khuẩn.