Đại cương
Chọc hút dịch khớp được chỉ định trong trường hợp tràn dịch khớp, nhằm mục đích đánh giá, phân tích dịch khớp về mặt tế bào, sinh hóa hay vi khuẩn học. Ngoài ra chọc hút dịch khớp còn có tác dụng làm giảm áp lực, giảm đau cho người bệnh. Phương pháp này có thể phối hợp tiêm nội khớp. Chọc hút dịch có thể thực hiện mù đối với một số khớp lớn, tuy nhiên chọc hút dưới siêu âm ngoài việc chính xác hơn đặc biệt là các vị trí khó, siêu âm cũng cho phép đánh giá thêm về màng hoạt dịch…
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
Chọc hút dịch khớp nhằm mục đích chẩn đoán: xét nghiệm dịch.
Hút dịch khớp nhằm mục đích điều trị: chọc tháo.
Phối hợp tiêm khớp, rửa khớp
Chống chỉ định
Các bệnh lý rối loạn đông máu.
Nhiễm khuẩn ngoài da tại vị trí khớp cần chọc hút, nhiễm khuẩn toàn thân.
Không đủ điều kiện vô trùng cho thủ thuật.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sỹ chuyên khoa
Bác sỹ phụ
Điều dưỡng
Phương tiện
Máy siêu âm với các đầu dò chuyên dụng
Giấy in, máy in ảnh, hệ thống lưu trữ hình ảnh
Túi nylon vô trùng bọc đầu dò siêu âm.
Thuốc
Thuốc gây tê tại chỗ
Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc
Vật tư y tế thông thường
Bơm tiêm 5; 10ml
Nước cất hoặc nước muối sinh lý
Găng tay, áo, mũ, khẩu trang phẫu thuật
Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: dao, kéo, kẹp, 4 bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ
Bông, gạc, băng dính phẫu thuật.
Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.
Vật tư y tế đặc biệt
Kim chọc khớp chuyên dụng
Người bệnh
Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phổi hợp với thầy thuốc.
Tại phòng can thiệp: người bệnh nằm, đặt đường truyền tĩnh mạch, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2.
Sát trùng da sau đó phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ.
Người bệnh quá kích thích, không nằm yên: cần cho thuốc an thần…
Phiếu xét nghiệm
Hồ sơ bệnh án điều trị nội trú
Có phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật đã được thông qua
Phim ảnh chụp X quang, CLVT, CHT (nếu có).
Các bước tiến hành
Thực hiện tại phòng thủ thuật vô khuẩn
Kiểm tra hồ sơ bệnh án, xem xét chỉ định, chống chỉ định
Siêu âm kiểm tra vị trí tổn thương. Kiểm tra siêu âm màu (nếu có) đề loại trừ các tổn thương mạch máu
Xác định vị trí chọc kim và vị trí cần tiêm và đặt tư thế người bệnh thuận lợi, xác định đường chọc, độ sâu cần chọc từ mặt da tới tổn thương.
Sát trùng tay, đi găng vô khuẩn
Bọc đầu dò siêu âm bằng túi nylon vô trùng
Sát khuẩn vị trí chọc kim
Đưa kim vào vị trí đó xác định dưới siêu âm.
Tiến hành hút dịch khớp đến khi hết
Sau khi rút kim: Sát trùng lại và băng chỗ chọc dịch bằng băng dính y tế.
Dặn người bệnh không cho nước tiếp xúc với vị trí chọc hút trong 24giờ.
Sau 24h mới bỏ băng dính và rửa nước bình thường.
Tai biến và xử trí
Nhiễm khuẩn khớp hoặc phần mềm quanh khớp: do thủ thuật chọc dịch không đảm bảo vô khuẩn: biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch: Điều trị kháng sinh.
Chảy máu tại chỗ chọc dò: băng ép cầm máu, nếu chảy máu kéo dài phải kiểm tra lại tình trạng bệnh lý rối loạn đông máu của người bệnh để xử trí
Biến chứng khác: Người bệnh choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn… ít gặp, thường do người bệnh quá sợ hãi. Xử trí bằng cách đặt người bệnh nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử trí cấp cứu khi cần thiết.