Nội dung

Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên

Khái niệm

Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nghề có đặc thù riêng, có các giá trị nghề nghiệp khác nhau do đó cần có Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng cho phù hợp với đặc thù từng nghề.

Nghề y đòi hỏi trách nhiệm kép đối với người hành nghề vừa phải giỏi chuyên môn (y nghiệp) vừa phải như mẹ hiền (y đức). Ở nước ta, y đức vừa có bản chất là luật luân lí vừa có bản chất luật pháp. Y đức với chức năng là luật luân lý giúp Điều dưỡng viên nhận thức những cái tốt, cái đúng, cái sai giúp Điều dưỡng viên đưa ra các quyết định có đạo đức và phù hợp với đặc thù nghề nghiệp khi hành nghề. Mặt khác, Y đức cũng được đưa vào Luật khám bệnh chữa bệnh và một số quy chế của Bộ Y tế nên trở thành yêu cầu bắt buộc Thầy thuốc và Điều dưỡng viên phải thực hiện trong quá trình hành nghề. 

Cho đến nay, chưa có một định nghĩa chính thức mang tính chất kinh điển về khái niệm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp.  Trong nhiều bài viết, tham luận về vấn đề đạo đức nghề nghiệp mỗi tác giả cũng đưa ra quan niệm của mình từ các cách tiếp cận dưới các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đề cập tới những hướng dẫn về những giá trị nghề nghiệp,  nguyên tắc hành nghề và các chuẩn mực thực hành. Theo Điều 42 Luật Phòng chống tham nhũng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp là chuẩn mực xử sự phù hợp với từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề.

Hầu hết các nước trên thế giới đã ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên. Hiệp hội Điều dưỡng quốc tế thông qua Quy tắc đạo đức nghề nghiệp vào năm 1953 và qua nhiều lần sửa đổi, lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 2000. Hiệp Hội Điều dưỡng Mỹ ban hành Quy tắc đạo đức Điều dưỡng viên vào năm 1950 và sửa đổi lần gần đây nhất vào năm 2001. Hiệp hội Điều dưỡng Úc lần đầu tiên đưa ra Quy tắc đạo đức vào năm 1993 và sửa đổi vào năm 2000. Hiệp Hội Điều dưỡng Canada ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp vào năm 2002 sửa đổi vào năm 2008. Năm 1999, Hiệp hội y học thế giới ”World Medical Association” thông qua Nghị quyết các Chương trình đào tạo y khoa bắt buộc phải có nội dung giáo dục về đạo đức nghề nghiệp và quyền con người. Ở Việt Nam, kể từ năm 2005, trong các Chương trình đào tạo điều dưỡng và hộ sinh đã đưa Chủ đề Đạo đức nghề nghiệp của người điều dưỡng vào Chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cho mãi tới tháng 9 năm 2012 mới có Bộ Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam được ban hành.

Sự cần thiết 

Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam được ban hành theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng chống tham nhũng. Theo đó Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức xây dựng và được Bộ Y tế hiệp y ban hành tại văn bản số 5747/BYT-TCCB ngày 29 tháng 8 năm 2012 và Văn bản số 282/2012/CV-THYH ngày 10 tháng 9 năm 2012.

Người bệnh được luật pháp trao quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng và được đối xử thân thiện, tôn trọng. Những quyền của người bệnh được thể hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong các Điều như Điều 3 về hành nghề khám chữa bệnh; Điều 6 các hành vi bị cấm; Điều từ 7-13 về quyền người bệnh và điều từ 36-39 về nghĩa vụ của người hành nghề y.

Dịch vụ CSSK do ĐDV cung cấp trực tiếp tác động tới sự hài lòng của người bệnh, người dân và là một trong các trụ cột của dịch vụ y tế. Điều dưỡng viên, hộ sinh viên có vai trò rất quan trọng trong việc mang lại sự hài lòng cho người bệnh và có khả năng tạo sự khác biệt về sự an toàn và về chất lượng dịch vụ y tế. 

Điều dưỡng nay đã trở thành ngành học riêng biệt. Điều dưỡng là ngành học đa khoa, có nhiều chuyên khoa, có tính chuyên nghiệp cao, số lượng ĐDV chiến gần 60% nhân lực trong các cơ sở KCB. Điều dưỡng là một nghề chuyên nghiệp, nghề có nhiều thách thức bởi người bệnh là đối tượng phục vụ đặc biệt, bị tổn thương cả về tâm lý, thể chất, phải chịu nhiều đau đớn do bệnh và các can thiệp y tế nên cần được chăm sóc trong môi trường giầu tình thương và giầu y đức. Vì vậy cần có Bộ Chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của Điều dưỡng viên. 

Y đức đang đứng trước nhiều thách thức bởi cơ chế thị trường và đang là vấn đề Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mọi người dân quan tâm. 

Mục đích

Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành có sự thống nhất của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Tổng hội Y học Việt Nam nhằm mục đích:

Giáo dục điều dưỡng viên tự rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức phù hợp với nghề điều dưỡng được xã hội thừa nhận; 

Giúp điều dưỡng viên đưa ra các quyết định trong các tình huống hành nghề phù hợp với chuẩn đạo đức nghề nghiệp; 

Công khai Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên làm cơ sở để người dân, người bệnh và nhà quản lý y tế giám sát, đánh giá việc thực hiện của điều dưỡng viên;

Công bố Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực hiện Thỏa thuận khung về công nhận dịch vụ điều dưỡng giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác.

Nghề điều dưỡng là nghề cao quý, nghề dịch vụ công cộng, đóng góp vào việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người Việt Nam, vì sự công bằng, hiệu quả và phát triển của Ngành Y tế Việt Nam. Những giá trị nghề nghiệp cốt lõi được thể hiện trong Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên, bao gồm: An toàn, tôn trọng, thân thiện, năng lực, trung thực, tự tôn, đoàn kết và cam kết.

Nội dung chuẩn đạo đức nghề nghiệp 

Bảo đảm an toàn cho người bệnh

Duy trì chuẩn mực thực hành tốt nhất có thể ở nơi làm việc.

Chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định và hành vi chuyên môn trong chăm sóc người bệnh.

Can thiệp kịp thời và báo cáo cho người phụ trách khi phát hiện các hành vi thực hành của người hành nghề không bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh

Tôn trọng tuổi, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng của người bệnh.

Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh trong khi thực hành chăm sóc.

Tôn trọng danh dự, nhân phẩm và bảo đảm kín đáo tốt nhất có thể cho người bệnh khi chăm sóc và làm thủ thuật.

Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các giải pháp và hoạt động chăm sóc cho người bệnh.

Giữ gìn những bí mật liên quan đến bệnh tật và cuộc sống riêng tư của người bệnh.

Đối xử công bằng với mọi người bệnh.

Thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh

Giới thiệu tên và chào hỏi người bệnh, người nhà người bệnh một cách thân thiện.

Lắng nghe người bệnh, người nhà người bệnh và đáp lại bằng câu nói ân cần với cử chỉ lịch sự.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc kèm theo nụ cười thân thiện.

Giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn do bệnh tật và do phẫu thuật, thủ thuật.

Trung thực trong khi hành nghề            

Trung thực trong việc quản lý, sử dụng thuốc và vật tư tiêu hao cho người bệnh.

Trung thực trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh và thực hiện các chỉ định điều trị.

Trung thực trong việc ghi các thông tin trong hồ sơ bệnh án của người bệnh.

Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề

Thực hiện đầy đủ chức năng nghề nghiệp của điều dưỡng viên.

Tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn chuyên môn khi chăm sóc người bệnh.

Học tập liên tục để cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

Tham gia nghiên cứu và thực hành dựa vào bằng chứng.

Tự tôn nghề nghiệp

Giữ gìn và bảo vệ uy tín nghề nghiệp khi người khác làm tổn hại đến các giá trị và danh dự của nghề.

Tận tụy với công việc chăm sóc người bệnh và tự giác chấp hành các quy định ở nơi làm việc.

Từ chối nhận tiền hoặc lợi ích khác của người bệnh, người nhà người bệnh vì mục đích được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tôn trọng Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội Điều dưỡng ở các cấp.

Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp 

Hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.

Tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.

Truyền thụ và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp.

Cam kết với cộng đồng và xã hội

Nói và làm theo các quy định của Pháp luật.

Gương mẫu tại cộng đồng và nơi sinh sống.

Tham gia các hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường.

Kế hoạch triển khai

Mục tiêu và các kết quả mong đợi

100% hội viên Hội điều dưỡng tại các Chi hội được nghiên cứu học tập Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành.

100% hội viên Hội điều dưỡng sử dụng Công cụ tự đánh gía bản thân về kết quả thực hiện 30 tiêu chí thiết yếu về Quy tắc đạo đức điều dưỡng

100% hội viên Hội điều dưỡng Việt Nam được người quản lý trực tiếp (trưởng khoa, điều dưỡng trưởng khoa, trưởng Bộ môn điều dưỡng) định kỳ 6 tháng một lần đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí về Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên và phản hồi cho mỗi hội viên biết.

100% các cơ sở đào tạo điều dưỡng sử dụng Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành để hướng dẫn và giảng dạy cho học sinh, sinh viên điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên. – Hội Điều dưỡng Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng Hội Y học và Công đoàn Y tế Việt Nam nghiên cứu đánh giá tác động của việc triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên thông qua đánh giá của người bệnh và lãnh đạo các đơn vị.

Báo cáo kết quả triển khai Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên của hội viên Hội điều dưỡng, các bài học kinh nghiệm được các cấp hội báo cáo về cơ quan quản lý y tế 6 tháng và hàng năm (lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế).

Nội dung triển khai

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, học tập Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho toàn thể hội viên tại các chi hội của Hội Điều dưỡng Việt Nam.

Phát động phong trào thi đua thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho toàn thể hội viên

Đánh giá việc thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho toàn thể hội viên

Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện.

Các bước triển khai

Bước 1: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên

Tại TƯ Hội: Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên bao gồm các thành phần: Chủ tịch hội Điều dưỡng là trưởng ban, Phó ban là các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và có sự tham gia của lãnh đạo Cục quản lý khám chữa bệnh, các chuyên gia, các nhà khoa học và lãnh đạo một số đơn vị trọng điểm.

Tại các tỉnh/thành hội: Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cấp tỉnh/thành hội bao gồm các thành phần: Chủ tịch hội Điều dưỡng tỉnh/thành phố là trưởng ban, Phó ban là các Phó chủ tịch, Tổng thư ký, Điều dưỡng trưởng Sở Y tế và có sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế, và lãnh đạo một số đơn vị trọng điểm.

Tại các Chi hội:  Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cấp chi hội bao gồm các thành phần: Chủ tịch Hội đồng điều dưỡng là trưởng ban, Phó trưởng ban là Chi hội trưởng, Điều dưỡng trưởng bệnh viện và các uỷ viên Hội đồng điều dưỡng là thành viên.

Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên có nhiệm vụ triển khai kế hoạch:

Xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên;

Giám sát, đánh giá việc thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên ở từng cấp;

Sơ kết và báo cáo kết qủa thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.

Bước 2: Tổ chức phổ biến, giáo dục, học tập Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho toàn thể cán bộ chủ chốt và hội viên

Nội dung:

Toàn bộ nội dung của Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên do Hội  Điều dưỡng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2012/QĐ-HĐD ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam.

Phương thức triển khai

Cấp TƯ Hội: Tập huấn cho các tỉnh/thành hội, chi hội trực thuộc nội dung Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên, Kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn sử dụng các công cụ đánh giá và có văn bản đề nghị các cấp quản lý của ngành y tế, Tổng hội Y học và Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp triển khai.

Cấp tỉnh/thành hội: Tập huấn cho các Chủ tịch Hội đồng điều dưỡng, Chi hội trưởng nội dung Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn sử dụng các công cụ đánh giá và có văn bản đề nghị lãnh đạo các đơn vị phối hợp và tạo điều kiện cho các Chi hội triển khai thực hiện.

Cấp Chi hội: Niêm yết công khai Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên tại các khoa phòng, tại những nơi dễ nhìn thấy, nơi nhiều người qua lại. In Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên vào mặt sau của Thẻ viên chức; Tổ chức các buổi học tập nội dung Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cho toàn thể hội viên và thảo luận chi tiết trong các buổi giao ban cấp khoa phòng.

Bước 3: Phát động phong trào thi đua tại tất cả các bệnh viện, các chi hội cam kết thực hiện Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên

Phát động phong trào thi đua trong toàn bệnh viện, các chi hội. 

Vận động hội viên của các tập thể khoa/phòng ký cam kết tự nguyện thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên và tự đánh giá bản thân theo các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp đã ban hành.

Bước 4: Tổ chức giám sát và đánh giá việc triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên

TW Hội tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, hàng năm việc triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên tại các tỉnh thành hội và các chi hội trực thuộc. Phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tiến hành đánh giá tác động thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên vào cuối năm 2013 và các năm sau đó.

Tỉnh/thành hội tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng và hàng năm việc triển khai thực hiện nghề nghiệp của Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên tại các chi hội trực thuộc.

Các chi hội: tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ 3 tháng và hàng năm việc triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên tại các khoa phòng. Tổ chức cho hội viên tự đánh giá bản thân và người quản lý trực tiếp đánh giá mức độ thực hiện của mỗi hội viên theo 30 tiêu chí đánh giá đã đề ra.

Bước 5:  Tổ chức sơ kết, tổng kết

Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên

Khen thưởng những điển hình tiên tiến trong thực hiện Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên; phê phán những hành vi, thái độ không phù hợp với những nội dung của Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.       

Rút kinh nghiệm hàng năm để triển khai mở rộng.

Kết luận

Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên Việt Nam lần đầu tiên được Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành. Tài liệu đã được xây dựng công phu, có đầy đủ cơ sở pháp lý, có cơ sở thực tiễn và có tính khoa học. Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên có tính kế thừa cao cả về truyền thống đạo đức ngành y Việt Nam và các quy định về y đức hiện hành của Bộ Y tế. 

Việc triển khai Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên theo đúng các hướng dẫn, có kế hoạch và có sự sang tạo của từng đơn vị chắc chắn sẽ mang lại uy tín cho ngành y tế, mang lại sự hài lòng cho người bệnh và khẳng định vị thế nghề nghiệp của ngành điều dưỡng và người điều dưỡng trong xã hội.