Nội dung

Chụp số hoá xoá nền và dẫn lưu đường mật qua da

CHỤP SỐ HOÁ XOÁ NỀN VÀ DẪN LƯU ĐƯỜNG MẬT QUA DA

Đại cương

Dẫn lưu đường mật qua da là phương pháp đưa ống thông dẫn lưu qua da vào hệ thống đường mật dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm và chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Đây vừa là phương pháp điều trị trong các trường hợp tắc mật và là bước đầu của các can thiệp phức tạp hơn như đặt stent đường mật qua da, lấy sỏi đường mật qua da, sinh thiết trong lòng đường mật hoặc đặt nguồn điều trị phóng xạ tại chỗ trong trường hợp ung thư đường mật.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Thường chỉ định trong các trường hợp tắc mật do ung thư mà can thiệp nội soi thất bại hoặc tổn thương tắc mật cao (vùng rốn gan) nên hạn chế trong can thiệp nội soi.

Tổn thương tắc mật có tiền sử phẫu thuật tiêu hóa (chống chỉ định can thiệp nội soi).

Tắc mật lành tính (hẹp đường mật sau mổ) mà can thiệp nội soi thất bại.

Chống chỉ định

Rối loạn đông máu.

Gan đa nang.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa          

Bác sỹ phụ 

Kỹ thuật viên điện quang

Điều dưỡng

Bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê (nếu người bệnh không thể hợp tác)

Phương tiện

Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)

Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh

Bộ áo chì, tạp dề, che chắn tia X             

Thuốc

Thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây mê toàn thân (nếu có chỉ định gây mê)

Thuốc đối quang I-ốt tan trong nước 

Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

Vật tư y tế thông thường

Bơm tiêm 1; 3; 5; 10ml

Nước cất hoặc nước muối sinh lý 

Găng tay, áo, mũ, khẩu trang phẫu thuật

Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: dao, kéo, kẹp, 4 bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ

Bông, gạc, băng dính phẫu thuật.

Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

Vật tư y tế đặc biệt

Kim Chiba chọc đường mật

Bộ ống đặt lòng mạch

Dây dẫn tiêu chuẩn 0.035inch

Dây dẫn cứng (stiff wire) 0.035inch loại dài (260-300cm)

Ống thông chụp mạch Cobra 4-5F

Ống dẫn lưu có đầu hình đuôi lợn 6-12F (pigtail)

Chỉ khâu da.

Người bệnh

Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phổi hợp với thầy thuốc.

Cần nhịn ăn, uống trước 6giờ. Có thể uống không quá 50ml nước. 

Tại phòng can thiệp: người bệnh nằm ngửa, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2. Sát trùng da sau đó phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ. 

Người bệnh quá kích thích, không nằm yên: cần cho thuốc an thần…

Phiếu xét nghiệm

Hồ sơ bệnh án điều trị nội trú

Có phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật đã được thông qua

Phim ảnh chụp X quang, CLVT, CHT (nếu có).

Các bước tiến hành

Thủ thuật nên kết hợp siêu âm và dsa. 

Dưới hướng dẫn của siêu âm chọc kim vào đường mật giãn. Nên chọc vào các nhánh đường mật ngoại vi để hạn chế biến chứng chảy máu. 

Trong trường hợp không có máy siêu âm có thể chụp đường mật qua da (Cholangiography) trước bằng chọc kim nhỏ vào nhánh hạ phân thùy V.

Sau khi chọc kim vào đường mật

Rút nòng sắt, chờ dịch mật chảy ra để chắc chắn đầu kim đã nằm trong đường mật. 

Tiến hành bơm khoảng 10-20 ml thuốc đối quang để hiện hình đường mật.

Luồn dây dẫn vào đường mật dưới dsa

Nên đẩy sâu dây dẫn vào hệ thống đường mật để hạn chế khả năng bật dây dẫn khi thay ống thông hoặc bộ mở đường vào

Đưa ống thông vào đường mật qua dây dẫn. 

Sau đó thay bằng dây dẫn cứng 

Đẩy ống thông dẫn lưu vào đường mật qua amplatzer. 

Có thể nong đường vào trước bằng bộ nong trong trường hợp đặt ống thông dẫn lưu có kích thước to (10-12 F).

Hút dịch mật qua ống thông dẫn lưu và bơm thuốc đối quang 

Để khẳng định chắc chắn ống thông dẫn lưu nằm trong đường mật.

Khâu cố định ống thông bằng chỉ.

Nhận định kết quả

Ống dẫn lưu nằm trong đường mật ở vị trí an toàn.

Dịch mật chảy tự nhiên qua ống dẫn lưu

Không có tụ dịch, tụ máu dưới bao gan và trong ổ bụng.

Tai biến và xử trí

Đau: có thể dùng giảm đau giãn cơ.

Tắc ống thông dẫn lưu hoặc tụt ống thông: Bơm rửa hàng ngày, cố định ống thông thật tốt, giải thích cho người bệnh thận trọng trong lúc di chuyển hoặc sinh hoạt hàng ngày.

Nhiễm trùng đường mật hoặc sốc nhiễm trùng đường mật: nên dùng kháng sinh đường tĩnh mạch dự phòng trước can thiệp và duy trì sau 3-5 ngày tùy thuộc vào lâm sàng.

Chảy máu trong ổ bụng: Không làm những trường hợp có rối loạn đông máu, nên tiếp cận vào đường mật ngoại vi trong quá trình can thiệp. Nếu có biến chứng chảy máu trong ổ bụng, nên theo dõi sát nội khoa, truyền máu và các yếu tố đông máu (huyết tương tươi…), nếu lâm sàng không ổn phải hổi chẩn với phẫu thuật viên để mổ khâu cầm máu.