tóm tắt
Chuyển tuyến an toàn cho trẻ sơ sinh mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng như điều trị, giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng. Hệ thống chuyển tuyến bao gồm trang thiết bị, phương tiện, cán bộ, và mạng lưới tuyến trên cần phải được thành lập, được huấn luyện và vận hành trơn tru.
Chuyển tuyến an toàn giúp giảm tử vong trẻ em nói chung và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng chuyển viện an toàn đến các tuyến phù hợp đã cải thiện kết quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh một cách rõ rệt.
Tổ chức chuyển tuyến an toàn bao gồm các nội dung: liên hệ, thông báo cho tuyến trên, chuẩn bị cán bộ, phương tiện, trang thiết bị cho chuyển tuyến, chăm sóc và theo dõi diễn biến của trẻ trên đường chuyển tuyến.
những tình trạng bệnh lý cần chuyển viện
Chuyển trẻ sơ sinh lên tuyến trên khi tình trạng bệnh lý của trẻ vượt qúa khả năng điều trị, chẩn đoán và xử trí của trạm y tế. Có thể là chuyển cấp cứu, chuyển càng nhanh càng tốt và cũng có thể chuyển có trì hoãn, có chuẩn bị.
Chuyển cấp cứu
Trẻ sơ sinh cần được chuyển gấp từ tuyến y tế cơ sở lên tuyến trên khi có một trong các dấu hiệu sau đây:
Li bì hoặc khó đánh thức
Không bú được (quá yếu không bú được), hoặc bỏ bú
Thở rên
Nhịp thở > 60 lần/phút hoặc
Rút lõm lồng ngực nặng
Da xanh tái
Tím quanh môi, lưỡi hoặc đầu chi
Co giật
Hạ thân nhiệt (Nhiệt độ cặp ở nách 0 C) mặc dù đã được ủ ấm trên 1 giờ nhưng nhiệt độ không lên
Vàng da ngày thứ nhất, hoặc vàng da nặng vượt qúa khả năng điều trị
Bụng chướng nhiều
Tình trạng cần xử trí ngoại khoa ngay như tắc ruột sơ sinh (không hậu môn, teo ruột, xoắn ruột…), thoát vị rốn, teo thực quản, thoát vị hoành
Cân nặng khi đẻ dưới 1500g hoặc đẻ non dưới 32 tuần tuổi thai, có hoặc không có suy hô hấp.
Tất các trường hợp đẻ non có suy hô hấp.
Bệnh rất nặng đáp ứng kém với điều trị, hoặc xấu đi sau khi đã được điều trị ở tuyến cơ sở
Mặc dù là chuyển cấp cứu, cố gắng chuyển nhanh nhất có thể nhưng bắt buộc phải xử trí ban đầu trẻ trước khi chuyển đảm bảo tình trạng bệnh ổn định, duy trì được chức năng sống cho trẻ mới thực hiện chuyển tuyến.
Chuyển không cấp cứu
Những trường hợp phải xử trí ngoại khoa nhưng không cấp cứu như dị tật chân vẹo, trật khớp háng bẩm sinh, hẹp phì đại môn vị.
Nghi ngờ tim bẩm sinh không có biểu hiện tím sớm
Vàng da kéo dài (>14 ngày)
Trẻ nhẹ cân không đủ khả năng chăm sóc, điều trị
Trẻ đẻ non
Nhiễm khuẩn da, mắt, rốn.
tổ chức chuyển tuyến
Trao đổi, liên hệ đường dây nóng
Trao đổi thông tin trước khi chuyển viện là một yếu tố quan trọng cho chuyển viện thành công. Cần có một đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày/tuần để có thể phục vụ bất cứ lúc nào có cấp cứu xẩy ra. Các thông tin cần trao đổi trước khi chuyển viện gồm tình trạng bệnh tật, các thuốc điều trị, ước tính thời gian đến. Xin tư vấn của tuyến trên về xử trí trước khi chuyển và trên đường chuyển tuyến.
Bảo đảm là đã giải thích kỹ cho gia đình lý do phải chuyển viện. Nói rõ cho gia đình trẻ biết về khả năng điều trị bệnh của tuyến trên. Nếu có thể, cung cấp cho gia đình một số thông tin về một số quy định, chi phí khi lên tuyến trên, giúp người nhà chuẩn bị tốt cho việc chuyển viện. Nên chuyển bà mẹ cùng với trẻ nếu sức khỏe mẹ ổn định, để bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú và bảo đảm trẻ không bị tách mẹ.
Chuẩn bị cán bộ, phương tiện và trang thiết bị cho chuyển tuyến
Cán bộ: trong điều kiện lý tưởng, phải có một nhóm người chịu trách nhiệm chuyển trẻ lên tuyến trên. Các nhân viên cần phải có kiến thức kinh nghiệm và thực hành về chăm sóc sơ sinh cơ bản, cấp cứu ngừng tim, ngừng thở, theo dõi các diễn biến trên đường chuyển viện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể xẩy ra.
Phương tiện vận chuyển: một số nơi có nhiều phương tiện chuyển viện thì cần cân nhắc một số yếu tố để lựa chọn phương tiện thích hợp: Mức độ cấp cứu, thời gian vận chuyển, người vận chuyển, thời tiết, địa hình, khoảng cách…Tại các địa phương xa trung tâm, phương tiện đi lại khó khăn, cần xây dựng hệ thống chuyển tuyến dựa vào cộng đồng
Trang thiết bị và thuốc: có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ thiết yếu cấp cứu và xử trí trẻ sơ sinh trong qúa trình chuyển viện. Các dụng cụ phải được kiểm tra trước khi chuyển trẻ bệnh để bảo đảm là sử dụng được. Các dụng cụ mang theo phải bảo đảm một số tiêu chuẩn sau:
Bảo đảm sạch và vô khuẩn
Tiện lợi, dễ sử dụng
Chất lượng tốt
Phù hợp với cân nặng và tuổi thai
Tại xã, các dụng cụ và thuốc cần mang theo khi chuyển tuyến là:
Bóng, mặt nạ dùng cho trẻ sơ sinh, bình/túi oxygen đủ dùng trong quá trình chuyển, ống nghe; nhiệt kế, dụng cụ làm thông thoáng đường thở (máy hút đờm/nhớt, xylanh hút nhớt), dụng cụ/thiết bị ủ ấm, sonde cho ăn, bơm kim tiêm, các dịch truyền và kháng sinh
Các chú ý khi chuyển tuyến
Tùy điều kiện tại các trạm y tế, sử dụng các phương tiện vận chuyển thích hợp sẵn có với nguyên tắc là đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt quá trình chuyển. Cần đặc biệt chú ý:
Đánh giá lại dấu hiệu sinh tồn của trẻ trước khi chuyển.
Giữ ấm cho trẻ: tốt nhất là đặt trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ hoặc người đi cùng trong suốt quá trình chuyển.
Hút đờm dãi khi cần.
Có nhân viên y tế đi kèm và có các trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho cấp cứu trên đường chuyển.
Nếu có điều kiện, liên hệ với tuyến trên yêu cầu hỗ trợ đón người bệnh hoặc hướng dẫn và hỗ trợ xử trí tùy thuộc vào tình trạng người bệnh.
Xử trí trước khi chuyển tuyến
Viết giấy chuyển tuyến ghi các chi tiết:
Tiền sử thai nghén, chuyển dạ và cuộc đẻ (thời gian chuyển dạ, thời gian vỡ ối, màu sắc nước ối, chỉ số Apgar)
Tuổi thai và cân nặng khi đẻ (nếu biết)
Chẩn đoán ban đầu và lý do chuyển viện
Các dấu hiệu sống và sự thay đổi từ khi đẻ đến khi biểu hiện bệnh
Các thủ thuật đã làm (thở oxy, hồi sức…)
Đã điều trị gì (dịch, thuốc, vitamin K, thuốc nhỏ mắt, tiêm chủng…)
Các kết quả xét nghiệm đã làm
Kiểm tra tất cả các dụng cụ, thuốc cần mang theo
chăm sóc và theo dõi trên đường chuyển tuyến
Bảo đảm giữ thân nhiệt bình thường cho trẻ: quấn chăn ấm hoặc cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ
Bảo đảm cho ăn và dịch truyền khi cần
Nếu trẻ không bị bệnh nặng quá, có thể cho trẻ ăn trên đường vận chuyển
Nếu trẻ không thể bú được, vắt sữa cho trẻ ăn qua ống thông hoặc bằng ống nhỏ giọt, hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch nếu cán bộ đi kèm có khả năng thực hiện.
Nhân viên y tế phải có bảng theo dõi:
Theo dõi diễn biến của trẻ và các dấu hiệu sinh tồn: quan sát mầu da (xem có tím tái không) và di động lồng ngực trẻ, đếm nhịp thở và nhịp tim 15 phút/lần. Sờ da dưới cánh tay và chân để xem trẻ có đủ ấm không.
Xử trí các tình huống trên đường vận chuyển: nếu có các vấn đề nghiêm trọng xẩy ra trong qúa trình vận chuyển (như ngừng thở hoặc co giật) thì cần dừng xe lại để xử trí chứ không nên cố gắng đi nhanh đến tuyến trên
Khi đến cơ sở chuyển viện: Bàn giao trẻ và các hồ sơ liên quan; các diễn biến và xử trí trên đường chuyển tuyến