Nội dung

Cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ

Đại cương

Tai nạn giao thông xảy ra do va chạm giữa các phương tiện giao thông, giữa người và phương tiện giao thông, do người điều khiển phương tiện giao thông bị ngã vào vật cứng … Các lực đè, nén, giằng xé, nghiền …làm cho tổn thương nặng. Hay gặp nhất là chấn thương sọ não và gãy chi.

Các tình huống chấn thương có thể xảy ra đối với nạn nhân điều khiển xe máy và người ngồi sau, tiếp đến nạn nhân là người điều khiển xe ô tô và hành khách trên xe, người đi bộ. Ngoài ra có một số các tình huống tai nạn giao thông đường bộ như tai nạn đường sắt, do xe thô sơ (công nông, xe 3 bánh chở đồ ) gây ra nhưng ít gặp.

Việc phát hiện nạn nhân, biết cơ chế chấn thương và phán đoán được thương tổn giúp cho công tác cấp cứu ban đầu có hiệu quả, tránh làm nặng thêm bệnh, giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.

Các loại hình chấn thương

Chấn thương do tai nạn xe máy

Xe máy hiện nay là phương tiện giao thông phổ biến, nên hầu hết các tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến phương tiện này.

Tổn thương xảy ra chủ yếu do : chấn thương sọ não do vật cứng đập vào hoặc ngã đập đầu vật cứng, gãy chân tay, bỏng, chảy máu rách da phần mềm …

Theo thống kê có đến 75% tử vong tai nạn xe máy là do chấn thương sọ não. Do vậy việc tìm hiểu cơ chế chấn thương sọ não trong tai nạn xe máy rất quan trọng.

Đội mũ bảo hiểm giúp bảo vệ chấn thương sọ não chứ không giúp bảo vệ chấn thương cột sống. Hơn nữa, ngay cả khi đội mũ bảo hiểm vẫn có thể bị chấn thương sọ não, nhưng mũ bảo hiểm sẽ giúp làm giảm nguy cơ chấn thương nặng.

Hình : Cơ chế chấn thương sọ não do tai nạn xe máy

 

Hình : Tổn thương hàm mặt – sọ não do xe máy

Khi va chạm xe máy hoặc xe đạp xảy ra, có 2 cơ chế cơ bản gây ra thương tổn với não bộ: tác động trực tiếp và tác động thông qua sự tăng – giảm tốc. Mỗi cơ chế gây ra loại hình tổn thương khác nhau.

Khi người lái xe máy hoặc xe đạp bị đâm, người điều khiển thường bị văng ra khỏi xe. Nếu đầu của nạn nhân bị đập vào vật cản, sự di động của đầu bị dừng lại đột ngột do vật cản, tuy nhiên thành phần não bộ bên trong hộp sọ tiếp tục di chuyển cho đến khi va đập bên trong hộp sọ, sau đó có sự tác động phản hồi trở lại từ phía đối diện với phía bị va đập của hộp sọ. Loại tổn thương này có thể dẫn tới hậu quả từ nhẹ nhất như choáng váng do chấn động đến tử vong.

Cũng theo cơ chế trên, bản thân não và các thành phần bên trong bên đối diện có thể bị tổn thương so với bên bị chấn thương trực tiếp, gọi là contre-coup. Do não chỉ có khoảng hẹp 1mm để dịch chuyển an toàn trong hộp sọ nên rất dễ va đập vào thành hộp sọ và bị thương tổn.

Các mức độ tổn thương sọ não có thể gặp từ nhẹ đến nặng gồm :

Chấn thương sọ não hở

Tổn thương vỡ hộp sọ, màng cứng làm thông thương chảy dịch não tủy, tổ chức não ra ngoài

Ví dụ:

Các dạng vỡ, lún xương sọ có rách da

Vết thương xuyên thấu

Chấn thương sọ não kín

Không rách da, không vỡ xương, nhưng gây chấn động nãobên trong.

Lún xương nhưng không tổn thương não

Chấn thương sọ não kín có thể gây tổn thương tổ chức và mạch máu dẫn tới dập não, phù nề, chảy máu, tổn thương dây thần kinh…

Ví dụ:

Chấn động não (không có chảy máu não, có thể bị bất tỉnh, khi tỉnh dậy không nhớ gì)

Dập não (phá hủy tổ chức, dập não)

Máu tụ  trong hộp sọ, trong não

Lún sọ nhưng không có rách da

Ngoài chấn thương sọ não, chấn thương chi và các phần khác của cơ thể người lái xe cũng như người ngồi sau có thể xảy ra như nhau. Thường những người sau hay bị tổn thương nặng hơn do khi tai nạn xảy ra, chấn thương bị động nên không có khả năng tự bảo vệ. Tổn thương các phần khác của cơ thể là do hậu quả của việc bị va đập vào các phần của xe, xuống nền đường và mài trượt vào chúng.

Nếu tổn thương ở chi, ví dụ chi dưới là tổn thương nằm ở mặt trước-trong đùi và cẳng chân, thường là những vết xây sát thành vệt dài, kèm dập nát da, hoặc gẫy xương. Hay gặp gãy xương cẳng chân nhiều hơn là gãy xương đùi.

Chấn thương do tai nạn xe máy tổn thương ít lan rộng so với chấn thương nguyên nhân do tai nạn ô tô. Phạm vi lan rộng và mức độ của các thương tích này phụ thuộc vào tốc độ của xe máy. Ngoài ra, nếu xe máy va chạm với ô tô kèm theo nhiều thương tích thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Chấn thương do ô tô

 

Hình : Chấn thương do tai nạn xe ô tô

 

Hình : Cơ chế tổn thương cột sống trong tai nạn xe ô tô

Trong tai nạn xe ô tô, sẽ có 3 loại va chạm xảy ra ngay tức thì :

Va chạm đầu tiên là xe ô tô với vật cứng, vật cản phía trước như cây cối, giải phân cách, xe khác, nhà cửa …

Va chạm thứ hai là cơ thể với các bộ phận phía trước của xe như kính chắn gió, bộ bảng điều khiển, tay lái

Va chạm thứ ba là các tạng trong cơ thể bị va đập khi đang chuyển động cùng với tốc độ di chuyển của xe khi tai nạn xảy ra (não, gan, tim, ruột bị va chạm với các dây trằng và cấu trúc như vỏ sọ não, xương ức, xương sườn, khung chậu).

Do vậy cần xem xét hoàn cảnh xảy ra tai nạn, cách thức xảy ra tai nạn, địa điểm xảy ra tai nạn và có thể phán đoán các thương tổn đối với người lái, cũng như hành khách trên xe.

Hai xe đâm trực diện: Trong hoàn cảnh đó cần xem xét cả nạn nhân lẫn mức độ hỏng hóc của xe

Đối với ô tô: hỏng hóc mặt trước, phần thân, với vỡ kính chắn gió, vỡ hỏng tay lái, vỡ chắn trước.

Đối với nạn nhân có tổn thương: Phần mềm (các trầy xát, rách da, bầm tím và đụng dập), hoặc các tổn thương đầu, cổ, ngực, bụng.

Nhìn từ ngoài vào trong, từ trước ra sau để đánh giá và phán đoán mức độ tổn thương của nạn nhân:

Kính chắn gió bị vỡ: Người lái xe hoặc hành khác phía trên không được cố định nên đầu là nơi va đập với kính chắn gió trước hết.

Nạn nhân có thể bị chấn thương sọ não, tổn thương phần mềm, vỡ xương sọ, các tổn thương tại nơi va đập và tổn thương não bên đối diện.

Kèm theo trán, mặt và cổ có thể tổn thương từ mức độ xây sát, đến vỡ sọ, chấn thương sọ não kín …

Cột sống cổ do quá gấp hoặc quá ngửa dẫn tới tổn thương từ mức độ đứt dây chằng, đến vỡ xẹp di lệch các đốt sống.

Hình ảnh : Chấn thương sọ não do đập kính chắn gió

Tay lái bị hỏng: Thường do cơ thể va đập mạnh vào tay lái khi tai nạn xảy ra.

Cần ghi nhớ các vị trí bầm tím do va chạm, chỗ va chạm đầu tiên được coi là nơi các cấu trúc và tạng bị tổn thương nặng nhất bị xé rách do lực tác dụng trực tiếp hay bị ép gây ra bởi cơ chế này.

Trong trường hợp này, có thể nạn nhân bị các thương tổn : Thương tổn phần mềm ở cổ : xây sát, chảy máu, đứt phần mềm Tổn thương thanh quản và khí quản : đứt, vỡ, đụng dập

Gãy xương ức, xương sườn

Đụng dập tim

Chèn ép tim (do máu tụ ngoài màng tim )

Tràn máu màng phổi

Tràn khí màng phổi

Mảng sườn di động khi có gãy xương sườn hàng loạt

Tổn thương nội tạng trong ổ bụng (vỡ lách, gan, ruột)

Bảng điều khiển bị vỡ

Người điều khiển và hành khách phía trên không được cố định tốt nên cơ thể va vào bảng điều khiển.

Thương tổn có thể xảy ra bao gồm

Chấn thương khớp gối, cẳng chân

Xương đùi, khớp háng, xương chậu (nếu lực tác động gần với khớp gối) Đầu, mặt, đoạn cột sống cổ.

Va chạm từ bên hông – hoặc từ phần chếch

Bị xe khác đâm từ các phía lại.

Va chạm này có thể gây nên thương tổn bên cho người lái hoặc hành khách.

Phần thân xe bị tác động:

Tai nạn dạng này làm cánh cửa, phần tì tay, cửa sổ hoặc các phần khác của xe ép vào lái xe và hành khách. Thương tổn nhiều khi rất nặng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng, do cần xem xét và đánh giá khi đến hiện trường để trước hết ổn định nạn nhân và chờ cứu viện y tế.

Bộ phận bị thương tổn

Chấn thương sọ não.

Cột sống (phối hợp giữa ngửa và xoay cột sống khi lực tác động từ phía bên dẫn tới hay bị tổn thương nặng cột sống; thương tổn gãy cột sông thường gặp trong tai nạn này hơn là va chạm đầu đuôi xe với nhau).

Ngực và bụng có thể tổn thương trong va chạm xe ngang giống như hai xe đấu đầu nhau.

Cánh tay, vai, xương đòn thường tổn thương trong va chạm vào thành bên của xe. Xương chậu, khớp háng, xương đùi cũng tổn thương trong loại va chạm này.

Va chạm đầu – đuôi xe

Thông thường hay gặp trong tình huống một xe cố định và bị xe khác đâm vào phía sau ( xe đang đỗ bị xe di chuyển va phải)

Thương tổn như xoắn vặn và chỗ ngồi bị bắn ra phía trước, nếu đầu đang để quá thấp thì cột sống cổ bị ngửa tối đa qua chỗ kê đầu trên ghế. Do vậy dây chằng thường bị kéo căng, cột sống bị giãn căng và tổn thương nặng ở cột sống.

Xe có thể bị va đập cả trước và sau nên người cấp cứu có nhiệm vụ đánh giá cả hai loại cơ chế tổn thương này khi đến hiện trường.

Xe đổ và lộn vòng

Hình: Xe đổ lộn vòng

Người lái bị lộn vòng, có thể bị văng ra  và bị tổn thương từ nhiều hướng. Rất khó khăn khi định hướng thương tổn, tuy nhiên có thể xem xét đánh giá các thương tổn nguyên phát (ngay sau tai nạn ) và thứ phát (xảy ra hậu quả của tổn thương trước đó hoặc xuất hiện từ từ sau này).

Trường hợp này cũng nên xem xét xung quanh vì nhiều khả năng hành khách khác cũng bị văng ra khỏi xe.

Nếu nạn bị văng khỏi xe : nguy cơ tử vong tăng lên 25 lần.

Các va đập thứ phát sau khi nạn nhân bị văng khỏi xe mạnh hơn rất nhiều so với va đập lần đầu.

Khoảng cách từ chỗ nạn nhân tới chỗ xe cho biết tốc độ của xe trước khi tai nạn xảy ra và cho biết mức độ năng lượng nạn nhân bị chịu.

Theo các chuyên gia đã tính toán, trung bình có 1/ 13 nạn nhân bị văng khỏi xe có chấn thương cột sống. Do vậy cần lưu ý đến chấn thương cột sống cổ các nạn nhân bị văng khỏi xe.

Hệ thống giữ nạn nhân an toàn

Khi nạn nhân ngồi xe, cần kiểm tra đầy đủ các phương tiện bảo hiểm cần thiết và mang vào người : dây bảo hiểm, có túi khí sẵn sàng …

Nếu phương tiện bảo hiểm không mang, hoặc mang không đúng cách đôi khi làm cho nạn nhân bị thương tích nặng hơn khi tai nạn xảy ra.

Dây bảo hiểm

Có sẵn tại ghế ngồi và phải mang vào khi xe đang chạy.

Cần phải cài đúng tư thế với phần dây phía dưới ngang xương chậu và trên xương đùi và được siết chặt vừa phải).

Dây bảo hiểm sẽ giúp phòng nạn nhân không bị văng khỏi xe.

Tuy nhiên, nếu dây đeo không đúng cách, tai nạn xảy ra sẽ làm thương tổn trên cơ thể do dây chèn, kéo, chà sát …

Một số thương tổn có thể thấy khi đeo dây không đúng cách

Dây đeo quá cao :

Thương tổn do đè ép vào các tạng trong ổ bụng

Các thương tổn vỡ ruột non và đại tràng

Vỡ cơ hoành do tăng áp lực trong ổ bụng

Các vỡ cột sống do chèn ép

Dây đeo ngang bụng:

Chấn thương sọ não

Chấn thương đầu, mặt, cổ.

Cơ chế do nửa người trên không ngừng chuyển động về phía trước khi tai nạn xảy ra vì phần này không được cố định.

Hình : Các loại tổn thương do đeo dây bảo hiểm không đúng cách

Dây đeo ngang vai:

Chấn thương nặng cột sống cổ.

Đôi khi bị đứt ngang người.

Túi khí

Được thiết kế cho người lái xa và người ngồi phía trước. Nó có tác dụng bảo vệ tối đa đầu mặt khi phối hợp cùng với đeo dây bảo hiểm

Nếu có xả hơi ngay sau khi va chạm thì nó không có khả năng bảo vệ các lần va chạm tiếp theo.

Hình : Tai nạn do túi khí

Không có tác dụng khi lực đâm từ ngang sườn hoặc từ phía sau.

Không khuyến cáo tác dụng ở trẻ em và có thể gây tử vong nếu xử dụng không đúng dù là va chạm nhẹ vì nạn nhân có thể bị ngạt.

Tai nạn gây ra đối với người đi xe đạp và đi bộ

Đối với người đi bộ va phải xe cộ :

Nạn nhân có thể là người lớn và trẻ em.

Do khác nhau chiều cao nên phần va chạm giữa cơ thể với phương tiện giao thông là khác nhau, dẫn đến thương tổn cũng khác nhau.

Với người lớn, phần va chạm của phương tiện đối với phần thấp của chi, ở trẻ em thì thường từ đùi tới xương chậu, thậm chí đến cả vùng ngực

Khi nạn nhân gập người về phía trước thì phần cao của chi và thân va đập lần thứ hai với mặt trước của xe.

 

Hình : Nạn nhân đi bộ va xe ô tô

Với trẻ em thường là bụng và ngực (nếu nạn nhân tiếp tục chuyển động về phía trước thì đầu tiếp tục va đập vào nắp xe và kính chắn gió).

Cuối cùng lần va chạm thứ ba là nạn nhân bị rơi khỏi xe và đập vào vỉa hè và thường là phần đầu.

Khi xem xét nạn nhân cần coi nạn nhân như bị đa chấn thương dù ban đầu chưa phát hiện thấy dấu hiệu gì.

Xe máy đang chạy va vào người đi bộ có thể bằng bánh trước, bàn đạp để chân, tay lái, tay ga. Các thương tổn do va đập ban đầu lúc này tập trung ở phần trước của cơ thể. Va đập bởi bàn đạp để chân và bánh xe kèm theo sự tạo thành các vết sây xát (đôi khi với các dấu vết trượt), bầm tụ máu, dập rách da và gãy xương cẳng chân. Va đập bằng tay lái, tay ga gây thương tổn các cơ quan ổ bụng (gan, thận, ruột non). Tiếp đến nạn nhân ngã dẫn tới chấn thương sọ não nặng và thường là nguyên nhân tử vong.

Ngoài va, do va chạm của xe, các phần thiết kế trên xe có thể làm tổn thương : phần mềm như dập nát, rách chảy máu …

Ngã xe đạp:

Thực tế ở Mỹ và một số các nước, người đi xe đạp cũng có nguy cơ tổn thương nặng do ngã xe, hoặc va chạm với xe cộ khác khi tai nạn xảy ra. Bởi vậy người đi xe đạp được khuyến cáo nên dùng mũ bảo hiểm khi đi xe.

Tổn thương chính đối với người đi xe đạp chủ yếu và phần mềm. Đôi khi do ngã, va đập mạnh vào nền cứng nạn nhân cũng sẽ bị chấn thương sọ não nặng.

Lưu ý các bước:

Cần xem xét hiện trường, tình huống xảy ra tai nạn

Áp dụng cơ chế chấn thương để phán đoán thương tổn

Đưa nạn nhân ra ngoài và đến chỗ an toàn

Cố gắng ổn định nạn nhân hoặc xử trí sơ bộ khi chờ cứu hộ y tế

Gọi hỗ trợ cấp cứu y tế : 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất, nên cung cấp thông tin y tế đầy đủ về nạn nhân, tình trạng nạn nhân để được tư vấn xử trí và chuẩn bị đồ, nhân viên phù hợp cho việc cấp cứu.