Đại cương về hoạt động chuyển tuyến
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại việt nam và quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ta bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: bệnh viện; cơ sở giám định y khoa; phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền; nhà hộ sinh; cơ sở chẩn đoán; cơ sở dịch vụ y tế; trạm y tế cấp xã và tương đương; các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nước ta gồm 4 tuyến:
Tuyến trung ương;
Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây viết tắt là tuyến tỉnh);
Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây viết tắt là tuyến huyện);
Tuyến xã, phường, thị trấn (dưới đây viết tắt là tuyến xã).
Căn cứ vào yêu cầu tối thiểu về năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ta được xếp vào các tuyến như sau:
Tuyến Trung ương bao gồm bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng I được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tuyến cuối.
Tuyến tỉnh bao gồm bệnh viện hạng II, các bệnh viện hạng I (trừ các bệnh viện đã thuộc tuyến Trung ương).
Tuyến huyệnbao gồm: Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa; Bệnh xá công an tỉnh; Nhà hộ sinh;
Tuyến xãbao gồm: Trạm xá, trạm y tế xã, phường, thị trấn;Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến nào phải thực hiện được danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế quy định cho tuyến đó.
Hoạt động chuyển tuyến:
Khái niệm
Hoạt động chuyển tuyến bao gồm việc tổ chức, thực hiện việc chuyển tuyến người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quản lý thông tin chuyển tuyến người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chuyển tuyến là việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.
Chuyển tuyến người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể được hiểu là một quá trình mà trong đó nhân viên y tế ở một tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, không đủ nguồn lực (cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, khả năng chẩn đoán, điều trị) để kiểm soát tình trạng lâm sàng của người bệnh, cần tìm kiếm sự hỗ trợ của một cơ sở có nguồn lực tốt hơn hoặc cơ sở tương đương có đủ điều kiện hỗ trợ hoặc đủ nguồn lực để kiểm soát tình trạng lâm sàng của người bệnh nhưng cần chuyển người bệnh về tuyến dưới phù hợp để giảm quá tải đồng thời thuận lợi, giảm chi phí cho người bệnh.
Các hình thức chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:
Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến xã chuyển lên tuyến huyện, tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh chuyển lên tuyến trung ương;
Khi tuyến liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới có thể chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên không theo trình tự trên. Ví dụ: tuyến xã có thể chuyển lên tuyến tỉnh không qua tuyến huyện, tuyến huyện có thể chuyển lên tuyến Trung ương bỏ qua tuyến tỉnh.
Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.
Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Nhằm góp phần điều tiết người bệnh đến khám chữa bệnh tại các tuyến, đồng thời đánh giá năng lực tuyến dưới để lập kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, kịp thời rút kinh nghiệm các sai sót chuyên môn thì cần thiết quản lý thông tin chuyển tuyến.
Quản lý thông tin chuyển tuyến bao gồm việc thống kê, xử lý các thông tin chuyển người bệnh đi các tuyến và việc tiếp nhận người bệnh từ các tuyến chuyển đến, phản hồi thông tin, thông tin hai chiều giữa các tuyến trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, ghi chép các sai sót chuyên môn, tai biến…cần rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Tổng hợp báo cáo thông tin chuyển tuyến là một kênh thông tin để đánh giá thực trạng, nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực tuyến dưới, góp phần giảm tỷ lệ người bệnh ồ ạt đổ về bệnh viện tuyến trên đặc biệt là bệnh viện Trung ương, dẫn tới tình trạng quá tải bệnh viện gây bức xúc cho người bệnh và xã hội. Theo báo cáo của các đơn vị, hiện nay 80% người bệnh đến bệnh viện tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh mà tuyến dưới có thể chẩn đoán và điều trị được. Như vậy, việc quản lý chuyển tuyến được thực hiện tốt sẽ hạn chế được tình trạng vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật của người bệnh như hiện nay.
Vai trò hoạt động chuyển tuyến trong hệ thống khám, chữa bệnh:
Thực hiện hoạt động chuyển tuyến tốt giúp bảo đảm việc chẩn đoán, điều trị người bệnh tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Nói đến hoạt động chuyển tuyến là nói đến việc chuyển tuyến người bệnh và quản lý thông tin chuyển tuyến gắn liền hệ thống thông tin hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới trong hệ thống khám chữa bệnh.
Hệ thống thông tin hai chiều trong chuyển tuyến là một nội dung của hoạt động chỉ đạo tuyến, được thực hiện nhằm đánh giá trình độ chuyên môn tuyến dưới, phát hiện sai sót chuyên môn tuyến dưới, để có biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực tuyến dưới, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Việc thực hiện tốt thông tin hai chiều trong chuyển tuyến nói riêng, hệ thống chỉ đạo tuyến nói chung sẽ đảm bảo được mối quan hệ chặt chẽ giữa các cấp của hệ thống y tế và giúp đảm bảo người dân nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay tại địa phương.
Sự gắn kết của các tuyến y tế trong hoạt động chuyển tuyến cũng hỗ trợ trong việc sử dụng hiệu quả của các bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hỗ trợ cho y tế tuyến dưới nâng cao năng lực và tăng cường tiếp cận chăm sóc chất lượng tốt hơn.
Giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương với chi phí thấp hơn cho cả người dân và cả hệ hệ thống y tế. Người bệnh được chăm sóc tối ưu ở mức thích hợp và không quá tốn kém, cơ sở bệnh viện được sử dụng tối ưu và hiệu quả, người dân có điều kiện tiếp cận kịp thời các dịch vụ chuyên môn khi cần thiết. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được sử dụng và uy tín của y tế cơ sở được tăng cường.
Thực trạng chuyển tuyến hiện nay
Việc chuyển tuyến người bệnh là việc thường xuyên diễn ra hàng ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh với phương tiện, trang thiết, kỹ thuật ngày càng được trang bị tốt hơn.
Việc quản lý thông tin chuyển tuyến cũng đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bước đầu thực hiện qua ghi chép, tổng hợp, thống kê các trường hợp chuyển tuyến.
Tại các bệnh viện Trung ương, Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến hoặc các phòng chỉ đạo tuyến của bệnh viện đã duy trì thực hiện việc tổng hợp báo cáo, thông tin hai chiều với các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt phản hồi thông tin người bệnh đối với các trường hợp có sai sót chuyên môn cần rút kinh nghiệm. Các đơn vị thực hiện tốt việc tổng hợp thông tin chuyển tuyến: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy…Tuy nhiên việc quản lý chuyển tuyến một cách bài bản, nề nếp và thống nhất tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc hiện nay chưa được thực hiện.
Tại Tỉnh Hòa Bình quản lý chuyển tuyến đã được thực hiện: đã thiêt lập được mạng lưới chuyển tuyến gắn liền với hệ thống chỉ đạo tuyến tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện huyện; việc thống kê, tổng hợp số liệu chuyển tuyến, thông tin hai chiều, phản hồi thông tin người bệnh, các cuộc giao ban màng lưới chuyển tuyến được duy trì thực hiện. Qua việc thực hiện tốt hoạt động chuyển tuyến, xác định được những hạn chế chuyên môn và nhu cầu đào tạo của tuyến tỉnh, tuyến huyện, có kế hoạch đào tạo phù hợp giúp nâng cao năng lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Mô hình hệ thống chuyển tuyến tại Hòa Bình là mô hình hoạt động hiệu quả, nếu được hoàn thiện, phát triển thì có thể nhân rộng ở các địa phương có điều kiện tương tự Hòa Bình.
Quan tâm đến quản lý chuyển tuyến nói riêng, công tác chỉ đạo tuyến nói chung giúp cao năng lực tuyến dưới, giảm quá tải ở tuyến trên, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe ở các vùng miền.Sự gắn kết của các tuyến y tế trong hoạt động chuyển tuyến cũng hỗ trợ trong việc sử dụng hiệu quả của các bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hỗ trợ cho y tế tuyến dưới nâng cao năng lực và tăng cường tiếp cận chăm sóc chất lượng tốt hơn.