Đại cương
Dẫn lưu bể thận qua da cấp cứu là thiết lập một đường dẫn lưu nước tiểu từ bể thận ra ngoài qua da, qua đó giải quyết tình trạng ứ nước, ứ mủ bể thận nhằm giải quyết được tình trạng nhiễm trùng tại chỗ, hạn chế khả năng nhiễm trùng lan rộng hơn như nhiễm trùng máu, kéo dài thời gian nâng thể trạng cho người bệnh để tạo điều kiện cho việc giải quyết nguyên nhân gây tắc nghẽn.
Chỉ định
Tắc nghẽn đường bài xuất trên có thể do một trong các nguyên nhân:
Bệnh ác tính: ung thư tử cung, tuyến tiền liệt, xương chậu di căn, ung thư của hệ tiết niệu…
Sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm xơ hóa co thắt niệu quản.
Chít hẹp niệu quản sau phẫu thuật.
Viêm ứ mủ bể thận.
Tắc nghẽn đường bài xuất trong thai kỳ và chưa thể xử trí triệt để được nguyên nhân tắc nghẽn.
Chống chỉ định
Rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với điều trị.
Đang được điều trị với chống đông: aspirin, warfarin, heparin.
Khối u thận, lao thận.
Bệnh toàn thể nặng tiên lượng tử vong.
Chuẩn bị
Người thực hiện
02 bác sĩ: 01 bác sĩ cầm đầu dò siêu âm và 01 bác sĩ thực hiện thủ thuật.
01 điều dưỡng: phụ giúp các bác sĩ tiến hành thủ thuật.
Phương tiện
Giường thủ thuật: 01 chiếc
Máy siêu âm với đầu dò Convex 3,5 MHz đã được sát khuẩn
Túi camera vô khuẩn: 01 bộ
Bộ sonde dẫn lưu 6 -8F: 01 bộ
Bộ dây truyền huyết thanh: 01 bộ
Túi đựng nước tiểu: 01 chiếc
Dung dịch betadin sát trùng: 01 lọ
Săng vô khuẩn loại có lỗ: 01 chiếc
Săng vô khuẩn không có lỗ: 01 chiếc
Thuốc gây tê lidocain 2%: 04 ống
Nước muối sinh lý 0,9%: 500ml
Kim tiêm, bơm tiêm 5ml: 01 chiếc
Bơm tiêm 20ml: 02 chiếc
Bông băng, gạc vô trùng: 04 gói
Găng tay vô trùng: 03 đôi
Ống nghiệm: 04 ống
Bộ dụng cụ và thuốc chống choáng, chống sốc phản vệ
Người bệnh
Người bệnh đã được làm các xét nghiệm về đông máu cơ bản và các xét nghiệm cơ bản khác.
Người bệnh được siêu âm thận tiết niệu.
Người bệnh có thể được chụp X quang hệ tiết niệu trong trường hợp sỏi đường tiết niệu.
Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng, thận ứ mủ được dùng kháng sinh trước khi làm thủ thuật, thời gian và liều lượng tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng.
Người bệnh và người nhà được nghe bác sĩ giải thích kỹ về tác dụng và tai biến của thủ thuật và ký vào giấy cam kết đồng ý làm thủ thuật dẫn lưu bể thận qua da.
Hồ sơ bệnh án
Bệnh án được hoàn thiện với các thủ tục dành cho người bệnh tiến hành làm thủ thuật: hồ sơ đã duyệt can thiệp thủ thuật, giấy cam đoan có ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra các xét nghiệm đã được làm.
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu tên, tuổi, chẩn đoán bệnh.
Thực hiện kỹ thuật
Người bệnh được thử phản ứng với thuốc gây tê lidocain.
Người bệnh được kiểm tra mạch, huyết áp trước khi tiến hành thủ thuật.
Người bệnh được nằm nghiêng bộc lộ bên thận cần dẫn lưu.
Bác sĩ rửa tay, đi găng vô trùng.
Sát trùng da vùng định dẫn lưu.
Trải săng vô trùng loại có lỗ.
Định vị bằng siêu âm để tìm điểm đưa dẫn lưu vào bể thận.
Gây tê vùng dẫn lưu.
Đưa sonde chuyên dụng vào bể thận dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Dùng bơm 20ml rút dịch trong bể thận ra ngoài.
Lấy mẫu xét nghiệm dịch: sinh hóa, tế bào, cấy định danh vi khuẩn, PCR lao.
Luồn ống dẫn lưu vào trong bể thận, rút nòng sonde và luồn sonde vào bể thận.
Khi sonde dẫn lưu đã đặt đúng vị trí trong bể thận thì tiến hành nối sonde dẫn lưu với bộ dây truyền và túi đựng nước tiểu.
Khâu cố định sonde dẫn lưu.
Siêu âm kiểm tra lại vị trí sonde dẫn lưu trong bể thận.
Băng vùng chân dẫn lưu.
Cho người bệnh về giường bệnh.
Theo dõi
Các thông số sinh tồn: toàn trạng, mạch, huyết áp, nhịp thở.
Kiểm soát đau.
Theo dõi dịch số lượng, tính chất, màu sắc qua sonde dẫn lưu Siêu âm lại thận – tiết niệu sau 24 giờ. Kháng sinh theo tình trạng bệnh.
Tai biến và xử trí
Đau
Chảy máu
Có thể chảy máu từ nhu mô hoặc từ mạch máu liên sườn. Chảy máu thông thường tự cầm và không ảnh hưởng đến huyết động.
Trường hợp chảy máu nghiêm trọng từ các nhánh của động mạch thận. Cần truyền máu để giúp ổn định tình trạng của người bệnh. Nên tiến hành chụp mạch để xác định nguồn chảy máu và nút mạch nếu cần.
Nhiễm khuẩn.
Tổn thương cơ quan lân cận hiếm gặp ví dụ như đại tràng, trong hầu hết các trường hợp điều trị bảo tồn với kháng sinh và nhịn ăn.
Tài liệu tham khảo
Mark J, Hogan M, Brian D et al. (2001). “Percutaneous Nephrostomy in Children and Adolescents: Outpatient Management”. Radiology 218: pp.207- 10
Mosbah A, Siala A (1990). “Percutaneous nephrostomy in the treatment of Pyonephrosis. A comparative study apropos of 36 cases” . Ann Urol (Paris) 24 (4): pp.279 – 81.
Ogg CS, Pedersen JS (1969). “Percutaneous Needle Nephrostomy”. Bristish Medical Journal 4: pp.657 – 60.
Karim SS R, Samanta S, Aich RK et al. (2010). “Percutaneous nephrostomy by direct puncture technique: An observational study”. Indial journal of Nephrology 20 (2): pp. 84 – 8.