Nội dung

Điện tâm đồ: các nghiệm pháp kích thích dây x

Nguồn: Sách “ Đọc điện tâm đồ dễ hơn” – BS Nguyễn Tôn Kinh Thi- 2016

Dây thần kinh phế vị (vagus nerve)

Thần kinh X, còn gọi là thần kinh phế vị, là dây chính của hệ thần kinh đối giao cảm. Đôi dây thần kinh này xuất phát từ dưới hành tủy, đi qua ngực, bụng phân bố đến tim, phổi, thực quản, dạ dày, ruột, gan, túi mật, tụy và phần trên các niệu quản.

Hệ thống thần kinh phế vị chịu trách nhiệm điều chỉnh tần số tim và huyết áp do đó khi kích thích nó sẽ ảnh hưởng tới nhịp tim và huyết áp.

Hình D2.1. Đường đi của dây thần kinh phế vị ở cổ

Ngất phế vị (vasovagal) là một phản ứng quá mức của cơ thể (ví dụ sợ, nhìn thấy máu), gây nên sự kích thích thần kinh phế vị, làm tụt huyết áp và nhịp tim, lgiảm lưu lượng máu lên não, dẫn đến mất ý thức.

Các nghiệm pháp kích thích phế vị sẽ kích thích các thụ thể trong động mạch cảnh trong, gây ra phản xạ thần kinh phế vị, kết quả sản sinh ra acetylcholine, làm chậm các xung điện truyền qua nút nhĩ thất và làm chậm nhịp tim. Các thủ thuật này thường dùng ở bệnh nhân bị nhịp nhanh trên thất.

Áp dụng

Tần số tim sẽ thay đổi khi làm nghiệm pháp kích thích phế vị trong nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh nhĩ, cuồng nhĩ. 

Trong nhịp nhanh xoang, tần số tim chậm lại nhưng dần dần trở lại nhanh như trước.

Nhịp nhanh nhĩ có thể trở về nhịp xoang ngay khi làm các nghiệm pháp này.

Trong cuồng nhĩ nhịp 2:1, khi làm các nghiệm pháp này có thể chuyển sang dạng nhịp 3:1, 4:1… tần số tim chậm lại và đột ngột nhanh lên khi ngừng nghiệm pháp.

Đối với nhịp nhanh thất, tần số tim không hề thay đổi với các nghiệm pháp kích thích phế vị. Đây cũng là điểm khác nhau với nhịp nhanh trên thất.

Một số phương pháp thường dùng (vagal maneuver techniques )

Nghiệm pháp ấn nhãn cầu( eyeball compression (ebc) )

 Ấn hai nhãn cầu bằng 2 ngón tay cái, các ngón còn lại của 2 bàn tay đặt phía xương chẩm, ấn từ vừa đến mạnh cho đến khi người bệnh thấy đau, ấn từ 1-5 phút. 

Nên theo dõi mạch bệnh nhân để không cho mạch thấp dưới mức bình thường.

Ấn nhãn cầu là một biện pháp khá hiệu quả hay được dùng nhưng đôi khi có thể gây bong võng mạc.

Hình D2.2. Ấn nhãn cầu hai bên cùng lúc

Nghiệm pháp valsalva (valsalva’s test – valsalva maneuver )

Cho bệnh nhân thở ra hết sau đó hít vào thật sâu rồi nhịn hơi 

Tiếp đó bệnh nhân rặn thở bằng cách thở mạnh ra đường mũi nhưng bịt mũi lại (thở ra nhưng đóng thanh môn)

Làm 3-4 lần, không kết quả thì ngừng.

Hình D2.3. Nghiệm pháp Valsalva

Nghiệm pháp xoa xoang cảnh (carotid sinus pressure/massage (csm)  )

Xoang cảnh nằm ở vị trí ngang sụn giáp. Nơi đây rất nhạy cảm với sự thay đổi áp lực trong máu động mạch 

Nghiệm pháp Xoa xoang cảnh được dùng để chẩn đoán ngất do thần kinh phế vị và đôi khi để phân biệt nhịp tim nhanh trên thất với nhịp nhanh thất

Trước khi xoa phải nghe không thấy hẹp động mạch cảnh và xoa từng bên một. 

Khi xoa bảo bệnh nhân nghiêng đầu một bên, bác sĩ dùng ngón tay cái ấn lên xoang cảnh và day.

Vừa ấn vừa xoa xoang động mạch cảnh 15-20 giây, bên phải trước.

Nếu không có hiệu quả thì làm sang bên trái, không làm cả hai bên cùng một lúc.

Nghiệm pháp này phải được làm một cách thận trọng vì có một số trường hợp có thể gây ngưng tim.  

Hình D2.4. Vị trí xoa xoang cảnh

Phương pháp gập người (bearing down position )

Để bệnh nhân ngồi trên ghế

Cho bệnh nhân cúi gập đầu, cong lưng cho đầu kẹp giữa hai đầu gối.

Hình D2.5. Phương pháp cúi gập người

Gây nôn (gagging)

Dùng đè lưỡi, chạm nhanh vào thành sau họng để gây phản xạ nôn.

Nghiệm pháp này gây khó chịu nhiều

Hình D2.6. Kích thích thành sau họng gây phản xạ

Ho (coughing)

Ho tạo ra các phản ứng sinh lý tương tự như nghiệp pháp Valsava hoặc gập người. Phương pháp này thường dễ dàng thực hiện hơn.

Ho phải mạnh mẽ và nhiều cái liên tục.

Đắp đá lạnh lên mặt (cold stimulus to the face)

Ngâm khăn trong đá lạnh rồi đắp lên mặt 10 giây.

Nghiệm pháp tạo ra một phản ứng sinh lý tương tự như xảy ra nếu một người đang ngập trong nước lạnh (phản xạ thợ lặn).