Đại cương
Thận là nơi đào thải chủ yếu của nhiều loại thuốc hoá chất và các chất chuyển hoá của chúng. Các bệnh lý làm suy giảm chức năng thận dẫn đến chậm đào thải và chuyển hoá các thuốc hoá chất dẫn đến tăng độc tính toàn thân của thuốc.
Một số thuốc hoá chất có thể gây độc với thận. Trong số đó có thuốc gây độc với thận ngay lập tức nhưng cũng có thuốc gây độc rõ sau khi sử dụng một thời gian dài. Điều trị hóa chất cho những người bệnh có kèm theo bệnh lý của thận cần được thực hiện cẩn trọng.
Chỉ định
Bệnh ung thư được chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học (hoặc tế bào trong một số trường hợp đặc biệt không thể cho phép sinh thiết mô bệnh học).
Chức năng thận còn trong giới hạn cho phép điều trị hóa chất.
Chống chỉ định
Suy thận nặng.
Đợt suy thận cấp trên một bệnh lý của thận.
Các loại hóa chất gây độc với chức năng thận.
Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ loại hóa chất sử dụng trong phác đồ điều trị.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Gồm bác sĩ chuyên khoa Ung thư, điều dưỡng viên kết hợp với bác sĩ chuyên khoa Thận – Tiết niệu.
Hỏi bệnh: khai thác kỹ tiền sử, bệnh sử về thận, về ung thư.
Khám lâm sàng: khối u, hệ thống hạch ngoại vi, da, niêm mạc và các bộ phận khác, có biểu hiện của suy thận hay không, tình trạng thiếu máu.
Xác định chẩn đoán ung thư bằng mô bệnh học, hóa mô miễn dịch nếu cần.
Làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cần thiết: chụp X-quang ngực, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hạt nhân .v.v.
Các xét nghiệm đặc hiệu theo loại bệnh và các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan như gan, tu xương, tim mạch.
Các biện pháp, xét nghiệm đánh giá chức năng hệ tiết niệu một cách toàn diện. Xác định nguyên nhân gây suy giảm chức năng: trước thận, tại thận hay sau thận để có phương án điều trị thích hợp.
Nếu có thiếu máu nặng, cần truyền máu hoặc các thành phần của máu thích hợp.
Một số trường hợp bệnh ung thư gây hội chứng ly giải u, tăng a-xít u-ric, tăng canxi huyết cần được điều trị dự phòng trước điều trị hoá chất.
Điều chỉnh rối loạn điện giải (thường tăng kali huyết) trước khi điều trị hoá chất.
Cần hội chẩn, tư vấn bác sĩ chuyên khoa tiết niệu trước, trong và sau khi điều trị hoá chất.
Cần tránh các thuốc gây tổn thương thận như các thuốc chống viêm không steroid, các thuốc cản quang đường tĩnh mạch, kháng sinh nhóm aminoglycosid và một số kháng sinh khác.
Lựa chọn thuốc, phác đồ điều trị hoá chất không hoặc ít ảnh hưởng chức năng thận.
Phương tiện
Các dụng cụ, phương tiện cần thiết để điều trị hoá chất: giường hoặc ghế truyền, tủ pha thuốc, xe đẩy, dịch truyền, các thuốc hỗ trợ v.v.
Người bệnh
Giải thích về thủ thuật, các công việc, các bước tiến hành và các biến chứng có thể xảy ra để người bệnh biết và chuẩn bị tâm lý.
Hướng dẫn người bệnh các việc cần thiết để phối hợp thực hiện.
Người bệnh cần có chế độ ăn, uống thích hợp với người bị suy giảm chức năng thận.
Hồ sơ bệnh án
Bệnh án cần được làm đầy đủ thủ tục hành chính, ghi nhận xét trong quá trình khám, điều trị và ra ghi y lệnh đầy đủ theo quy chế bệnh án.
Các bước tiến hành
Nơi tiến hành
Tiến hành tại buồng bệnh sạch sẽ
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra hồ sơ về chẩn đoán, chỉ định thuốc, liều dùng, đường dùng
Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu trong suốt thời gian thực hiện y lệnh
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu người bệnh với hồ sơ, đảm bảo đúng người bệnh. Khám lâm sàng, ghi nhận các triệu chứng, các dấu hiệu sinh tồn vào bệnh án, phiếu theo d i.
Đối với hoá chất uống, người bệnh có thể sinh hoạt tự do.
Người bệnh nằm tại giường hoặc ghế truyền.
Điều trị hoá chất
Các thuốc hoá chất và các thuốc hỗ trợ cần được giảm liều thích hợp tuỳ theo mức độ suy thận và tuỳ loại thuốc.
Đối với hoá chất đường uống, cho người bệnh uống theo liều lượng chính xác.
Đối với hoá chất dùng đường tiêm truyền:
Tiêm các thuốc hỗ trợ (chống nôn, kháng histamine, corticoid) theo y lệnh.
Chuyển từ chai dịch sang các chai có hoá chất đã pha theo y lệnh. Thay chai lần lượt theo thứ tự ghi trong y lệnh. Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.
Thông thường, sau truyền hoá chất cần truyền dịch đẳng trương để tráng ven. Số lượng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định.
Kết thúc truyền
Đối với tĩnh mạch ngoại vi: khóa dây truyền và rút kim, dùng bông vô trùng đặt lên chỗ tiêm, giữ bông một lát cho máu hết chảy ra.
Đối với ống thông tĩnh mạch: Tháo dây truyền ra khỏi catheter và lắp nút đậy. Một số catheter cần bơm thuốc chống đông vào trong trước khi đậy nút để tránh đông máu gây tắc.
Đối với buồng tiêm truyền dưới da: bơm thuốc chống đông vào buồng tiêm truyền trước khi rút.
Dọn dẹp, bảo quản dụng cụ
Dọn các chai, dây truyền, kim tiêm, băng, gạc.v.v. vào đúng nơi qui định.
Rửa sạch các dụng cụ, lau khô, tiệt khuẩn.
Ghi hồ sơ: ngày, giờ tiêm truyền: giờ bắt đầu và giờ kết thúc. Các phản ứng của người bệnh, các biến chứng (nếu có). Tên điều dưỡng thực hiện.
Theo dõi và xử trí tai biến
Theo dõi
Điều dưỡng cần đến quan sát người bệnh và đường truyền 15 phút một lần để đề phòng các tai biến có thể xảy ra.
Nếu người bệnh bị phản ứng với bất kỳ thuốc nào, phải ngừng truyền ngay và báo cáo với bác sĩ.
Sau khi điều trị hoá chất cần theo dõi chức năng thận 1-5 ngày một lần tuỳ theo mức độ để xử trí kịp thời (hàng ngày hoặc 3-5 ngày)
Xử trí tai biến
Đối với choáng phản vệ: xử trí như choáng phản vệ với các thuốc khác.
Nếu có biểu hiện suy thận cấp cần dừng điều trị hoá chất tiếp, tiến hành các biện pháp điều trị suy thận tích cực.