Nội dung

Điều trị say nóng say nắng theo y học cổ truyền

Đại cương.

Định nghĩa:

Say nóng, say nắng là tình trạng mất nước kèm theo rối loạn trung khu điều hoà thân nhiệt cấp tính.

Điều kiện thuận lợi:

Say nắng: bộ đội hành quân lao động buổi trưa hoặc xế chiều không có bóng râm, ánh nắng chiếu thẳng, trung khu điều hoà nhiệt bị kích thích trực tiếp, tia nắng chiếu trực tiếp vào gáy, cổ đầu chủ yếu là tia tử ngoại (buổi trưa).

Say nóng: lao động trong hầm lò, tia hồng ngoại chiếu vào trung khu điều hoà thân nhiệt, tác nhân nhiệt không kích thích trực tiếp vào trung khu điều hoà thân nhiệt mà tác động vào toàn cơ thể.

Say nắng thường gặp nặng hơn say nóng.

Lâm sàng điều trị.

Lâm sàng:

Sốt, da nóng vã mồ hôi nhiều.

Nước tiểu vàng xẫm, tiểu ít.

Mạch phù nhược.

Người mệt lả, phiền nhiệt bứt rứt khó chịu.

Niêm mạc mắt đỏ, lưỡi đỏ.

Nếu nặng gọi là trúng nắng trúng nóng, bệnh nhân đột ngột ngất xỉu, mê man, sốt cao vã mồ hôi như tắm, thở dốc, rối loạn nhịp thở, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: bổ khí thanh nhiệt giải thử.

Điều trị:

Chủ yếu dự phòng là chính: cải tạo môi trường thoáng khí, mặc thoáng mát, đội mũ nón.

Khi nạn nhân bị say nắng, say nóng cần phải đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi thoáng mát, có bóng râm, nới rộng khuyu áo khuyu quần.

Châm hoặc day bấm: huyệt nhân trung; châm nặn máu huyệt thập tuyên, thập nhị tỉnh, hoặc châm tả huyệt đại chùy, khúc trì, hợp cốc, túc tam lý.

Cho dùng thuốc:

Hương phụ 20g, cát căn 20g, tích tuyết thảo (rau má tươi) 40g, lá tre 20g.. Dùng 400ml nước sắc còn 200ml chia hai lần uống, có thể sắc từ một đến hai thang, nếu chuyển biến chậm thì sắc thêm thang thứ hai.

Hương nhu 20g, rau má 30g, sâm bố chính 15g, đậu ván trắng 20g, hậu phác 20g, rễ đinh lăng lá nhỏ 40g. Dùng 600ml sắc còn 300ml chia hai đến 4 lần uống/24h. Sau đó sơ cứu bệnh nhân tỉnh táo nhưng mệt mỏi do rối loạn nước và điện giải cần phải đưa nạn nhân hoặc thương binh về cơ sở y tế đơn vị để theo dõi và điều trị tiếp.