Khái niệm
Laser He-Ne thường được sử dụng ở bước sóng 632,8 nm chế độ phát liên tục, công suất trung bình 5-10 mW. Tia laser có màu đỏ chói, được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực điều trị, đặc biệt là tác dụng chống nhiễm trùng, làm liền vết thương, giảm đau và tăng cường sức đề kháng.
Chỉ định
Laser công suất thấp được chỉ định rộng rãi trong điều trị với mục đích:
Chống viêm, bao gồm: viêm cấp tính, bán cấp tính hay mạn tính, viêm của tổ chức phần mềm (da, cơ), viêm xương khớp, viêm sụn, các viêm nội tạng…
Giảm đau: Đau sau chấn thương, đau do căn nguyên thần kinh, đau xương, đau khớp…
Kích thích tái tạo tổ chức, làm nhanh liền sẹo vết thương, vết loét chậm liền
Điều hòa tuần hoàn và hoạt hóa hệ thần kinh trung ương (laser nội mạch) + Điều trị trên huyệt (laser châm)
Chống chỉ định
Laser không được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
Các bệnh ác tính, các u lành, sốt, lao, suy kiệt, bệnh truyền nhiễm cấp tính
Đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu
Người bệnh không đồng ý điều trị
Chuẩn bị
Kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng thực hiện qui trình kỹ thuật
Phương tiện:
Laser He-Ne
Bật công tắc nguồn: Công suất đầu phát laser, chế độ phát xung hay liên tục, tần số lặp lại xung là bao nhiêu, thời gian xung, công suất đỉnh xung, thời gian chiếu, …
Chọn các phụ kiện cần thiết theo yêu cầu điều trị: bộ phận mở rộng tia, gương lái tia, dây quang sợi, đầu phát tia, bông cồn sát trùng, băng dính…
Người bệnh:
Xác định đúng người, đúng chỉ định: theo phiếu điều trị
Giải thích phương pháp điều trị cho người bệnh hiểu và phối hợp điều trị nếu cần (có thể cho cầm đầu phát laser tự chiếu vào vùng tổn thương khi đã được hướng dẫn).
Chọn tư thế thích hợp (nằm hoặc ngồi), sao cho vùng chiếu được bộc lộ rõ và thuận tiện cho việc chiếu tia, người bệnh cảm thấy thoải mái.
Các vết thương, vết loét nên cho thay băng sạch sẽ trước mỗi lần điều trị, để việc chiếu tia đạt được hiệu quả cao nhất.
Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định điều trị.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ, phiếu điều trị do bác sỹ chỉ định
Kiểm tra người bệnh
Thực hiện kỹ thuật
Ấn nút khởi động “START”: máy bắt đầu hoạt động, tia laser được phát ra – Hướng chùm tia laser vào vùng tổn thương theo phương thẳng góc 90º hay tùy theo mục đích điều trị. Có thể dung kỹ thuật chiếu “quét” hay chiếu “điểm” trên bề mặt vết thương.
Khi hết thời gian điều trị máy tự tắt
Lau sạch đầu phát laser và đặt vào giá đỡ: Hỏi cảm giác người bệnh, băng vết thương, dặn dò người bệnh.
Một số điểm cần lưu ý
Đảm bảo an toàn về điện, phòng chống điện giật do rò điện vào vỏ máy.
Điện áp nguồn thường cao (6-12 KV) vì vậy hết sức lưu ý cần có dây nối đất đúng qui cách.
Tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về an toàn bức xạ: Kỹ thuật viên phải đeo kính bảo vệ mắt, tránh để chùm tia laser chiếu thẳng vào mắt hay chiếu vào các vật bóng (gương, kính…) có thể phản xạ tia làm tổn thương võng mạc.
Liều chiếu thông thường cho tổn thương là 0,1-12J/cm².