Nội dung

Đo áp lực bàng quang bằng máy niệu động học

 

Đại cương

Đo áp lực bàng quang (CMG, cystometrogram): Đánh giá mối liên hệ giữa áp lực và thể tích của bàng quang, chức năng vận động, cảm giác bàng quang: hoạt động cơ bàng quang, cảm giác, sức chứa, độ giãn nở bàng quang và kiểm soát quá trình đi tiểu, giúp cung cấp những thông tin hữu ích cho lâm sàng. 

Chỉ định

Sau tổn thương tủy sống 

Cản trở đường bài xuất nước tiểu: u xơ tiền liệt tuyến, hep niệu đạo v.v

Bệnh lý thần kinh: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, Parkinson, xơ cứng rải rác, các bệnh lý viêm tủy v.v 

Sa sinh dục ở nữ, rỉ tiểu gắng sức ở nữ giới

Sau phẫu thuật, chấn thương và chiếu tia xạ vùng tiểu khung

Một số trường hợp: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, hội chứng đau bàng quang (viêm tổ chức kẽ bàng quang).

Chống chỉ định

Nhiễm khuẩn tiết niệu

Chấn thương đường niệu dưới

Bệnh lý dễ gây chảy máu

Chuẩn bị

Người thực hiện:

 Bác sỹ, kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa 

Phương tiện và dụng cụ

Máy niệu động học đa kênh: Pves, Pabd, Pdet = Pves – Pabd, EMG và Flow.

Bộ catheter kèm theo máy (bàng quang, trực tràng), 

Điện cực bề mặt ghi điện cơ thắt  – Máy in

Thông tiểu Foley, Nelaton vô khuẩn

Bơm tiêm (cỡ 10ml, 20ml) vô trùng 

Dụng cụ chứa nước tiểu có chia vạch theo đơn vị ml 

Bông gạc, panh kẹp, găng tay, cồn Betadin 1%, băng dính

Nước muối sinh lý (chai 1000ml), 

Dụng cụ chứa nước tiểu làm xét nghiệm, 

Người bệnh

Giải thích cho người bệnh hiểu sự cần thiết làm thăm dò niệu động học

Hướng dẫn người bệnh vệ sinh bộ phận sinh dục, làm sạch phân trong hỗng tràng và ghi nhật ký đi tiểu 3 ngày trước khi làm niệu động học

Làm xét nghiệm phân tích nước tiểu (tổng phân tích, tế bào nước tiểu, cấy nước tiểu) để loại trừ nhiễm khuẩn tiết niệu

Tiền sử người bệnh: tiền sử bệnh, chấn thương, chửa đẻ, dị ứng…

Hồ sơ bệnh án

Nhật ký đi tiểu 3 ngày trước khi tiến hành đo áp lực bàng quang, 

Bảng đánh giá mức độ tổn thương tủy theo hiệp hội tổn thương tủy sống Hoa Kỳ (ASIA) nếu là người bệnh tổn thương tủy sống, 

Bệnh án nội khoa và các xét nghiệm cơ bản, chuyên khoa

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ bệnh án:

Các bảng đánh giá kèm theo: ASIA, nhật ký đi tiểu, các xét nghiệm cần thiết, các thuốc đang điều trị 

Kiểm tra lại người bệnh, giải thích để người bệnh hợp tác trong quá trình thực hiện: 

Dặn người bệnh trong lúc tiến hành đo áp lực bàng quang báo cho bác sỹ biết các loại cảm giác nếu có như: cảm giác căng bàng quang, cảm giác muốn tiểu đầu tiên, muốn tiểu nhiều, muốn tiểu gấp hoặc cảm giác đau.

Tư thế người bệnh: tư thế sản khoa

Sát khuẩn bộ phận tiết niệu sinh dục

Làm trống bàng quang

Thực hiện kỹ thuật

+ Đặt ống thông cho người bệnh 

Đặt thông tiểu vào bàng quang: thông catheter có một biến năng được đưa vào trong bàng quang (Pves)

Thông trực tràng được bơm đầy vào bóng 2ml để đuổi hết khí (Pabd)

Cố định điện cực bề mặt vào cạnh ụ ngồi bằng băng dính (EMG)

Kiểm tra xem các thông đã vào đúng vị trí chưa bằng cách cho người bệnh  ho

Cố định các thông bằng băng dính

+ Kết nối máy với các ống catherter  

Các ống từ máy niệu động học được đánh dấu để tránh nhầm lẫn: ống A đo Pabd, ống V đo Pves, đường dịch truyền

+ Ống A kết nối vào thông trực tràng

+ Ống V kết nối vào thông bàng quang

+ Đường dịch truyền Fill nối với đường dây truyền

+ Làm các đường áp lực về 0

Ấn nút “all zero” trên màn hình máy tính khi các ống thông được đặt ngang mức bàng quang của người bệnh

Ấn nút “start” để kiểm tra xem đã đúng chưa

Yêu cầu người bệnh  ho, nếu như áp lực bàng quang và ổ bụng tăng, áp lực cơ bài niệu ổn định là đúng

+ Trong khi làm thăm do niệu động học     

Cần lưu ý đến các phản ứng của người bệnh 

Khi người bệnh ho phải ấn vào nút ho trên máy 

Ấn vào nút rỉ tiểu khi thấy người bệnh rỉ tiểu

Ấn vào các nút cảm giác đầu tiên, cảm giác muốn tiểu đầu tiên, cảm giác rất muốn tiểu và cảm giác muốn tiểu cấp (nếu có) tương ứng với các thời điểm người bệnh cảm nhận và báo cho bác sỹ.

+ Kết thúc       

Ấn vào nút kết thúc và in kết quả

Rút thông và sát khuẩn bộ phận sinh dục tiết niệu

Hướng dẫn người bệnh  uống thuốc theo đơn và hẹn tái khám

+ Các thông số thu thập trên máy niệu động học

Áp lực bàng quang (Pves)

Áp lực ổ bụng (Pabd)

Áp lực cơ bàng quang (pdet = pves – pabd) máy tính tự tính

Thể tích bàng quang (V ml)

Điện cơ (EMG)

Cảm giác bàng quang

Hoạt động cơ bài niệu

Độ giãn nở bàng quang

Khả năng chứa của bàng quang

+ Lưu ý: 

Kiểm tra niệu động học không có giá trị nếu: 

Làm sai quy tắc

Đọc kết quả sai

Thông tin kết quả không được sử dụng cho những quyết định điều trị 

Nguy cơ nhiễm trùng nếu không đảm bảo các thác tác vô trùng trong khi đo áp lực bàng quang

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả niệu động học

Có thể gây xuất hiện cơn rối loạn phản xạ tự động tủy ở người bệnh tổn thương tủy sống trên D6 trong khi đo áp lực bàng quang. Cơn rối loạn phả xạ tự động tủy được chẩn đoán khi huyết áp tối đa cao hơn 150 và hoặc huyết áp tối thiểu trên 100mmHg. Vì vậy, nên đo và kiểm soát huyết áp trong khi làm niệu động học.

Theo dõi

Trong quá trình đo phải theo dõi phản ứng của người bệnh và ghi vào biểu đồ áp lực và thể tích bàng quang: 

+ Đo huyết áp và các triệu chứng lâm sàng của rối loạn phản xạ tự động tủy nếu người bệnh tổn thương trên D6 và có thái độ xử trí kịp thời.

+ Nếu người bệnh có nguy cơ cao xuất hiện cơn rối loạn phản xạ tự động tủy có thể cho uống 1 viêm Amlor 5mg trước khi đo 30 phút.

Tai biến và xử trí

Nếu có cơn rối loạn phản xạ tự động tủy: xử trí như cấp cứu nội khoa, dừng tiến hành đo, cho người bệnh ngồi dậy, nếu không đỡ, dùng thuốc hạ huyết áp. – Nếu sốt sau khi làm niệu động học: cần tìm nguyên nhân sốt do nhiễm khuẩn tiết niệu để điều trị theo kháng sinh đồ.

Nếu chảy máu: theo dõi và xử trí kịp thời bằng thông tiểu cố định hoặc thuốc chống chảy máu (Transamin).

Nếu đau buốt, rát đường tiết niệu: giải thích cho người bệnh yên tâm, dùng thuốc giảm đau nếu cần.