Lịch sử phát triển của tâm lí y học.
Ngay từ khi Y học tách ra khỏi những quan niệm thần bí để trở thành một khoa học, các thày thuốc khi đó cũng đã rất quan tâm tới những vấn đề tâm lí. Y học Trung Hoa cổ đại đã đề cập đến mối quan hệ của tâm lí với bệnh tật…
Ở Phương Tây, Hippocrates, người được xem là ông tổ của nghề y đã nói rằng thầy thuốc cần có 3 thứ để chữa bệnh: con dao, ngọn cỏ và lời nói.
Mặc dù vậy, cũng phải đến thế kỉ thứ XVIII, những ứng dụng của Tâm lí học vào Y học mới rõ nét hơn.
Năm 1882, Galton đã thành lập phòng thí nghiệm nhân trắc để đo những vấn đề khác biệt cá nhân như: độ nhạy cảm giác quan, kỹ năng vận động và thời gian phản ứng. J.Mc.Keen Cattell, nhà tâm lí học Mỹ cũng được nhắc đến như là một trong những người đặt nền móng ban đầu cho trắc nghiệm tâm lí. Cattell cũng đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm tâm lí đầu tiên trên thế giới- Phòng thí nghiệm tâm lí của W.Wundt và cũng như Galton, Cattell đi vào nghiên cứu sự khác biệt thời gian phản xạ. Ông cũng cho rằng bằng cách này có thể nghiên cứu được trí tuệ. Thuật ngữ Mental test (test trí tuệ) cũng là của J. Cattell.
Đến cuối thế kỷ XVIII, một bác sĩ người Áo tên là F. Mesmer (1734 – 1815), người sáng lập ra lí thuyết thôi miên, đã sử dụng ám thị để chữa cho hàng nghìn bệnh nhân. Ông đã đưa ra khái niệm “thể lỏng từ tính động vật” để giải thích hiện tượng ám thị trong thôi miên. Cách giải thích của Ông đã không được Hội đồng khoa học Hoàng gia Pari thừa nhận. Mesmer không chỉ bị bài xích mà còn bị coi là phù thủy, bịp bợm. Tuy nhiên cũng chính Hội đồng này, đến năm 1882 đã khôi phục danh dự cho Ông bằng cách thừa nhận sự ám thị như là phương tiện chữa bệnh khoa học.
Cũng trong giai đoạn này, J. Charcot đã nổi tiếng với các biện pháp thôi miên điều trị người bệnh hysteria. Bắt đầu sự hợp tác giữa Bleuler và Freud. Năm 1895 hai ông đã cho xuất bản tập Những nghiên cứu về hysteria. Do nhiều lí do, sự hợp tác giữa họ đã bị đổ vỡ. Tuy nhiên sự hợp tác đó cũng đã góp phần thúc đẩy Freud tạo ra hướng đi mới: Phân tâm học.
Nếu Galton, Cattell là những người khởi đầu thì Binet và cộng sự của Ông – bác sĩ Simon với chính là những người thực sự mở ra thời kỳ mới của trắc nghiệm trí tuệ nói riêng và test tâm lí nói chung. Năm 1905, test trí tuệ đầu tiên ra đời theo đơn đặt hàng của Bộ giáo dục Pháp: Thang Binet – Simon (Binet – Simon Scale). Thang được thiết kế nhằm sàng lọc những học sinh có khuyết tật về trí tuệ để có thể có những biện pháp giáo dục đặc biệt hơn đối với những đối tượng này. Do tính hiệu quả của nó, thang Binet-Simon được phổ biến sang nhiều nước. Thang này cũng còn là sự khởi đầu cho hàng loạt các test trí tuệ khác như: test trí tuệ Raven, test trí tuệ Wechsler v.v..
Đầu thể kỉ XX, trong Tâm lí học diễn ra cuộc cách mạng với 3 trường phái lớn: Phân tâm học, Tâm lí học Gestal, Chủ nghĩa Hành vi và muộn hơn một chút, đó là Tâm lí học Mac Xit. Sự xuất hiện của các trường phái lớn đã làm thay đổi thực sự diện mạo của Tâm lí Y học. Nếu như trước đó, những vấn đề về Tâm lí Y học do các thày thuốc nghiên cứu thì từ thời kì này, sự vào cuộc của các nhà Tâm lí học diễn ra mạnh mẽ hơn. Hàng loạt những luận điểm Tâm lí học có dịp được ứng dụng, kiểm nghiệm trong thực tiễn lâm sàng.
Phân tâm học với những luận điểm dựa trên nền tảng vô thức đã mở ra một hướng điều trị mới: phân tích tâm lí (phân tâm). Xuất phát từ Phân tâm, một loạt các dạng điều trị tâm lí khác đã ra đời và phát triển. Phân tâm cũng còn là cơ sở cho một hướng mới trong các trắc nghiệm tâm lí lâm sàng: các phương pháp phóng chiếu.
Chủ nghĩa Hành vi lấy hành vi làm phạm trù cơ bản cho mình để từ đó đi vào những vấn đề về trị liệu. Liệu pháp hành vi được sử dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cá nhân và cộng đồng. Cũng trên cơ sở lí luận của Tâm lí học Hành vi, có rất nhiều trắc nghiệm, thang đo tâm lí được xây dựng và đưa vào ứng dụng.
Đối với Tâm lí học Mac Xit, phạm trù cơ bản là hoạt động. Một loạt những vấn đề về sự hình thành và phát triển tâm lí cũng như các vấn đề của tâm lí bệnh lí được xem xét và giải quyết từ tiếp cận hoạt động.
Đến giữa thế kỉ thứ XX, một trường phái Tâm lí học khác nổi lên, có đóng góp rất đáng kể trong lĩnh vực liệu pháp tâm lí: trường phái Tâm lí học Nhân văn và Hiện sinh.
Ở nước ta, sự phát triển của Tâm lí Y học còn khá mới mẻ. Mãi đến năm 1979, Khoa Tâm lí học Y học đầu tiên trong cả nước được thành lập ở Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Trước đó, một số vấn đề về Tâm lí Y học cũng đã được đề cập đến trong chương trình giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng của một số cơ sở điều trị và giảng dạy môn Tâm thần học. Cho đến nay đã có nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu đưa vào giảng dạy và nghiên cứu những vấn đề về Tâm lí Y học, Tâm lí lâm sàng, Tâm lí Thần kinh. Tại Khoa Tâm lí học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia đã mở chuyên ngành Tâm lí Lâm sàng chuyên đào tạo cử nhân tâm lí trong lĩnh vực này.
Đối tượng của tâm lí y học.
Tâm lí Y học là một chuyên ngành ứng dụng của Tâm lí học trong Y học.
Đối tượng của Tâm lí Y học là các hiện tượng tâm lí của người bệnh.
Những vấn đề mà Tâm lí Y học quan tâm nghiên cứu tập trung vào các nội dung sau:
Những biểu hiện tâm lí của người bệnh:
Tâm lí và cơ thể có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Khi cá nhân bị bệnh thì tâm lí con người đó cũng có những biến đổi nhất định. Sự thay đổi tâm lí của người bệnh có những điểm chung: những người mắc cùng một loại bệnh có những đặc điểm tâm lí giống nhau. Những biến đổi như vậy mang tính quy luật nhất định. Tuy nhiên tính quy luật như vậy chỉ mang tính tương đối. Mỗi con người cụ thể có những đặc điểm riêng về cơ thể cũng như về tâm lí và xã hội. Do vậy những thay đổi tâm lí do bệnh tật cũng có những điểm khác nhau ở những người khác nhau.
Vai trò của các yếu tố tâm lí trong phát sinh và phát triển bệnh:
Yếu tố tâm lí đóng vai trò rất khác nhau trong sự hình thành và diễn biến bệnh tật. Có những bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là do tâm lí, ví dụ như rối loạn phân li (trước đây gọi là hysteria). Cũng có những bệnh mà theo các thày thuốc, tâm lí đóng vai trò chủ đạo, ví dụ như hen suyễn, viêm loét dạ dày – hành tá tràng (mặc dù gần đây người ta đã tìm ra vi khuẩn Helicobater Pilory)…
Ảnh hưởng qua lại giữa bệnh và tâm lí:
Mối quan hệ giữa tâm lí và bệnh tật là khá phức tạp. Như đã biết, các hiện tượng tâm lí được hình thành và phát triển trên cơ sở của hoạt động hệ thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Một khi bị bệnh, hoạt động của hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng và dẫn đến ảnh hưởng các hoạt động tâm lí. Ngược lại, các tác động lên tâm lí cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh dẫn đến ảnh hưởng tới sự hình thành và diễn biến của bệnh. Ví dụ: trong điều kiện thời tiết giá rét, những người có stress tâm lí là những người có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên cao hơn so với những người khác.
Những tác động của yếu tố môi trường (tự nhiên và xã hội) lên tâm lí người bệnh:
ngay trong điều kiện bình thường, các yếu tố của môi trường tự nhiên như: nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn…và các yếu tố môi trường xã hội như: tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cũng đã ảnh hưởng đến tâm lí con người. Trong điều kiện bệnh lí, sự ảnh hưởng như vậy càng rõ nét song cũng phức tạp hơn.
Vai trò của yếu tố tâm lí trong điều trị và chăm sóc sức khoẻ con người:
Vận dụng cơ chế ảnh hưởng của tâm lí lên sức khoẻ nói chung, bệnh tật nói riêng, trong Y học Lâm sàng có hẳn một chuyên ngành Liệu pháp Tâm lí. Từ những thành công trong lĩnh vực lâm sàng tâm thần, liệu pháp tâm lí đã được ứng dụng sang các lĩnh vực khác lâm sàng nội, ngoại khoa khác nhau.
Y học hiện đại không chỉ bó hẹp trong phạm vi bệnh viện. Cùng với Y học, Tâm lí Y học góp phần xây dựng, triển khai những biện pháp nhằm tăng cường, củng cố những hành vi sức khoẻ cho người dân và cộng đồng nói chung.
Giao tiếp của nhân viên y tế:
Hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh của người thầy thuốc phụ thuộc vào không chỉ kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn vào các kĩ năng giao tiếp của họ. Do vậy một trong những điều không thể thiếu đối với công tác đào tạo cán bộ y tế đó là trang bị, hình thành cho họ những kĩ năng giao tiếp cần thiết.
Hoạt động khám, chữa bệnh hoặc các biện pháp dự phòng, tăng cường sức khoẻ đều nhằm đến mục tiêu cải thiện sức khoẻ (cả về thể chất và tâm lí) cho con người. Tuy nhiên hiệu quả của các biện pháp đó không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của người thầy thuốc về tâm lí người bệnh mà nó còn phụ thuộc vào chính những đặc điểm tâm lí – nhân cách của họ- những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ. Do vậy, với góc độ là một lĩnh vực ứng dụng vào Y học, Tâm lí học Y học không chỉ dừng lại ở mức độ trang bị cho thầy thuốc kiến thức về tâm lí người bệnh. Những hiểu biết về tâm lí – nhân cách của thầy thuốc cũng còn là cơ sở khoa học góp phần giáo dục, đào tạo bồi dưỡng và phát triển toàn diện, hài hoà nhân cách người thầy thuốc.
Nhiệm vụ của tâm lí y học.
Chẩn đoán/đánh giá tâm lí lâm sàng:
Chẩn đoán tâm lí lâm sàng nhằm xác định trạng thái tâm lí hiện tại của khách thể. Trên cơ sở so sánh/đối chiếu với các chuẩn hoặc trong điều kiện bình thường nhằm xác định các biến đổi tâm lí.
Trong nhiều trường hợp, cần phải xác định nguyên nhân của những biến đổi đó. Ví dụ: sự giảm sút trí nhớ đã được ghi nhận là do nguyên nhân gì?
Chẩn đoán tâm lí lâm sàng còn cần phải đưa ra được dự báo diễn biến tiếp theo của các rối loạn tâm lí.
Can thiệp tâm lí:
Sự tham gia của tâm lí lâm sàng không chỉ bó hẹp trong khái niệm trị liệu (liệu pháp/điều trị) tâm lí mà đã mở rộng ra rất nhiều. Trong lâm sàng, can thiệp tâm lí không chỉ nhằm xoá bỏ nguyên nhân của các rối loạn. Dựa trên quan niệm sức khoẻ con người bao gồm 3 thành tố: sinh học – tâm lí – xã hội, can thiệp tâm lí nhằm tác động vào thành tố tâm lí, giúp cho người bệnh tự giải quyết những vấn đề của mình.
Can thiệp tâm lí đã mở rộng ra lâm sàng các bệnh nội, ngoại, sản, nhi…Ví dụ: đối với người bệnh ung thư, can thiệp tâm lí nhằm giúp họ thích ứng với tình trạng của mình để phấn đấu vươn lên, sống có ích cho người thân trong gia đình, không bi quan tuyệt vọng, không có ý định và hành vi cực đoan.
Can thiệp tâm lí cũng còn mở rộng sang cả lĩnh vực cộng đồng/công cộng.
Có hẳn một chuyên ngành nữa, đó là Tâm lí học Công cộng.
Các lĩnh vực ứng dụng của tâm lí y học.
Trong y học lâm sàng:
Trong lâm sàng tâm thần:
Cho đến nay đã có rất nhiều những thành tựu của công nghệ hiện đại được ứng dụng vào Y học lâm sàng. So với chụp X. quang trước đây, hình ảnh của siêu âm, siêu âm 3 chiều, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân…đã có những bước tiến rất xa. Các thành tựu này đã trợ giúp rất nhiều cho thầy thuốc trong công tác chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên các bác sĩ tâm thần không được hưởng lợi nhiều từ những thành quả đó. Hiện tại chưa có một thiết bị nào, ví dụ: có thể ghi được tiếng nói trong đầu của bệnh nhân. Do vậy để chẩn đoán bệnh, các nhà tâm thần học vẫn phải dựa vào cứ liệu lâm sàng là chủ yếu. Trong bối cảnh như vậy, kết quả chẩn đoán tâm lí sẽ là cứ liệu bổ ích cho các bác sĩ tâm thần trong quá trình chẩn đoán bệnh, đặc biệt là chẩn đoán phân biệt.
Ở bệnh nhân tâm thần, cái bị rối loạn nặng nề nhất không phải là cơ thể mà là phần tâm lí – nhân cách. Do vậy xu hướng tác động, lên tâm lí bệnh nhân nhằm mục đích điều chỉnh hành vi, nâng cao tính thích ứng đang ngày càng được sử dụng nhiều. Hiện nay các biện pháp can thiệp tâm lí đang mở sang lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng.
Trong lâm sàng thần kinh:
Một khi bệnh nhân bị tổn thương não, đặc biệt là vỏ não, các biểu hiện rối loạn, biến đổi tâm lí cũng rất phức tạp. Chẩn đoán tâm lí thần kinh đưa ra nhận định về khu vực tổn thương trên cơ sở phân tích các biến đổi, rối loạn tâm lí của người bệnh. Mặc dù hiện nay các phương tiện kĩ thuật hiện đại đã có thể trợ giúp rất nhiều trong chẩn đoán định khu thần kinh song ở một số nước, chẩn đoán tâm lí thần kinh vẫn được ưa dùng bởi giá thành rẻ.
Một mảng ứng dụng của tâm lí nữa là phục hồi chức năng tâm lí cấp cao. Như đã biết, khi một vùng nào đó của vỏ não bị bất hoạt, ví dụ: bị phẫu thuật tách bỏ, những vùng khác còn lại sẽ “chia sẻ” chức năng của khu vực đó theo nguyên lí bù trừ. Phục hồi chức năng tâm lí cấp cao nhằm tác động vào những chức năng tâm lí còn được bảo toàn nhằm thông qua đó, điều khiển quá trình bù trừ hoặc phục hồi diễn ra một cách tối ưu.
Chẩn đoán định khu tâm lí thần kinh và phục hồi hức năng tâm lí cấp cao chính là những nội dung cơ bản của một chuyên ngành khác của Tâm lí Y học: Tâm lí Thần kinh.
Trong lâm sàng nội, ngoại khoa khác:
Hiện nay, ở nhiều nước, can thiệp tâm lí đã được thực hiện trong tất cả các khoa lâm sàng. Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư, AIDS…hoặc bị bệnh mạn tính dễ có những tổn thương nặng nề về tâm lí, ví dụ như trầm cảm lo âu hoặc dễ có ý nghĩ và hành vi cực đoan. Can thiệp tâm lí chính là nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tâm lí cho những người như vậy và cho bệnh nhân nói chung, cải thiện chất lượng cũng như kéo dài thời gian sống cho họ nói riêng.
Trong công tác giám định:
Trong các hoạt động giám định như: giám định lao động, giám định hình luật – pháp y, giám định quân sự, chẩn đoán tâm lí có thể được trưng cầu. Kết quả này sẽ là những cứ liệu có ích cho việc xác định tỉ lệ mất sức khoẻ, độ tin cậy của lời khai, chứng cứ…
Trong các dịch vụ tư vấn, tuyển chọn nghề nghiệp:
Hiện nay những ứng dụng của tâm lí lâm sàng đang được triển khai mạnh trong các lĩnh vực tư vấn về sức khoẻ tâm lí cũng như tuyển chọn nghề.