Nội dung

Giao tiếp thầy thuốc bệnh nhân

Có thể nói giao tiếp đóng vai trò rất quan  trọng trong hoạt  động khám,  chữa bệnh của người thầy thuốc. Giao tiếp cũng  là một  trong những công cụ cơ bản để xây dựng mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân. Trong chương trình đào tạo ở các trường y, hầu như không có một môn học nào hướng dẫn cho  các  sinh viên hình thành những kĩ năng giao tiếp  thiết  yếu  với  bệnh  nhân  cũng  như  người  nhà  của họ.

Trong bài giao tiếp, chúng tôi đã đề cập vấn đề giao tiếp ở cấp độ chung nhất. Trong bài này chúng tôi đi vào giao tiếp  thầy  thuốc  –  bệnh  nhân,  đặc  biệt  chú trọng đến các kĩ năng giao tiếp nghề nghiệp cần thiết của người thầy thuốc.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp thầy thuốc – bệnh nhân.

Cũng như bất kì một hoạt động giao tiếp nào,  giao  tiếp thầy  thuốc-bệnh nhân chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bên ngoài và bên trong.

Các yếu tố từ phía bệnh nhân:

Các triệu chứng thể: yếu tố chung ở đây là đau. Đau có nhiều loại khác  nhau: đau từng cơn, đau âm ỉ, đau quặn…  Đau  làm  cho  người  bệnh  khó  khăn trong việc kể bệnh cũng như trả lời câu hỏi của bác sĩ.

Các yếu tố liên quan đến bệnh hoặc điều trị: trong phần tâm lí người bệnh chúng tôi đã đề cập, ở tầng bậc  tâm lí, bệnh là một  tác  nhân gây stress rất  lớn. Nó có thể làm cho người ta có mặc  cảm, kém tự tin hoặc thậm chí  còn gây ra lo âu,  trầm cảm. Hoặc ngược lại, bệnh làm cho  người  bệnh phải  bỏ  dở  một công việc, một dự định hay làm lỡ cơ hội  nào  đó  khiến cho  họ  bực  tức  với  chính mình. Tất cả những trạng thái tâm lí như vậy đều ảnh  hưởng  đáng  kể  đến  giao  tiếp  thầy thuốc – bệnh nhân.

Các đặc điểm nhân cách của bệnh nhân:  mỗi  người  có một  kiểu tính cách nhất định. Người có nét tính cách hysteria thường  hay  nói  nhiều  và  kèm  theo nhiều điệu bộ. Người có nét tính cách nghi bệnh lại  nói  nhiều về  những nghi  ngờ của mình. Ngược lại cũng có người ít nói, bác sĩ hỏi đâu, người bệnh trả lời đấy.

Các yếu tố liên quan đến bác sĩ:

năng giao tiếp đã có: những  kĩ  năng  này  có  thể  được  hình thành trong quá trình học tập cũng như trong  hoạt  động  nghề  nghiệp  của  mình (quá trình tự đào tạo).

Mức độ tự tin vào khả  năng  giao  tiếp:  có  nhiều sinh viên  y khoa lúc đầu  cảm thấy việc hỏi bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân  là  công  việc  khá  dễ  dàng.  Tuy nhiên khi trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, họ không biết bắt đầu từ đâu.

Các đặc điểm nhân cách.

Các yếu tố sức khoẻ (ví dụ: mệt mỏi sau ca trực hay ca mổ).

Các yếu tố tâm lí (ví dụ: lo âu, bận tâm về điều gì đó).

Các kĩ năng giao tiếp cơ bản.

Bước chuẩn bị:

Khi cần thu thập những  thông tin mang  tính riêng tư,  cần lựa chọn,  dự  kiến  địa điểm giao tiếp đảm bảo yên tĩnh. Thông thường buổi hỏi  bệnh như  vậy  được thực hiện tại buồng bác sĩ.

Vị trí ngồi: nhiều người  chọn  cách  ngồi  đối diện với bệnh nhân.  Điều cần lưu ý là bác sĩ nên ngồi ngang tầm với bệnh nhân. Đặc biệt không nên đứng hỏi.

Khoảng cách: không nên quá gần vì dễ làm cho  bệnh  nhân  e  ngại,  cũng  không nên quá xa, dễ  tạo  cảm  giác  rằng  bác  sĩ  không  quan  tâm nhiều tới  những gì mà bệnh nhân chuẩn bị kể.

Mở đầu:

Với nhiều sinh viên y  khoa,  sau  khi  dự những buổi  hỏi bệnh của các  giáo  sư có kinh nghiệm, họ thấy hỏi bệnh cũng khá  đơn giản.  Tuy  nhiên đến lúc  tự mình  hỏi thì họ không biết bắt đầu như thế nào.

Mở đầu buổi hỏi bệnh có ảnh hưởng nhất định đến tiến trình tiếp theo. Những điều nên làm là:

Chào và mời bệnh nhân ngồi.

Một vài phút dành cho trò chuyện. Nên lựa chọn những gì mà cảm thấy bệnh nhân có hứng thú (lẽ đương nhiên là chưa nên nói gì về bệnh  tật  và  điều trị). Vài phút như vậy vừa giúp bệnh nhân ổn định và giảm thiểu những lo ngại có thể có.

Bước tiếp theo: tự giới thiệu bản thân.

Nói rõ mục đích buổi hỏi bệnh.

Thông báo thời gian dự kiến.

Giải thích cho bệnh nhân rằng có thể  bác  sĩ  cần phải ghi  chép để không bỏ sót thông tin, rằng những thông tin này chỉ  được  phục  vụ  cho  chuyên môn và bác  sĩ vẫn phải bảo đảm tính riêng tư đó.

Phần chính:

Kĩ năng thu nhận thông tin:

Kĩ năng thu nhận  thông tin thể  hiện ở  khả  năng  của người  thầy thuốc dựa vào sự thể hiện cảm xúc, ngữ  điệu,  thanh  điệu của ngôn  ngữ,  cử chỉ,  động tác  cũng như thời gian và không gian giao tiếp để phán đoán về trạng thái  tâm lí  của  bệnh nhân.

Trong giao tiếp, nhất là giao tiếp  trực  tiếp,  con  người  thường  xuyên  sử dụng nét mặt, điệu bộ, cử chỉ cùng với ngôn ngữ để truyền tải thông tin, cảm xúc cũng như thái độ của mình cho đối tượng.

Có thể nói trong các phương tiện phi ngôn ngữ,  nét  mặt  thường  được  con người sử dụng một cách rất phong  phú  để  biểu đạt cảm xúc, thái  độ của mình. Từ cái nhìn buồn bã hay ánh mắt  cầu cứu; nụ cười  sung sướng hay  những  giọt  nước mắt đau khổ… Tất cả những  dấu  hiệu đó  đều được  sử  dụng  để  truyền tải thông  tin.

Thông tin mà  người  thầy  thuốc  cần trước  hết  là những  thông tin về  bệnh  tật: bệnh nhân đau ở đâu, cảm giác  đau  như  thế  nào,  bắt  đầu  bằng  những  biểu hiện gì… Những thông tin từ phía người  bệnh  rất  cần cho  thầy  thuốc  trước khi  đưa ra chẩn đoán hay cách thức điều trị. Đôi khi thầy  thuốc  chỉ  quan  tâm  đến những thông tin về bệnh mà quên rằng  những  thông  tin  đó  không   hoàn  toàn khách quan mà đã thông qua lăng kính chủ quan của người bệnh.

Cần phải chú ý lắng nghe những điều bệnh nhân  kể.  Cũng  cần lưu ý rằng người bệnh rất để ý đến thái độ của bác sĩ  khi  họ  kể  bệnh.  Nếu họ  thấy bác  sĩ chăm chú lắng nghe có  nghĩa  là  bác  sĩ  thật  sự quan  tâm đến vấn  đề  của họ. Khi họ đã cảm thấy tin tưởng, họ có thể bộc bạch cả những điều chưa kể cho ai với hi vọng bác sĩ có thể giúp được họ.

“Giải mã” được các thông tin được  truyền tải  bằng  các  phương tiện ngôn ngữ  và phi ngôn ngữ.

Lược ghi những lời kể của bệnh nhân, xác định lại những điểm chưa rõ.

Hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân kể.

Duy trì mạch hỏi chuyện, không để lạc đề.

Không nên để đứt đoạn mặc dù cũng có thể đôi chỗ cần dừng một chút.

Về phần cuối, nên tóm tắt những nội dung chính của câu chuyện.

Kĩ năng định vị:

Kĩ năng định vị thể hiện ở chỗ  chủ  thể  xác  định được  vị  trí của mình trong quan hệ với đối tượng. Trong giao tiếp, nhất là giao tiếp chính thức,  con người thường ý thức được cương vị, vị trí của mình. Tuy nhiên cùng với các quan hệ chính thức, mỗi thành viên trong nhóm còn có  các  mối  quan  hệ  khác  với  các  thành viên khác. Ví dụ, giao tiếp giữa  thầy  thuốc  với  người  bệnh  là  giao  tiếp  chính thức. Trên bình diện quan hệ  thầy  thuốc  –  người  bệnh,  những  yêu  cầu, mệnh lệnh điều trị của thầy thuốc thì người bệnh phải chấp hành.  Trong quan hệ không chính thức, người bệnh có thể là người  nhiều tuổi  hơn  người  thầy  thuốc hoặc là người có cương vị cao ngoài xã hội. Song đối với thầy thuốc, họ là người  bệnh, người có nghĩa vụ phải tuân thủ mệnh lệnh điều trị của thầy thuốc.

Kĩ năng định vị còn thể hiện ở khả năng  biết  đặt  mình  vào  vị  trí  của  đối tượng giao tiếp để “nghĩ  theo  cách nghĩ  của  họ,  hiểu theo  cách hiểu của họ”. Với kĩ năng này, chủ thể giao  tiếp không  những  luôn  xác  định  được  vị  trí  của mình mà còn có khả năng thấu hiểu sâu sắc những cảm  xúc, trạng thái  tâm lí của đối tượng. Kĩ năng này đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp của  những  người  làm công tác y tế với người bệnh. Những trạng thái tâm lí do bệnh hoặc  liên quan đến bệnh rất cần được chia sẻ. Sự  thấu  hiểu, cảm thông của thầy  thuốc  ngay  từ buổi gặp đầu tiên thực sự là liệu pháp tâm lí đối với người bệnh.

Kĩ năng làm chủ trạng thái cảm xúc của bản thân:

Kĩ năng làm chủ trạng thái cảm xúc của bản  thân thể  hiện ở  khả năng của chủ  thể biết tự kìm chế được tâm trạng khi cần thiết, biết điều chỉnh và điều khiển các diễn biến tâm lí của mình. Làm được điều này cũng không hề đơn giản.

Trong cuộc sống hàng ngày, con người có  những  trạng  thái  cảm  xúc  khác nhau. Khi giao tiếp với người  khác,  các  trạng  thái  này  ảnh  hưởng  (với  các  mức độ khác nhau) đến đối tượng giao tiếp. “Một con ngựa  đau,  cả tàu bỏ cỏ”. Câu  thành ngữ, theo nghĩa rộng, nói  lên sự lan truyền cảm xúc  từ đối tượng này  sang  đối tượng khác trong nhóm.

Tuy nhiên trong nhiều  dạng  hoạt  động  thuộc  nhóm  nghề  “người  –  người  ” như thầy thuốc, thày giáo,  nhân  viên  bán  hàng…,  do  yêu cầu của công việc,  chủ  thể không được phép để các trạng thái  tâm lí cá nhân, đặc biệt là những trạng thái cảm xúc âm tính như: buồn rầu, bực bội…ảnh hưởng đến đối tượng giao tiếp.

Trong hoạt động khám – chữa bệnh,  người  thầy  thuốc  cần  phải  có  kĩ  năng làm chủ trạng thái tâm lí của cá nhân. Mọi phiền muộn, lo âu của cuộc sống đời thường hay của công  việc  đều  phải  được  “để  vào  trong tủ” khi  thay  áo  công tác và đi vào buồng bệnh.

Kĩ năng sử dụng các phương tiện giao tiếp:

Trong các phương tiện giao tiếp có  ở  con  người,  ngôn  ngữ  là  phương  tiện đặc trưng. Đây là cả một hệ thống tín hiệu vô cùng phong phú và cũng rất phức tạp. Tâm lí học đã chứng minh được rằng nếu nội  dung của lời  nói  có tác  động mạnh mẽ đến ý thức thì ngữ điệu lại có ảnh hưởng tới tình cảm của con người.

Khi bàn về vai trò của ngôn ngữ  đối với  tâm lí  con người,  một  nhà  giáo  dục học Xô Viết đã nói: “Từ  ngữ  là sự tác  động mạnh  mẽ  nhất  tới trái tim, nó  có thể trở nên mềm mại như bông hoa  đang nở  và  nước  thần,  chuyển từ niềm tin và  sự đôn hậu… một từ thông minh  và  hiền  hoà  tạo  ra niềm  vui,  một  từ ngu xuẩn hay tàn ác không suy nghĩ và không  lịch sự đem lại  sự thiếu tin tưởng hoặc  làm giảm sức mạnh tinh thần”.

Trong hoạt động khám bệnh, mỗi lời nói của thầy thuốc đều được người bệnh chăm chú lắng nghe. Họ không chỉ  nghe  xem thầy thuốc  nói  gì  mà còn xem nói như thế nào. Cũng là lời giải thích nhưng với một  giọng khô  cứng hoặc lạnh lùng khác với lời giải thích ân cần, trìu mến.

Phương tiện phi ngôn ngữ được con người luôn luôn sử dụng  kèm theo  ngôn  ngữ trong giao tiếp chính là nét  mặt.  Kĩ  năng sử dụng dạng phương tiện này thể  hiện ở chỗ làm thế nào để không chỉ truyền tải tối đa, chính xác thông tin mà còn phải góp phần thể hiện tốt trạng thái tâm lí cần thiết, tác  động tích cực  lên đối tượng.

Sử dụng các câu hỏi phù hợp  để  thu  được  những  thông tin cần thiết. Không nên hỏi dồn dập, câu hỏi không  quá  dài,  không  phức  tạp,  phải  phù hợp với  trình  độ học vấn của bệnh nhân.

Bảng 8.1: Năm dạng câu hỏi phỏng vấn (Maloney & Ward, 1976).

Dạng

Tầm quan trọng

Ví dụ

Câu mở

Tạo cho bệnh nhân trách nhiệm và phạm vi rộng để trả lời

Nào, tình hình sức khoẻ của anh hiện nay ra sao?

Câu cụ thể

Điều chỉnh, cổ vũ bệnh nhân duy trì hướng hỏi chuyện

Anh có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này được không?

Câu sàng lọc

Khuyến khích sự sàng lọc hoặc mở rộng

Tôi  đoán rằng điều này có nghĩa  là chị cảm thấy…

Câu đối lập

Chỉ ra mâu thuẫn hoặc trái ngược

Lúc trước anh lại nói rằng…

 

Câu trực tiếp

Một khi quan hệ đã được xác  lập, bệnh nhân đã có trách nhiệm với đối thoại, những câu  hỏi  trực  tiếp  cũng có thể hữu ích.

Chị đã nói với anh ấy như thế nào khi anh ấy phê phán sự lựa chọn của chị?

Theo một cách phân loại (Maloney &  Ward,  1976), có 5  dạng  câu hỏi: câu mở, câu cụ  thể,  câu  sàng lọc, câu đối lập và  câu trực  tiếp. Câu mở thường được  sử dụng trong phần mở đầu của giao tiếp, khi bác  sĩ chưa biết cụ thể  vấn  đề của  bệnh nhân. Trong phần chính, tùy theo mục đích phỏng vấn,  bác  sĩ  lựa chọn dạng câu hỏi phù hợp.

Giao tiếp trong một số tình huống đặc biệt.

Thông báo tin xấu:

Thông báo tin xấu là một phần không thể tránh khỏi  trong  thực  tiễn y học. Nhiều thầy thuốc cảm thấy bối rối, lo  ngại  khi  phải  thông báo  tin xấu cho  bệnh nhân hoặc người nhà của họ. Điều này  cũng  dễ   hiểu  bởi  trong  các  trường  y người ta chưa dạy cho những thầy   thuốc  tương  lai  cách  thông  báo  tin  xấu. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ  để  cập  đến khía  cạnh  người  bệnh  hoặc  gia đình của họ có những phản ứng ra sao  khi  biết  được  tin xấu  chứ  chưa có  những  nghiên  cứu về cách thức thông báo sao  cho  hạn  chế  mức  độ  thấp  nhất  những  đau khổ  chủ quan của người bệnh.

Những khó khăn khi phải thông báo tin xấu:

Thầy thuốc cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó và sợ bị buộc tội.

Không biết cách làm như thế nào là tốt nhất.

Sợ làm thay đổi vị thế trong mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân.

Chưa hiểu hết bệnh nhân.

Lo ngại những biến chứng, thay đổi hình dạng cơ thể, đau đớn cho bệnh nhân.

E ngại về những gánh nặng tài chính sắp tới cũng như những thay đổi về xã hội: vai trò, vị thế của bệnh nhân trong gia đình và nghề nghiệp.

Một số nguyên tắc thông báo tin xấu:

Giải thích trước rằng bạn sẽ nói về vấn đề gì.

Sử dụng các câu đơn giản, ngắn gọn, tránh các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu.

Luôn kiểm tra xem người nghe có hiểu đúng những điều bạn nói.

Cách thức:

Cần phải có bước chuẩn bị  cá nhân.  Chuẩn  bị  ở  đây bao  gồm nội dung và cách thức sẽ thông báo,  tâm  thế  của  bản  thân  thầy thuốc. Chuẩn bị  về  thời gian, lựa chọn thời gian phù hợp, thậm chí có điều kiện thì  có  thể  bố  trí lịch trước đó nếu vấn đề khá nghiêm trọng. Chuẩn bị địa điểm, đảm bảo sự riêng tư một cách  tương đối, không có người làm phiền. Ví dụ: tại  buồng bác  sĩ, bên ngoài  có  treo biển “Không làm phiền”.

Giao tiếp phải chậm, vừa với mức độ  tiếp thu của bệnh nhân. Câu phải  đơn giản, tránh lặp đi lặp lại cụm từ nào đó.

Lưu ý đến các kĩ năng giao tiếp  phi  ngôn  ngữ,  ví  dụ:  nhìn  vào  mắt  bệnh nhân với ánh mắt chân tình.

Bắt đầu từ những gì mà bệnh nhân/người nhà đã biết.

Lắng nghe một cách tích cực.  Giúp  bệnh  nhân  huy  động  những  tiềm  lực của họ để đối phó.

Không nên đưa ra những lời động viên không có  cơ  sở  cốt  để  yên lòng người bệnh. Tuy nhiên lại cần phải truyền cho họ niềm hi vọng thực tế.

Những điều không nên:

Không thông báo tin xấu khi vừa  mới  khám  xong  bệnh  nhân,  khi  họ  còn chưa mặc xong quần áo.

Không thông báo ngoài hành lang, qua điện thoại.

Không chạy đi, chạy lại khi đang nói chuyện.

Sau khi thông báo xong có thể thỏa thuận về việc  theo  dõi  tiếp hoặc  gợi  ý giới thiệu đến chuyên gia khác hoặc đến tư vấn tâm lí nếu bệnh nhân có nhu cầu.

Giao tiếp với bệnh nhi:

Trẻ em cũng có thể bị những bệnh như người lớn. Tuy nhiên giao  tiếp với  bệnh nhi cũng có những điểm khác biệt nhất định. Trong khi một số bác sĩ vẫn cảm thấy thoải mái (thường là các thầy thuốc nữ) thì một số lại cảm thấy có những khó khăn nhất định.

Những khó khăn thường gặp khi giao tiếp với bệnh nhi:

Không biết nói như thế nào nếu như không dùng từ chuyên môn.

Trẻ sợ người lạ, do vậy hoặc là chúng khóc, hoặc là chúng im lặng.

Trước đây trẻ cũng đã bị bệnh và phải vào bệnh viện hoặc  được  thầy thuốc  chữa trị. Có thể chúng vẫn còn ấn tượng đau đớn. Đặc biệt có  những  trường hợp hình tượng bác sĩ được đưa ra để dọa trẻ: “ăn  đi, không mẹ  gọi  bác  sĩ  tiêm cho con. Bác sĩ mà tiêm là đau lắm”.

Thầy thuốc ngại gây đau đớn cho trẻ.

Sợ trẻ vặn vẹo, giãy giụa khi bị đau hoặc khó chịu (ví dụ,  bị đè lưỡi để soi họng).

Ngại cha mẹ trẻ sợ quá mức rằng điều xấu có thể xảy ra với con của họ.

Cảm thấy khó hỏi khi có dấu hiệu trẻ bị lạm dụng.

Những điều nên và không nên làm khi giao tiếp với trẻ:

Nên:

Đặt mình ở vào tầm tuổi của trẻ để hiểu được những đặc  điểm tâm lí của chúng.

Tạo được sự tự tin và hợp tác của trẻ trước khi khám.

Tìm hiểu được những ngôn từ mà trẻ sử dụng để gọi tên các bộ phận cơ thể.

Giải thích trước những việc cần làm, chuẩn bị cho trẻ không bị bất ngờ  với  tiếng ồn, mùi lạ và những kĩ thuật xét nghiệm,  khám  bệnh  gây  đau  đớn  hoặc  những việc khác với thường ngày.

Luôn nói chuyện với trẻ bằng một giọng bình tĩnh ngay cả khi chúng vẫn khóc.

Yêu cầu cha mẹ cùng phối hợp, nhất là khi khám cho trẻ.

Cứ để trẻ lo ngại một chút về các kĩ thuật có thể gây đau hoặc gây khó  chịu.  Tuy nhiên đừng để lâu, tránh cho trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Nếu có thể, cứ để trẻ một mình ở chỗ lạ với những người lạ.

Không nên:

Phụ thuộc quá nhiều vào chuyện dỗ dành, cho  quà.  Làm như  vậy  dễ  tạo  cho trẻ quen được quà và sẽ đòi quà sau mỗi lần, ví dụ: tiêm thuốc.

Hứa những điều không thể, ví dụ: “Bác tiêm không  đau đâu”.  Trong  trường hợp như vậy dễ làm trẻ hoảng sợ và mất lòng tin.

Sử dụng từ ngữ phức tạp hoặc thuật ngữ chuyên môn.

Nói chung khi cần thông tin cho trẻ điều gì đó thì nên kiểm tra lại xem trẻ có hiểu đúng hay không. Trong  giao  tiếp với  trẻ, nhất là trẻ  nhỏ, có thể  sự dụng sự  trợ giúp của đồ chơi, ví dụ, gấu bông nhỏ hay búp bê.

Thầy thuốc và cha mẹ của trẻ cần thống nhất và bình tĩnh.  Thực  tế cho thấy những đứa trẻ được giải  thích trước  một  cách đầy đủ những gì  cần phải  làm, điều gì có thể xảy ra thì sẽ ít rơi vào trạng thái lo âu.

Vai trò của trò chơi và vẽ:

Trẻ có thể dễ dàng thể hiện thái  độ của mình thông qua đồ chơi. Trong trường hợp có thể, bác sĩ nên  yêu  cầu  cha mẹ  trẻ đem theo  một thứ đồ chơi yêu thích  của trẻ.

Thầy thuốc cũng có thể sử dụng đồ  chơi  để  trợ  giúp  giao  tiếp,  ví  dụ:  dùng búp bê để nói với trẻ hoặc nói với  búp bê  những điều cần làm, động viên sự can  đảm.

Tại phòng đợi khám cho  trẻ  cũng cần được  bố trí như một nhà trẻ, trên tường  có các tranh vẽ với những  nhân  vật  cổ  tích quen thuộc. Nhiều bệnh viện nhi  trên  thế giới được thiết kế dành cho trẻ. Các  buồng bệnh không đánh số mà là tên một con vật hoặc một loài hoa. Các trang thiết  bị  trong phòng cũng được thiết kế  phù hợp với trẻ, ví dụ như tay nắm cửa ra vào vừa tầm với của trẻ.

Trang phục của bác sĩ:

Có một thực tế là một số trẻ em rất sợ áo blouse trắng của thầy thuốc bởi điều này đồng nghĩa với đau đớn do trẻ đã có kinh nghiệm trước đó hoặc do người lớn “dạy” qua dọa nạt.

Trong một số cơ sở điều trị, bác sĩ  được  phép  mặc  thường  phục  khi  khám bệnh nhi để giảm căng thẳng. Ống nghe cũng có thể  được  trang trí sặc  sỡ, nhiều  màu ngộ nghĩnh. Một số bác  sĩ  giàu kinh nghiệm tiếp xúc  với  trẻ  em thường thủ sẵn vài đồ chơi nhỏ trong túi áo công tác.

Nói chuyện với trẻ:

Không nên hỏi chuyện trẻ như hỏi với  một  đứa bé  hơn bởi  điều này dễ  làm  cho trẻ cảm thấy công việc không nghiêm túc. Cần phải làm cho trẻ thấy tự tin và được tôn trọng. Để tạo được sự tiếp xúc ban đầu, có thể trò chuyện với  trẻ về  trò chơi mà nó yêu thích.

Cũng có trường hợp do nhút  nhát  nên trẻ bám chặt  lấy mẹ. Khi  đó yêu cầu trẻ cứ ngồi với mẹ để bác sĩ  khám.  Lẽ  đương nhiên cần yêu cầu cha mẹ  trẻ hợp tác. Sau mỗi kĩ thuật,  nên động viên và  giải  thích cho  trẻ  thấy thực ra những  kĩ  thuật đó cũng có thể gây đau nhưng  không  đến mức  quá  đau  do  đó  cũng  chẳng  cần phải sợ.

Giao tiếp với người già:

Người phương Đông thường nói câu: sinh, lão, bệnh, tử. Con người  sinh ra ở  trên đời, đến một lúc nào đó thì cũng phải già,  hay  đau ốm. Tuổi  già thường kéo theo tốc độ phản xạ chậm, suy giảm độ  tinh tế  của các  vận  động,  dạng  như  ăn  cơm hay rơi vãi. Nhịp sinh học  cũng thay  đổi, đêm ngủ  ít, đi  ngủ sớm nhưng dậy  rất sớm, hoặc có trường hợp mất ngủ, mỗi đêm chỉ  ngủ  được khoảng 2  – 3 tiếng, giấc ngủ chập chờn, không sâu.  Người  già  cũng  dễ  gặp  các  bệnh,  ví  dụ  như  về tim mạch, khớp, cột sống…

Một số đặc điểm tâm lí thường gặp ở người già:  giảm  sút  trí  nhớ,  kém tập trung chú ý, tư duy chậm chạp, dễ thay đổi dấu của các phản ứng cảm xúc.

Toàn bộ những biến đổi về  cơ thể  và  tâm lí, đối với  người  già đều là các vấn  đề, song lại thường không  được  mọi  người,  đặc  biệt  là người  trong gia đình, chú ý đến một cách nghiêm túc. Do vậy  cũng không khó  hiểu khi  biết  rằng người  già  dễ bị trầm cảm, cảm giác cô đơn, cách li, bị bỏ mặc.

Trong giao tiếp với người già, ngoài  những  đặc  điểm  trên,  thầy  thuốc  cũng cần lưu ý đến một số khiếm  khuyết  thường  gặp,  ảnh  hưởng  trực  tiếp đến giao tiếp, đó là giảm sút  về  ngôn  ngữ  và  thính giác. Những khiếm khuyết  này  thường gặp trong những trường hợp tai biến mạch máu não.

Khi giao tiếp với những bệnh nhân có khiếm khuyết về ngôn ngữ, về thính giác, cần lưu ý một số điểm sau:

Không cố đoán những gì bệnh nhân định nói.

Sử dụng các phương tiện giao tiếp khác, ví dụ: tranh vẽ,  kí hiệu, các câu đã được chuẩn bị để đọc.

Sử dụng “phiên dịch” nếu có. Trong trường hợp này thường là người nhà.

Kiểm tra lại xem bệnh nhân có hiểu đúng các thông tin đã được đưa ra.

Bệnh y sinh.

Khái niệm chung:

Bệnh y sinh là bệnh do nhân viên y tế gây ra. Ngoài cụm từ “bệnh y sinh”, trong các tài liệu tiếng Việt, cụm từ “bệnh do thầy thuốc” cũng thường được sử dụng.

Bệnh y sinh không phải là một đơn  vị  bệnh  độc lập. Đó có thể  là một bệnh mới, một triệu chứng mới hay đơn thuần  là mức  độ  trầm trọng của bệnh tăng lên  do lời nói, thái độ, hành vi thiếu  thận  trọng, thiếu cân  nhắc  của đội ngũ  cán bộ, nhân viên y tế gây ra.

Trong các cơ sở điều  trị-giảng  dạy,  các  bệnh viện thực  hành,  bệnh y sinh có thể là do những bất cẩn trong giao tiếp, hướng dẫn thực  hành  của giáo  viên  tại  buồng bệnh với sự chứng kiến của bệnh nhân. Bệnh cũng có thể là do  những  non  nớt, thiếu kinh nghiệm của sinh viên trong khi khám bệnh, hỏi bệnh làm bệnh án.

Bệnh y sinh cũng có thể là do  sự buông  lỏng quản  lí  hồ  sơ  bệnh  án,  bệnh nhân tò mò đọc nhưng không hiểu hết và đúng những ghi chép trong bệnh án.

Hiện nay cũng  có  những  người  cho  rằng cần phải  mở  rộng phạm  vi  của bệnh y sinh, bao gồm cả những trường hợp các triệu chứng bệnh xuất hiện do  sơ suất  trong quá trình điều trị (dùng nhầm thuốc, dùng thuốc quá liều, dị ứng thuốc…).

Các nguyên nhân gây bệnh y sinh:

Chẩn đoán sai: không có bệnh nhưng lại  được  chẩn đoán là có  bệnh,  bệnh lành tính nhưng được chẩn đoán là ung thư.

Tiên lượng quá mức: bệnh có thể  chữa khỏi  nhưng  do  quá  dè  dặt  lại  nói rằng rất khó chữa khỏi, rằng có thể  chuyển sang  mạn tính, hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hỏi bệnh vụng về:  hỏi  quá  nhiều về  một  hoặc  một số triệu chứng bệnh nào đó khiến bệnh nhân rất hoang mang. Bệnh  nhân  càng  lo  lắng  hơn  khi  lại  được nghe những câu giải thích không rõ  ràng,  gẫy  gọn,  có  những  thuật  ngữ  chuyên môn khó hiểu.

Khám bệnh vụng về: quá chú trọng  vào  một  cơ  quan,  bộ  phận,  khám  đi  khám lại nhiều lần làm  cho  bệnh nhân  nghi  ngờ  là mình bị  bệnh nặng  ở  cơ quan, bộ phận đó.

Dùng thuốc quá mức cần  thiết  hoặc  không  đúng  bệnh:  bệnh  nhẹ  nhưng  dùng thuốc đắt tiền, dùng nhiều loại thuốc  khác  nhau,  dùng  vội  vã  khi  chưa xác định rõ chẩn đoán, vội vã thay đổi thuốc.

Trong khi hướng dẫn đầu giường  hoặc  minh  hoạ  lâm  sàng  lại  giảng  về những triệu chứng không có ở bệnh nhân, làm cho bệnh nhân lo  lắng hoặc  “học” được các triệu chứng và rồi xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Bác sĩ hoặc điều dưỡng viên thể hiện sự lo lắng quá mức  của mình qua nét  mặt, ánh mắt, cử chỉ, ngôn ngữ.

Phòng bệnh y sinh:

Để phòng ngừa các chứng bệnh y sinh, thầy  thuốc,  điều  dưỡng  viên  và  các nhân viên y tế, sinh viên y khoa cần lưu ý những điểm sau:

Không để cho bệnh nhân biết những chẩn  đoán  sơ  bộ,  chưa  chính  xác, những chẩn đoán phân biệt, loại trừ.

Cần thận trọng, có cân nhắc khi trả  lời  những  câu  hỏi  của  bệnh  nhân  về bệnh cũng như về tiên lượng bệnh. Tuy  nhiên điều đó  không  có nghĩa là rụt rè, là lấp lửng bởi như vậy lại càng làm  cho  bệnh nhân  thêm lo  lắng,  tìm mọi  cách để biết “sự thật”.

Khi khám bệnh cũng như hỏi bệnh cần tỉ mỉ, cẩn thận song cũng cần lưu ý không nên hỏi chi tiết, khám kĩ chỉ một bộ phận, một vấn đề nào đó.

Dùng thuốc đúng bệnh,  không  nên  dùng  thuốc  bao  vây,  không  nên  dùng  các thuốc trợ lực, bồi dưỡng nếu không cần thiết.

Không thảo luận bệnh án ngay tại đầu giường của bệnh nhân.

Hãy lưu ý rằng người thầy thuốc điều trị  cho  người  bệnh  không  chỉ  bằng  thuốc hay bằng con dao mổ  mà  còn bằng  lời  nói, cử chỉ  của mình. Mọi  hành vi của thầy thuốc trong bệnh viện đều được  bệnh  nhân  quan  sát,  mọi  lời  nói  của thầy thuốc đều được bệnh nhân  chú  ý  lắng  nghe.  Do  vậy  không  chỉ  là tránh gây ra các triệu chứng bệnh y sinh mà người  thầy  thuốc  còn cần phải  biết  cách gieo vào lòng bệnh nhân sự tin tưởng:  tin  tưởng  vào  thầy  thuốc,  tin  tưởng  vào  bản thân; phải biết cách giúp cho người  bệnh  huy  động  những  tiềm  năng  của  mình đấu tranh chống lại bệnh tật.