Đại cương
Nhiễm giun đũa (Ascaris lumbricoides) là một bệnh lý ký sinh trùng phổ biến trên thế giới đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Gần đây, do tình trạng vệ sinh được cải thiện nên tỉ lệ nhiễm giun đũa có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém, mức sống thấp.
Trong các biến chứng của nhiễm giun đũa, giun chui ống mật (GCOM) là một trong những biến chứng nặng, đôi lúc để lại hậu quả lâu dài thậm chí tử vong.
Xử trí đúng và kịp thời giun chui ống mật sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng, không để lại các hậu quả về sau.
Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán
Lâm sàng
Đau: Đau trong giun chui ống mật là cơn đau đột ngột, đau từng cơn dữ dội. Đau ở vùng hạ sườn phải đau lan lên trên hoặc lan sang vùng thượng vị. Đau làm gập người xuống. Đau sẽ giảm nhanh sau khi giun chết, liệt hoặc đi ra khỏi ống mật chủ.
Sốt: là triệu chứng đi kèm theo đau, dấu hiệu của nhiễm trùng đường mật do giun.
Vàng da: khi giun làm tắc hoàn toàn ống mật chủ.
Cận lâm sàng:
Chẩn đoán hình ảnh:
Siêu âm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán giun chui ống mật. Hình ảnh giun được phát hiện qua siêu âm với hình ảnh giun nằm dài trong ống mật chủ, đôi lúc có thể thấy được cử động của giun. Có thể thấy được hơn một giun trong ống mật. Giun có thể di chuyển vào ống gan, túi mật, hoặc ống tụy gây viêm tụy cấp.
Công thức máu: Có thể thấy BC tăng cao khi có hội chứng nhiễm trùng. Đôi khi có thể có tình trạng tăng BC ái toan thường gặp trong nhiễm ký sinh trùng.
Nội soi dạ dày tá tràng → Papil gắp giun
Chẩn đoán xác định:
Chẩn đoán giun chui ống mật chủ yếu dựa vào cơn đau quặn gan khá điển hình trên một bệnh nhân có tiền sử giun chui ống mật. Siêu âm có hình ảnh giun trong ống mật chủ
Biến chứng
Nhiễm trùng:
Sự di chuyển của giun đũa lên ống mật chủ thường mang theo vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, giun làm tắc hoàn toàn hoặc một phần ống mật chủ, gây nhiễm trùng đường mật. Trường hợp nặng có thể có abces mật quản.
Thấm mật phúc mạc và thủng đường mật do giun gây tắc mật và nhiễm trùng cần phải can thiệp ngoại khoa.
Viêm tụy cấp:
Giun là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp ở nước ta. Giun chui vào ống mật gây ảnh hưởng đến ống tụy. Đôi khi, có thể thấy hình ảnh giun chui vào ống tụy.
Sỏi đường mật:
Giun chui và chết trong đường mật về sau gây sỏi đường mật. gây tình trạng nhiễm trùng đường mật tái phát nhiều lần. Nếu không giải quyết triệt để có thể dẫn đến xơ gan ứ mật.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
Giảm đau, giảm co thắt
Diệt giun đũa
Chống nhiễm khuẩn
Các thuốc điều trị giun thông thường
Pyrentel pamoate:
Cơ chế tác dụng: làm liệt và chết giun, liều duy nhất 11mg/kg. Có thể dùng được cho phụ nữ có thai.
Mebendazole: liều 100mg uống 2 lần ngày, 3 ngày liên tiếp hoặc 500mg, liều duy nhất.
Albendazole: 400 mg, liều duy nhất.
Kháng sinh phổ rộng dự phòng hoặc khi có biến chứng nhiễm trùng.
Các thuốc giảm đau thuộc nhóm dãn cơ trơn
Nội soi can thiệp:
Các cơ sở có trang bị ống nội soi tá tràng có thể dùng dụng cụ gắp sỏi gắp giun ra khỏi ống mật chủ, giúp giảm nhanh cơn đau tránh các biến chứng về sau.
Điều trị biến chứng:
Can thiệp phẫu thuật khi có tình trạng thấm mật phúc mạc hay thủng đường mật.
Điều trị viêm tụy cấp nếu có: (Amylase tăng cao, siêu âm có hình ảnh giun trong ống mật hoặc ống tụy).
Nuôi dưỡng
Cho ăn nhẹ nếu bệnh nhân giảm hoặc hết đau bụng, không nôn khi ăn, kết hợp nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch
Điều trị dự phòng:
Cần dùng các thuốc xổ giun thường kỳ từ 3-6 tháng ở những bệnh nhân đã có tiền sử giun chui ống mật vì bệnh có xu hướng hay tái phát.
Xổ giun định kỳ, hàng năm cho học sinh các trường học mẫu giáo, phổ thông ở những vùng dịch tễ nhiễm giun cao.
Phòng ngừa lây lan từ người sang người bằng cách vệ sinh thực phẩm, rửa rau sống đúng cách, xây dựng hố xí đúng tiêu chuẩn, không dùng phân tươi bón rau.