Dịch: BS. Nguyễn Thị Hương
Dinh dưỡng và nuôi ăn
Một cách tổng quan, đa số bệnh nhân hậu phẫu nên được cho ăn sớm bằng đường miệng hoặc qua sonde dạ dày ngay ngày đầu hậu phẫu. Không có nhu động ruột không phải là chống chỉ định tuyệt đối của nuôi ăn.
Nhìn chung, nên cho bệnh nhân dinh dưỡng bằng đường ruột càng sớm càng tốt nếu như tổng trạng bệnh nhân cho phép. Cẩn trọng trong trường hợp bệnh nhân phẫu thuật sửa chữa cung động mạch chủ, vì một số có thiếu máu ruột từ trước mổ. Những trẻ này sẽ không được ăn bằng đường miệng vài ngày sau mổ.
Nên nhịn ăn trước khi rút NKQ 4h, và cho ăn lại sau rút NKQ ít nhất 2h.
Nếu không thể cung cấp đủ năng lượng cho bệnh nhân trong ngày hậu phẫu thứ hai do bệnh lý hiện có, nên nuôi ăn tĩnh mạch sớm theo như “Hướng dẫn về nuôi ăn tĩnh mạch cho bệnh nhân tim mạch”. Hội chẩn thêm với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý. (Khuyến cáo này không tính tới những trẻ tỉnh táo, hợp tác và có thể dung nạp được)
Cách nuôi ăn:
Nuôi ăn gồm 3 lưu ý:
Lượng dịch khởi đầu
Loại dịch sử dụng
Khoảng cách giữa các cữ ăn
Nếu bệnh nhân bắt đầu nuôi ăn qua sonde dạ dày thì theo những gợi ý sau:
Trước khi cho ăn, phải chụp XQ kiểm tra vị trí đầu ống sonde, đảm bảo rằng ống vào đúng dạ dày
Cho ăn 0.5ml/kg mỗi 4 giờ
Dẫn lưu sonde 1 giờ sau ăn. Nếu dịch dư dạ dày không ra, có thể tăng gấp đôi thể tích mỗi cữ ăn và rút ngắn khoảng cách các cữ xuống 2h
Đồng thời giảm dần lượng dịch nuôi ăn tĩnh mạch bằng với thể tích nuôi ăn đường miệng, phần còn lại vẫn truyền duy trì trong 24h
Tùy theo hướng dẫn của từng bệnh, có thể tăng nhanh để đạt đủ lượng dịch bằng đường miệng trong vòng 24h
Nếu bệnh nhân có ói ọc, lập lại quy trình trên mỗi 4 giờ, đồng thời dùng thêm cisapride 0.2 mg/kg IV mỗi 6h
Nếu thất bại, tiến hành nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần (có đạm và lipid)
Theo dõi chu vi vòng bụng liên tục
Khám nghe nhu động ruột và theo dõi tình trạng đi tiêu
Khuyến khích cho trẻ ăn sữa mẹ, cố gắng duy trì một lượng thích hợp. Nếu có thể, cho trẻ ăn chế độ năng lượng cao, có thể gấp 4-5 lần để giảm lượng dịch nhập. Xem xét nuôi ăn nhỏ giọt liên tục nếu cần.
Lưu ý:
Nuôi ăn qua sonde có thể nhỏ giọt liên tục hoặc dùng bơm tiêm liên tục (không bơm nhanh một lần)
Tập vật lý trị liệu và hút đàm trước khi cho ăn
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng đầy đủ nhằm hạn chế tối thiểu mức dị hóa do stress hậu phẫu, đảm bảo cân bằng nitrogen dương cho sửa chữa, tái tạo mô.
Có thể cần tới 120 – 150 kcal/kg/ngày, nuôi ăn bằng đường miệng hay tĩnh mạch đều được
Bằng đường miệng:
Được ưa thích hơn vì vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ, vừa tránh được nhiều biến chứng
Có thể cho ăn trực tiếp bằng miệng hoặc gián tiếp qua sonde dạ dày
Theo dõi cẩn thận trong một số bệnh lý như Fontans vì thường kèm theo bệnh ruột mất đạm, sửa chữa cung động mạch chủ làm thiếu máu nuôi ruột, phẫu thuật Norwood làm giảm nhu động ruột và thiếu máu ruột.
Bằng đường tĩnh mạch
Chỉ định: phẫu thuật cắt nối ruột, thiếu máu ruột và bệnh lý kém hấp thu
Nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần phải bao gồm: đạm, đường, vi lượng, vitamin, béo
Nitrogen được cung cấp dưới dạng dịch tinh thể chứa các aminoacid.
Khi stress hay có bệnh làm tăng dị hóa, trong giai đoạn cấp, cơ thể có thể bị mất tới 20 – 25g nitrogen một ngày (1g Nitrogen = 6.25g protein = 30g cơ). Vì thế, phải tăng cung cấp protein cho những trẻ bệnh nặng để duy trì khối cơ.
Tỉ lệ lí tưởng giữa năng lượng từ những chất không phải protein và số gram nitrogen là 150:1 – 200:1. Ở những trẻ bệnh nặng, tỉ lệ này có thể thấp hơn 100:1 – 125:1
Bảng 12.1 Nhu cầu protein theo tuổi
Năng lượng (cal)
Cần thiết cho nhu cầu cơ bản và tăng trưởng của trẻ
Nếu có dị hóa, cơ thể cần mức năng lượng gấp đôi nhu cầu cơ bản (130 – 150 kcal/kg/ngày ở trẻ bị bệnh)
Chất béo
Năng lượng từ chất béo khá an toàn và là nguồn cung cấp chính cho cơ thể
Khởi đầu 0.5-1g/kg/ngày, tăng dần 0.5g/kg/ngày tới khi đạt mức tối đa là 4g/kg/ngày
Lí tưởng thì năng lượng từ chất béo sẽ chiếm 30 – 35% tổng năng lượng nếu như bệnh nhân dung nạp tốt và không bị tăng triglyceride máu.
Carbohydrate
Cơ tim sử dụng glucose như là chất chuyển hóa chính. Do đó, dịch nuôi ăn bắt buộc phải có glucose
Nếu nồng độ glucose > 12.5%, phải truyền qua tĩnh mạch trung ương
Tốc độ khởi đầu 4 – 6 mg/kg/phút, tăng chậm mỗi ngày đến khi đạt 8 – 10 mg/kg/phút
Có thể dùng dịch 50% glucose nếu cần truyền lượng dịch ít nhưng năng lượng cao
Vitamin, nguyên tố đa lượng và vi lượng:
Các chế phẩm chứa vitamin và khoáng chất dạng tiêm truyền cung cấp hầu như đầy đủ cho nhu cầu tối thiểu vể những chất này ở trẻ.
Khuyến cáo về điện giải và vi lượng trong nuôi ăn tĩnh mạch hàng ngày
Biến chứng của nuôi ăn tĩnh mạch
Tăng/ hạ đường huyết
Mất cân bằng điện giải: hạ K, mất P
Tăng triglyceride máu
Ứ mật