Bệnh viện là một cơ sở dịch vụ phức hợp với rất nhiều nhóm dịch vụ: khám, chữa bệnh, “ khách sạn (dịch vụ buồng bệnh) ”, “ ngân hàng (tài chínhkế toán) ”, “xưởng sản xuất (trung tâm khử khuẩn tiệt khuẩn, khoa xét nghiệm, khoa dược)”v.v… Mối quan hệ giữa người bệnh (khách hàng bên ngoài) với bệnh viện và giữa các đơn vị trong bệnh viện (khách hàng nội bộ) cũng rất đa dạng, phức tạp và nhiều áp lực hơn rất nhiều so với các ngành dịch vụ khác. Vì vậy, công tác quản lí bệnh viện ngày càng có vai trò quan trọng, trong đó quản lí chất lượng đang ngày càng được coi trọng và được coi là hoạt động xuyên suốt của các bệnh viện.
Các nhiệm vụ quản lí chất lượng:
Lập kế hoạch, đề án về quản lý chất lượng bệnh viện
Bệnh viện phải xây dựng, ban hành, phổ biến mục tiêu về chất lượng của bệnh viện. Mục tiêu về chất lượng của bệnh viện phù hợp với chính sách chất lượng của quốc gia và nguồn lực của bệnh viện.
Kế hoạch và chương trình quản lý chất lượng của bệnh viện được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động hằng năm và 5 năm của bệnh viện.
Lập các đề án cải tiến chất lượng thông qua việc xác định các vấn đề ưu tiên để triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng phù hợp với nguồn lực hiện có của bệnh viện.
Áp dụng tiêu chuẩn, mô hình, phương pháp quản lý chất lượng
Hiện nay, có nhiều phương pháp và mô hình quản lí chất lượng. Bệnh viện có thể áp dụng một hoặc kết hợp nhiều tiêu chuẩn, mô hình, phương pháp quản lý chất lượng cho tất cả các lĩnh vực hoặc từng lĩnh vực cụ thể của bệnh viện, ví dụ:
Áp dụng quản lý chất lượng dựa trên các bộ tiêu chuẩn: Đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nước ngoài, hoặc bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện do tổ chức chứng nhận chất lượng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước xây dựng được Bộ Y tế thừa nhận;
Hiện nay, đã có 19 tổ chức chứng nhận chất lượng nước ngoài và 35 bộ tiêu chuẩn đã được ISQua công nhận.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 đã quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của tổ chức chứng nhận chất lượng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, một số tổ chức chứng nhận chất lượng sẽ được thành lập theo quy định của Nghị định số 87 và triển khai xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện và tổ chức đánh giá chứng nhận chất lượng.
Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO. Đã có một số bệnh viện áp dụng hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001-2008. Hệ thống quản lí chất lượng xét nghiệm y học ISO 15189 là một trong các bộ tiêu chuẩn được xây dựng dành cho các phòng thí nghiệm, phù hợp với các khoa xét nghiệm bệnh viện. Các đơn vị trong bệnh viện như: các phòng chức năng, khoa dược, trung tâm khử khuẩn tiệt khuẩn … có thể áp dụng hệ thống quản lí chất lượng ISO 90012008.
Áp dụng chu trình cải tiến chất lượng, quản lý chất lượng toàn diện;
Với các bệnh viện có nguồn lực hạn chế, việc áp dụng chu trình chất lượng, trong đó lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên thông qua khảo sát đánh giá hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, có tính khả thi cao. Những vấn đề chất lượng thường gặp hiện nay tại các bệnh viện gồm:
Thời gian chờ lâu: chờ khám, xét nghiệm, phẫu thuật
Thái độ, ứng xử
Chất lượng chuyên môn: sai sót chuyên môn kỹ thuật, lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật hoặc sử dụng dưới mức cần thiết.
An toàn bệnh nhân: Nhiễm khuẩn bệnh viện, sai sót trong sử dụng thuốc, nhầm lẫn người bệnh, v.v…
Môi trường bệnh viện, vệ sinh, xử lý chất thải v.v…
Việc sử dụng các công cụ chất lượng, áp dụng chu trình cải tiến chất lượng (PDCA, PDSA, chu trình giải quyết vấn đề, chu trình 10 bước) thông qua lựa chọn vấn đề chất lượng ưu tiên từng bước sẽ giúp bệnh viện cải tiến chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế.
Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) là một triết lý quản lý. Mục tiêu của TQM là cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao sự thoả mãn khách hàng ở mức tốt nhất. Đặc điểm nổi bật của TQM so với các phương pháp quản lý chất lượng trước đây là cung cấp một hệ thống toàn diện cho công tác quản lý và cải tiến mọi khía cạnh có liên quan đến chất lượng và huy động sự tham gia của mọi bộ phận và mọi cá nhân để đạt mục tiêu chất lượng đã đề ra.
Các đặc trưng cơ bản của TQM:
Chất lượng được tạo nên bởi sự tham gia của tất cả mọi người – Chú ý đến mối quan hệ với các lợi ích xã hội khác.
Chú ý đến công tác giáo dục và đào tạo.
Đề cao tính tự quản: chất lượng được tạo ra từ ý thức tự giác.
Quản lý dựa trên sự kiện thực tế.
Xây dựng và triển khai hệ thống chính sách trên toàn tổ chức
Thúc đẩy ý thức tự quản và hợp tác của người lao động.
Chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và cải tiến – Thực hiện xem xét của lãnh đạo và đánh giá nội bộ đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.
Sử dụng các phương pháp thống kê.
Đo lường chất lượng và xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất lượng bệnh viện
Vai trò của đo lường trong quản lí chất lượng là không thể thiếu được, không đo lường cũng đồng nghĩa là không cải tiến chất lượng.
Trong những thập niên 60 của Thế kỷ 20, Avedis Donabedian đã đưa ra lý thuyết đo lường chất lượng cả về cấu trúc, quy trình và kết quả.
Đo lường cấu trúc, bao gồm cả về thiết kế, chính sách và phương pháp, số lượng và chất lượng nhân lực, trình độ cán bộ, trang thiết bị, vật tư, cơ sở hạ tầng,
Đo lường quy trình lượng giá các quy trình hoạt động có được thực thi đúng cách nhằm đạt được kết quả mong muốn hay không.
Đo lường kết quả nhằm đánh giá sự thay đổi về sức khỏe của người bệnh sau khi đã thực hiện hàng loạt các quy trình.
Đo lường hiện trạng (baseline measurement) và đo lường xu hướng (trending measurement):
Đo lường hiện trạng là đo lường lúc khởi đầu các biện pháp can thiệp về chất lượng nhằm đánh giá chất lượng y tế tại thời điểm trước can thiệp. Sau khi triển khai các giải pháp can thiệp về chất lượng, đo lường xu hướng giúp đánh giá hoặc xem xét các giải pháp can thiệp về chất lượng có mang lại hiệu quả hay không.
Để thực thi việc đo lường, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất lượng, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin liên quan đến quản lý chất lượng bệnh viện là hết sức cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, mang tính chất định kỳ, đều đặn.
Việc công bố chất lượng bệnh viện đã được nhiều quốc gia áp dụng thể hiện sự minh bạch và có tác dụng khuyến khích cải tiến chất lượng, đồng thời là yếu tố để giúp người bệnh có thông tin để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Tại Đức, mỗi bệnh viện bắt buộc phải báo cáo chất lượng định kỳ 2 năm. Tại Singapore, hàng năm bệnh viện đều công bố một số chỉ số chất lượng trên trang web của bệnh viện để người bệnh, cơ quan quản lí biết.
Xây dựng bộ chỉ số về chất lượng bệnh viện
Một số quốc gia đã đưa ra bộ chỉ số chất lượng quốc gia (ví dụ Malaysia) để các bệnh viện lấy đó làm thước đo chất lượng và dựa trên khung chỉ số chất lượng quốc gia (NIA).
Từ bộ chỉ số chất lượng bệnh viện quốc gia, các bệnh viện xác định ngưỡng chỉ số chất lượng của bệnh viện. Chỉ số chất lượng của bệnh viện có thể chia làm 2 nhóm: chỉ số lâm sàng (clinical indicators) và chỉ số chất lượng dịch vụ (service indicators).
Các bệnh viện phải tiến hành đo lường các chỉ số chất lượng, ban đầu, đo lường chỉ số cơ bản ở thời điểm bắt đầu triển khai các dự án can thiệp về chất lượng, xác định các ngưỡng để đặt mục tiêu cải tiến chất lượng. Các chỉ số chất lượng cũng thường được công bố và theo dõi hàng năm để người dân và cơ quan quản lí biết những tiến bộ về chất lượng.
Các chương trình bảo đảm và cải tiến chất lượng cũng dựa trên các chỉ số chất lượng bệnh viện để triển khai thực hiện.
Tổ chức thực hiện các hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh do bộ y tế ban hành
Các hướng dẫn chuyên môn hiện nay do Bộ Y tế, Hội chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế biên soạn và phổ biến. Trong những năm qua, Bộ Y tế với sự phối hợp của các hội chuyên ngành và các bệnh viện đã xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn quản lí một số bệnh mạn tính, bệnh truyền nhiễm.
Việc triển khai thực hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các bệnh viện là bắt buộc và là một trong những biện pháp bảo đảm chất lượng chuyên môn và hạn chế sự thay đổi trong thực hành. Với những bệnh viện có chuyên gia lâm sàng giỏi, căn cứ trên hướng dẫn của Bộ Y tế và các hiệp hội chuyên môn quốc tế có thể phát triển các hướng dẫn chi tiết để áp dụng tại bệnh viện, phù hợp với điều kiện của bệnh viện và tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế
Thiết lập chương trình bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế dựa trên 6 mục tiêu an toàn người bệnh quốc tế, bao gồm:
Xác định chính xác người bệnh
Bảo đảm trao đổi thông tin giữa các nhân viên y tế hiệu quả
Cải thiện an toàn với thuốc có nguy cơ cao.
Loại trừ phẫu thuật sai người bệnh, sai vị trí.
Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Phòng ngừa người bệnh ngã.
Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và báo cáo tự nguyện. Khuyến khích báo cáo tự nguyện dựa trên nguyên tắc: không chỉ trích, không phê phán, học từ sai sót.
Xây dựng quy trình điều tra sai sót chuyên môn, sự cố để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; Điều tra các rủi ro tiềm ẩn để có các giải pháp mang tính chất phòng ngừa.
Khi xảy ra sai sót, sự cố, cần chú ý đến xử lý sai sót chuyên môn, sự cố và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống để giảm thiểu sai sót, sự cố và phòng ngừa rủi ro, tránh lặp lại các sai sót sự cố.
Đánh giá việc thực hiện hướng dẫn và quy trình chuyên môn
Xây dựng kế hoạch và đánh giá thực hiện hướng dẫn và quy trình chuyên môn trong bệnh viện, tiến hành phân tích một cách có hệ thống chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, bao gồm các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng sử dụng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh. Ưu tiên tập trung thực hiện đánh giá đối với các kỹ thuật, bệnh phổ biến, chi phí lớn.
Thầy thuốc lâm sàng tham gia thực hiện đánh giá thực hiện hướng dẫn và quy trình chuyên môn tại khoa, tại bệnh viện. Phát huy vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị. Thầy thuốc có chuyên môn giỏi tham gia chương trình đánh giá thực hiện hướng dẫn và quy trình chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế khi được yêu cầu.
Đánh giá chất lượng bệnh viện
Tùy thuộc vào chính sách và chiến lược cải tiến chất lượng bệnh viện mà mỗi bệnh viện sẽ xây dựng và triển khai thực hiện đánh giá chất lượng nội bộ của bệnh viện, có thể sử dụng các bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện quốc tế đã được ISQua công nhận để làm căn cứ đánh giá.
Tổ chức đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn, mô hình, phương pháp về quản lý chất lượng đã được áp dụng tại bệnh viện để đưa ra quyết định lựa chọn tiêu chuẩn, mô hình, phương pháp phù hợp. Theo kinh nghiệm của WHO, cùng một mô hình nhưng áp dụng ở bệnh viện khác nhau có thể mang lại hiệu quả khác nhau. Vì vậy, sau một thời gian thực hiện cần có nghiên cứu đánh giá hiệu quả cải thiện chất lượng của bệnh viện.
Định kỳ lấy ý kiến thăm dò và đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế đối với bệnh viện là một biện pháp được chứng minh là có hiệu quả. Thông qua việc lấy ý kiến người bệnh và nhân viên y tế, bệnh viện sẽ nắm bắt được những lĩnh vực có chất lượng dịch vụ còn kém để lựa chọn ưu tiên áp dụng cải tiến chất lượng.
Hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lí chất lượng bệnh viện quy định bệnh viện phải tổ chức hệ thống quản lí chất lượng, trong đó có Hội đồng quản lí chất lượng và đơn vị chất lượng (phòng hoặc tổ quản lí chất lượng), các cán bộ chuyên trách quản lí chất lượng với sự tham gia của tất cả nhân viên y tế.
Tổ chức hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện
Hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện gồm: Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện, các ban liên quan đến quản lý chất lượng bệnh viện, phòng hoặc tổ quản lý chất lượng, cán bộ chuyên trách về quản lý chất lượng, mạng lưới quản lý chất lượng phù hợp với quy mô của bệnh viện.
Tùy theo quy mô, điều kiện của từng bệnh viện có thể thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng.
Mạng lưới quản lý chất lượng bệnh viện: được thiết lập từ bệnh viện đến các khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện.
Cơ chế hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện:
Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện tổ chức các cuộc họp thường kỳ và đột xuất nhằm giám sát, hỗ trợ và có các khuyến nghị liên quan đến quản lý chất lượng.
Các ban liên quan đến chất lượng bệnh viện triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và theo kế hoạch về chất lượng.
Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây
dựng cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng và ban hành các văn bản về quản lý chất lượng của bệnh viện.
Tổ chức và nhiệm vụ của hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện
Tổ chức:
Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện do Giám đốc bệnh viện ra quyết định thành lập. Chủ tịch hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc bệnh viện. Thư ký thường trực là trưởng phòng/tổ trưởng quản lý chất lượng bệnh viện.
Số lượng thành viên hội đồng tùy thuộc vào quy mô của bệnh viện do Giám đốc bệnh viện quyết định. Các thành viên hội đồng gồm đại diện các khoa, phòng liên quan.
Nhiệm vụ:
Tư vấn cho Giám đốc về định hướng, tiêu chuẩn, mô hình, phương pháp, kế hoạch bảo đảm và cải tiến chất lượng trong bệnh viện.
Đề xuất, bổ sung, bãi bỏ và xây dựng mới các quy định, tiêu chuẩn, chỉ số đo lường, hướng dẫn chuyên môn về quản lý chất lượng bệnh viện.
Tham gia đào tạo, nghiên cứu, tư vấn về chất lượng bệnh viện.
Ban hành quy chế và duy trì hoạt động của Hội đồng.
Tổ chức và nhiệm vụ của phòng (tổ) quản lý chất lượng
Tổ chức:
Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện có trưởng phòng, phó trưởng phòng, một số nhân viên tùy thuộc vào quy mô bệnh viện và do Giám đốc quyết định.
Tổ quản lý chất lượng bệnh viện trực thuộc phòng Kế hoạch tổng hợp, do lãnh đạo phòng phụ trách phối hợp chặt chẽ với phòng điều dưỡng để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng bệnh viện.
Nhiệm vụ:
Là đơn vị đầu mối tham mưu cho giám đốc bệnh viện và Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện và triển khai các hoạt động về quản lý chất lượng bệnh viện:
Xây dựng kế hoạch và nội dung hoạt động quản lý chất lượng trong
toàn bệnh viện để trình Giám đốc phê duyệt.
Tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo, phối hợp,
hỗ trợ việc triển khai các hoạt động về quản lý chất lượng cho các khoa phòng.
Thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu, quản lý và bảo mật thông tin
liên quan đến chất lượng bệnh viện.
Xây dựng kế hoạch và triển khai huấn luyện về quản lý chất lượng.
Xây dựng kế hoạch và triển khai đánh giá chất lượng nội bộ của bệnh viện dựa trên các bộ tiêu chuẩn chất lượng được Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận.
Triển khai thực hiện đánh giá việc tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế và các hướng dẫn chuyên môn chi tiết của bệnh viện đã được Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện thông qua.
Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình an toàn người bệnh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng phòng (tổ trưởng) quản lý chất lượng
Theo nội dung dự thảo Thông tư, Trưởng phòng (tổ trưởng) quản lí chất lượng có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
Nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của phòng (tổ) quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm về các hoạt động của phòng (tổ) quản lý chất lượng của bệnh viện;
Tổng kết, báo cáo hoạt động của phòng (tổ) quản lý chất lượng và kết quả công tác quản lý chất lượng trong toàn bệnh viện.
Hỗ trợ các nhóm chất lượng tại các khoa, phòng thực hiện các đề án
cải tiến chất lượng.
Tham gia đánh giá chất lượng bệnh viện khi được yêu cầu.
Là thư ký của Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện.
Quyền hạn:
Là thành viên của một số hội đồng của bệnh viện theo sự phân công của Giám đốc.
Kiểm tra và yêu cầu các khoa, phòng, cá nhân thực hiện đúng kế
hoạch quản lý chất lượng của bệnh viện.
Đề xuất với Giám đốc biểu dương khen thưởng các cá nhân và tập
thể thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng.
Cán bộ chuyên trách về quản lý chất lượng bệnh viện
Cán bộ chuyên trách về quản lý chất lượng bệnh viện có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
Nhiệm vụ:
Thực hiện các nhiệm vụ của phòng/tổ quản lý chất lượng theo sự
phân công của Trưởng phòng/tổ trưởng quản lý chất lượng bệnh viện.
Hỗ trợ các nhóm chất lượng tại các khoa, phòng thực hiện các đề án
cải tiến chất lượng.
Tham gia đánh giá chất lượng bệnh viện khi được yêu cầu.
Quyền hạn:
Kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện của
các khoa, phòng.
Tham mưu đề xuất khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân trong
bệnh viện thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng.
Tất cả cán bộ, viên chức, nhân viên y tế phải tham gia các hoạt động bảo đảm và cải tiến chất lượng tùy theo chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân trong lĩnh vực công tác của mình.
Bài học kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động quản lí chất lượng bệnh viện
Bài học kinh nghiệm của bệnh viện nhi đồng 1-thành phố hồ chí minh:
Trước thực trạng bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, với vai trò là 1 bệnh viện nhi tuyến cuối, áp lực công việc luôn cao đòi hỏi bệnh viện luôn phải nỗ lực và không ngừng cải tiến chất lượng, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những bệnh viện đầu tiên quan tâm đến các hoạt động cải tiến chất lượng. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước và xem xét các mô hình cải tiến chất lượng, Bệnh viện đã lựa chọn mô hình quản lí chất lượng đồng bộ và cải tiến chất lượng liên tục (TQM/CQI) mang tính khả thi và đi vào mọi hoạt động của bệnh viện.
Hội đồng chất lượng của bệnh viện được thành lập trong đó có các ban đóng vai trò trực tiếp triển khai các hoạt động, như: Ban An toàn người bệnh, Ban Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, Ban an toàn môi trường, Ban Khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên với vai trò điều phối, hỗ trợ của nhóm thường trực.
Bệnh viện đã triển khai 10 hoạt động hỗ trợ cho chương trình cải tiến chất lượng của bệnh viện:
Phát triển nguồn nhân lực với việc vận dụng chiến lược 3R: tuyển chọn (recruit); giữ chân nhân viên giỏi (retain); động viên, khen thưởng (recognition, reward).
Xây dựng quy trình, phác đồ chuẩn, trong đó: cập nhật và chuẩn hóa các quy trình, phác đồ điều trị thống nhất trong toàn bệnh viện dựa trên y học chứng cớ, bao gồm cả quy trình điều dưỡng, phổ biến, triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Ứng dụng y học chứng cớ trong bệnh viện trên nguyên tắc: nội dung chăm sóc dựa trên y học chứng cớ, quy trình chăm sóc dựa trên cải tiến liên tục. Triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân viên y tế tiếp cận và cập nhật thông tin y học chứng cớ và sử dụng y học chứng cớ làm trọng tài khoa học trong tất cả các hoạt động: nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ, cải tiến quy trình, hội chẩn và lượng giá chất lượng chăm sóc.
Vận dụng các nguyên lí quản lí nguy cơ vào quản lí an toàn người bệnh với mục tiêu xây dựng môi trường bệnh viện an toàn và thân thiện, đưa mục tiêu an toàn người bệnh là 1 trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác QLCLBV, lồng ghép trong mọi hoạt động chuyên môn, thúc đẩy việc học từ sai sót (learning from errors), đưa nội dung an toàn vào phác đồ của bác sĩ, quy trình kỹ thuật của điều dưỡng, huấn luyện các chuyên đề ưu tiên về an toàn người bệnh: an toàn sử dụng thuốc, an toàn phẫu thuật. Việc tiếp cận an toàn người bệnh dựa trên nguyên lí tiếp cận hệ thống, phát hiện những thiếu sót từ hệ thống để cải tiến, tránh lặp lại.
Triển khai công tác chăm sóc toàn diện trong bệnh viện, bao gồm cả điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, dinh dưỡng, VLTL-PHCN, tâm lí trị liệu, GDSK và tạo môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí bệnh viện giúp giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ và giảm nguy cơ sai sót, đồng thời công nghệ thông tin cũng giúp phục vụ hoạt động giám sát chất lượng. Bệnh viện đã hoàn chỉnh mạng vi tính toàn bệnh viện: cáp quang, trung tâm dữ liệu số hóa, đội ngũ nhân viên IT, thành lập Phòng CNTT. ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của bệnh viện: quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý dược (Khép kín Khoa lâm sàng→Khoa Dược→Bộ phận Tài chính), quản lý kho y dụng cụ, trả kết quả xét nghiệm qua mạng, quản lý thủ thuật, phẫu thuật, quản lý nhân sự (chấm công, phép, trực qua mạng); quản lý học hỏi liên tục; viện phí (khép kín từ Khoa lâm sàng→ Bộ phận Viện phí), quản lý tài chính; báo ăn qua mạng (từ các khoa lâm sàng→ Khoa Dinh dưỡng); thông tin (web, internet, đăng ký khám bệnh); tiếp nhận, kê đơn, mua thuốc qua mạng.
Làm việc theo nhóm, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo trong bệnh viện. Các ý tưởng sáng tạo xuất phát từ những vấn đề khó khăn liên quan trực tiếp đến chăm sóc người bệnh. Khi những ý tưởng sáng tạo hình thành, nhân viên bệnh viện sẽ đóng góp và sớm hoàn chỉnh để đi vào thực thi với sự phối hợp của liên khoa/phòng trong bệnh viện.
Huấn luyện phương pháp quản lí chất lượng trong bệnh viện. Các khoa lâm sàng thực hiện công tác lượng giá chất lượng chăm sóc, trong đó được hướng dẫn và làm quen với áp dụng chu trình PDCA. Tổ chức huấn luyện chương trình quản lí nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh cho tất cả bác sĩ trưởng khoa và điều dưỡng trưởng khoa. Huấn luyện phương pháp cải tiến chất lượng cho tất cả các điều dưỡng trưởng khoa.
Cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho nhân viên, phân bổ nguồn lực hợp lí, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, khoa phòng, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cho những vấn đề liên quan đến chất lượng. Chăm lo điều kiện làm việc và cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức như: tự cân đối tăng lương cơ bản – duy trì thu nhập tăng thêm; hỗ trợ chi phí đào tạo sau đại học: điều dưỡng 100%, đối tượng khác 50%; Cải tạo nâng cấp khoa phòng, TTB, thư viện, hỗ trợ NCKH, sáng kiến; Bữa cơm trực cho nhân viên; Nước uống giữa giờ cho nhân viên tại phòng khám; Tổ chức lớp tiếng Anh trình độ B, C cho bác sĩ & điều dưỡng; Mua bảo hiểm tai nạn cho 100% nhân viên; Tổ chức vui chơi, nghỉ mát cho CBVC.
Cam kết và quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện về cải tiến chất lượng bệnh viện: Lồng ghép cải tiến chất lượng vào mọi hoạt động BV; Xây dựng mục tiêu chất lượng của BV, thành lập Hội đồng chất lượng; Tổng kết bệnh viện cũng chính là tổng kết về chất lượng; Hỗ trợ, điều phối nguồn lực cho hoạt động cải tiến chất lượng.
Kết luận
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, tùy theo điều kiện nguồn lực của các bệnh viện mà có thể áp dụng các mô hình khác nhau. Tuy nhiên, việc phát hiện các vấn đề chất lượng, phân tích và đưa ra các giải pháp cải tiến, áp dụng chu trình chất lượng để cải tiến liên tục là cần thiết đối với tất cả các bệnh viện. Để có thể triển khai, cam kết từ lãnh đạo, thành lập Hội đồng chất lượng, thành lập phòng hoặc tổ quản lí chất lượng, phân công cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách để tham mưu, triển khai, giám sát hoạt động cải tiến chất lượng với sự tham gia của tất cả các thành viên bệnh viện là cần thiết. Bệnh viện cũng cần đầu tư nguồn lực cho cải tiến chất lượng. Hãy bắt đầu bằng việc huấn luyện về quản lí chất lượng cho các cán bộ quản lí của bệnh viện, triển khai các dự án cải tiến chất lượng nhỏ thuộc lĩnh vực ưu tiên, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng. Sau khi các hoạt động cải tiến đã có kết quả và đã có cán bộ chuyên trách, bệnh viện nên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng theo những mô hình phù hợp nhất. Tiến hành đo lường chất lượng là bắt buộc khi triển khai các hoạt động cải tiến. Việc mời các chuyên gia tư vấn về chất lượng hỗ trợ bệnh viện trong thời gian đầu triển khai các đề án cải tiến chất lượng là cần thiết, chuyên gia sẽ giúp hỗ trợ về kỹ thuật, giải quyết những vấn đề khó hoặc tranh cãi. Từng bước đi nhỏ nhưng liên tục sẽ giúp bệnh viện đạt được chất lượng với những tiến bộ không nhỏ.
Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế. Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lí chất lượng bệnh viện. 2011.
Tổ chức Y tế Thế giới. Liên minh Thế giới vì An toàn người bệnh. Sáu mục tiêu quốc tế về an toàn người bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới. Chiến lược nào tốt nhất cho cải tiến chất lượng bệnh viện. 2003.
Tăng Chí Thượng. Mười hoạt động hỗ trợ chương trình quản lí chất lượng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Báo cáo tại Hội thảo quản lí chất lượng bệnh viện. Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8-2011.
Quốc hội. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009.
Chính phủ. Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới. Performance Assessment Tool for Quality Improvement in Hospital, 2007:
Viện nghiên cứu hệ thống y tế – Bộ Y tế Malaysia. Promoting for Quality of Healthcare. 2004.
Juran Joseph M. ; Godfrey Blanton A. Juran’s Quality Handbook. Fifth edition, 1999.
USAID. A Modern Paradign for Improving Healthcare Quality (2002), pages: 51-76.
USAID. Quality Assurance Project. Monitoring the Quality of Hospital Care. 2000.
American College of Medical Quality. Medical Quality Management-Theory and Practice, 2010.