Đại cương
Mức cắt cụt tháo khớp hông được xem là mức cắt cụt lớn vì liên quan tới nhiều nhóm cơ xung quanh xương chậu. Ở mức cắt cụt này là tháo khớp thực sự của xương đùi từ ổ khớp, toàn bộ chi dưới được tháo bỏ không còn tiếp xúc với xương chậu. Tháo khớp háng không có mỏm cụt để hoạt động như một tay đòn để điều khiển nên vận động rất thấp, khó đạt được những hoạt động chức năng do phải tiêu hao nhiều năng lượng. Hầu hết những người bệnh tháo khớp háng đều lấy lại thăng bằng dễ dàng. Trong suốt thời gian điều trị, người bệnh nên được hướng dẫn ngắn gọn, rõ ràng theo trình tự các giai đoạn tái rèn luyện chức năng sẽ giúp khả năng sử dụng chân giả được nhanh hơn.
Chỉ định
Cắt toàn bộ ¼ xương chậu
Cắt bỏ chi dưới hay tháo khớp háng.
Chống chỉ định
Biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Chân giả không vừa vặn.
Chuẩn bị
Người thực hiện: Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu.
Phương tiện: Chân giả tháo khớp háng, ghế ngồi
Người bệnh: phải hợp tác và được giải thích rõ mục đích tập luyện.
Hồ sơ bệnh án: được Bác sĩ chỉ định tập luyện chức năng chân giả tháo khớp háng.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra người bệnh
Thực hiện kỹ thuật
*Đeo chân giả vào người
Đứng tựa lưng vào tường, nắm vào một điểm tựa như thanh giữ, khung hay đồ đạc ở một bên người.
Mặc đồ lót thích hợp.
Nắm lấy ổ mỏm cụt chân giả và đẩy mặt ngoài xương chậu vào trong ổ mỏm cụt. Nên để chân giả xoay ra ngoài một chút ở giai đoạn này. Xương chậu phải tiếp xúc hoàn toàn với ổ mỏm cụt.
Buộc dây đai ổ mỏm cụt, điều này sẽ làm chân giả xoay ra giữa một chút.
Thít chặt lại dây đeo vai, điều chỉnh nó trong khi đứng.
*Tháo chân giả ra
Đứng và tháo dây đai ổ mỏm cụt ra.
Tháo chân giả ra bằng cách nắm lấy ổ mỏm cụt và nhẹ nhàng đẩy xương chậu ra khỏi ổ mỏm cụt.
Kiểm tra da xem có chỗ bị đỏ da, chà sát, mụn phỏng hay không, có thể sử dụng một cái gương.
* Mặc quần áo
Mặc quần cho chân giả trước.
Xỏ chân còn lại vào quần.
Đeo chân giả vào.
Kiểm tra giầy có cùng một đôi và có cùng chiều cao và là giầy mà chân giả đã được thiết kế phù hợp.
Mặc áo vào.
*Đứng lên từ ghế
Dùng cả hai tay và thân mình đẩy thân mình lên.
Đứng thẳng, đẩy xương chậu về phía trước. Kiểm tra đầu gối đã vững chắc trước khi bước về phía trước.
* Ngồi xuống ghế
.Ngồi xuống với khóa giới hạn khớp hông:
Người bệnh đứng thẳng hông để nhả khóa giới hạn khớp hông.
Mông nên đẩy về phía sau và gập thân mình về phía trước.
Hai đầu gối gập để ngồi xuống.
Người bệnh dùng tay đẩy đùi về phía trước.
.Ngồi xuống với không có khóa khớp hông:
Người bệnh nên ngả ra sau một chút để mở khóa, rồi lấy tay đẩy đùi ra phía trước để ngồi xuống.
.Ngồi xuống với khớp hông có khóa:
Người bệnh nên nghiêng khung chậu ra sau, duỗi cột sống thắt lưng rồi gập hông lại để ngồi xuống.
Người bệnh cần luyện tập cử động có hình chữ S này và cần ngồi xuống với hành động có chủ đích.
* Lên xuống cầu thang
Người bệnh sử dụng hai tay vịn cầu thang. Khi lên bước chân lành lên trước, khi xuống bước chân giả xuống trước.
Nếu người bệnh đi bằng khung tập đi, người bệnh nên cố gắng lên xuống thang với một gậy và tay vịn cầu thang. Khi đi xuống, người bệnh phải chống gậy xuống bậc thang trước khi bước xuống bằng chân giả.
Nếu người bệnh đi thấy khó khăn hay không an toàn, có thể đứng đối diện với tay vịn cầu thang, hai tay nắm tay vịn và tập lên xuống bằng cách đi ngang.
* Lên xuống dốc/ đồi
Khi lên dốc, chân lành bước lên trước và chân giả được kéo mạnh lên ngang với bàn chân lành.
Khi xuống dốc, hai gậy đưa xuống trước, kế đến là chân giả rồi bước chân lành xuống ngang với bàn chân giả.
Khi đường dốc quá cao, người bệnh phải học cách kiểm soát cử động của khớp hông và duy trì hông duỗi trong suốt thì đứng khi đi xuống. Nếu khi xuống dốc có trở ngại, có thể do bàn chân không đủ mềm. lên xuống dốc bằng cách đi ngang có thể an toàn hơn.
*Đứng lên từ sàn nhà
.Phương pháp 1:
Nằm ngửa và giữ gậy tập đi (nếu sử dụng)
Nhả khóa khớp hông, nếu có.
Xoay người về phía chân giả trên đầu gối chân lành.
Đẩy hai tay, hay dùng gậy và chân lành tạo thế vững chắc.
Đứng dậy ngay.
.Phương pháp 2: giống phương pháp 1, nhưng dùng một cái ghế để đẩy người đứng lên.
Theo dõi
Trong suốt thì đứng, nên sử dụng cơ duỗi lưng và duỗi hông của chân lành để duy trì dáng bộ thân mình đứng thẳng; đồng thời cũng ngăn ngừa cử động quá nhiều của vai và thân mình trong suốt chu kỳ dáng đi.
Không nên nhón gót chân lành hoặc gót không tiếp xúc với mặt đất nhằm để gia tăng tốc độ đi bộ cao hơn.
Không nên đứng trên một chân lâu sẽ dễ mệt và là nguyên nhân gây thoái hóa sớm ở những khớp chịu sức nặng hoặc gây khó chịu cho mô mềm.
Để đạt được sự vững chắc khi học sử dụng chân giả lần đầu, người bệnh không nên bước chân quá dài. Chiều dài bước chân có thể thay đổi do kỹ thuật viên chỉnh hình chân giả điều chỉnh khóa giới hạn khớp hông.
Tai biến và xử trí
Ngã: Xử trí theo thương tổn do ngã gây nên.