Nội dung

Kỹ thuật sử dụng tay giả dưới khuỷu

 

Đại cương

Tay giả là sự thay thế cho một phần tay của cơ thể bị mất đi. Không có tay giả nào có thể thay thế được hoàn toàn tất cả các chức năng của tay thật. Có loại tay giả thẩm mỹ, tay giả chức năng hay loại tay giả kết hợp của cả hai.

Dù gắn với bất cứ loại bàn tay giả nào, phần cổ tay phải cho phép xoay 3600, có một cơ chế đẩy nút để có thể cho phép tháo rời hay khóa bàn tay. Bàn tay chức năng được điều khiển bởi sự duỗi khuỷu, gập vai hay là hạ đai vai.                                         

Chỉ định

Cắt cụt ngang hai xương cẳng tay (xương quay, xương trụ)

Chống chỉ định

Biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật, mỏm cụt bị sưng và phù nề lâu.

Tổn thương trầm trọng và rách phần mềm mỏm cụt.

Tình trạng khớp khuỷu bị co rút gập (do mất cân đối cơ), đau, viêm khớp xương và không vững chắc dây chằng.

Tình trạng cơ của tay cắt cụt không hoạt động, sẹo dính, đầu xương không đều, da ghép và cảm giác kém.

Tay giả dưới khuỷu không vừa vặn.

Tái rèn luyện chức năng với tay giả không còn phù hợp.

Chuẩn bị

Người thực hiện: Kỹ thuật viên vật lý trị liệu

Phương tiện: Tay giả dưới gối, bàn tập, ghế ngồi.

Người bệnh: phải hợp tác và được giải thích rõ mục đích tập luyện. 

Hồ sơ bệnh án: được Bác sĩ chỉ định tập luyện với tay giả dưới khuỷu.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ: thông tin về cách sống, tâm lý và việc làm của người cụt tay.

Kiểm tra người bệnh: hiểu biết được các phần của tay giả để tham gia tích cực vào quá trình tập luyện sử dụng tay giả. 

Thực hiện kỹ thuật 

*Hướng dẫn cách mang và tháo tay giả ra 

Kỹ thuật viên phải biết rõ người bệnh dùng loại kẹp móc hay bàn tay giả, rồi hướng dẫn người bệnh theo phương pháp sau:

Sử dụng tay giả thẩm mỹ: Ổ mỏm cụt của loại ngang xương quay được mang vào và tháo ra ở vị trí khớp khuỷu gập.

Sử dụng tay giả chức năng dùng năng lượng cơ thể: 

+ Để bàn tay giả trên bàn tay hay treo trên móc và sắp đặt hệ thống dây đeo cho ngay thẳng.

+ Hướng dẫn người bệnh đặt mỏm cụt vào vỏ nhựa, rồi nâng mỏm cụt và tay giả lên. Hệ thống dây đeo sẽ hạ xuống.

+ Sau đó, người bệnh đưa tay lành về phía sau lưng và cho tay vào vòng (đai) vai của dây đeo. Người bệnh nhìn vai vài lần, hệ thống dây đeo sẽ nằm đúng chỗ. Kỹ thuật viên có thể nói cho người bệnh biết phương pháp này giống như mặc áo họ sẽ hiểu rõ hơn.

*Hướng dẫn cách tháo và gắn lại kẹp móc.

*Hướng dẫn cách tháo và gắn lại hệ thống dây điều khiển kẹp móc.

*Hướng dẫn cách xoay kẹp móc đến những vị trí khác nhau để thích nghi với cử động như: uống nước, chải đầu…

*Hướng dẫn cách đóng mở kẹp móc.

*Nếu có bộ phận cổ tay, nên hướng dẫn người bệnh cử động trong những vị trí có thể làm được.

*Hướng dẫn người bệnh gập khuỷu đến 900. Chỉ cho họ biết rằng dây điều khiển sẽ lỏng ra khi khuỷu tay gập lại.

*Đặt một tay trên vai (bên mỏm cụt). Người bệnh nắm lấy cẳng tay giả với tay kia. Di động cẳng tay giả chầm chậm về phía trước, đồng thời chỉ cho người bệnh biết dây điều khiển bắt đầu kéo thẳng cho đến khi kẹp móc mở ra (hay đóng lại). Lặp lại vài lần và chỉ cho người bệnh biết rằng vai của họ không cần cử động, nếu vai đưa theo tay, mỏm cụt cần phải chuyển động về phía trước nhiều hơn để vận hành kẹp móc.

*Đặt tay trên vai người bệnh để biết có cử động hay không, trong khi người bệnh thử tự vận hành kẹp móc. Người bệnh nên lặp lại vài lần để hiểu rõ, rồi bắt đầu thử điều khiển kẹp móc.

*Tập những động tác hàng ngày:

Cử động căn bản để vận hành kẹp móc là đưa tay giả về phía vật định nắm lấy.  – Khi nắm lấy một vật, người bệnh nên đặt ngón cố định vào một bên vật rồi đóng kẹp móc lại.

Bắt đầu nên dùng một vật đơn giản như miếng gỗ vuông. Dạy người bệnh nắm lấy vật, nâng lên, đặt vật lại trên bàn và mở kẹp móc ra.

Sau khi người bệnh có thể sử dụng một cách dễ dàng rồi, nên hướng dẫn họ để vật ở những vị trí khác nhau gần miệng, gần bụng về phía trước. 

Sau đó, tập với nhiều đồ vật có hình dáng và kích thước khác nhau. Hướng dẫn họ cách thay đổi vị trí kẹp móc để nắm lấy vật và bắt đầu tập cho họ những sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, đánh răng, chải đầu, thay quần áo, vệ sinh…

Theo dõi

Việc tập luyện phải được bắt đầu ngay khi có tay giả.

Cần có sự hợp tác của kỹ thuật viên chỉnh hình để có được những điều chỉnh hợp lý trong suốt thời kỳ tập luyện.

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu phải theo dõi và khuyến khích người bệnh tăng thêm sự tự tin và tập quen dần dần với việc chịu đựng cảm giác khó chịu ban đầu khi mang tay giả dưới khuỷu.

Sau mỗi buổi tập, nếu có bị đau đớn hay phồng rộp, kỹ thuật viên chỉnh hình phải kiểm tra lại ổ mỏm cụt và hệ thống dây treo xem có vừa vặn hay không? 

Chú ý ghi nhớ một số yếu tố:

Khi bị mất tay, người bệnh cũng mất đi năng lực cầm nắm và sử dụng đồ vật.

Nếu người bệnh dùng tay giả thì họ sẽ lấy lại năng lực cầm nắm, nhưng vẫn bị mất xúc giác.

Người cụt chi phải nhờ vào thị giác rất nhiều để biết và sử dụng kẹp móc cho chính xác.

Người cụt cánh tay ngắn không thể sử dụng được bàn tay kẹp vì trong mọi vị thế điều khiển kẹp mới, dây đeo long ra hay trượt lên đến cổ. Như thế, dây điều khiển không thể vận hành được kẹp móc.

Khi người cụt tay đưa tay giả về phía trước thì kẹp móc sẽ mở ra, nhưng người bệnh không thể duỗi tay đặt một vật ở cách xa vì kẹp móc sẽ mở ra lớn hơn và làm rơi vật xuống.

Khi mặc áo vào, người cụt tay phải xỏ tay giả vào trước rồi đến tay lành. Khi cởi áo ra, phải rút tay lành trước rồi đến tay giả, vì tay lành có thể tìm tay áo bằng xúc giác mà tay giả không làm được.

Tai biến và xử trí

Tổn thương bề mặt da do loét: rửa nước muối sinh lý, giữ gìn da khô ráo sạch sẽ.