Nội dung

Kỹ thuật thay băng hậu môn nhân tạo

Mục tiêu

Thực hiện được kỹ thuật thay túi hậu môn nhân tạo.

Mục đích

Chăm sóc hậu môn nhân tạo sạch.

Ngừa rôm lở da chung quanh hậu môn nhân tạo.

Hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc hậu môn nhân tạo.

Chỉ định

Khi túi hậu môn nhân tạo đầy 2/3 túi chứa phân.

Khi phân quá bẩn.

Sau khi người bệnh tắm.

Nhận định

Tình trạng người bệnh

Người bệnh phẫu thuật ngày thứ mấy?

Trên bụng có dẫn lưu không ?

Vết mổ vô trùng hay có dấu hiệu nhiễm trùng ?

Hậu môn nhân tạo

Vị trí hậu môn nhân tạo ? Kiểu nào ?

Hậu môn nhân tạo mở miệng ngày thứ mấy ?

Màu sắc niêm mạc hậu môn nhân tạo ?

Quan sát tình trạng phân ?

Quan sát da chung quanh hậu môn nhân tạo ?

Loại túi người bệnh đang sử dụng ?

Những điểm cần lưu ý

Che chở kỹ vết mổ tránh phân tràn qua. Nếu vết mổ ướt hay bẩn nên thay băng trước, băng kín lại vết mổ. Nếu hậu môn nhân tạo quá bẩn tràn sang vết mổ điều dưỡng nên rửa sạch hậu môn nhân tạo trước, sau đó điều dưỡng soạn mâm vô khuẩn khác để thay băng vết mổ.

Đối với hậu môn nhân tạo mới mở miệng vào những ngày đầu điều dưỡng nên quấn chân hậu môn nhân tạo bằng gạc vaselin. Nếu lỗ mở hồi tràng ra da nên phòng ngừa rôm lở da tích cực, chú ý bù nước và điện giải cho người bệnh. Que thủy tinh rút 5 – 6 ngày sau mổ.

Hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà, cho người bệnh tự thực tập có mặt điều dưỡng. Tập đại tiện đúng giờ. Giúp người bệnh tự tin và cùng tham gia vào sinh hoạt gia đình, xã hội, công việc, vui chơi giải trí.

Hướng dẫn về dinh dưỡng, tái khám đúng hẹn hay khi có dấu hiệu bất thường.

Chuẩn bị dụng cụ

Điều dưỡng đội mũ, mang khẩu trang, rửa tay trước khi soạn dụng cụ.

Dụng cụ vô trùng (trong khay trải khăn vô khuẩn)

Kìm                                                                                       2 cái

Chén chung                                                                   2 cái

1 chén đựng dung dịch sát trùng (chú ý nếu có rôm lở da không nên sử dụng cồn Iode)

1 chén đựng nước muối sinh lý 0,9%

Bông sạch

Gạc

Dụng cụ sạch

Túi đựng phân – thước đo – bút vẽ

Kéo cắt túi đựng phân                                                  1 cái

Bồn hạt đậu                                                                  1 cái

Găng tay sạch                                                               2 đôi

Vải trải cao su

Chai dung dịch rửa tay nhanh

Túi rác y tế

Thau đựng dung dịch sát khuẩn ngâm dụng cụ sau khi đã sử dụng

Quy trình kỹ thuật thay băng hậu môn nhân tạo

Đem dụng cụ đến bên giường người bệnh, báo và giải thích cho người bệnh.

Cho người bệnh nằm nghiêng về phía hậu môn nhân tạo để phân không tràn vào vết mổ.

Đặt tấm lót dưới hậu môn nhân tạo.

Kê bồn hạt đậu dưới hậu môn nhân tạo để hứng phân.

Sát khuẩn tay nhanh và mang găng tay sạch.

Gỡ túi đựng phân, quan sát và đánh giá tính chất phân, số lượng phân, phân, gom tất cả lại gọn gàng và bỏ vào túi rác y tế.

Tháo bỏ găng tay.

Mang găng tay sạch mới.

Mở mâm vô trùng và sắp xếp lại dụng cụ trong mâm.

Rửa niêm mạc hậu môn nhân tạo bằng nước muối sinh lý vô trùng từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ cao xuống thấp, lau khô hậu môn nhân tạo bằng cách dùng gạc chấm nhẹ lên niêm mạc ruột và xoay nhẹ lên hậu môn nhân tạo (chú ý: không làm tổn thương niêm mạc, không sử dụng dung dịch có màu hay dung dịch oxy già rửa lên niêm mạc hậu môn nhân tạo vì sẽ làm mất màu thật của niêm mạc hay gây tổn thương niêm mạc), không lau khô, không sát trùng. Nếu còn phân trên miệng hậu môn nên dùng vải thưa lấy sạch trước khi rửa niêm mạc hậu môn.

Rửa da xung quanh chân hậu môn nhân tạo bằng nước muối sinh lý, từ chân hậu môn nhân tạo rộng ra 5cm.

Dùng gạc lau khô da.

Sát trùng da xung quanh chân hậu môn nhân tạo rộng ra 5cm. Nếu có rôm lở da thì không dùng dung dịch cồn. Điều dưỡng bôi chất ngừa rôm lở da nếu thay băng bằng túi tự tạo. Nếu thay băng bằng túi dán thì nên sử dụng dung dịch sát trùng bay hơi nhanh để da thật khô mới được dán túi.

Đo túi hậu môn (chú ý: rìa miệng túi phải cách niêm mạc ruột 1 – 2cm) – vẽ và cắt túi theo kích thước đã đo.

Đặt bồn hạt đậu qua một bên, gấp tấm lót dưới hậu môn nhân tạo che lại phần bị ướt.

Dán túi đựng phân, nếu người bệnh đi đứng được thì đặt túi theo chiều dọc thành bụng, nếu người bệnh nằm thì đặt túi theo chiều ngang, nếu người bệnh đi và nằm bằng nhau nên đặt túi xéo xuống chân một góc 450.

Lấy bồn hạt đậu hứng phân để vào tầng dưới xe dụng cụ, gấp gọn tấm lót dưới hậu môn nhân tạo cho vào túi rác y tế.

Tháo găng tay sạch cho vào túi rác y tế.

Cho người bệnh nằm thoải mái, báo cho người bệnh biết việc đã xong.

Thu dọn và xử lý dụng cụ.

Ghi hồ sơ: tình trạng niêm mạc, số lượng phân, màu sắc phân, tình trạng da chung quanh hậu môn nhân tạo, những than phiền của người bệnh.

Bảng 50.2. Bảng kiểm kỹ thuật thay băng hậu môn nhân tạo

Tài liệu tham khảo

Frances Donovan Monahan Marianne Neighbors, Kowledge base for Patients with gastrointestinal

Dysfunction, Colostomy, chapter 21, Unit 7, Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice 2nd Edition, WB Saunders company, 1998, 1003 – 1016.

Margaret Heitkemper, Linda Sawchuck, Problems of Absorption and Elimination, chapter 40, section 8, Medical Surgical Nursing, fourth Edition, Lewis Collier Heitkemper/ MOSBY, 1992, 1242 – 1250.

Debra C. Broadwell, Gastrointestinal System, chapter 8, Mosby’s Manual of Clinlcal Nursing, Jun M.Thompson – Gertrude K. Mcfarland – Jane

Hirsch – Susan M. Tucker – Arden C, Bowers, second Edition, the C, V, Mosby Company, 860 – 865.

Hậu môn nhân tạo và Chăm sóc người bệnh hậu môn nhân tạo, Chăm sóc ngoại khoa (Tài liệu thí điểm giảng dạy điều dưỡng Trung học) Đề án hỗ trợ hệ thống đào tạo 03 – SIDA, Hà Nội, 1994, 48.

Nguyễn Đình Hối, Hậu môn nhân tạo, Bệnh học ngoại khoa đường tiêu hóa, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, 1998, 239.