Nội dung

Lâm sàng tim mạch học: nguyên nhân bệnh màng ngoài tim

Giới thiệu

Màng ngoài tim là một túi bao quanh tim và gốc của các mạch máu lớn đi ra từ tim. Màng ngoài tim có hai lớp gồm: Lá thành là lớp bên ngoài và lá tạng là lớp tiếp xúc trực tiếp với cơ tim. Khoang giữa 2 lớp của màng ngoài tim gọi là khoang màng ngoài tim, bình thường chứa khoảng 15 – 50 ml dịch sinh lý giúp bôi trơn cho hoạt động của lá thành và lá tạng.

Màng ngoài tim có vai trò giúp cố định tim và các gốc mạch máu lớn vào trung thất, chống nhiễm trùng và đảm bảo cân bằng hoạt động của tim trong điều kiện sinh lý, giữ cho các buồng tim không bị giãn nở quá mức, duy trì hình dạng của các buồng tim.

Bệnh lý màng ngoài tim bao gồm nhiều hình thái lâm sàng khác nhau, có thể là bệnh lý đơn độc của màng ngoài tim hoặc nằm trong bệnh cảnh của bệnh lý toàn thân.

Viêm màng ngoài tim là bệnh lý màng ngoài tim hay gặp nhất trên thực hành lâm sàng, chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện và khoảng 5% trong tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đau ngực. Nam giới độ tuổi từ 16 đến 65 có nguy cơ mắc viêm màng ngoài tim cao hơn so với nữ giới cùng độ tuổi và so với quần thể nói chung.

Các hội chứng thường gặp trong bệnh lý màng ngoài tim: Phản ứng của màng ngoài tim với các quá trình bệnh lý khác nhau có thể chia làm 4 hình thái lâm sàng chính:

Viêm màng ngoài tim (cấp, bán cấp, mạn tính và tái phát).

Tràn dịch màng ngoài tim.

Ép tim.

Viêm màng ngoài tim co thắt.

Nguyên nhân gây bệnh màng ngoài tim

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh màng ngoài tim. Do đó việc tiếp cận chẩn đoán cần dựa vào bệnh cảnh lâm sàng, các đặc điểm về dân số và dịch tễ học.

Cách tiếp cận đơn giản nhất là bệnh màng ngoài tim do nhiễm trùng và bệnh màng ngoài tim không do nhiễm trùng. Tại các nước phát triển, nguyên nhân gây bệnh màng ngoài tim do nhiễm trùng hay gặp nhất là do virus, trong khi ở các nước đang phát triển, nguyên nhân bệnh màng ngoài tim do nhiễm trùng thường gặp là do vi khuẩn lao.

Các nguyên nhân gây bệnh màng ngoài tim không do nhiễm trùng thường gặp là:

Ung thư, bệnh tự miễn, bệnh màng ngoài tim do tăng ure máu, nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây bệnh màng ngoài tim do nhiễm trùng

Vi khuẩn

Các vi khuẩn gây bệnh màng ngoài tim hay gặp bao gồm: Lao, liên cầu, phế cầu, tụ cầu, lậu cầu, não mô cầu, Mycoplasma, Chlamydia, Legionella, Leptospira, Haemophilus.

Virus

Các Virus gây bệnh màng ngoài tim thường gặp gồm: Enterovirus (Coxsackie virus, Echovirus), Herpes virus (EBV, CMV, HHV-6), Adenovirus, Parvovirus…

Nấm

Bệnh màng ngoài tim do nấm rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở đối tượng bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Các loại nấm thường gây bệnh màng ngoài tim gồm:

Histoplasma, Aspergillus, Blastomyces, Candida…

Ký sinh trùng

Rất hiếm gặp, các loại ký sinh trùng gây bệnh màng tim hay gặp như: Echinococcus, Toxoplasma, Amíp.

Nguyên nhân gây bệnh màng ngoài tim không do nhiễm trùng

Bệnh lý tự miễn

Bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống : Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm da cơ…

Viêm mạch hệ thống : Bệnh Horton (viêm động mạch toàn thân, chủ yếu biểu hiện ở động mạch thái dương nông), Bệnh Takayasu (viêm động mạch lớn và vừa, gây hẹp tắc và phình động mạch), Hội chứng Behcet (gây viêm toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể, chủ yếu là tĩnh mạch, thường gây tổn thương mắt và loét niêm mạc)…

Bệnh lý tự miễn khác : Bệnh sarcoidosis, sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình, bệnh Still (biểu hiện bằng sốt kéo dài, viêm khớp và phát ban)…

Bệnh lý ác tính

Ung thư nguyên phát (Ung thư tại màng ngoài tim): Hiếm gặp, hay gặp nhất là ung thư trung biểu mô màng ngoài tim, sarcoma, fibroma, lipoma.

Ung thư thứ phát (Ung thư từ cơ quan khác di căn đến màng tim): Hay gặp hơn, thường gặp nhất là ung thư phổi, ung thư vú, lymphoma, lơ xê mi,…

Các bệnh lý từ các cơ quan xung quanh màng tim

Tim : Sau nhồi máu cơ tim (biến chứng cơ học vỡ thành tự do của tim, hội chứng Dressler), viêm cơ tim, bệnh cơ tim nhiễm bột, suy tim mạn tính giai đoạn cuối.

Động mạch chủ : Tách thành động mạch chủ, loét xuyên thành động mạch chủ, tụ máu trong thành động mạch chủ.

Bệnh lý hô hấp: Viêm phổi nặng, thuyên tắc động mạch phổi, tăng áp lực động mạch phổi.

Rối loạn chuyển hóa

Tăng ure máu, suy giáp, liên quan đến lọc máu.

Chấn thương và liên quan đến can thiệp y tế

Chấn thương: Chấn thương ngực, gãy xương sườn, vỡ tim, vỡ động mạch chủ hay vỡ thực quản vào màng tim.

Sau các phẫu thuật và can thiệp tim mạch: Sau phẫu thuật màng ngoài tim, sau biến cố can thiệp y tế như (can thiệp động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, điều trị rối loạn nhịp bằng sóng RF)

Do thuốc

Thuốc gây biểu hiện giống như hội chứng Lupus : Methyldopa, procainamide, hydralazine, isoniazid, phenytoin…

Thuốc chống ung thư (thường gây bệnh lý cơ tim, có thể gây bệnh lý màng tim) như: Doxorubicin, daunorubicin, 5- fluorouracil, cyclophosphamid…

Các thuốc khác như: Amiodarone, thiazide, mesalazine, phenylbutazone, streptomycin, thiouracil, streptokinase, cyclosporine, một số loại vắc xin…

Các nguyên nhân khác

Viêm màng ngoài tim vô căn, do tia xạ, bệnh lý bẩm sinh không có một phần hay toàn bộ màng ngoài tim.