Nội dung

Mở sào bào thượng nhĩ – vá nhĩ

Đại cương

Thuật ngữ Mở sào bào thượng nhĩ – vá nhĩ được dùng trong những thập niên 1960, nay gọi kỹ thuật này là chỉnh hình tai giữa týp II.

Là phẫu thuật bộc lộ xương chũm, các cấu trúc bên trong và vùng giữa xương thái dương, để lại nguyên vẹn thành sau ống tai xương, chỉnh hình hệ thống xương con và màng nhĩ để dẫn truyền trực tiếp áp lực sóng âm vào dịch tai trong.

Giải quyết viêm nhiễm niêm mạc xương chũm và tai giữa, phục hồi giải phẫu để giải quyết tai khô, có thể phục hồi một phần chức năng nghe.

Chỉ định

Giãn cách hệ thống xương con do viêm nhiễm gây hư hại xương búa, hoặc thiếu cành dài xương đe, hoặc hoại tử cành xương bàn đạp.

Cố định đầu xương búa, xương đe hoặc cả chuỗi xương con.

Nghe kém dẫn truyền do viêm tai giữa và xương chũm.

Viêm tai giữa và viêm xương chũm mạn, có thể điếc ít hoặc điếc tiếp nhận.

Chống chỉ định

Viêm xương.

Cholesteatoma lan rộng, không kiểm soát được bệnh tích.

Chức năng vòi nhĩ kém do viêm nhiễm vùng mũi họng.

Không nên làm kỹ thuật ở trẻ dưới 7 tuổi để tránh viêm tai giữa tái phát.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng, có kinh nghiệm phẫu thuật tai.

Phương tiện

Khoan tai, kính hiển vi phẫu thuật, dụng cụ vi phẫu thuật tai, hệ thống hút tưới nước.

Người bệnh

Được giải thích rõ những tai biến có thể xảy ra trước, trong và sau phẫu thuật.

Được làm thuốc tai và cắt tóc về phía sau trên vành tai cách đường chân tóc 2cm.

Hồ sơ bệnh án

Làm đầy đủ mô tả tình trạng chung và các bệnh khác vùng tai, mũi, họng.  – Các xét nghiệm tiền phẫu – CT scan xương đá.

Các bước tiến hành

Vô cảm:

Gây mê toàn thân.

Kỹ thuật

Có thể đi đường trước tai hoặc sau tai. Đường sau tai: rạch da sau tai cách rãnh sau tai 0,5cm từ ngang tầm đường thái dương mỏm tiếp đến mỏm chũm. Bộc lộ cân cơ thái dương, lấy sẵn mảnh cân cơ thái dương để vá màng nhĩ.

Bộc lộ mặt ngoài xương chũm, làm rõ các mốc giải phẫu: rễ Zygoma, đường thái dương mỏm tiếp, gai Henle, vùng sàng, mỏm chũm.

Bộc lộ thành sau ống tai ngoài: cắt rời vùng vận mạch của da ống tai ngoài từ 6 – 12 giờ, ngang tầm xương chũm, qua đường rạch này quan sát hòm nhĩ và lỗ thủng màng nhĩ ở phía trước. Bóc tách da ống tai đến rãnh nhĩ, bóc tách lớp biểu bì của màng nhĩ thủng. Dùng khoan mở rộng thành ống tai để quan sát rõ hòm nhĩ. – Dùng khoan xương mở vào sào bào từ mặt bên xương chũm qua vùng sàng. Phía trên lên đến đường thái dương là trần xương chũm. Phía giữa qua vách ngăn Korner vào sào bào. Ra sau là máng xương tĩnh mạch bên. Nằm giữa bờ tĩnh mạch bên và đáy sào bào là vành bán khuyên sau. Phía trước sào bào mở và sào đạo, ở tường giữa sẽ nhìn thấy gờ trắng đó là gờ vành bán khuyên ngoài, phía trước trên bộc lộ đến rễ Zygoma và mở xuống dưới bộc lộ toàn bộ thành sau ống tai xương làm mỏng thành này cho đến khi nhìn rõ xương cành ngang xương đe và khớp đe búa.

Mở tam giác xương ngó vào hòm nhĩ. Tam giác này có một cạnh là đoạn chũm của dây thần kinh mặt, một cạnh là nhánh dây thần kinh thừng nhĩ và đáy là trụ xương giới hạn cành ngang xương đe ở phía giữa.

Kiểm tra hệ thống xương con. Nếu xương con bị cứng, cố định khớp đe đạp thì cần gỡ xương dính để lay động. Nếu xương đe, cành xương bàn đạp hoặc xương búa bị hà phải gỡ ra ngoài. Có thể dùng phần còn lại của xương đe hoặc chỏm xương búa tái tạo hệ thống dẫn truyền. Có thể dùng các loại vật liệu bằng gốm sinh học hoặc bằng plastic chế tạo sẵn để thay thế các xương con. Dùng mảnh cân cơ thái dương hoặc gelaspon cố định vị trí hệ thống truyền âm mới tạo nên.

Đặt mảnh cân cơ thái dương qua đường ống tai ngoài. Đặt dưới mặt màng nhĩ hoặc mặt ngoài màng nhĩ thủng, vá kín màng tai. Đặt các mẩu gelaspon cố định mảnh cân cơ thái dương.

Theo dõi và xử trí tai biến

Trong phẫu thuật

Chú ý vị trí bất thường của dây thần kinh mặt, sào bào và tĩnh mạch bên.

Cẩn thận khi sử dụng các dụng cụ sắc nhọn, tránh gây chấn thương dây mặt, vành bán khuyên sau, vành bán khuyên bên.

Sau phẫu thuật

Sau 8 ngày rút hết các bấc trong ống tai.

Nếu chảy máu tĩnh mạch bên: tạm ngừng phẫu thuật để cầm máu tại chỗ. – Liệt mặt do chạm, do chèn ép phù nề: cho corticoid và kháng sinh.