MỘT SỐ TRẠNG THÁI TÂM LÝ CỦA NGƯỜI BỆNH
Tâm lý chung của người bệnh khi vào viện
Khi bị bệnh, người bệnh rất lo âu và mong muốn chóng khỏi bệnh để trở lại cuộc sống gia đình và xã hội. Khi bị bệnh nặng, họ thường rất sợ bị biến chứng, sợ chết, sợ tàn phế…có trường hợp suy nghĩ túng quẫn mà tự sát. Sau đây là một số dạng tâm lý người bệnh để thầy thuốc – người bệnh hiểu nhau hơn, góp phần làm nên văn hóa bệnh viện.
Người bệnh sẵn sàng trình bày bệnh tật
Tâm lý chung của người bệnh: là mong muốn được gặp bác sĩ, điều dưỡng để trình bày cặn kẽ bệnh tật của mình sau 24 giờ qua để bác sĩ hiểu hết bệnh tật của mình, vì vậy đôi khi dài dòng và chiếm nhiều thời gian.
Ứng xử chung của thầy thuốc: là phải kiên nhẫn lắng nghe, chọn lọc cái tinh, vừa nghe vừa suy nghĩ để trở thành tài liệu cho chẩn đoán và điều trị, không nên cáu gắt, ngắt lời người bệnh.
Người bệnh rụt rè, e thẹn
Tâm lý chung của người bệnh: Người bệnh thường rụt rè, e sợ, thiếu tự tin trước thầy thuốc, đặc biệt là phụ nữ. Đối với nhân dân ta có phong cách Á Đông thường e lệ kín đáo, không muốn nói rõ bệnh tật của mình nhất là bệnh ngoài da, bệnh lây, bệnh đường sinh dục, vì vậy trong khám bệnh thường ngại cởi áo quần.
Ứng xử chung của thầy thuốc: Người thầy thuốc cần thông cảm, tế nhị. Luôn chuẩn bị thật tốt tâm lý cho người bệnh khi khám cũng như khi làm thủ thuật điều trị để người bệnh tin tưởng sự đứng đắn của thầy thuốc và sẵn sàng hưởng ứng các ý kiến của thầy thuốc, của điều dưỡng. Khi cởi áo quần để khám, người thầy thuốc lưu ý luôn có người điều dưỡng giúp việc, giúp đỡ, tiếp cận với người bệnh.
Người bệnh luôn luôn quan sát, nhận xét
Tâm lý chung của người bệnh: Người bệnh vào viện, thay đổi hẳn môi trường: khung cảnh bệnh viện, đặc biệt là mối quan hệ giữa người và người thay đổi. Người bệnh bị cách ly khỏi gia đình, làng xóm, bên cạnh thái độ rụt rè người bệnh luôn luôn quan sát tinh thần thái độ, lời nói, tác phong của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… và cũng tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của người bệnh bên cạnh để có ấn tượng đầu tiên của mình về những điều vừa ý và không vừa ý.
Ứng xử chung của thầy thuốc: Đối với những người bệnh đã vào viện hơn một lần được điều trị khỏi bệnh, thường có tâm lý hy vọng tin tưởng, đối với những người bệnh này, thầy thuốc cần tạo điều kiện để người bệnh giúp thầy thuốc nói chuyện với người bệnh khác gây ảnh hưởng tốt cho điều trị.
Có người bệnh đã vào điều trị trước kia nhưng chưa tốt, chế độ chăm sóc còn thiếu sót, quan hệ thầy thuốc người bệnh có điều chưa tốt cần hết sức quan tâm làm tốt công tác tâm lý cho người bệnh, làm sao cho người bệnh thông cảm và tin tưởng bệnh viện đã sửa chữa những mặt thiếu sót từ trước, không vì thế mà cán bộ y tế đối xử lạnh lùng với họ, hậu quả sẽ rất tai hại đến kết quả điều trị.
Lòng tin của người bệnh
Tâm lý chung của người bệnh: Khi người bệnh vào viện, nhất là khi mới đến bệnh viện lần đầu rất tin tưởng vào bệnh viện, có ấn tượng tốt với sự cao quý của ngành y và sẵn sàng giao phó tính mạng mình cho y tế, cán bộ y tế càng phát huy tốt thuận lợi đó phục vụ tốt người bệnh, điều trị khám bệnh có chất lượng để củng cố lòng tin của người bệnh.
Khi có những cử chỉ và lời nói không tốt đẹp, phạm thiếu sót, thái độ phục vụ và chất lượng điều trị không đảm bảo thì dễ mất lòng tin, sự mất lòng tin hay lây lan đến người nhà và người bệnh khác, người bệnh giữ ấn tượng đó cho đến khi ra viện và những lần ốm đau sau này phải đến điều trị ở bệnh viện cũ, thường thì người bệnh không muốn đến bệnh viện.
Ứng xử chung của thầy thuốc: Vì vậy, trong thời gian điều trị ở bệnh viện chúng ta luôn củng cố lòng tin về mọi mặt, đặc biệt khi ra viện cần giải quyết mọi tồn tại làm cho người bệnh thông cảm và có ấn tượng tốt khi về nhà.
Vì sao người bệnh phản ứng với thầy thuốc?
Tâmlý chung của người bệnh: Đa số người bệnh thường tuân thủ theo y lệnh và luôn luôn tỏ lòng biết ơn thầy thuốc, nếu người bệnh phản ứng với thầy thuốc thì thầy thuốc phải tự xem lại mình. Có thể người bệnh thấy mình không được tôn trọng, đối xử không bình đẳng, chăm sóc thiếu tận tình chu đáo, đôi khi bị bạc đãi, coi thường, thầy thuốc thiếu đứng đắn làm tổn thương đến nhân phẩm người bệnh.
Ứng xử chung của thầy thuốc: Trong những trường hợp đó, người lãnh đạo hoặc phụ trách phải trao đổi, giải thích và thông cảm với người bệnh.
Tâm lý người bệnh chuyên khoa
Tâm lý người bệnh nội khoa nói chung
Đặc điểm của người bệnh nội khoa có tổn thương nội tạng thường biểu hiện sự trầm lặng, lo lắng, suy nghĩ về các rối loạn chức năng sinh lý như: đau đầu, ngủ kém, ăn kém… thường so sánh sức khoẻ của mình hiện tại so với trước đây, đôi khi người bệnh khép kín mình, ít tâm sự với người khác.
Người bệnh nội khoa có phản ứng khác nhau đối với bệnh của mình. Có người cắn răng chịu đựng sự đau đớn hành hạ của bệnh tật có người lại phản ứng mãnh liệt kêu la. Cần theo dõi, giảm đau và điều trị an thần cho người bệnh, đừng vội vàng chuyển người bệnh đến bệnh viện tâm thần hoặc mời bác sĩ tâm thần đến hội chẩn sẽ làm cho người bệnh lo sợ.
Ở người bệnh nội khoa thường có những biểu hiện:
Khí sắc trầm:
+ Suy nghĩ lo lắng về bệnh tật và các rối loạn chức năng sinh lý.
+ Cảm xúc tàn lụi (nhất là đối với người bệnh ung thư, lao…).
+ Có người bệnh tự tử.
Nhân cách bị biến đổi:
+ Yếu đuối, ý chí giảm sút.
+ Hoài bão, ước mơ tan biến dần.
+ Do dự, bị động trước cuộc sống.
Lo lắng, hoài nghi:
+ Lo bệnh không khỏi.
+ Lo bác sĩ dấu bệnh và dấu tiên lượng bệnh.
+ Chú ý và cảnh giác với từng câu hỏi, nhận xét của nhân viên y tế.
+ Triệu chứng của bệnh có thể tăng lên trước thái độ, cử chỉ, tác phong nhất là lời nói của nhân viên y tế.
Dễ bị ám thị:
+ Bị động.
+ Dễ nghe lời người khác.
+ Cúng bái, bói toán, đi đến lang vườn…
Phản ứng cảm xúc khác nhau:
+ Đau tăng lên.
+ Cáu gắt với thái độ của nhân viên y tế.
+ Rối loạn tâm thần.
+ Hội chứng suy nhược: nhức đầu, mất ngủ, dễ bị kích thích, trí nhớ giảm, khí sắc giảm…
+ Cao hơn là các rối loạn tâm thần, khi đó cần mời tới các bác sĩ tâm thần để điều trị.
Tâm lý người bệnh nội khoa ở một số bệnh cụ thể
+ Loét dạ dầy hành tá tràng:
Hội chứng suy nhược.
Hội chứng trầm cảm.
Đau và cảm giác khó chịu vùng dạ dày.
Nếu có biến chứng (xuất huyết, ung thư) thì có thể xuất hiện các trạng thái phản ứng hoặc ý tưởng tự sát.
+ Bệnh cao huyết áp:
Những rối loạn tâm lý phụ thuộc vào đặc điểm của nhân cách của người bệnh, sự trầm trọng và các giai đoạn của bệnh:
+ Lo sợ, cảm xúc suy yếu
Tuân thủ các chỉ định thuốc của thầy thuốc đôi khi quá mức.
Ám ảnh, hoài nghi.
+ Người bệnh hen phế quản:
Sự sợ hãi, nỗi kinh hoàng chờ đợi cơn khó thở.
Những hiện tượng tâm lý kiểu hysteria.
Rối loạn tâm lý ở người bệnh nội khoa là rất đa dạng tuỳ từng bệnh và đặc điểm tính cách của người bệnh vì vậy người cán bộ y tế càn hiểu rõ đặc điểm tâm lý để động viên giải thích kịp thời, thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Tác động tâm lý người bệnh nội khoa
Thái độ của người thầy thuốc có tác dụng rất lớn đối với người bệnh nội khoa. Người thấy thuốc cần phát hiện sớm các rối loạn về tâm lý đặc thù của từng người bệnh, kiên trì và giải thích kịp thời nhằm ổn định tâm lý cho người bệnh.
Tâm lý người bệnh ngoại khoa
Đặc điểm tâm lý người bệnh ngoại khoa
Bệnh ngoại khoa đặc biệt là bệnh cần can thiệp phẫu thuật thường có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh và người nhà người bệnh, người bệnh và người nhà thường rất lo lắng: mổ có nguy hiểm không?, ai mổ?, sau mổ có lành bệnh không?, có để lại di chứng, biến chứng, tàn phế không?… Vì vậy vai trò của người của người thầy thuốc, điều dưỡng khoa ngoại là hết sức quan trọng, tuỳ theo trường hợp bệnh luân mà có tác động tâm lý thích hợp.
Tác động tâm lý đối với người bệnh ngoại khoa
Đối với người bệnh tỉnh táo hoặc bệnh ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật thì thầy thuốc phải chuẩn bị tư tưởng thật chu đáo vì người bệnh thường sợ đau đớn và lo sợ kết quả của cuộc mổ tốt hay không.
Đối với người bệnh có loại thần kinh cân bằng cần động viên giải thích cho họ yên tâm.
Đối với người bệnh có loại thần kinh không cân bằng hoặc yếu thì việc chuẩn bị chu đáo trước mổ là rất quan trọng, ngoài động viên giải thích cần nâng cao thể trạng điều trị an thần… Khi người bệnh đã mổ kết quả tốt mà nói chuyện, giải thích cho người bệnh mới cũng làm cho người bệnh mới yên tâm, tin tưởng.
Đối với người bệnh bị bệnh cấp tính, đau quằn quại, phải mổ cấp cứu mới cứu được người bệnh, tuy vậy người bệnh vẫn sợ mổ. Thầy thuốc phải phân tích tỉ mỉ để bệnh nhân thấy được sự nguy hiểm của bệnh tật đang đe doạ tính mạng. Trong giai đoạn hậu phẫu người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt.
Tác động tâm lý với người nhà người bệnh
Đối với người nhà người bệnh cũng cần được chuẩn bị tư tưởng đầy đủ, không được hoảng hốt, khóc lóc trước mặt người bệnh, điều đó khiến người bệnh dễ suy diễn là nguy hiểm đến tính mạng nhưng thầy thuốc và người nhà không nói cho người bệnh biết. Trên nghiên cứu khoa học cho thấy người bệnh được chuẩn bị tinh thần chu đáo sẽ chịu đựng cuộc phẫu thuật tốt hơn, sợ hãi thì tỉ lệ tử vong cao hơn.
Tâm lý người bệnh sản phụ khoa
Tâm lý phụ nữ có thai
Song song với sự biến đổi sinh lý còn có những biến đổi tâm lý – cảm xúc của người phụ nữ
Những kích thích âm tính
Xuất hiện những lo lắng về bản thân: lo mang thai sẽ đi như thế nào? Lo sẽ mất dần “nữ tính” của “thời con gái”, (có con sẽ trở nên sồ sề, luộm thuộm, mất eo…), mất dần sự hấp dẫn đối với phái mạnh, lo lắng ngày một già đi, sợ chồng chê bỏ… Chấp nhận thai nhi: chấp nhận thai để sinh nở hay loại bỏ thai. Thường xảy ra trong ba tháng đầu, xảy ra với những người hoang thai hoặc chưa muốn có thai.
Lo lắng về đứa con sẽ ra đời: con trai hay con gái? To không, khoẻ không, giống ai? Nếu trong thời kỳ có thai những tháng đầu bị cúm, nhiễm trùng, nhiễm độc. sẽ xuất hiện con cái có bị dị tật gì không (sứt môi, dị dạng…).
Lo lắng sự biến động về kinh tế gia đình sau khi có con.
Những kích thích dương tính
Yếu tố giống nòi, tương lai, hạnh phúc gia đình.
Tâm lý chờ đợi một đứa con “khoẻ, đẹp, ngoan…” sẽ ra đời.
Con cái sẽ là sợi dây thắt chặt tình cảm vợ chồng.
Một số yếu tố ảnh hưởng tới tâm 1ý phụ nữ có thai
Trạng thái tâm lý phụ nữ có thai phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình và xã hội:
Gia đình hoà thuận, yên ấm thì xuất hiện những cảm xúc dương tính (vui, thoải mái, phấn khởi).
Gia đình không hoà thuận, phát sinh tình cảm âm tính (buồn tủi cho số phận, thương con, cảm thấy cô đơn…).
Gia đình sinh con một bề (toàn trai hoặc toàn gái) để lại cho người phụ nữ sự lo lắng nếu đẻ thêm con nữa thì sợ rằng sẽ lại như vậy.
Đặc biệt đối với người phụ nữ chửa ngoài giá thú thì cảm thấy buồn tủi, cô đơn, đau đớn, xấu hổ…
Các rối loạn tâm lý thường gặp
Các rối loạn tâm căn: suy nhược
Tăng cảm giác đặc biệt với các mùi vị.
Buồn nôn, nôn.
Buồn ngủ, mệt mỏi…
Tác động tâm lý
Nhân viên bệnh viện phải làm tốt khâu tiếp nhận sản phụ, biết cách tiếp xúc với người bệnh để gây được ấn tượng tốt ngay từ đầu.
Dùng lời nói giải thích, động viên, khích lệ sản phụ.
Tuyên truyền giáo dục sản phụ trước khi đẻ.
Giải thích cơ chế đau, cơ chế đẻ, cách rặn đẻ.
Động viên khía cạnh tích cực: giống nòi, hạnh phúc; tương lai có con khoẻ, đẹp, thông minh, học giỏi.
Xem tranh ảnh, vi deo về hoạt động của những đứa trẻ bụ bẫm, ngoan ngoãn, dễ thương đang vui chơi, học tập…
Có người thân động viên an ủi, giúp đỡ.
Phòng đẻ ở xã phường chờ hoặc phòng tiếp nhận để tránh cho sản phụ nghe thấy đau đẻ
Đặc biệt với phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, là người dân tộc thiểu số ở thời kỳ thai nghén hay sinh nở họ đều có những biến đổi tâm lý, cảm xúc. Họ lo lắng về những thay đổi của cơ thể, đặc biệt họ thường có những phong tục tập quán ngặt ngèo đối với phụ nữ có thai cũng như sinh nở như là chế độ vệ sinh, chế độ ăn uống, làm việc, có trường hợp chồng không cho đi khám thai… hơn nữa họ còn phải chịu áp lực là phải sinh con trai để đạt nguyện vọng nhà chồng, để có người nối dõi tông đường… Tất cả những điều đó đều tác động tới tâm lý của người phụ nữ. Vì vậy người cán bộ y tế cần phải hiểu được tâm lý từng đối tượng để có cách xử trí cho phù hợp.
Rối loạn tâm lý phụ nữ sau đẻ
Sợ nhầm con.
Người mẹ qua cuộc đẻ thường mệt mỏi, suy nhược, có khi trầm cảm.
Lo con có sống không? Đủ sữa không? Có biến chứng gì không?
Có thể có hưng cảm sau đẻ.
Ngay những giờ đầu sau đẻ là thời kỳ nhạy bén để bắt quan hệ mẹ với con, sự gắn bó mẹ con sẽ làm bà mẹ quên đi những mệt mỏi, đau đớn trong cuộc đẻ. Cùng với đó là sự quan tâm chăm sóc của chồng, gia đình và người thân sẽ giúp sản phụ vượt qua sự khủng hoảng về tâm lý.
Lúc này người thầy thuốc cần phải động viên an ủi, khích lệ người mẹ. Chính đây là một cơ hội tốt để ổn định tâm lý người mẹ và làm tan đi mọi sự lo lắng trong tâm hồn họ.
Tâm lý phụ nữ trong các bệnh phụ khoa
Những điều cần chú ý
Người phụ nữ thường đến với thầy thuốc, nữ hộ sinh trình bày cặn kẽ các vấn đề có liên quan tới đời sống tình dục, cuộc sống gia đình, chửa đẻ, vấn đề kinh nguyệt. Khi đã tin tưởng thì họ sẽ không ngần ngại thông báo cho chúng ta ngay cả những xung đột mâu thuẫn, va chạm, những sang chấn tâm lý, nguyện vọng, thậm chí cả những nét trong đời sống riêng tư, ngay cả những điều thầm kín nhất.
Mặc dù trong điều kiện hiện tại các quan niệm của xã hội đối phụ nữ có thay đổi, song tập quán vẫn đè nặng lên họ đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Họ còn xấu hổ khi bị bệnh phụ khoa, hoặc phải đi khám phụ khoa. Điều đó gây khó khăn không ít cho chúng ta khi thu thập các tài liệu giúp cho chẩn đoán, nhất là đối với những người có nhân cách khép kín (hiền lành, không muốn tiếp xúc với ai, không thích nơi đông người, ít cởi mở…).
Khi khám bệnh cho người phụ nữ và đặc biết người có nhân cách “nghệ sỹ” (Hysteria) thì thầy thuốc cần hết sức thận trọng. Khi khám bệnh nên có mặt hai người, thực tế có nhiều phụ nữ thuộc loại này đã buộc tội thầy thuốc khi khám phụ khoa cho mình.
Tâm lý người bệnh rối loạn kinh nguyệt
Giai đoạn trước chu kỳ kinh: cùng với những thay đổi về sinh lý, có những rối loạn về tâm lý: tính kích thích tăng cao, hay cáu giận, hay khóc, mệt mỏi, đau bụng, đuối sức; có khi buồn chán, căng thẳng, u sầu, bất an…
Kinh nguyệt ra nhiều: lo lắng, sợ bị ung thư, than phiền với mọi người đi khám khắp nơi.
Có kinh lần đầu tiên: đây là một bước ngoặt đầu tiên trong đời sống sinh lý của người con gái. Thường thì họ xuất hiện dấu hiệu lo lắng sợ hãi, hoang mang, bất an, xấu hổ. Để khắc phục tình trạng ấy cần phải chuẩn bị cho các cô gái.kiến thức về vệ sinh kinh nguyệt, sinh lý kinh nguyệt, cả về những diễn biến tâm lý có thể xảy ra, nhằm làm an dịu tâm hồn họ.
Sự mất kinh: có nhiều nguyên nhân, song người phụ nữ nghĩ nhiều tới có thai. Diễn biến tâm lý của phụ nữ này tuỳ thuộc vào các hoàn cảnh sau đây:
+ Có thai với người chồng yêu quí: sống hoà thuận, hạnh phúc.
+ Có thai với người chồng mà mình không yêu: căm ghét.
+ Có chửa ngoài giá thú: lo sợ, muốn từ bỏ con.
Người phụ nữ trong những trường hợp này sẽ đến với thầy thuốc, chờ mong một lời khuyên, sự ủng hộ, sự thông cảm, cách giải quyết có liên quan tới phạm trù đạo đức, tình yêu, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.
Thời kỳ mãn kinh: diễn biến tâm lý khá phức tạp.
+ Sợ mất nữ tính, mất sự thuỳ mị, duyên dáng.
+ Mất đi sự hấp dẫn đối với đàn ông.
+ Mất những đức tính vốn có ở người vợ (chăm sóc, chiều chuộng chồng).
+ Sợ hãi, lo lắng chồng sẽ thay đổi mối quan hệ với mình mà đi tìm người phụ nữ khác
Từ đó ở phụ nữ mãn kinh dễ xuất hiện cáu gắt, hờn giận thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, suy nhược.
Tâm lý người bệnh phá thai
Rối loạn tâm lý của người bệnh phá thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chủ yếu là nhiễm khuẩn và trong các trường hợp nạo thai phạm pháp (nạo thai chui). Những rối loạn tâm lý thường gặp là:
Các rối loạn tâm căn (suy nhược, hysteria).
Các trạng thái phản ứng.
Lo lắng mất khả năng đẻ.
Cảm thấy có tội lỗi với con, lương tâm bị cắn rút.
Tâm lý người bệnh sẩy thai
Có không ít phụ nữ bị sảy thai liên tục, dẫn đến sự lo lắng sẽ không có con, chồng sẽ bỏ. Những cảm giác nặng nề ấy sẽ đè nặng lên tâm hồn người bệnh. Với những trường hợp này rất cần sự thăm khám, tủn nguyên nhân, theo dõi của các bác sĩ hộ sinh để có thể giữ được thai.
Tâm lý người bệnh mổ u, mổ lấy thai
Diễn biến tâm lý của những người bệnh này rất khác nhau tuỳ từng hoàn cảnh, song chủ yếu là:
Rất lo sợ các cuộc phẫu thuật.
Lo bị cắt một phần cơ quan sinh dục dẫn tới khả năng vô sinh.
Tính tình sẽ thay đổi khi cắt bỏ cơ quan sinh dục do rối loạn nội tiết, sinh lý, tâm lý.
Chồng sẽ suy nghĩ gì khi được thông báo về những điều này? Thái độ cư xử của chồng sẽ ra sao?
Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u rồi (u xơ, u vú…) vẫn lo bị ung thư hoá.
Nói chung diễn biến tâm lý của người bệnh sản phụ khoa thật đa dạng và phức tạp bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau: sinh lý, nội tiết, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và đặc biệt là yếu tố gia đình và xã hội. Chính vì vậy người thầy thuốc sản phụ khoa, nữ hộ sinh cần có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể phát hiện kịp thời các rối loạn tâm lý ở người bệnh, từ đó có những hoạt động chăm sóc thích hợp, kịp thời và hiệu quả.
Tâm lý người bệnh ngoài da và hoa liễu
Đối với người bệnh mắc bệnh ngoài da
Khó chịu, ngứa ngáy, bứt rứt.
Thường tự cách ly mình, sợ người khác kinh tởm, chế nhạo hoặc kinh bỉ.
Người bệnh xấu hổ.
Có những người bệnh phải nghỉ việc làm, chuyển công tác, chuyển địa phương.
Người bệnh còn rất sợ lây cho người thân yêu trong gia đình.
Vì vậy người thầy thuốc phải kiên trì và luôn chủ động động viên người bệnh để cho người bệnh có cảm giác thầy thuốc không khinh rẻ mình.
Đối với bệnh hoa liễu
Đối với người bệnh mắc bệnh hoa liễu tâm lý rất phức tạp, tâm lý người bệnh nam và nữ cũng rất khác nhau.
Thường người bệnh dấu kín bệnh không nói với ai, tự chạy chữa, tìm đọc sách dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh sợ nói với người nhà đặc biệt là đối với vợ hoặc chồng. Có những trường hợp cả vợ và chồng cùng mắc nhưng vẫn giấu dẫn tới bệnh dai dẳng, khó chữa và có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Khi người bệnh đến với thầy thuốc không nên phân biệt đối xử, không coi thường mà coi đó là người bệnh cần phải đặc biệt cứu chữa tích cực để người bệnh chóng khỏi bệnh là không gây hại cho gia đình và xã hội.
Hiện nay có nhiều thuốc đặc trị có tác dụng tốt vì vậy cũng cần tuyên truyền để người bệnh biết cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tâm lý người bệnh mắc bệnh HIV/AIDS
Người bệnh nhiễm HIV thường dấu kín bệnh không nói với ai. Khi biết bị bệnh họ thường xấu hổ, họ mặc cảm sẽ bị người thân, bạn bè và cộng đồng kỳ thị xa lánh.
Vì vậy khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm HIV/AIDS chúng ta cần có thái độ thân thiện, thông cảm, chia sẻ với họ để xoá đi các mặc cảm, từ đó giúp họ có thái độ đúng đắn đối với bệnh tật, từ đó họ sẽ hợp tác với thấy thuốc trong điều trị.
Tâm lý người bệnh nhi khoa
Tâm lý trẻ em bị bệnh có nhiều phức tạp tuỳ theo lứa tuổi, quá trình phát triển trưởng thành, từng bệnh mắc phải và bệnh trong giai đoạn nào.
Nói chung trẻ em có những điểm nổi bật về tâm lý: dễ lo sợ phản ứng, rất nhạy cảm với cái đau, sợ uống thuốc đắng, rất dễ có ấn tượng các thầy thuốc, sợ phải tách khỏi bố mẹ, sợ sẽ phạm lỗi lầm và bị trừng phạt vì hoang mang không biết ứng xử như thế nào, sợ hãi mất quyền tự chủ, mất năng lực, mất quyền riêng.
Không phải tất cả các trẻ đều trải qua nỗi sợ hãi như vậy, tuy nhiên mỗi độ tuổi có biểu hiện tâm lý riêng:
Trẻ dưới 6 tháng: có những rắc rối tâm lý không đáng kể, tác động tâm lý thường vào các bậc cha mẹ.
Trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi: thuộc nhóm đặc biệt nhạy cảm chúng hầu như sợ hãi bị đau, phải xa bố mẹ và sợ người lạ, vật lạ. phản ứng của các cháu thường rất mãnh liệt mới thấy bệnh viện, áo trắng, dụng cụ y tế kim tiêm đã la hét, hết hoảng, bỏ chạy… Nếu những lần đầu đến viện chúng ta không chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ mà đã trói ép trẻ thực hiện các thủ thuật như cắt amidan… sẽ khiến trẻ sợ hãi, chống cự và có trẻ chết vì bị quá sợ hãi.
Tuổi học trò và tuổi thiếu niên: quá trình lớn lên giúp cho trẻ thích nghi với các tình huống mới. Song vào viện vẫn là một tình huống mới mẻ mà đứa trẻ chưa chuẩn bị gì, do vậy đứa trẻ sinh ra lo hãi mọi thứ xa lạ, lo lắng không biết ứng xử như thế nào cho phù hợp với môi trường bệnh viện. Lứa tuổi này vẫn sợ đau, sợ bị thương tích, tàn phế.
Người làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho trẻ cần tôn trọng các sinh hoạt của trẻ cũng như những sở thích thói quen; không nên gò ép, doạ dẫm trẻ mà nên dùng ánh mắt, lời nói cử chỉ để động viên an ủi trẻ.
Người thầy thuốc phải luôn chân tình, thương yêu thực sự các cháu như con mình. Lúc nào cũng thể hiện tình yêu thương vỗ về, dỗ dành, khuyến khích động viên bằng thái độ thân thương và lời nói chí tình. Phải thực sự tôn trọng các cháu, gần gũi trò chuyện, động viên tính dũng cảm chịu đựng mau lành bệnh.
Đối với những trẻ dễ mắc cỡ e thẹn, cần quan tâm đến điều đó trong khi tiến hành khám bệnh và chữa bệnh. Cần chuẩn bị tốt trước khi phẫu thuật, phân tích dặn dò, với lòng yêu thương sâu sắc sẽ giúp bệnh nhi vượt qua những thử thách tưởng như không sao chịu nổi.
Luôn giữ gìn vệ sinh sạch đẹp cho các cháu, ăn mặc tươm tất làm cho trẻ vui thích quan tâm tới việc ăn uống đầy đủ, không để trẻ bị đói.
Khi các cháu ra viện cần ân cần dặn dò chu đáo.
tâm lý người bệnh lão khoa
Áp dụng tâm lý y học đối với người có tuổi rất quan trọng. Người có tuổi có những diễn biến đặc biệt về tính tình, cảm xúc thay đổi trong thời gian mắc bệnh. Đối với người già khi khám bệnh cần lưu ý một số điểm:
Người già mắc nhiều bệnh mãn tính và có thể mắc thêm một số bệnh cấp tính đòi hỏi phải khám bệnh tỉ mỉ.
Triệu chứng không điển hình do phản ứng của cơ thể người già đối với tác nhân gây bệnh thay đổi, tiến triển bệnh không điển hình.
Có những người sống lâu trong thái độ thầm lặng, một số người khi có tuổi càng cao càng kém tự chủ trong cảm xúc, dễ bị tự ái bực dọc, dễ giận hờn hung dữ quá mức, quá lo lắng cho cá nhân, đa nghi sợ mất mát, có lúc không cởi mở âm thầm một mình…
Tâm lý người già khác với người trẻ nên cách tiếp xúc và cách hỏi bệnh phải chú ý tới thái độ và tác phong. Đối với người già sức khoẻ còn tốt việc hỏi bệnh giống như với người bệnh thông thường. Đối với người bệnh đã suy yếu việc tiếp xúc hỏi bệnh khó khăn hơn, cần động viên tinh thần người bệnh để tranh thủ tối đa sự cộng tác của người bệnh. Còn với bệnh tật lâu ngày quá yếu, thăm khám khó khăn có thể tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình, người thân để khai thác tiền sử, bệnh sử. Trường hợp này thầy thuốc cần có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì người bệnh mới tránh được sai sót dễ gặp trong điều trị.
Trong tiếp xúc phải thể hiện tình thương yêu, lòng kính trọng từ cách xưng hô đến cách chăm sóc hàng ngày, chú ý lắng nghe người bệnh. Người già dễ tự ti và dễ có tư tưởng cho rằng mọi người ít quan tâm đến mình; vì vậy cần tránh tác phong vội vã giải thích qua loa.
Đối với người bệnh có tuổi cần lưu ý một số điểm:
Tuyệt đối giữ bí mật, không nói bệnh tật của họ cho người khác biết ngay cả bệnh sử hoàn cảnh gia đình, đời tư. Tiết lộ những điều sâu kín của họ là một sai lầm làm tổn thương nặng nề tâm thần người bệnh dẫn đến mất lòng tin.
Phải đúng hẹn, đúng giờ, chu đáo tỉ mỉ, chính xác; phải trình bày tường tận, giải thích rõ ràng, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Có thay đổi điều gì phải thông báo trước cẩn thận không để người bệnh bất ngờ.
Tác phong phải giản dị, chân thành, tự nhiên, không ba hoa xuề xoà, nghiêm túc lắng nghe người bệnh. Phải tôn trọng sự thầm kín của người bệnh đồng thời phải tôn trọng mình, không bông đùa vô ý thức với người bệnh.
Chú ý ở người có tuổi là người đã trải qua gian lao thử thách, có quá trình lao động phục vụ nhân dân, có trình độ chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm, trong cuộc sống bản thân họ từng lãnh đạo một cơ quan, một gia đình,… nên tình cảm rất sâu đậm. Vì vậy, khi tiếp xúc phải thật thà, khiêm tốn, thận trọng, thân tình như đối với ông bà cha mẹ mình.
Đối với những người bệnh có diễn biến xấu thì tuỳ từng mức độ bệnh mà có những lời động viên kịp thời, nuôi hy vọng lạc quan cho người bệnh, dù một tia hy vọng vì bất kỳ người cao tuổi nào cũng muốn sống có ích với bạn bè người thân và xã hội.
Đối với người bệnh chủ quan về sức khoẻ của mình, không thực hiện các yêu cầu điều trị thì cần phải giải thích, thuyết phục có thái độ kiên quyết vì sức khoẻ của người bệnh, nhất thiết yêu cầu người bệnh thực hiện yêu cầu.