Nội dung

Nghiệm pháp kích thích phế quản

Đại cương

Nghiệm pháp kích thích phế quản bằng methacholine là một phương pháp dùng để đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở giúp chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ hen phế quản mà bằng các phương pháp truyền thống không chẩn đoán được. Kỹ thuật được thực hiện bằng khí dung dung dịch methacholine với nồng độ đã được biết trước, làm nhiều lần cho đến khi đạt đến liều tác dụng. 

Phần lớn người bệnh có biểu hiện các phản ứng kích thích phế quản không đặc hiệu. Đáp ứng phế quản được đánh giá bằng đo hô hấp kế cổ điển.

Chỉ định

Người bệnh nghi ngờ hen phế quản: tiền sử khó thở, ho kéo dài,… mà khám lâm sàng và chức năng hô hấp bình thường. 

Trường hợp nghi ngờ hen nghề nghiệp.

Người bệnh điều trị hen phế quản không hiệu quả. 

Chống chỉ định

Nhồi máu cơ tim.

Tai biến mạch não mới trong vòng 3 tháng.

Glocome.

Ung thư tuyến tiền liệt.

Mới có cơn hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hoặc vi rút.

Mới dùng vacxin trước đó 1 tháng.

Tăng huyết áp không ổn định. Phụ nữ có thai.

Chuẩn bị

Người thực hiện 

Kỹ thuật bắt buộc thực hiện trong bệnh viện do đó kỹ thuật viên được đào tạo cơ bản và thành thạo, có mặt thầy thuốc bên cạnh. 

Khám lâm sàng trước khi thực hiện kỹ thuật.

Phương tiện

Xe đựng đầy đủ dụng cụ cấp cứu: bóng ambu, đèn đặt nội khí quản, máy monitoring, oxy và các thuốc cấp cứu… để cấp cứu kịp thời cơn hen ác tính có thể xảy ra.

Máy đo CNHH.

Máy khí dung định liều methacholin.

Đồng hồ đếm giây.

Dung dịch methacholin 10mg/ml.

Thuốc giãn phế quản: ventolin, bricanyl xịt, khí dung.

Máy khí dung 2q.

Corticoid tiêm: Methylprednisolon. 

Cách pha dung dịch methacholine:

Methacholine 1g + NaCl 0,9%: 10ml.

10ml dung dịch methacholine tương đương 100mg/ml = dung dịch A.

1ml dung dịch A + 9ml NaCl 0,9% = dung dịch methacholine 10mg/ml.

Người bệnh

Không sử dụng thuốc chống dị ứng và thuốc giãn phế quản trước khi đo: 6giờ nếu là loại tác dụng nhanh, 12 giờ nếu là loại tác dụng kéo dài.

Không sử dụng cà phê, thuốc lá, chè, sô cô la 6 giờ trước nghiệm pháp.

Giải thích cho người bệnh mục đích của kỹ thuật, tác dụng của thuốc từ nhẹ đến nặng có thể xảy ra như gây ho, nặng ngực hay khó thở.

Cho người bệnh đi vệ sinh trước khi tiến hành nghiệm pháp.

Các bước tiến hành

Phương pháp

Đo FEV1 trước test.

Nói người bệnh thở ra tối đa sau đó bật máy khí dung định liều, liều khởi đầu 20mcg, người bệnh hít sâu, nín thở 10 giây, sau khi đủ 20mcg methacholine, máy tự ngắt, người bệnh hít thở trở lại bình thường, đo lại FEV1 sau 1 phút. Từ lần thứ hai trở đi, liều methacholin gấp đôi liều lần trước. Liều tối đa 1280mcg.

Ở người bình thường tăng phản ứng phế quản không đặc hiệu thường xuất hiện ở liều >2650mcg.

Sau mỗi lần khí dung methacholin phải đo lại FEV1.

Dừng nghiệm pháp khi người có biểu hiện tăng phản ứng phế quản biểu hiện, ho hoặc khó thở, FEV1 giảm 20% so với FEV1 trước đó thì dừng, mời bác sĩ khám người bệnh. 

Đánh giá kết quả

Kết quả được đọc dương tính ở nồng độ gây giảm 20% FEV1 so với giá trị FEV1 ban đầu (PC20).

 Sau khi khí dung liều cuối 1280mcg, người bệnh không có biểu hiện tăng phản ứng thì kết luận kết quả test âm tính.

Tai biến và xử lý

Test khá an toàn.

Khi xuất hiện biểu hiện có thắt phế quản: xịt 400mcg ventolin (test phục hồi phế quản) hoặc khí dung ventolin cho đến khi FEV1 trở về 90-100% so với FEV1 ban đầu.

Tài liệu tham khảo

Bộ Y tế “Hướng dẫn quy trình kĩ thuật bệnh viện tập 1”. Nhà Xuất bản Y  học (1999). 

Ngô Quý Châu “Bệnh hô hấp” Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (2012). 

Nguyễn Quốc Anh, Ngô Quý Châu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa” Nhà xuất bản y học (2011).

Lyon Pharmaceutique (2001), “Hyperréactivité bronchique non spécifique et test de provocation à la méthacholine”;52: 166-181.

Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman,”Pulmonary diseases and disorders”, 4th Mc Graw Hill company, 2008.

Dennis L. Kasper, Eugene Braunwald, Anthony S. Fauci et al”Harrison’s principle of internal medicine” 18th edition Mc Graw Hill company, 2011.

Gerald L. Baum, Jeffrey, Md. Glassroth et al”Baum’s Textbook of Pulmonary Diseases 7th edition”, Lippincott Williams & Wilkins Publishers, 2003.