Định nghĩa
Chất dạng thuốc phiện là tên gọi chung cho nhiều chất như: những chất tự nhiên (nhựa thuốc phiện), chất bán tổng hợp, tổng hợp (morphin, heroin, methadon…).
Nghiện chất dạng thuốc phiện bao gồm sự lệ thuộc cả về cơ thể và tâm thần. Sự lệ thuộc tâm thần là cơ sở sinh học gây ra tái nghiện.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân tâm lý.
Tò mò thích cảm giác lạ của thanh thiếu niên. Khuynh hướng bắt trước người lớn dùng rượu, thuốc lá, ma tuý… để tự khẳng định là mình đã trưởng thành…
Phản ứng do bất hoà trong gia đình, xã hội. Việc sử dụng ma tuý được coi là một phương thức để thoát ly khỏi các stress cuộc sống.
Các nguyên nhân xã hội và gia đình
Gia đình lơ là giáo dục, không quan tâm, không có thái độ phê phán rõ ràng, nghiêm túc, đôi khi còn che dấu việc sử dụng chất (ma tuý) của con cháu. Hoặc bố mẹ quá chiều chuộng con cái, cho tiêu sài theo sở thích. Gia đình thường xuyên có xung đột.
Công tác quản lý ở các trường học không chặt chẽ. Chính quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để triệt phá các ổ tiêm chích.
Các nguyên nhân sinh học: nghiện chất là bạn đồng hành với các bệnh tâm thần
Các bệnh trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt… Nhân cách bệnh chống đối xã hội…
Chẩn đoán
Hội chứng nghiện các chất dạng thuốc phiện
Theo ICD 10 (1992), chẩn đoán nghiện rượu khi có từ 3 trở lên các biểu hiện sau đây xảy ra cùng nhau trong vòng ít nhất 1 tháng hoặc nếu tồn tại trong khoảng thời gian ngắn hơn 1 tháng, thì cần lặp đi lặp lại cùng nhau trong khoảng thời gian 12 tháng:Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng chất dạng thuốc phiện; Khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng chất dạng thuốc phiện (về thời gian, mức, cách sử dụng); Có hội chứng cai đặc trưng khi ngừng hay giảm sử dụng chất dạng thuốc phiện; Có bằng chứng về hiện tượng dung nạp chất dạng thuốc phiện đang được sử dụng; Xao nhãng các thú vui, thích thú trước đây để dành thời gian tìm kiểm hay sử dụng cũng như hồi phục sau tác động của chất dạng thuốc phiện; Tiếp tục sử dụng mặc dù có các bằng chứng rõ ràng về hậu quả do sử dụng chất dạng thuốc phiện.
Hội chứng cai các chất dạng thuốc phiện:
Theo ICD-10 hội chứng cai chất dạng thuốc phiện gồm ít nhất ba trong số các dấu hiệu sau phải có mặt:
Cảm giác thèm khát đối với một loại thuốc phiện; Ngạt mũi hoặc hắt hơi; Chảy nước mắt; Đau cơ hoặc chuột rút; Co cứng bụng; Buồn nôn, nôn; Ỉa chảy; Giãn đồng tử; Nổi da gà, hoặc ớn lạnh; Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp; Ngáp; Ngủ không yên
Cận lâm sàng:
Test nước tiểu bằng que thử 4 chân, 6 chân (morphin, amphetamin, MDMA, THC) hoặc xét nghiệm nước tiểu tìm CDTP và các loại ma tuý khác.
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (trước và sau điều trị, nếu bất thường cần kiểm tra hàng ngày
Tổng phân tích nước tiểu
Sinh hoá máu: Glucose, ure, creatinin, acid uric, lipid máu (cholesterol, triglicerid, LDL, HDL); CK, GOT, GPT, GGT, điện giải đồ (trước và sau điều trị)
Vi sinh: HIV, HbsAg, Anti HCV, huyết thanh chẩn đoán giang mai.
Xquang tim phổi
Siêu âm ổ bụng
Trắc nghiệm tâm lý nhằm đánh giá: mức độ trầm cảm (HDRS, Beck…); mức độ lo âu (HARS, Zung…); đặc điểm nhân cách (EPI, MMPI…); mức độ rối loạn giấc ngủ (PSQI)….
Các trắc nghiệm tâm lý trên cần thực hiện trước và sau điều trị.
Ngoài ra có thể thực hiện các trắc nghiệm đánh giá rối loạn nhận thức (MMSE), rối loạn stress-lo âu-trầm cảm (DASS), đánh giá mức độ rối loạn sử dụng rượu (AUDIT) và mức độ cai rượu (CIWA) nếu có sử dụng kèm rượu…
Điện tâm đồ, điện não đồ, lưu huyết não, CT, MRI…
Điều trị
Nguyên tắc chung
Chọn liệu pháp nào phù hợp vớí người bệnh và điều kiện của cơ sở điều trị
Sau điều trị hội chứng cai cần tiếp tục điều trị duy trì lâu dài chống tái nghiện
Cần điều trị toàn diện cả các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc gia đình và cộng đồng trong quá trình điều trị.
Điều trị hội chứng cai: có nhiều phương pháp (thuốc an thần kinh hoặc clonidin hoặc liệu pháp tâm lý…)
Điệu trị chống tái nghiện: naltrexon
Điều trị thay thế bằng methadon hoặc buprenorphin
Điều trị các bệnh lý cơ thể phối hợp (nếu có).
Sơ đồ/phác đồ điều trị
Điều trị hội chứng cai: có nhiều phương pháp
Điều trị duy trì chống tái phát: naltrexon
Điều trị thay thế bằng methadon, buprenorphin.
Điều trị cụ thể
Điều trị hội chứng cai
Thuốc giải lo âu: dẫn xuất benzodiazepin như diazepam viên 5 mg (sử dụng đường uống hoặc đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch).
Cần sử dụng trước tiên và liên tục nhất là trong 1-2 ngày đầu.
Không cho diazepam nếu: dị ứng với diazepam, suy hô hấp mất bù, nhược cơ.
Hai ngày đầu: uống 4 viên mỗi lần – cách 4 giờ lại cho uống 1 lần cho đến khi hết bồn chồn và ngủ yên. Sau khi tỉnh giấc nếu vẫn còn lo âu thì tiếp tục cho thuốc.
Ngày thứ 3 và thứ 4 bắt đầu giảm liều: 2 viên một lần, cách 6-8 giờ
Ngày thứ 5 cắt hẳn thuốc để tránh khả năng gây nghiện diazepam.
(Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng diazepam kéo dài hơn)
Thuốc an thần kinh: levomepromazin
Nếu có triệu chứng nặng (vật vã, kích động…) hay phức tạp (cảm giác dòi bò trong xương…) thì mới sử dụng levomepromazin.
Cách cho thuốc: levomepromazin viên nén 25mg.
Lần đầu cho uống 2 viên.
Lần 2: sau một giờ nếu chưa an dịu và huyết áp tối đa bằng hay cao hơn 100mmHg thì cho uống thêm 4 viên.
Lần 3: sau một giờ nếu vẫn chưa an dịu và huyết áp như trên thì cho uống thêm 4 viên.
Lần 4 và những lần sau: đợi sau 2 giờ nếu chưa an dịu và huyết áp như trên thì cho uống thêm 2 viên
Khi bệnh nhân ngủ dậy không có hội chứng cai thì không cần cho thêm levomepromazin. Chăm sóc và theo dõi huyết áp thường xuyên.
Trường hợp bệnh nhân có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo có thể sử dụng phối hợp các thuốc an thần kinh khác.
Thuốc giảm đau paracetamol
Nếu bệnh nhân đau nhức cơ bắp nhiều dùng thuốc giảm đau paracetamol 0,5g Uống mỗi lần 2 viên, uống từ 2-3 lần trong 24 giờ. Có thể dùng trong 3 ngày đầu.
Thuốc chống co thắt: Spasfon
Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau quặn ở bụng do co thắt đường tiêu hóa cần dùng thêm Spasfon viên nén 80mg, uống mỗi lần 2 viên, uống từ 2-3 lần trong 24 giờ.
Thuốc chống tiêu chảy và mất nước
Tiêu chảy và nôn trong hội chứng cai thường do tăng nhu động ruột, có thể dùng spasfon với liều lượng ở trên
Nếu tiêu chảy kéo dài kèm theo vã mồ hôi, gây trạng thái mất nước, cần cho uống thêm dung dịch oresol (dung dịch uống glucose- điện giải).
Clonidin
Clonidin 0,15mg x 1/2 – 1 viên một lần, uống thêm liều tiếp theo khi có hội chứng cai, liều trung bình 2 – 8 viên/ngày.
Khi HA
Duy trì trong 3 ngày, từ ngày thứ 4 bắt đầu giảm liều, sau khoảng 10 ngày có thể dừng thuốc khi hết hẳn triệu chứng cai các chất dạng thuốc phiện.
Nếu bệnh nhân ngủ kém hoặc bồn chồn khó chịu nhiều có thể dùng thêm diazepam trong 3-5 ngày.
Nếu bệnh nhân đau mỏi cơ khớp nhiều có thể thêm paracetamol.
Bù đủ nước và điện giải: dung dịch ringer lactat, natriclorua 0,9%, glucose 5% số lượng 1-2 lít/ngày đường truyền tĩnh mạch hoặc bù đường uống bằng oresol.
Bổ sung vitamin nhóm B (B1, B6, B12)…
Thuốc bảo vệ tế bào gan: aminoleban, silymarin, boganic, các amin phân nhánh khác…
Bổ sung dinh dưỡng, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch
Thuốc dinh dưỡng thần kinh:
Thuốc tăng cường chức năng nhận thức:
Điều trị duy trì chống tái phát
Quy trình sử dụng thuốc Naltrexon
Những điều cần chuẩn bị trước khi điều trị thuốc naltrexon
Khám lâm sàng: tình trạng sức khỏe chung, tình hình thai sản (nữ),
Xét nghiệm: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng gan (SGOT, SGPT), chức năng thận (protein niệu); thử nước tiểu tìm chất ma túy Opioid (bằng sắc ký lớp mỏng hoặc que thử). Đặc biệt là nghiệm pháp Naloxon để đảm bảo sạch chất ma túy Opioid trong nước tiểu.
Liệu trình sử dụng thuốc naltrexon
Ngày đầu tiên: uống 1/2 viên (25 mg naltrexone hydroclorid). Sau 30 phút, nếu không thấy hội chứng cai uống tiếp 1/2 viên (25mg)
2 đến 3 tuần đầu uống 1 viên/ ngày (50 mg naltrexone hydroclorid). Các tuần tiếp theo uống cách nhật:
Thứ 2: uống 1-2 viên (50-100 mg naltrexone hydroclorid)
Thứ 4: uống 1-2 viên (50-100 mg naltrexone hydroclorid)
Thứ 6: uống 1-3 viên (50-150 mg naltrexone hydroclorid) Hoặc
Thứ 3: uống 1-2 viên (50-100 mg naltrexone hydroclorid)
Thứ 5: uống 1-2 viên (50-100 mg naltrexone hydroclorid)
Thứ 7: uống 1-3 viên (50-150 mg naltrexone hydroclorid)
Giám sát:
Xét nghiệm nước tiểu tìm các chất nhóm opioid tháng đầu: 2 tuần/lần; tháng sau: 4 tuần/lần; trong trường hợp nghi ngờ cần thử nước tiều đột xuất.
Kiểm tra chức năng gan ít nhất 3 tháng/ lần. Nếu men gan tăng cao, tùy từng trường hợp thầy thuốc sẽ quyết định dừng sử dụng thuốc. Thời gian điều trị: điều trị duy trì cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc naltrexon phải kéo dài ít nhất 12 tháng để đạt kết quả chống tái nghiện.
Xử lý các tác dụng không mong muốn trong những ngày đầu sử dụng thuốc
Mất ngủ, bồn chồn: diazepam 5mg uống 1- 2 viên/ lần trước khi đi ngủ.
Đau bụng: Thuốc alverin citrat 40 mg, uống 1-2 viên/lần
Tiêu chảy: Dung dịch oresol uống theo chỉ dẫn
Đau đầu: paracetamol 500mg, uống 1 viên/lần
Buồn nôn: primperal 10mg/ lần
Chóng mặt: cinarizin 25mg / ngày, …
Mệt mỏi: bổ sung vitamin dinh dưỡng, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch
Thuốc bổ gan, thuốc dinh dưỡng thần kinh, thuốc tăng cường chức năng nhận thức:…
Chiến lược “giảm hại” bằng Methadon
Giai đoạn dò liều:
Thường kéo dài 2 tuần trong quá trình điều trị, khởi đầu 15 – 30 mg tùy từng bệnh nhân (liều thấp 15 – 20 mg, trung bình 20 – 25 mg, cao 25 – 30 mg). Khi sử dụng liều 25 – 30 mg cần thận trọng và theo dõi sát bệnh nhân. Trong 3 ngày đầu tiên không tăng liều (trừ trường hợp bệnh nhân uống methadon vẫn xuất hiện hội chứng cai nặng)
Bệnh nhân sẽ giảm hội chứng cai chứ không mất hoàn toàn, nếu bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc phải giảm liều điều trị.
Sau 3 – 5 ngày điều trị nếu vẫn còn hội chứng cai tăng 5 – 10mg/ngày, trong 1 tuần tổng liều tăng không quá 20mg.
Giai đoạn chỉnh liều:
Thường bắt đầu từ tuần thứ 3 và kéo dài 1 – 3 tháng. Giai đoạn này bác sĩ theo dõi các biểu hiện hội chứng cai, cảm giác thèm nhớ chất dạng thuốc phiện của bệnh nhân. Tăng 5 – 15mg/ngày sau 3 – 5 ngày và tổng liều tăng trong 1 tuần không quá 30mg.
Giai đoạn duy trì liều:
Đây là giai đoạn mà bệnh nhân sử dụng liều thuốc hiệu quả, hết cảm giác thèm nhớ, hạn chế tối đa tác dụng phụ. Liều duy trì tùy từng bệnh nhân, trung bình 60 – 120 mg, thấp nhất 15mg/ngày.
Ngừng điều trị:
Khi bệnh nhân có nguyện vọng cai methadon.
Với liều methadon > 40mg/ngày: giảm 10mg/1 lần/1 tuần.
Với liều methadon
Bỏ điều trị và tái sử dụng:
Bỏ 1 ngày: không đổi liều.
Bỏ 2 ngày: cho liều như bình thường nếu không có biểu hiện nhiễm độc.
Bỏ 3 ngày: khám bệnh nhân và xét liều như bình thường.
Bỏ 4 ngày: bác sĩ khám và cho 1/2 liều.
Bỏ 5 ngày: bác sĩ khám và uống 1/2 liều tùy bệnh nhân.
Bỏ >5 ngày: điều trị lại như bệnh nhân mới sử dụng methadon.
Theo dõi quá trình điều trị
Theo dõi tiến triển lâm sàng:
Các hành vi nguy cơ cao tiếp diễn trong quá trình điều trị. Tiến triển của các bệnh cơ thể kèm theo.
Người bệnh có thai trong quá trình điều trị.
Xét nghiệm nước tiểu: giúp điều chỉnh liều methadon thích hợp. Khi nghi ngờ người bệnh sử dụng CDTP bất hợp pháp trong quá trình điều trị.
Nếu người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng CDTP sau nhiều lần điều chỉnh tư vấn cần cân nhắc ngừng điều trị nếu cần thiết. Người bệnh phải uống methadon hàng ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế, phối hợp gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội.
Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và đảm bảo an toàn thực phẩm
Phục hồi chức năng tại cộng đồng: lao động liệu pháp.
Tiên lượng và biến chứng
Nghiện CDTP là một bệnh lý tiến triển mạn tính, cần điều trị lâu dài và có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đoàn thể, cộng đồng.
Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất là ngộ độc do sử dụng CDTP quá liều.
Ngoài ra các nguy cơ lây nhiễm các HIV, viêm gan B,C…
Phòng bệnh
Phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về những tác hại của các CDTP đối với cơ thể, tâm thần và xã hội. Hướng thanh thiếu niên vào cuộc sống lành mạnh.
Xử lý nghiêm việc sản xuất, phân phối và sử dụng các CDTP bất hợp pháp, quản lý và sử dụng đúng chỉ định và mục đích đối với các CDTP hợp pháp.
Chú trọng đặc biệt đến các đối tượng: gia đình có người sử dụng chất, khủng hoảng trong cuộc sống, người bệnh tâm thần…