Nội dung

Nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền

Đặc điểm và phân loại theo yhct

Đặc điểm.

YHCT cho rằng con người và thế giới xung quanh là một chỉnh thể thống nhất, vì thế mà dùng quan điểm chỉnh thể để bàn về quá trình phát sinh, phát triển, biến hoá của các nhân tố gây bệnh.

Trong quá trình phát sinh phát triển bệnh tật, ở một điều kiện nhất định, nguyên nhân và kết quả có thể tương hỗ chuyển hoá, kết quả bệnh lý ở giai đoạn này có thể là nhân tố gây bệnh ở giai đoạn khác.

YHCT ngoài việc vận dụng phương pháp trực tiếp quan sát, còn dựa vào các biểu hiện lâm sàng, phân tích các chứng trạng để tìm nguyên nhân, làm căn cứ để sử dụng thuốc sau này.

Phân loại

Ngoại nhân (ngoại cảm)

Nội nhân (nội thương)

Nguyên nhân khác (ăn uống, vết thương, trùng thú cắn…).

Các nguyên nhân

Ngoại nhân (ngoại cảm)

Là những nguyên nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường da lông hay mũi miệng.

Bệnh do ngoại cảm gây nên thường có tính chất cấp tính, giai đoạn đầu thường có biểu hiện lâm sàng của chứng hàn hoặc chứng nhiệt, sưng đau họng, đau nhức cơ xương khớp…

Nguyên nhân ngoại cảm gồm: lục dâm và lệ khí.

Lục dâm

Phong hàn thử thấp táo hoả là 6 loại khí hậu biến hoá trong giới tự nhiên, gọi là lục khí; là điều kiện sinh trưởng của vạn vật. Đối với con người lục khí là vô hại.

Lục khí trong quá trình biến hoá thất thường, ví như mùa xuân tiết khí không ấm áp mà lại lạnh, mùa thu không mát mà lại nóng… trong lúc chính khí cơ thể bất túc, sức đề kháng giảm thì lục khí sẽ thành nhân tố gây nên bệnh, gọi là lục dâm. Lục dâm không phải là chính khí nên còn gọi là tà khí.

Lục dâm có thể đơn độc gây bệnh, có thể kết hợp với nhau để gây bệnh như phong hàn, phong hàn thấp…

Đặc điểm gây bệnh của Phong

Thời gian: phong tà thường gây bệnh vào mùa xuân nhưng các mùa khác cũng có thể xuất hiện.

Đặc điểm:

Phong là dương tà có đặc tính hướng lên trên ra ngoài nên hay gây bệnh vùng đầu mặt và phần ngoài cơ thể

Phong tính di chuyển và biến hóa nên gây bệnh hay di chuyển: đau các khớp, ngứa nhiều chỗ, gây bệnh với tốc độ nhanh.

Phong tính chủ về động nên gây bệnh có đặc tính run và lắc.

Lâm sàng: xâm phạm vào bì phu gây bệnh thì xuất hiện cảm giác ngứa ngoài da, mọc ban chẩn…

Phong hàn: sợ lạnh, sốt, ngạt mũi, không ra mồ hôi, đau nhức cơ khớp, mạch phù khẩn.

Phong nhiệt: sốt cao, sợ nóng, tự ra mồ hôi, mạch phù sác

Phong thấp: sưng đau các khớp, vận động các khớp hạn chế…

Hàn

Thời gian: hàn tà thường gây bệnh vào mùa đông, nhưng các mùa  khác cũng đều có.

Tính chất: hàn thuộc âm tà, dễ làm  tổn thương dương khí; hàn tà có tính ngưng trệ, thu liễm, co rút.

Hàn là biểu hiện của âm khí thịnh. Ngưng trệ tức là ngưng kết trở trệ không thông, âm hàn thiên thịnh làm cho khí huyết trở trệ không thông, gây nên đau (bất thông tắc thống). Hàn hay gây co rút lại như lạnh gây co cứng cơ, đau bụng do lạnh…

Lâm sàng

Thương hàn (hàn làm tổn thương dương khí): sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, đau đầu, đau nhức khớp, mạch phù khẩn.

Trúng hàn (hàn tà tổn thương tỳ vị): bụng lạnh đau, ăn kém, buồn nôn, đại tiện lỏng, mạch trầm trì.

Thử

Tính chất: thử là dương tà, tính nóng bức; tính thăng tán, hao khí thương tân; thử thường kèm theo thấp.

Thử là khí nóng bức của mùa hạ. Mùa hạ khí hậu nóng bức, thường gặp mưa mà sinh thấp, độ ẩm thấp trong không khí tăng nên thử tà gây bệnh thường kèm theo thấp tà.

Lâm sàng: Mức độ gây bệnh của thử tà phân thành

Thương thử: phát sốt, khát nước, bứt dứt khó chịu, ra mồ hôi, đau đầu, lợm giọng buồn nôn, dau bụng đi lỏng, chân tay như không có sức, mạch hồng sác…

Trúng thử (say nắng, say nóng): đột nhiên ngã, mê man, sốt cao, không ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi lạnh, tiếng thở to, mặt đỏ, môi lưỡi đỏ, mạch hồng đại mà vô lực.

Thấp

Thời gian: 4 mùa đều có.

Tính chất: thấp là âm tà, trở trệ vận hành của khí, dễ tổn thương dương khí. Thấp có tính trầm nặng, dính trệ, di chuyển xuống dưới.

Thấp tà xâm phạm cơ thể, ứ đọng ở tạng phủ gây trở trệ vận hành khí làm khí cơ thăng giáng thất thường; ứ đọng ở kinh lạc gây trệ tắc kinh lạc.

Thấp tính trầm nặng, xâm nhập cơ biểu gây đầu căng nặng như đội mũ chật; thấp tà ứ trệ ở kinh lạc xương khớp gây nên chứng thấp tý, làm chi thể cảm thấy nặng nề, khớp co duỗi khó khăn.

Thấp tính uế trọc gây nên chứng thấp nhiệt: chất bài tiết không bình thường như thấp nhiệt bàng quang (đái đục, đái buốt, đái máu), thấp nhiệt đại tràng (lỵ có nhầy máu mũi, đau quặn bụng), thấp nhiệt ở ngoài da (mụn nhọt chảy nước vàng, ngứa).

Thấp tính niêm trệ, là dính nhớp đình trệ.

Lâm sàng :

Thấp tổn thương phần biểu: sốt, sợ gió lạnh, mình mẩy tứ chi nặng nề, đau nhức.

Thấp tổn thương cơ khớp: các khớp đau nhức, co duỗi khó khăn.

Thấp kết hợp với nhiệt: đái buốt đái rắt, đái đục, đại tiện phân nhày máu mũi, mụn nhọt ngứa ngoài da…

Táo

Tính chất: táo tính khô sáp dễ tổn thương tân dịch (da khô, môi miệng lưỡi khô, khát thích uống, phát sốt, không có mồ hôi, đại tiện táo bón, mạch tế sáp), tổn thương phế (ho khan không đờm hoặc đờm lẫn máu, đau tức ngực, phát sốt). Táo tà gây bệnh phân thành ôn táo, lương táo.

Lâm sàng :

Ôn táo (táo kết hợp ôn nhiệt xâm phạm cơ thể): sốt, không sợ lạnh hoặc sợ lạnh ít, miệng khát, mắt đỏ, sưng đau họng, ho khạc ra máu, tiểu tiện ít và sẫm màu, chất lưỡi đỏ, mạch phù sác.

Lương táo (táo và hàn kết hợp xâm phạm cơ thể): sợ lạnh nhiều, sốt nhẹ, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

Hoả

Tính chất: hoả tính thiêu đốt, bốc lên trên, hao khí thương tân, sinh phong động huyết.

Đặc điểm gây bệnh:

Hoả tà xâm phạm cơ thể thiêu đốt tân dịch, tổn thương chính khí, thiêu đốt kinh can làm cân mạch mất sự nuôi dưỡng nhu nhuận sinh ra can phong nội động.

Hoả nhiệt làm tăng cường vận hành huyết dịch, thiêu đốt mạch lạc, bức huyết vong hành sinh ra các loại xuất huyết.

Hoả tà nhập vào huyết phận, tụ ở tổ chức sinh ra các loại mụn nhọt.

Hoả nhiệt với tâm khí tương ứng, nên hoả thịnh sẽ nhiễu loạn thần minh gây chứng thần chí không yên…

Lâm sàng:

Sốt cao, bứt dứt, khát nước, mụn nhọt ngoài da, nếu nặng sẽ thấy co quắp tứ chi, mặt đỏ, mắt đỏ

Gây viêm: loét miệng lưỡi, đau nhức mắt…

Xuất huyết: nôn ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, băng kinh…

Rối loạn thần chí, rối loạn ngôn ngữ…

Lệ khí

Nguyên nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào nhưng có tính chất truyền nhiễm mạnh, nên còn gọi là dịch độc

Đặc điểm:

Tính chất truyền nhiễm mạnh

Phát bệnh cấp tính và nguy hiểm

Tính đặc dị và triệu chứng giống nhau

Nội nhân (thất tình)

Khái niệm

Thất tình là 7 loại tình chí: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh ( vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn giầu, sợ hãi, kinh dị ).

Nếu xuất hiện đột ngột, mạnh mẽ hoặc tác động lâu dài, vượt quá phạm vi hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể thì sẽ gây nên bệnh.

Đặc điểm gây bệnh

Trực tiếp tổn thương nội tạng: nộ thương can, hỉ thương tâm, tư thương tỳ, ưu thương phế, khủng thương thận.

Ảnh hưởng tạng phủ: nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí tiêu, khủng tắc khí hạ, kinh tắc khí loạn, ưu tắc khí kết.

Tình chí thay đổi thất thường làm cho bệnh tình nặng thêm hoặc diễn biến nhanh. Ví như bệnh nhân cao huyết áp, nếu gặp sự việc gây cáu giận có thể làm huyết áp tăng nhanh…

Chứng bệnh tình chí thường gặp

Thường gặp khí huyết thất điều ở 3 tạng tâm can tỳ.

Lo lắng thương tỳ, tỳ mất kiện vận, biểu hiện: bụng trướng đầy, ăn ít, tiện lỏng; giận dữ  kéo dài.

Can mất sơ tiết: căng tức ngực sườn, phiền táo dễ cáu.

Quá mừng làm tổn thương tâm, tâm không tàng thần:  mất ngủ, hay mê, thậm chí tinh thần thất thường, cuồng táo vong động…

Các nguyên nhân khác

Ăn uống

Ăn uống không điều độ: ăn qua đói làm cho nguồn sinh huyết không đầy đủ. Ăn quá no, làm tổn thương tỳ vị, tiêu hoá rối loạn, trẻ em thành chứng cam tích, người lớn phát sinh  bệnh tỳ vị.

Ăn uống không sạch: gây bệnh ở vị trường hoặc bệnh ký sinh trùng đường ruột; ăn chất ôi thiu sinh đau bụng, buồn nôn, ỉa lỏng; ăn phải thức ăn có độc gây đau bụng, nôn, thậm chí hôn mê, tử vong.

Ăn uống thiên lệch: chỉ thích ăn một thứ nào đó làm cho một phần chất dinh dưỡng bị thiếu hụt hoặc âm dương thiên thịnh thiên suy, từ đó  sinh bệnh tật. Ăn quá nhiều chất hàn lương làm tổn thương tỳ vị dương khí, gây nên hàn thấp nội sinh; ăn quá nhiều chất cay táo làm cho vị trường tích nhiệt; ăn quá mặn làm cho mạch ngưng sáp, mặt mất sáng nhuận…

Lao lực quá độ

Lao động quá sức: lâu ngày tích lao thành tật, làm tạng khí hư thiếu, xuất hiện thiếu khí, vô lực, tứ chi mỏi, tinh thần mệt mỏi, hình thể teo sút.

Lao thần quá độ: lo lắng buồn phiền quá độ làm hao thương tâm khí, tổn thương tỳ khí sinh ra tâm quý, kiện vong, mất ngủ, hây mê, ăn ít, bụng đầy, tiện lỏng.

Phòng lao quá độ: làm hao thương thận tinh, gây nên đau lưng mỏi gối, chóng mặt ù tai, nam giới thì di tinh hoạt tiết, nặng thì liệt dương.

Quá ẩn dật, không lao động, không hoạt động làm ảnh hưởng khí huyết vận hành, cân cốt mềm, tỳ vị nê trệ, hoặc phát sinh bệu trệ, vận động sẽ sinh tâm quý, khí suyễn, ra mồ hôi…

Tác nhân bên ngoài

Bao gồm các vết thương do dao kiếm, súng đạn bắn, bỏng, vấp ngã, côn trùng, rắn cắn…

Nếu tổn thương ở da cơ xương khớp: sưng nề, chảy máu, ứ ban, bong gân, sai khớp… Nếu tổn thương ở tạng phủ gây xuất huyết nhiều, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ký sinh trùng

Thường gặp các loại ký sinh trùng đường tiêu hoá, gây đau bụng nghiện ăn dị vật, sắc mặt vàng, cơ teo người gầy, hậu môn ngứa ngáy.

Đàm ẩm, huyết ứ

Đàm ẩm là sản vật bệnh lý trong qua trình rối loạn trao đổi chất, có hai loại vô hình (chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, rêu lưỡi nhớp) và hữu hình (ho khạc ra đàm).

Đàm ẩm hình thành

Nguyên nhân căn bản                     

Phế mất tuyên giáng, rối loạn phân bố thuỷ dịch

Tỳ mất kiện vận, rối loạn công năng du chuyển

Thận dương bất túc, khí hoá vô lực

Tam tiêu bất thông, thuỷ khí hỗ kết

Nhân tố ảnh hưởng                           

Hàn: hàn ngưng tân tụ thành ẩm

Nhiệt(hoả): hun dốt tân thành đàm

Khí: khí trệ tân đình thành đàm

Huyết ứ

Khái niệm: bên trong cơ thể huyết dịch đình trệ, bao gồm  xuất huyết bên trong cơ thể và huyết vận hành không thông thoát, trở trệ ở kinh lạc và tạng phủ.

Hình thành: chủ yếu là do nhân tố nội thương gây khí hư, khí trệ, huyết hàn, huyết nhiệt; ngoại thương gây xuất huyết bên trong cơ thể.

Đặc điểm gây bệnh: ảnh hưởng đến nhu dưỡng toàn thân, vận hành huyết ở toàn thân hay cục bộ, sinh ra đau nhức, chảy máu, ứ tắc kinh mạch, nội tạng phát sinh chứng giả tích( hòn khối trong tạng phủ). Biểu hiện:

Đau nhức: đau dữ dội, đau cố định, đau nhiều về đêm, bệnh kéo dài.

Hòn khối: cố định, bề mặt da thấy mầu xanh tím hoặc xanh vàng; bên trong cở thể thấy ứ tích, đẩy cũng không đi.

Xuất huyết: huyết sắc tím ám hoặc có hòn khối.

Tím sẫm: mặt, môi, móng tay.

Chất lưỡi: tím hoặc có ứ điểm, ứ ban, tĩnh mạch dưới lưỡi co cứng.

Mạch: vi sáp trầm huyền hoặc kết đại.

Kết luận

YHCT dựa vào các biểu hiện lâm sàng, phân tích các chứng trạng để tìm nguyên nhân, làm căn cứ để sử dụng thuốc sau này.

Các nguyên nhân theo YHCT gồm ngoại cảm, nội thương và nguyên nhân khác

VIệc xác định rõ nguyên nhân gây bệnh là cực kỳ quan trọng để từ đó đưa ra nguyên tắc điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo

Ngô Quyết Chiến. Trần Quốc Bảo. Yhọc Cổ truyền, NXB Quân đội nhân dân, Hà nội 2013

Tr­­ường Đại học Y Hà nội .Yhọc cổ truyền- NXB – Y học, 1999.