Đại cương
Nhỏ thuốc là đưa dung dịch thuốc vào kết mạc cùng đồ dưới của mắt, từ đó thuốc thấm qua kết mạc và giác mạc để vào phần trước nhãn cầu.
Chỉ định
Tất cả các bệnh về mắt khi có chỉ định dùng thuốc tra mắt.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Điều dưỡng chuyên khoa Mắt.
Phương tiện
Xe tiêm, thay băng.
Hộp bông ướt hoặc tăm bông, bông gạc vô khuẩn.
Phiếu tra thuốc, găng tay sạch, băng dính và kéo (Người bệnh đã phẫu thuật).
Dung dịch cồn 70ºC hoặc dung dịch cồn rửa tay nhanh.
Kẹp phẫu tích có mấu vô khuẩn, kẹp phẫu tích sạch, lọ cắm kẹp phẫu tích.
Túi đựng rác thải y tế, rác thải tái chế.
Các loại thuốc theo y lệnh.
Người bệnh
Giải thích, hướng dẫn cho người bệnh để phối hợp với Điều dưỡng.
Tư thế người bệnh:
+ Nằm ngửa, đặt gối phía dưới để đầu được nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái (Trẻ nhỏ: nên đặt nằm và giữ đầu cố định).
+ Ngồi ghế: ghế tựa, yêu cầu người bệnh ngửa đầu ra sau.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra phiếu tra thuốc so với bệnh án.
Kiểm tra người bệnh
Thực hiện kiểm tra 5 đúng.
Thực hiện kỹ thuật
Thực hiện quy trình vô khuẩn.
Lau rửa mắt: dùng bông ướt hay tăm bông lau dọc hai bờ mi từ góc ngoài vào góc trong sau đó lau sạch vùng da mi quanh mắt.
Nhỏ mắt:
+ Thuốc nước:
- Yêu cầu người bệnh nhìn lên trên và ra ngoài. Một ngón tay kéo mi dưới xuống, bông đặt ở mi dưới để thấm nước mắt sau khi tra.
- Cầm lọ thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2cm. Nhỏ thuốc vào góc trong mắt, cùng đồ dưới, tránh chạm đầu ống thuốc vào mắt.
- Nếu tra nhiều loại thuốc mỗi loại cách nhau 5 phút.
- Tra thuốc tê tại chỗ: giọt đầu tiên tra phía cùng đồ dưới, lần tiếp theo nên tra trực tiếp lên nhãn cầu.
- Trong trường hợp trẻ nhỏ hoặc người bệnh bị đau hay chảy nước mắt không thể nhìn lên trên được, điều dưỡng dùng 2 ngón tay để giữ mi trên và mi dưới rồi tra thuốc lên mắt.
+ Thuốc mỡ:
Yêu cầu người bệnh nhìn lên trên, dùng một ngón tay kéo mi dưới, đưa một lượng thuốc dọc theo cùng đồ dưới, đảm bảo phần cuối của typ thuốc không chạm vào lông mi.
Lưu ý:
Không nên tra thuốc trực tiếp lên giác mạc, không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
Không được kéo mi trên trong trường hợp người bệnh tự mở được mắt.
Khi tra thuốc độc (như atropin) phải ấn giữ góc trong mắt vùng lệ quản tránh làm thuốc xuống khoang miệng.
Thuốc đã mở nắp chỉ dùng trong thời gian dưới 15 ngày.
Theo dõi
Đánh giá tình trạng mắt: mi mắt, dịch xuất tiết, kết mạc, giác mạc, màu sắc da xung quanh mắt, đau nhức, đau nhức nhiều có kèm nôn.
Nếu có dấu hiệu bất thường ghi phiếu chăm sóc, báo cho bác sĩ.
Xử trí tai biến
Chạm vào giác mạc gây xước giác mạc: tra thuốc kháng sinh phòng chống bội nhiễm, tăng cường dinh dưỡng mắt.
Các biến chứng về toàn thân liên quan đến dược động học của thuốc: báo cho bác sĩ.
Xử trí theo hướng toàn thân.