Đại cương
Các đám rối tĩnh mạch trĩ là một cấu trúc giải phẫu hoàn toàn bình thường ở người. Bệnh trĩ là do sự dãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ, nếu là đám rối tĩnh mạch trĩ trên là bệnh trĩ nội và đám rối tĩnh mạch dưới là trĩ ngoại.
Bệnh trĩ là một bệnh rất phổ biến, nhất là ở những người lớn tuổi. Những thống kê cho thấy ở những người trên 50 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh trĩ là 50%.
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ. Các yếu tố thuận lợi bao gồm: táo bón, tiêu chảy, suy tìm, tăng áp tĩnh mạch cửa, thai kỳ, bướu vùng chậu, ung thư đại trực tràng,…
Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
- Chảy máu: là triệu chứng sớm nhất, thường gặp nhất. Tính chất: chảy máu đỏ tươi có thể thành tia, thường ra sau phân.
- Sa búi trĩ: búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn.
- Đau ống hậu môn: trĩ thường không gây đau ở ống hậu môn. Triệu chứng đau thường xảy ra sau tắc mạch. Một số trường hợp đau do rách hậu môn đi kèm.
- Nội soi hậu môn trực tràng: thấy các búi trĩ phồng to, màu tím (thường ở vị trí 1 giờ, 5 giờ và 9 giờ ở tư thế gối- ngực).
Chẩn đoán phân biệt:
- Ung thư hậu môn- hậu môn trực tràng: đi cầu ra máu đỏ nhờ kèm ít chất nhày, máu trộn lẫn với phân. Thăm khám hậu môn – trực tràng thấy khối u sùi, lổn nhổn, dễ chảy máu. Xác định sinh thiết qua nội soi.
- Sa niêm mạc trực tràng: khối sa màu hồng tươi, có những nếp niêm mạc đồng tâm.
Phân độ trĩ nội:
Trĩ nội độ I: búi trĩ sa xuống đường lược nhưng vẫn nằm trong ống hậu môn.
Trĩ nội độ II: búi trĩ sa xuống dưới và có thể tự thụt vào.
Trĩ nội độ III: trĩ sa ra ngoài khi đi cầu, và phải dùng tay đẩy vào.
Trĩ nội độ IV: trĩ sa ra ngoài vĩnh viễn.
Điều trị bệnh trĩ
- Điều trị nội khoa: thuốc tăng cường thành mạch, thuốc giảm đau, chống ngứa,..
- Điều trị thủ thuật: Chích xơ, thắt búi trĩ , làm lạnh, phẫu thuật cắt búi trĩ,…
Quy trình kĩ thuật
Là một kĩ thuật điều trị bệnh trĩ đơn giản, an toàn và hiệu quả. Kĩ thuật được mô tả lần đầu bởi Blaisdell (1958) và được Barron cải tiến (1963). Nguyên lý của phương pháp là thắt ở gốc búi trĩ để búi trĩ thiếu máu nuôi và rụng đi.
Chỉ định
Trĩ nội độ I- II có biến chứng xuất huyết.
Chống chỉ định
- Trĩ ngoại
- Trĩ vòng
- Ung thư ống hậu môn, trực tràng.
Phương tiện
- Ống nội soi ống cứng
- Vòng cao su
- Thiết bị thắt dây thun búi trĩ
- Máy hút
Quy trình kĩ thuật
- Làm sạch ống hậu môn: bơm 1 tube Fleet Enema vào hậu môn- trực tràng. Cho bệnh nhân nhịn đi cầu khoảng 10 phút. Sau đó đi cầu cho sạch hết phân.
- Bệnh nhân nằm tư thế gối ngực. Nội soi ống cứng để đánh giá chung về búi trĩ nội.
- Đưa vòng cao su vào thiết bị thắt dây thun búi trĩ.
- Qua ống soi hậu môn, dùng thiết bị thắt dây thun búi trĩ nối kết với máy hút, hút búi trĩ vào thiết bị và tròng vòng cao su, thắt chặt vào gốc búi trĩ. Bóp cò thiết bị thắt làm bung vòng cao su, thắt chặt vào gốc búi trĩ. Vị trí thắt ở cao, trên đường lược.
- Kiểm tra vòng đã thắt
- Cho bệnh nhân đứng dậy từ từ và nhẹ nhàng.
Theo dõi và tái khám
- Không hoạt động nặng trong vòng khoảng 1 tuần.
- Trong 1-2 ngày đầu tiên khi đau hoặc có mót rặn nên ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm.
- Ăn lỏng tránh gây rặn nhiều.
- Tái khám sau 1 tháng.
- Trở lại ngay khi có biến chứng ( chảy máu, bí tiểu, đau vùng chậu,…).
Biến chứng sau cắt trĩ
- Xuất huyết: xuất huyết có thể gặp sau khi thắt trĩ, đa phần nhẹ nhàng không cần điều trị gì thêm. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể phải khâu cầm máu.
- Nhiễm trùng huyết: có thể do vi trùng Clostridium perfringen gây hoại tử mô thắt với tam chứng: đau vùng chậu, sốt, bí tiểu.
- Loét: loét sau thắt thường nhẹ nhàng. Một số trường hợp tạo nứt kẽ ống hậu môn.
Tài liệu tham khảo
- Bài giảng Bệnh học ngoại khoa tiêu hóa – Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược TP.HCM, NXB Y học 2007.
- M. Cazemia et al (2007), “ Elastic band ligation of hemorrhoids: Flexible gastrocope or rigid Proctoscope ?”, World J Gastroenterol, 13(4),pp. 583-587.
- Ming- Yao Su et al (2011), “ Long- term outcome efficacy of endoscopic hemorrhoids ligation for symptomatic internal hemorrhoids”, Word J Gastroenterol, 17(19), pp.2431-2436.
- Lee JY et al (2011), “ Treatment Outcomes after Endoscopic Band Ligation of Symptomatic Internal Hemorrhoids”, Korean J Med, 80(2), pp. 179-186
- Trowers EA et al (1998), “Endoscopic Hemorroidal ligation: preliminary clinical experience”, Gastrointestinal Endoscopy, 48(1), pp. 49-52.