Nội dung

Pet/ct mô phỏng xạ trị điều biến liều (imrt)

Nguyên lý

Có sự tập trung đặc hiệu một số thuốc phóng xạ đã lựa chọn vào khối u. Do vậy tùy thyeo yêu cầu chẩn đoán thuốc phóng xạ được lựa chọn trên cơ sở những khác biệt về chuyển hóa sinh lý học hoặc bệnh học giữa khối u và tổ chức bình thường. Trong đa số các trường hợp, khối u thường phát triển rất nhanh so với tổ chức bình thường. Điều này có ý nghĩa là việc sử dụng glucose, các tiền thân của DNA các acid amin (như thymidine…), trong khối u tăng hơn nhiều so với tổ chức bình thường. Đánh dấu glucose (FDG) hoặc một số chất là tiền thân của

DNA với các đồng vị phóng xạ thích hợp phát positron như 18 F, 11C, , 15O, … thì các thuốc phóng xạ này sẽ thâm nhập vào trong tế bào khối u theo cơ chế chuyển hóa. Dùng máy PET/CT để ghi sự phân bố hoạt độ phóng xạ trong cơ thể Người bệnh sẽ ghi hình được các vị trí tổn thương u và di căn trong toàn thân có tăng hấp thu hoạt độ phóng xạ bất thường. 

Đánh dấu khu vực cần xạ trị bằng hệ thống định vị laser 3 chiều sẽ thu được hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị. Trên hình PET/CT mô phỏng xác định các thể tích cần xạ trị (GTV, BTV, CTV, PTV) dễ dàng và chính xác hơn CT mô phỏng thông thường.

Lập kế hoạch xạ trị điều biến liều (IMRT): tập trung liều xạ tối đa vào tổ chức u (BTV), hạn chế liều xạ vào các cơ quan lành xung quanh, cho hiệu quả điều trị tốt và giảm thiểu biến chứng do tia xạ cho người bệnh.

Chỉ định

Chụp mô phỏng lập kế hoạch cho các người bệnh ung thư có chỉ định xạ trị IMRT.

Chống chỉ định

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân

Điều dưỡng Y học hạt nhân, Kỹ thuật viên Y học hạt nhân

Cán bộ hóa dược phóng xạ

Bác sỹ xạ trị ung thư

Kỹ sư vật lý phóng xạ lập kế hoạch xạ trị

Cán bộ an toàn bức xạ

Kỹ thuật viên xạ trị 

Phương tiện, thuốc phóng xạ

Máy ghi đo: máy PET/CT; hệ thống định vị laser 3 chiều

Thiết bị cố định: mặt nạ, đai ngực, đai bụng.

Thuốc phóng xạ:18F – FDG (2-fluoro 2-deoxy glucose): T1/2=110 phút, mức năng lượng Eγ=511 keV. Liều tiêm: 0,14-0,15mCi/kg cân nặng.

Dụng cụ, vật tư tiêu hao

Bơm tiêm 1ml, 3ml, 5ml, 10ml.

Kim lấy thuốc, kim tiêm, chạc ba, dây truyền.

Bông, cồn, băng dính.

Găng tay, khẩu trang, mũ, áo choàng y tế.

Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.

Người bệnh

Người bệnh nhịn ăn 4-6 h.

Người bệnh được thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, đo nhiệt độ, huyết áp, chiều cao cân nặng.

Đo đường máu mao mạch trước khi tiêm thuốc (đảm bảo

Đặt đường truyền tĩnh mạch

Các bước tiến hành

Tiêm tĩnh mạch thuốc phóng xạ (liều 0,14-0,15mCi/kg cân nặng)

Người bệnh vào phòng cách ly nằm nghỉ, hạn chế nói chuyện và vận động trước khi chụp PET/CT, uống ½ lít nước.

Người bệnh đi tiểu hết trước khi lên máy ghi hình.

Tiến hành chụp PET/CT sau tiêm thuốc 45-60 phút.

Đặt người bệnh lên bàn máy, nằm ngửa thẳng

Cố định người bệnh

Đánh dấu khu vực xạ trị bằng các điểm chì và bật hệ thống định vị laser 3 chiều.

Chụp CT toàn thân (từ đỉnh đầu đến 1/3 trên đùi)

Chụp PET toàn thân.

Người bệnh ra về, cách ly 6-8h sau tiêm thuốc, uống nhiều nước để nhanh thải thuốc ra ngoài.

Hình ảnh PET/CT được chuyển vào phần mềm chuyên dụng để phân tích kết quả và lập kế hoạch xạ trị IMRT.

Đánh giá kết quả

Xác định các tổn thương tăng hấp thu FDG bất thường.

Xác định các thể tích cần xạ trị: GTV, BTV, CTV và PTV.

Lập các trường chiếu, các phân đoạn (segments) và kiểm tra kế hoạch IMRT.

Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình ghi hình.

Người bệnh dị ứng với thuốc phóng xạ: rất hiếm gặp. Xử trí: dùng thuốc chống dị ứng, tuỳ mức độ.