Nội dung

Phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da

 

PHẪU THUẬT BẮT VÍT QUA CUỐNG CỘT SỐNG THẮT LƯNG QUA DA

 

Đại cương

Đây là phẫu thuật ít xâm lấn có sử dụng máy chụp xquang trong mổ (C-arm) để bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da lối sau mà không cần bộc lộ, bóc tách cân cơ rộng ra khỏi các mốc giải phẫu để bắt vít. 

Mục đích nhằm giảm thiểu thương tổn phần mềm, giảm đau, giảm mất máu so với quá trình bắt vít trong mổ mở thông thường.

Chỉ định

Người bệnh có trượt cột sống thắt lưng – cùng độ I, II hoặc mất vững cột sống

Người bệnh có chấn thương cột sống thắt lưng cần cố định cột sống

Chống chỉ định

Người bệnh có biến dạng đốt sống hoặc dính đốt sống

Người bệnh loãng xương

Người bệnh có u tủy hoặc u thân đốt sống

Người bệnh có các bệnh lý không thể phẫu thuật

Chuẩn bị

Người thực hiện: 

Một phẫu thuật viên chính và hai phẫu thuật viên phụ

Người bệnh: 

Được hoàn chỉnh xét nghiệm trước mổ, bệnh có chỉ định mổ phù hợp, được nghe giải thích và đồng ý với phương pháp mổ + các biến chứng, rủi ro có thể xảy ra trước, trong và sau mổ. 

Được khám gây mê trước mổ đảm bảo đủ sức khỏe để mổ.

Phương tiện:

Hệ thống C-arm trong mổ, trang thiết bị phẫu thuật cột sống thắt lưng lối sau, vật tư tiêu hao trong mổ (bộ dụng cụ bắt vít cột sống thắt lưng ít xâm lấn, nẹp, ốc, vít, thanh dọc, thanh ngang…)

Các bước tiến hành

Tư thế:

Người bệnh nằm sấp trên bàn mổ cột sống, được độn phía dưới 2 gai chậu và 2 vai bằng các miếng độn chuyên dụng, đảm bảo bụng tự do.

Vô cảm:

 Mê nội khí quản

Kỹ thuật:

Người bệnh được chụp C-arm để xác định vị trí các mốc giải phẫu cơ bản vùng cột sống thắt lưng.

Đánh dấu các vị trí tương ứng giải phẫu đốt sống thắt lưng trên da. Rạch da đường bên theo vị trí đánh dấu.

Đặt kim dẫn đường dưới sự hướng dẫn C-arm ở hai bình diện trên-dưới và bên qua cuống vào thân đốt sống

Sau đó tiến hành doa theo kim dẫn đường và bắt vít qua da theo đường doa. 

Kiểm tra trên C-arm vị trí vít bắt 2 bình diện: trên – dưới và bên ngay trong mổ để khẳng định vị trí vít tốt.

Đặt thanh dọc, ốc khóa trong và siết ốc bằng bộ dụng cụ hỗ trợ ít xâm lấn.

Dẫn lưu, cố định dẫn lưu.

Khâu phục hồi vết mổ.

Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi:

Người bệnh cần nằm bất động trong 1-2 ngày đầu.

Sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau, giãn cơ, chống phù nề, bảo vệ dạ dày, truyền dịch.

Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng cơ bản và đánh giá mức độ cải thiện TCLS của người bệnh so với trước mổ để điều chỉnh phác đồ điều trị.

Thay băng vết mổ cách ngày, rút thông tiểu trong vòng 24h sau mổ, rút dẫn lưu 48h sau mổ.

Hướng dẫn người bệnh cách vận động trên giường ngay sau mổ, chưa đi lại trong 1 tháng đầu sau mổ nếu với các trường hợp chấn thương cột sống.

Chụp X quang kiểm tra sau mổ 24h đánh giá mức độ nắn chỉnh cột sống và vị trí của vít trong người bệnh.

Xét nghiệm công thức, sinh hóa máu đánh giá tình trạng phục hồi sau mổ. – Mặc áo nẹp cố định cột sống thắt lưng

Xử trí tai biến:

Theo dõi các chỉ số huyết động trong mổ, mức độ mất máu, độ chính xác của vít khi bắt trên C-arm để điều chỉnh phù hợp.

Theo dõi các biến chứng sau mổ: chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh thứ phát sau mổ để sớm có điều chỉnh phác đồ điều trị nội khoa, đánh giá mức độ tổn thương thực thể để thậm chí can thiệp phẫu thuật lại nếu cần thiết…