Đại cương
Các khối u của thành ngực là u của tổ chức liên kết có thể lành tính hoặc sarcom (không bao gồm u của màng phổi):
U của tổ chức phần mềm thành ngực: u xơ thần kinh, u xơ fibroma, u cơ, u mỡ, u máu, u bạch huyết…
U của xương, sụn sườn
Lâm sàng: thường không có triệu chứng, khi u to nổi gồ lên thành ngực người bệnh mới đến khám.
Phẫu thuật bóc u thành ngực là lấy bỏ khối u phần mềm, thành ngực.
Chỉ định
Tất cả các u thành ngực đều có chỉ định phẫu thuật
Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối, cân nhắc khi:
Người bệnh già yếu, suy kiệt không chịu đựng được phẫu thuật
Nhiều bệnh phối hợp gây nguy cơ cao, COPD, cao huyết áp, suy tim nặng, lao phổi tiến triển, tai biến mạch não.
Các chống chỉ định của ngoại khoa như rối loạn chức năng đông máu giảm, người bệnh đang có viêm cấp, sốt cao…
Chuẩn bị
Người thực hiện
Phẫu thuật viên chuyên khoa lồng ngực: 1 phẫu thuật viên chính và 2 Bác sĩ phụ mổ.
Bác sĩ gây mê hồi sức được đào tạo chuyên khoa
Phương tiện
Cơ sở ngoại khoa được trang bị đầy đủ, monitor theo dõi huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch, bão hòa ô xy, nhịp thở, điện tim… Dụng cụ: bộ dụng cụ của phẫu thuật chung bao gồm
Các kẹp phẫu tích loại có mấu và không mấu, 3- 5 chiếc
Kéo phẫu tích loại cong, đầu tù 1 chiếc, đầu nhọn 1 chiếc
Các loại pince kẹp có mấu và không mấu
Hartmann 2 chiếc, Farabeuf 2 để kéo mép cơ, vết mổ
Banh vết mổ tự động loại Beckmann: 1 chiếc
Các loại chỉ khâu đơn sợi hoặc chỉ dệt với các số 2.0- 3.0- 4.0
Các vật liệu cầm máu như Gelaspon, Surgicel, Spongel
Dẫn lưu phổi silicon số 30F nếu có rách màng phổi
Bàn mổ, dao điện, máy hút, hệ thống đèn chiếu sáng đủ tiêu chuẩn
Người bệnh
Được giải thích kỹ để họ yên tâm hợp tác trong quá trình điều trị
Vệ sinh sạch sẽ toàn thân đặc biệt là vùng ngực, cạo lông nách
Phẫu thuật viên thăm khám toàn diện về lâm sàng, cận lâm sàng đánh giá toàn trạng chung của người bệnh.
Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án đầy đủ theo qui định chung của Bộ Y tế
Các bước tiến hành
Vô cảm
Gây mê nội khí quản
Các thuốc chuyên khoa tim mạch, hô hấp, giãn phế quản…
Tư thế người bệnh
Tư thế nằm nghiêng, ngửa hoặc sấp tùy thuộc vị trí khối u
Đường mở
Mở trực tiếp vào tổn thương sao cho tiếp cận khối u thuận lợi nhất, cắt ít cơ nhất nếu có thể.
Kỹ thuật mổ
Vào tổn thương dùng Beckmann banh rộng vết mổ, phẫu tích bộc lộ, cô lập khối u thắt hoặc đốt các mạch nuôi dưỡng, lấy bỏ toàn bộ khối u.
Với khối u lành tính, có thể bóc u trong vỏ hoặc ngoài vỏ. Khối u ác tính nhất thiết phải cắt rộng rãi khối u đảm bảo lấy hết tổn thương cả về đại thể và vi thể (diện cắt R0).
Cầm máu kỹ, lau rửa, khâu phục hồi vết mổ từ dưới lên lấy kín đáy, nếu tổn thương rộng cần thiết phải đặt 1 dẫn lưu tại vết mổ. Trong trường hợp có rách màng phổi thì phải đặt dẫn lưu và hút liên tục áp lực -20cmH2O.
Theo dõi
Người bệnh ngay sau mổ cần phải được theo d i sát nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, bão hòa ô xy liên tục qua Monitor.
Theo dõi số lượng dịch, tính chất dịch qua sonde dẫn lưu
Chụp Xquang ngực sau phẫu thuật 24 giờ
Theo dõi xa: người bệnh cần được khám định kỳ sau phẫu thuật 3- 6 tháng
Xử trí tai biến
Chảy máu, hematom phải mổ lại
Nhiễm trùng vết mổ: cần thay băng rửa ngày 2 lần, làm kháng sinh đồ