Định nghĩa
Cắt dịch kính trong các bệnh dịch kính võng mạc là phẫu thuật loại bỏ dịch kính bị đục gây giảm thị lực hoặc các tổn thương dịch kính – võng mạc gây các nguy cơ như xuất huyết, bong võng mạc…
Chỉ định
Đục dịch kính gây giảm thị lực.
Bệnh võng mạc tăng sinh.
Cắt dịch kính trong bệnh võng mạc đái tháo đường.
Trong một số trường hợp chấn thương mắt.
Một số biến chứng của phẫu thuật thủy tinh.
Viêm nội nhãn.
Màng trước võng mạc và lỗ hoàng điểm.
Co kéo dịch kính lên gai thị và hoàng điểm.
Chống chỉ định
Tuyệt đối
Mất chức năng thị giác, teo nhãn cầu.
Glôcôm tân mạch.
Tương đối
Bệnh lý toàn thân nặng (cao huyết áp, bệnh lý tim mạch).
Trẻ em quá nhỏ hoặc người quá già yếu.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Phẫu thuật viên chuyên khoa Mắt nắm vững kỹ thuật cắt dịch kính.
Phương tiện
Máy cắt dịch kính và các phụ kiện kèm theo.
Người bệnh
Được khám và đánh giá đầy đủ tình trạng mắt và toàn thân.
Được tư vấn trước phẫu thuật.
Hồ sơ bệnh án
Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, hội chẩn theo quy định.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra người bệnh
Chuẩn bị người bệnh ngay trước phẫu thuật
Hạ nhãn áp: uống thuốc trước phẫu thuật 1 giờ: acetazolamid 0,25g x 2 viên.
Tra mắt thuốc co đồng tử trước phẫu thuật 1 giờ.
Phòng nhiễm trùng mắt: tra thuốc kháng sinh, betadin 5% trước phẫu thuật.
Thực hiện kỹ thuật
Vô cảm
Trẻ em: gây mê.
Người lớn: gây tê tại chỗ hoặc gây mê.
Kỹ thuật
Sát trùng mắt bằng dung dịch betadin 5%.
Cố định mi bằng vành mi.
Mở kết mạc sát rìa (có thể toàn bộ chu vi).
Đo bằng compa và mở vào nhãn cầu 3 đường qua Pars plana (cách rìa 3, 5mm với người còn thể thủy tinh; 3mm với người đã phẫu thuật lấy thể thủy tinh hoặc đặt thể thủy tinh nhân tạo).
Cố định bằng kim truyền dịch.
Đặt đầu cắt dịch và đèn nội nhãn hoặc camera nội nhãn (trực tiếp qua lỗ mở thành nhãn cầu hoặc qua troca với dụng cụ phẫu thuật 23 hoặc 25G).
Cắt dịch kính từ trung tâm ra chu biên, từ vùng đục ít ra vùng đục nhiều, từ vùng không rách /bong võng mạc ra vùng có rách /bong võng mạc, cắt sạch dịch kính quanh các mép vết rách võng mạc.
Bóc và cắt màng trước võng mạc, cắt các dải tăng sinh trên bề mặt võng mạc hoặc dưới võng mạc, giải phóng võng mạc.
Có thể tiến hành điện đông, laser nội nhãn trong quá trình cắt dịch kính.
Trao đổi khí – dịch, dẫn lưu dịch dưới võng mạc:
+ Khí được bơm từ máy cắt dịch kính qua đường truyền dịch.
+ Dịch trong buồng dịch kính được hút chủ động bằng lực hút của máy cắt dịch kính hoặc thụ động bằng cách đặt đầu hút mềm trước gai thị.
+ Dịch dưới võng mạc được dẫn lưu qua vết rách võng mạc.
Laser vết rách võng mạc (hoặc lạnh đông).
Bơm vào dịch kính một trong các chất: không khí, khí nở (SF6, C2F6, C3F8), dầu silicon nội nhãn.
Đóng các vết mở nhãn cầu (không khâu trong trường hợp dung troca với dụng cụ 23, 25G).
Tiêm kháng sinh kết hợp chống viêm cạnh nhãn cầu hoặc dưới kết mạc.
Tra thuốc, băng mắt.
Theo dõi
Băng kín hai mắt chỉ áp dụng cho ngày đầu, thay băng thứ nhất băng kín một mắt.
Các tư thế sau mổ được chỉ định tùy trường hợp.
Kháng sinh mạnh và chống viêm (tại chỗ và toàn thân).
Ra viện tùy trường hợp, thường sau 3 – 7 ngày.
Biến chứng và xử trí
Biến chứng trong phẫu thuật
Bong hắc mạc hoặc bong võng; Xuất huyết dịch kính – võng mạc; Bong hắc mạc do áp lực buồng nội nhãn quá thấp; Bong võng mạc; Chạm võng mạc gây rách võng mạc; Chạm thủy tinh thể: thường do đầu dụng cụ chạm vào thủy tinh thể gây đục thủy tinh thể khu trú; Xuất huyết tống khứ.
Cần tìm nguyên nhân để xử lý.
Biến chứng sau phẫu thuật
Phù giác mạc; Xuất huyết nội nhãn; Bong võng mạc; Đục thủy tinh thể; Tăng nhãn áp; Hình thành màng fibrin bít diện đồng tử hoặc các màng trước võng mạc; Viêm nội nhãn; Nhãn viêm đồng cảm; Hạ nhãn áp; Phù hoàng điểm dạng nang; Teo nhãn cầu.