Đại cương
Ung thư lưỡi là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi.
Ở hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân bệnh sinh, tuy nhiên người ta thấy rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm: hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tình trạng vệ sinh răng miệng, nhiễm vi sinh vật…
Giải phẫu: Lưỡi nằm trong ổ miệng gồm có hai mặt (trên và dưới), hai bờ (phải, trái), một đầu nhọn phía trước và một đáy ở phía sau tương đối cố định.
Phần lưỡi di động được giới hạn ở phía sau bởi các trụ trước của Amygdal và vùng V lưỡi, ở phía bên và phía trước bởi sàn miệng mà nó được tách biệt ra bởi rãnh lưỡi.
Bạch huyết: Tuần hoàn bạch huyết của lưỡi rất phong phú, có nhiều vòng nối giữa mạng lưới dưới niêm mạc với mạng lưới trong cơ và hai bên lưỡi. Cũng vì vậy mà ung thư lưỡi có khả năng di căn hạch đối bên
Chỉ định
Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy của lưỡi (T1,T2,T3).
T1: cắt một phần lưỡi hoặc cắt ½ đảm bảo diện cắt cách rìa u >1cm. Nếu có điều kiện làm sinh thiết tức thì diện cắt + nạo hạch cổ chọn lọc.
T2, T3: phẫu thuật cắt lưỡi bán phần + vét hạch cổ chọn lọc hoặc tận gốc.
Chống chỉ định
Người bệnh quá già yếu, mắc các bệnh mạn tính như lao phổi, suy tim, suy thận…
Bướu xâm nhiễm tới chừng giữa
Chuẩn bị
Người thực hiện
Phẫu thuật viên chuyên khoa ung thư đầu cổ, có kinh nghiệm, kiến thức về giải phẫu vùng đầu cổ.
Cần 2 phụ mổ có kinh nghiệm.
Phương tiện
Bộ mở miệng, máy hút, farabeuf, kẹp hình tim, kẹp phẫu tích có mấu và không mấu, kéo phẫu thuật, dao mổ, dao điện, kìm mang kim, chỉ tiêu, pince phẫu thuật, meche va gạc phẫu thuật.
Phương tiện vô cảm: bộ nội khí quản.
chuẩn bị trước mổ
Ký giấy mổ, giải thích về bệnh, tiên lượng bệnh, các biến chứng có thể xảy ra.
Đánh giá cận lâm sàng.
Nội soi tai mũi họng để loại trừ các khối u đường tiêu hóa, hô hấp trên.
Vệ sinh răng miệng.
Các bước tiến hành
Vô cảm:
Bằng gây mê nội khí quản đường mũi.
Tư thế người bệnh
Người bệnh nằm ngửa, đầu đặt vững trên gối.
Đặt sonde dạ dày.
Kỹ thuật
Phẫu thuật viên chính đứng phía bên mổ u lưỡi, phụ mổ số 1 đứng bên đối diện, phụ mổ số 2 đứng phía trên đầu.
Sát trùng sạch khoang miệng bằng Betadine, sát trùng quanh miệng và vùng cổ vét hạch (nếu có vét hạch).
Mở miệng người bệnh bằng bộ mở miệng.
Làm sạch khoang miệng bằng máy hút.
Dùng kẹp mềm hoặc khâu chỉ lụa 2.0 vào đầu lưỡi bên lành, kéo lưỡi ra phía ngoài.
Đặt 1 meche vùng họng tránh dịch và máu trong lúc phẫu thuật chảy vào vùng hầu họng.
Dùng Farabeuf kéo mép và niêm mạc má bên u để bộc lộ rõ khối u.
Sau khi quan sát đầy đủ tổn thương Phẫu thuật viên chính rạch đường cắt xung quanh tổn thương. Rìa niêm mạc nên đạt được ít nhất là 1 cm. Có thể cắt bằng dao điện, dao cắt lạnh, vết cắt kéo xuống qua niêm mạc và cơ lưỡi, đường cắt từ phần đầu lưỡi xuống phần V lưỡi (theo hướng trước – sau), cắt mặt trên lưỡi trước, mặt dưới sau, (chú ý không cắt hãm lưỡi). Điều quan trọng là cắt bỏ tổn thương thành một khối.
Phụ mổ số 1 dùng kẹp phẫu tích hỗ trợ phẫu thuật viên cắt lưỡi và cầm máu, phụ mổ số 2 một tay kéo Farabeuf, tay còn lại cầm đầu hút hỗ trợ làm sạch đường mổ. Lưu ý trong thì này tránh để dụng cụ phẫu thuật chạm vào khối u, đây là 1 nguyên tắc trong phẫu thuật ung thư, đảm bảo diện cắt rộng, không còn tổ chức ung thư.
Phẫu thuật viên cầm máu kỹ bằng dao điện hoặc buộc bằng chỉ nếu cần thiết.
Tháo bỏ kẹp hình tim đầu lưỡi
Khâu diện cắt lưỡi bằng chỉ tiêu (thường dùng chỉ Vicryl 3.0 hoặc 2.0 tùy theo phẫu thuật viên). Chú ý mũi khâu phải đảm bảo lấy hết phần đáy của diện cắt để tránh đọng dịch và tránh chảy máu sau mổ, mũi khâu đảm bảo hai phần niêm mạc khép kín lại thì vết mổ sẽ tốt hơn. Có thể khâu theo các lớp, với các lớp sâu được khâu bằng chỉ vicryl 3.0 và lớp niêm mạc lưỡi được khâu bằng chỉ vicryl 4.0.
Rửa sạch lại khoang miệng bằng dung dịch NaCl 0,9 pha với dung dịch Betadine.
Kiểm tra lại khoang miệng nếu có răng bị mẻ, hỏng thì nhổ đi.
Rút bỏ meche đặt vùng họng, dùng máy hút làm sạch lại khoang miệng.
Đặt lại 1 meche vào vị trí cắt lưỡi, rút meche khi người bệnh tỉnh.
Cố định lại sonde dạ dày. Người bệnh ăn qua sonde khoảng 2 đến 7 ngày sau mổ thì rút bỏ sonde.
Hậu phẫu
Sau mổ người bệnh điều trị thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau.
Theo dõi tai biến và xử trí
Biến chứng chảy máu
Xử trí:tùy theo tình trạng chảy máu và số lượng chảy nhiều hay ít, có thể đặt meche tại chỗ hoặc mổ lại để cầm máu.
Biến chứng khó thở:
Do chảy máu, phù nề vùng lưỡi sau mổ.
Xử trí: trường hợp khó thở do phù nề nhiều do tụ máu cân nhắc nên mở khí quản trước sau đó mổ lại cầm máu.
Biến chứng nhiễm trùng
Xử trí: vệ sinh tại chỗ tốt bằng dung dịch sát khuẩn khoang miệng, điều trị kháng sinh, chống viêm toàn thân theo kháng sinh đồ.