Đại cương
Chấn thương xoang trán gồm 2 loại:
Chấn thương kín.
Chấn thương hở.
Chấn thương xoang trán có thể kèm theo tổn thương não, màng não và trong một số trường hợp cần phối hợp với phẫu thuật thần kinh.
Chỉ định
Vỡ xoang trán hở
Vỡ nát hoặc lún thành trước xoang trán.
Vỡ lún thành sau của xoang trán.
Vỡ xoang trán có chảy nước não tủy.
Chống chỉ định
Những trường hợp vỡ xoang trán kèm theo rách màng não, tổn thương nhu mô não hoặc nghi ngờ có tụ máu trong sọ không nằm trong chỉ định phẫu thuật này.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng có kinh nghiệm phẫu thuật xoang.
Phương tiện
Dụng cụ phẫu thuật xoang trán qua đường ngoài.
Khoan điện và mũi khoan các cỡ.
Chỉ thép không gỉ, nẹp vít kết hợp xương.
Thuốc: kháng sinh liều cao, loại ngấm qua màng não đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch để ngăn ngừa tai biến tại não và màng não.
Người bệnh
Người bệnh và gia đình được giải thích những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật như chảy máu, rách màng não, tụ máu trong sọ, viêm màng não.
Người bệnh được cạo sạch lông mày bên xoang trán mổ hoặc cạo sạch tóc thành một vệt rộng 3 cm song song với đường chân tóc trước (nếu vỡ xoang trán cả hai bên).
Hồ sơ bệnh án
Nêu rõ các triệu chứng cơ năng và thực thể xuất hiện sau chấn thương, đặc biệt cần khai thác kỹ khoảng tỉnh, hội chứng màng não, chảy máu mũi, chảy dịch não tủy sau chấn thương.
Hình ảnh điện quang cần có:
Phim sọ nghiêng, Blondeau, Hirtz.
Tốt nhất là có phim CT scan lát cắt đứng ngang và lát cắt ngang (coronal và axial) qua xoang trán.
Xét nghiệm dịch mũi (albumin, đường) nếu nghi ngờ chảy dịch não tủy.
Các xét nghiệm tiền phẫu cần thiết.
Các bước tiến hành
Vô cảm
Gây mê toàn thân.
Kỹ thuật
Đường rạch phần mềm: nếu chấn thương hở thì sử dụng đường qua vết thương có thể mở rộng. Với chấn thương kín có thể sử dụng hai đường rạch da khác nhau tuỳ theo thương tổn xoang trán khu trú hay lan rộng cả hai bên xoang trán:
Đường rạch da kinh điển: như trong phẫu thuật xoang trán qua đường ngoài (từ rễ mũi đến giữa cung mày).
Đường rạch Unterberger: đường liên thái dương (từ phần trước trên vành tai này sang tai kia đi qua vòm đỉnh trán, sau đường chân tóc trước 3 cm).
Lóc màng xương: bộc lộ khớp mũi trán và mặt trước xoang.
Khoan xương: thì này tuỳ thuộc kiểu vỡ xoang trán.
Gẫy lún thành trước xoang trán:
Lấy những mảnh xương ở mặt trước xoang trán và ngâm bảo quản trong nước muối sinh lý.
Có thể khoan mở rộng xoang trán nếu cửa mở vào xoang trán quá hẹp. Khoan theo một hình thang được đánh dấu dựa trên hình dạng xoang trán trên phim (mảnh xương cũng được bảo quản trong nước muối sinh lý).
Rửa sạch lòng xoang trán: hút sạch những mảnh vụn xương, khối máu tụ.
Đặt ống dẫn lưu mũi trán.
Nếu có kết hợp vỡ xương sàng thì đường dẫn lưu mũi trán có thể được bổ sung bằng phẫu thuật nạo sàng qua đường mũi.
Đặt lại mảnh xương vào mặt trước xoang trán, khâu kết hợp xương bằng chỉ thép hoặc nẹp vít.
Vỡ vụn thành trước xoang trán: lấy mảnh xương vụn bỏ đi, trong trường hợp không thể thực hiện kết hợp xương ta có thể áp dụng kỹ thuật loại trừ xoang trán:
Các thì phẫu thuật phần mềm như trên.
Mở vào xoang trán.
Rửa sạch xoang và lấy hết niêm mạc xoang
Bít lấp ống mũi trán bằng xương xốp (lấy từ xương chậu).
Có thể lấp thêm cân cơ hoặc tổ chức mỡ vào xoang với những xoang lớn. Phương pháp xóa xoang trán thường do Ngoại Thần kinh thực hiện sẽ có khả năng biến chứng u nhầy do không lấy hết niêm mạc và không dẫn lưu được xoang trán. Do đó, nên hạn chế phương pháp này.
Vỡ thành sau xoang trán: nếu có rách màng não chảy nước não tủy: khâu màng não, có thể lấy hết màng não trong xoang trán, ngách mũi trán, sau đó bít lấp xoang trán bằng cân cơ và mỡ tự thân.
Khâu màng xương, khâu cân cơ và da (nên khâu da bằng đường thẩm mỹ).
Theo dõi xử trí tai biến
Trong phẫu thuật
Tránh làm tổn thương thành sau xoang trán khi mở rộng ống thông mũi trán.
Sau phẫu thuật
Chảy máu mũi hoặc dịch não tủy.
Theo dõi các triệu chứng màng não.
Theo dõi và rửa ống thông mũi trán.
Thời gian rút ống mũi trán sau khoảng 2 – 3 tháng.