Nội dung

Phẫu thuật nhiễm trùng bàn tay

           

PHẪU THUẬT NHIỄM TRÙNG BÀN TAY

 

Đại cương

Nhiễm khuẩn bàn tay là những nhiễm trùng các tổ chức cấu tạo nên bàn và ngón tay, thường gây những biến chứng nặng, diễn biến nặng nề và gây tàn phế. 

Chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời. 

Chỉ định

Viêm tấy bàn tay đã hóa mủ. 

Chống chỉ định

Viêm tấy đang lan tỏa, chưa hóa mủ. 

Chuẩn bị

Người thực hiện:

Phẫu thuật viên phải hiểu và nắm được những nguyên tắc cơ bản của phẫu thuật bàn tay.  

Phương tiện:

Bộ dụng cụ phẫu thuật bàn tay chuyên dụng và kim chỉ khâu chuyên dụng.  

Người bệnh:

Chuẩn bị tâm lý, hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính.

Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 phút

Các bước tiến hành

Tư thế:

Người bệnh nằm ngữa, tùy vào tổn thương để bàn tay sấp hay ngửa.

Vô cảm:

Tê tại chỗ, tê đám rối hoặc mê khí quản

Kỹ thuật:

Sát trùng rộng rãi. 

Ga rô gốc chi, không dồn máu. 

Chín mé: Rạch hai bên ngón, mở hết các khoang, cắt hết các vách xơ, cắt lọc tổ chức hoại tử và làm sạch, dẫn lưu bằng gạc, để da hở. 

Viêm mủ quanh móng: Rạch tháo mủ, cắt bỏ tổ chức phần mềm phủ lên gốc móng, có thể cắt một phần móng để dẫn lưu mủ. 

Viêm tấy sâu kẽ ngón: Rạch dọc hai đường phía trước và phía sau thông nhau để dẫn lưu mủ. 

Áp xe khoang giữa bàn tay: Rạch da theo nếp gấp của gan tay, dẫn lưu mủ theo khoang. 

Viêm khoang mô cái: Rạch tháo mủ bằng hai đường thông nhau, một ở gan tay và một ở mu tay. 

Viêm mủ bao hoạt dịch gân gấp ngón 2, 3, 4: Rạch tháo mủ theo trục của ngón, đường rạch hơi lệch ra sau để tránh mạch máu và thần kinh, rạch theo đường thẳng hay đường zich- zắc, đường rạch các ngón 2, 3, 4 ở phía bờ trụ, đường rạch ngón 1, 5 ở phía bờ quay. Đường rạch da là đường rạch liên tục, đường rạch bao hoạt dịch là đường rạch gián đoạn, để lại các dây chằng vòng, cắt lọc bao gân và bao hoạt dịch bị viêm, để da hở. 

Viêm mủ bao hoạt dịch gân gấp ngón 1 và bao hoạt dịch quay: Rạch mở bao gân ở cổ tay và nếp ô mô cái. 

Viêm mủ bao hoạt dịch gân gấp ngón 5 và bao hoạt dịch trụ: Rạch mở bao gân ở cổ tay và nếp ô mô út, phía bờ quay. 

Cầm máu kỹ, để da hở để dẫn lưu mủ. 

Bất động nẹp bột sau phẫu thuật 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi:

Theo dõi toàn trạng và các dấu hiệu sinh tồn, tình trạng tại chỗ vết mổ. 

Kháng sinh liều cao phổ rộng khi chưa có kháng sinh đồ.

Khâu da thì 2 khi hết tình trạng nhiễm trùng.

Xử trí tai biến:

Nhiễm trùng nông: Thay băng hàng ngày, lặn dịch vết mổ.

Nhiễm trùng sâu: Thay băng hàng ngày, tách chỉ vết mổ, nuôi cấy dịch vi khuẩn, thay kháng sinh khi có kháng sinh đồ.

Hoại tử da và tổ chức phần mềm: Cắt lọc tổ chức hoại tử.

Nhiễm khuẩn huyết: Xét cắt cụt khi không còn khả năng bảo tồn chi thể.