Đại cương
Là phẫu thuật cấp cứu.
Viêm tai giữa xương chũm hồi viêm thường gây biến chứng viêm tắc tĩnh mạch bên. Biến chứng này có thể gây nhiễm khuẩn các nơi khác và nhiễm khuẩn huyết.
Kỹ thuật này nhằm mục đích giải quyết bệnh tích viêm ở xương chũm và tĩnh mạch bên.
Chỉ định
Viêm tai xương chũm cấp tính hoặc tiền sử viêm tai xương chũm mãn có đợt hồi viêm, triệu chứng viêm hoặc viêm tắc tĩnh mạch bên.
Chống chỉ định
Không có.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng, có kinh nghiệm.
Phương tiện
Bộ dụng cụ phẫu thuật xương chũm, khoan điện. Nếu có kính hiển vi phẫu thuật hoặc đèn phẫu thuật có khuếch đại càng tốt.
Kháng sinh liều cao, đường tiêm hoặc truyền có tác dụng nhanh và mạnh.
Người bệnh
Được giải thích tính chất cấp cứu của kỹ thuật và những tai biến có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật như liệt mặt, nghe kém, chảy máu.
Cắt tóc rộng ra sau và trên vành tai, cách vành tai khoảng 5 cm.
Hồ sơ bệnh án
Nêu rõ các triệu chứng cơ năng, thực thể về tai, mũi, họng và đặc biệt các triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân, viêm nhiễm phổi, cơn sốt rét run; cần có phim phổi, Schuller.
Các xét nghiệm cần thiết
CT scan xương đá.
Các bước tiến hành
Tiến hành phẫu thuật tiệt căn xương chũm cải tiến (xem trình bày về hai kỹ thuật trên).
Rạch thêm một đường ở phía tĩnh mạch bên dài khoảng 3 cm, vuông góc với đường rạch sau tai, bộc lộ rộng xương chũm ra phía sau.
Dùng khoan lấy bỏ toàn bộ nhóm tế bào chũm vùng tĩnh mạch bên bằng mũi khoan phá. Dùng khoan kim cương mài mỏng vỏ xương, rồi dùng dụng cụ bóc tách để mở phần vỏ mỏng, bộc lộ tĩnh mạch.
Quan sát màu sắc, hình thái của thân tĩnh mạch bên, có thể dùng bơm tiêm, kim tiêm nhỏ thăm dò tĩnh mạch. Đánh giá mức độ tổn thương để có giải pháp xử trí thích hợp như chỉ bộc lộ tĩnh mạch bên đến đoạn lành hoặc phải nạo vét tổ chức viêm trong lòng tĩnh mạch, hoặc phải xử trí thắt tĩnh mạch cảnh trong.
Rửa sạch hốc mổ, dùng mảnh cân cơ thái dương phủ lên đoạn tĩnh mạch đã bộc lộ.
Trong trường hợp bệnh tích viêm lớn nên để 1 hốc mổ hở trong một tuần để điều trị kháng sinh tại chỗ, và đóng lại sau một tuần khi mọi dấu hiệu nhiễm khuẩn đã lùi.
Theo dõi và xử trí tai biến
Trong phẫu thuật: có thể chảy máu tĩnh mạch thoát là nhánh của tĩnh mạch bên thường vươn ra ngoài vỏ xương của tĩnh mạch bên. Cầm máu tại chỗ bằng gelaspon hoặc dùng đông điện lưỡng cực đốt, tránh những dụng cụ sắc nhọn gây tổn thương thân tĩnh mạch bên.
Rách tĩnh mạch bên: vừa hút máu vừa dùng miếng gelaspon ép chặt vào chỗ rách sau đó chèn bấc ở phía ngoài.
Sau phẫu thuật: theo dõi nhiễm khuẩn toàn thân và phổi. Một số có trường hợp chảy máu tại chỗ thì dùng bấc hoặc gelaspon; Trường hợp chảy máu lớn thì ít khi xảy ra, nếu có phải mở lại để thắt mạch máu.