Nội dung

Phẫu thuật thay khớp gối bán phần

PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI BÁN PHẦN

 

Đại cương

Là phẫu thuật thay một phần mặt khớp gối (diện tiếp khớp lồi cầu – mâm chày trong; diện tiếp khớp lồi cầu – mâm chày ngoài; diện tiếp khớp xương lồi cầu đùi – bánh chè; tạo hình mặt khớp xương bánh chè) bằng khớp nhân tạo.

Nhiều bệnh lý làm hỏng diện sụn mặt khớp gối ở ba phần chính: diện sụn khoang trong, khoang ngoài và khớp lồi cầu bánh chè, phẫu thuật này nhằm giảm đau, phục hồi chức năng gấp duỗi gối và khả năng đi lại cho người bệnh. 

Chỉ định

Viêm khớp, thoái hóa khớp gây đau nhiều một trong ba phần chính của khớp gối khi vận động ảnh hưởng đến sinh hoạt và đã điều trị nội khoa thất bại.

Bệnh lý hoại tử vô khuẩn xương khớp gây hỏng một phần sụn khớp dẫn đến đau và mất chức năng khớp gối.

Thoái hóa khớp gối hoặc biến dạng một trong ba phần chính của khớp sau chấn thương khi hệ thống duỗi gối còn tốt. 

Chống chỉ định

Nhiễm trùng đang tiến triển.

Hạn chế vận động gối : hạn chế duỗi >15 độ, biên độ vận động khớp 10 độ với khớp gối vẹo trong và >5 độ với khớp vẹo ngoài.

Hỏng hoặc mất sụn khớp ở hai trong ba phần chính của khớp gối.

Cấp máu cho vùng gối và chi dưới kém.

Chuẩn bị

Người thực hiện:

Phẫu thuật viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã được đào tạo về thay khớp gối.

2 PTV phụ mổ.

Người bệnh: 

Chuẩn bị tâm lý, cần được giải thích trước mổ về quá trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ. Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm cần thiết.

Chuẩn bị người bệnh trước mổ: Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng mổ, kháng sinh dự phòng, dự trù máu.

Phương tiện, trang thiết bị:

Bộ dụng cụ mổ thay khớp gối.

Bộ dụng cụ mổ chấn thương chung.

Thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình có trang thiết bị hồi sức tốt.

Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60phút

Các bước tiến hành

Tư thế:

 Người bệnh nằm ngửa.

Vô cảm:

Người bệnh được dùng kháng sinh dự phòng.

Vô cảm người bệnh bằng gây tê tủy sống hoặc gây mê.

Kỹ thuật:

Bước 1: Sát khuẩn vùng mổ bằng dung dịch Betadine hoặc cồn 70 độ.

Dùng garo hơi trong mổ với áp lực 350-400 mmHg.

Bước 2: Rạch da đường bên trong khớp gối với thay khớp gối bán phần khoang trong, đường bên ngoài với thay khớp gối bán phần khoang ngoài và đường giữa với thay khớp bánh chè – lồi cầu đùi.

Rạch cân và dây chằng bánh chè để vào khớp gối.

Bước 3: Giải phóng và cân bằng phần mềm khớp.

Bước 4: Lắp hệ thống định vị và cắt diện khớp mâm chày,lồi cầu đùi hoặc xương bánh chè với độ dày tùy theo thương tổn mặt khớp.

Lắp bộ khớp thử kiểm tra độ vững và trục chi.

Bước 5:Đặt khớp nhân tạo, cố định vào hệ thống xương. 

Bước 6: Cầm máu, làm sạch khớp và đặt dẫn lưu.

Bước 7: Đóng cân và dây chằng bên trong, bên ngoài bánh chè theo giải phẫu.

Đóng da hai lớp (dưới da và khâu da). 

Theo dõi và điều trị sau mổ

Theo dõi

Theo dõi tình trạng toàn thân : mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tri giác.

Theo dõi tình trạng thiếu máu : da niêm mạc nhợt.

Theo dõi tình trạng chi thể : Màu sắc da, vận động, cảm giác đầu chi, mạch đầu chi.

Hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau mổ.

Kháng sinh đường tiêm dùng 5-7 ngày sau mổ.

Giảm đau sau mổ đường tiêm hoặc uống.  

Dùng thuốc chống đông sau mổ.

Tai biến và xử trí

Chảy máu vết mổ: Băng chun ép cầm máu, có thể phải mở vết mổ cầm máu nếu cần.  

Nhiễm trùng vết mổ: Tách chỉ vết mổ, thay băng làm sạch vết mổ hàng ngày, dùng thuốc theo kháng sinh đồ.

Tai biến do xi măng trong mổ: Là tai biến nặng cần phải có sự chuẩn bị về hồi sức trước khi dùng xi măng, dùng các thuốc vận mạch để chống sốc và tụt huyết áp trong mổ.