Đặt vấn đề
Môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khoẻ của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Sự tác động của môi trường có thể theo hai chiều hướng: có hại cho sức khoẻ và không có hại cho sức khoẻ, hoặc cũng có thể vừa có hại vừa không có hại. Quản lý môi trường mà chúng ta sẽ đề cập tới trong bài này là quản lý các yếu tố nguy cơ môi trường có hại cho sức khoẻ. Về danh từ “quản lý” ở đây được sử dụng với nghĩa xác định mức độ của nguy cơ và nếu xác định nguy cơ đó là cần thiết phải phòng chống thì đề ra các giải pháp để phòng chống các tác hại từ ô nhiễm môi trường, quá trình quản lý nguy cơ bao gồm các bước chính sau:
Lượng hoá mức độ ô nhiễm.
Nhận thức và chuyển tải các thông tin về tình trạng ô nhiễm.
Dự phòng và kiểm soát tình trạng tiếp xúc quá mức.
Theo dõi và giám sát các nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Quản lý nguy cơ là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều bên liên quan ngay từ bước xác định vấn đề và lựa chọn nguy cơ ưu tiên cần phải giải quyết. Quản lý nguy cơ môi trường khác với các dạng quản lý nguy cơ khác như quản lý nguy cơ tài chính, quản lý nguy cơ của một doanh nghiệp v. v. do nó mang đầy đủ các đặc điểm phản ánh bản chất phức tạp của môi trường.
Một ví dụ để chứng minh tính phức tạp trong việc xác định các nguy cơ từ môi trường là ngộ độc chì. Một người trưởng thành được chẩn đoán là có các triệu chứng của nhiễm chì thì sự thâm nhiễm có thể từ rất nhiều nguồn và khó xác định đâu là nguồn chính. Các nguồn có thể là chì do khí xả động cơ của các phương tiện giao thông sử dụng xăng pha chì, có thể trong nguồn thức ăn có nhiễm chì, nguồn nước sử dụng nhiễm chì hoặc thậm chí anh ta lao động trong một môi trường phơi nhiễm với chì hoặc nồng độ chì trong máu của anh ta là kết quả của quá trình phơi nhiễm với hai hoặc thậm chí tất cả các nguồn trên.
Chu trình quản lý nguy cơ được khái quát theo sơ đồ sau
Hình 2.1. Sơ đồ chu trình quản lý nguy cơ
Trước khi đưa ra các biện pháp phòng chống tác hại của ô nhiễm môi trường, người ta đã phải xác định xem: (1) yếu tố ô nhiễm là yếu tố nào; (2) những đặc trưng ô nhiễm đó là gì sau khi đã biết mối quan hệ giữa tiếp xúc với những hậu quả đối với sức khoẻ cũng như giữa tiếp xúc với quá trình thấm nhiễm, mức độ thấm nhiễm.
Ví dụ: trước đây khi người ta sử dụng xăng pha chì thì ô nhiễm chì trong không khí là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng khá rõ, đặc biệt đối với trẻ em. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, người ta tính toán được các con đường tiếp xúc và hấp thụ chì vào cơ thể, trong đó có một lượng chì đáng kể từ khói khí xả động cơ. Người ta cũng biết được khi chì xâm nhập vào cơ thể làm tăng lượng chì tích luỹ trong các mô (xương, tóc, răng, máu…) và tăng lượng chì trong nước tiểu. Lượng chì có trong cơ thể được coi là sự thấm nhiễm. Mức ô nhiễm chì trong môi trường càng cao thì mức độ thấm nhiễm càng lớn. Mức độ thấm nhiễm càng lớn cũng có thể làm tổn thương đến các hệ thống cơ quan ở các mức độ dưới lâm sàng hoặc lâm sàng. Liều tiếp xúc càng lớn có thể làm cho mức độ tổn thương cơ thể càng lớn (mối liên quan liều – hậu quả). Các mối liên quan giữa ô nhiễm với tiếp xúc, tiếp xúc với thấm nhiễm, thấm nhiễm với các hậu quả tổn thương hệ thống cơ quan của cơ thể cũng như tình trạng bệnh lý cùng các yếu tố làm tăng cường hoặc hạn chế các mối quan hệ trên được coi là các đặc trưng của nguy cơ do ô nhiễm chì trong khói khí xả động cơ dùng xăng pha chì.
Để khống chế các tác hại của ô nhiễm chì trong môi trường, người ta phải quản lý nguy cơ ô nhiễm chì từ nguồn xăng pha chì. Trong đó phải đo lường các yếu tố nguy cơ lên sức khoẻ mà ô nhiễm chì gây ra, sau đó tìm hiểu xem cộng đồng đã ý thức được các hậu quả lên sức khoẻ chưa và bằng cách nào để thông báo cho cộng đồng biết. Cùng lúc đó cũng phải đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế hoặc ngăn ngừa tình trạng tiếp xúc với hy vọng giảm nguy cơ hoặc loại trừ nguy cơ (cấm không bán xăng pha chì). Sau cùng, để quản lý nguy cơ người ta phải tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình gây ô nhiễm (ví dụ: có thực hiện bán xăng không pha chì hay không), tình trạng sức khoẻ cộng đồng về mức độ thấm nhiễm (ví dụ: hàm lượng chì trong tóc, trong máu…), về tình trạng nhiễm độc dưới lâm sàng (ví dụ: theo dõi ALA trong nước tiều, tình trạng thiếu máu, phát triển trí tuệ của trẻ em…). Một khi các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bằng hạn chế hoặc cấm bán xăng pha chì đã được ban hành, việc thực hiện các quy định này ra sao vẫn tiếp tục được theo dõi, cảnh báo và xử lý vi phạm khi hoàn toàn không còn xăng pha chì bán ra thị trường trong một vài năm thì việc quản lý nguy cơ mới kết thúc.
Lượng giá nguy cơ
Giới thiệu về lượng giá nguy cơ
Có khá nhiều yếu tố bình thường vẫn tồn tại trong môi trường nhưng trở thành yếu tố nguy cơ với sức khoẻ một khi vượt quá giới hạn cho phép. Lượng giá nguy cơ giúp ta xác định được mức độ ô nhiễm, mức độ nguy cơ. Để lượng giá nguy cơ cần phải so sánh mức độ ô nhiễm với các tiêu chuẩn hoặc các bảng chỉ dẫn, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản Tiêu chuẩn vệ sinh quy định các mức ô nhiễm tối đa cho phép trong môi trường sinh hoạt, môi trường thực phẩm và môi trường lao động. Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường cũng ban hành các văn bản về tiêu chuẩn môi trường. Nhiều Bộ, Ngành có các văn bản liên bộ, liên ngành để quy định các tiêu chuẩn vệ sinh liên quan đến quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường, các sản phẩm hàng hoá được lưu thông trên thị trường.
Trước đây, các văn bản Tiêu chuẩn vệ sinh của nước ta chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn vệ sinh, các quy định vệ sinh của Liên Xô. Cho tới nay, nhiều tiêu chuẩn mới đã sử dụng các tiêu chuẩn của một số nước khác, trong đó có các tiêu chuẩn của Mỹ, Anh, Pháp, Đức và đặc biệt là có xu hướng sửa đổi tiêu chuẩn theo các quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việc sử dụng tiêu chuẩn nào đều dựa trên các căn cứ:
Cơ sở khoa học: đảm bảo mức tiếp xúc tối đa cho mọi đối tượng trong cộng đồng không bị ảnh hưởng cấp tính hay mạn tính.
Khả năng kiểm soát môi trường.
Khả năng thực thi và giám sát thực thi dựa trên các tiêu chuẩn.
Nếu sử dụng một tiêu chuẩn với độ an toàn cao, khả năng kiểm soát ô nhiễm, áp dụng các tiêu chuẩn trong thực tế khó khăn thì hiệu quả của của việc áp dụng tiêu chuẩn đó nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khó có tính khả thi. Tương tự như trường hợp đưa ra một luật lệ mà khả năng áp dụng luật đó không được thì luật đó không có hiệu quả. Những người có trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường cũng như những cơ sở quản lý sự nghiệp về môi trường mỗi khi nhận định về tình hình ô nhiễm môi trường cũng như mỗi khi ra quyết định các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường cần phải hiểu đầy đủ về các tiêu chuẩn vệ sinh.
Những khó khăn của việc lượng giá nguy cơ
Trên thực tế, việc lượng giá nguy cơ gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, quy trình, nhưng khó khăn hơn là sẽ sử dụng kết quả lượng giá đó như thế nào trong quá trình ra quyết định xử lý. Điều này khá rõ khi chúng ta thấy môi trường bị ô nhiễm nặng nề, rất nhiều nguy cơ từ môi trường đã được xác định, song không thể đưa ra một giải pháp nào, không phải vì không thể tìm giải pháp mà chọn giải pháp nào khả thi, không để khi áp dụng một giải pháp thì hậu quả của giải pháp đó lại mang lại các ảnh hưởng khác đến điều kiện kinh tế, xã hội của cộng đồng, từ đó lại gây ra các hậu quả sức khoẻ khác, tạo ra các nguy cơ mới (đóng cửa nhà máy có thể làm công nhân thất nghiệp, nhà nước mất nguồn thu ngân sách…).
Một điểm đáng lưu ý khác khi xác định nguy cơ là việc đo đạc mức độ ô nhiễm môi trường không phải là một việc dễ dàng.
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật: có rất nhiều yếu tố ô nhiễm khó xác định, cần sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Nếu biết yếu tố ô nhiễm là gì, phải chọn kỹ thuật đo đạc đủ nhậy. Nếu chưa biết yếu tố ô nhiễm là gì thì phải tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học để sàng lọc, tìm ra các yếu tố nguy cơ để sau đó đo lường mức độ ô nhiễm. Ví dụ: ở một làng, người ta thấy rất nhiều người bị một bệnh giống nhau đó là viêm tắc tĩnh mạch chi dưới. Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó có vấn đề nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Sau khi tìm được mối liên hệ giữa sử dụng nước ngầm với các trường hợp tắc tĩnh mạch chi, người ta tiến hành phân tích thành phần hoá học trong nước ngầm, kết quả là xác định được mức arsenic cao bất thường. Kết quả này cũng phù hợp với những kiến thức về độc chất học là arsenic có thể gây viêm tắc tĩnh mạch. Giai đoạn tiếp đó là lấy mẫu và phân tích mức độ ô nhiễm arsenic và các quy luật ô nhiễm (đo lường mức độ ô nhiễm – mức nguy cơ).
Thứ hai, về mặt nhận định kết quả, đối chiếu kết quả với tiêu chuẩn: quy luật ô nhiễm của một yếu tố trong môi trường rất khác nhau. Để đo lường mức độ ô nhiễm đòi hỏi kỹ thuật phải có độ nhậy và độ đặc hiệu nhất định. Thêm vào đó, sai số do quá trình phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm có thể không lớn bằng các sai số khi lấy mẫu. Chỉ cần đặt mẫu sai vị trí, số mẫu ít, thời điểm lấy mẫu không đúng, không đủ thời gian thì sai số có thể gấp nhiều lần, có khi tới hàng trăm lần so với mức độ thực, trong khi mức sai số trong khâu phân tích mẫu chỉ ở mức vài phần ngàn, phần trăm hoặc phần mười (ví dụ, sai số do lấy mẫu bụi không đúng có thể làm một vị trí có mức ô nhiễm 1mg/m3 tăng lên tới 10mg/m3 hoặc hơn, trong khi đó sai số trong khi phân tích mẫu bụi chỉ cho phép ở mức 1/10mg).
Đối với các yếu tố ô nhiễm trong môi trường lao động thường có mức giới hạn tối đa cho phép cao hơn với cùng chất đó cho môi trường sinh hoạt. Do môi trường sinh hoạt là nơi người ta phải sống ở đó không chỉ trong thời gian làm việc (như môi trường lao động) và đối tượng tiếp xúc là toàn bộ dân cư, trong đó có trẻ em, phụ nữ, người già, những người không khoẻ mạnh là các đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn. Trường hợp các cơ sở sản xuất tại khu dân cư hoặc ngay trong nhà ở, khi đối chiếu mức độ ô nhiễm phải so sánh với tiêu chuẩn cho môi trường sinh hoạt.
Trong thời kỳ phát triển công nghệ rất nhanh chóng và đa dạng cùng với những quy định bí mật công nghệ, việc nhà sản xuất hoặc người phân phối hàng hoá không sẵn lòng cung cấp thông tin (có thể do không hiểu biết hoặc cố tình dấu) về các yếu tố có thể có hại cho sức khoẻ nên việc xác định, đo lường nguy cơ ô nhiễm rất khó khăn. Để khắc phục điều này không chỉ có các giải pháp kỹ thuật, tài chính mà còn cần củng cố hệ thống pháp luật và hệ thống thanh tra môi trường.
Các phương pháp lượng giá nguy cơ
Để lượng giá nguy cơ môi trường người ta có thể sử dụng phương pháp định tính và /hoặc định lượng để xác định xem mức độ trầm trọng của nguy cơ, liệu nguy cơ đó có cần phải giải quyết hay không và trong một bối cảnh có nhiều nguy cơ đe dọa sức khoẻ của cộng đồng. Việc lượng giá nguy cơ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan đưa ra quyết định xem nguy cơ nào cần ưu tiên giải quyết, nguy cơ nào có thể tạm thời chưa giải quyết khi nguồn lực còn hạn chế.
Sử dụng phương pháp định tính để lượng giá nguy cơ
Phương pháp định tính được sử dụng để lượng giá nguy cơ thông qua sự đánh giá một cách định tính về các hậu quả có thể có do nguy cơ đó gây nên và khả năng xảy ra của nguy cơ đó (các bảng 2.1, 2.2, 2.3).
Bảng 2.1. Các mức độ định tính để đo lường các hậu quả của nguy cơ
Mức độ |
Mô tả |
Ví dụ |
1 |
Thảm khốc |
Chết người, ngộ độc, thiệt hại ghê gớm về tài chính |
2 |
Lớn |
Chấn thương, giảm khả năng, thiệt hại lớn về tài chính |
3 |
Trung bình |
Cần có can thiệp y học, có thiệt hại về tài chính |
4 |
Nhỏ |
Cần sơ cứu, tiểu phẫu, thiệt hại nhỏ về tài chính |
5 |
Không rõ ràng |
Không có bệnh, chấn thương, thiệt hại tài chính không đáng kể |
Bảng 2.2. Các mức độ định tính đo lường khả năng xảy ra của nguy cơ
Mức độ |
Mô tả |
Ví dụ |
A |
Chắc chắn xảy ra |
Đ ược cho là sẽ xảy ra ở mọi hoàn cảnh |
B |
Gần như chắc chắn sẽ xảy ra |
Có thể xảy ra ở mọi hoàn cảnh |
C |
Có thể xảy ra |
Có thể xảy ra |
D |
Chưa chắc chắn có xảy ra hay không |
Có thể xảy ra nhưng không chắc chắn |
E |
Hiếm khi xảy ra |
Chỉ có thể xảy ra trong một vài trường hợp rất đặc biệt |
Bảng 2.3. Bảng lượng giá mức độ nguy cơ
Khả năng xảy ra |
|
|
Hậu quả |
|
|
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
|
A |
E |
E |
E |
H |
H |
B |
E |
E |
H |
H |
M |
C |
E |
E |
H |
M |
L |
D |
E |
H |
M |
L |
L |
E |
H |
H |
M |
L |
L |
Trong đó mức độ nguy cơ được diễn giải như sau:
E (Extreme): Nguy cơ nghiêm trọng, cần phải giải quyết ngay
H (High): Nguy cơ cao, cần có sự quan tâm quản lý đặc biệt
M (Moderate): Nguy cơ trung bình, có trách nhiệm phải quản lý
L (Low): Nguy cơ thấp, có thể được quản lý bằng quy trình thường quy
Việc lượng giá nguy cơ bằng phương pháp định tính do dựa vào đánh giá chủ quan của các bên liên quan nên thiếu tính khách quan. Mặc dù các đánh giá về khả năng xảy ra và các tính nghiêm trọng của các hậu quả do nguy cơ có thể gây ra có thể được dựa trên bằng chứng của các báo cáo trước đây, các nghiên cứu về liều – đáp ứng, liều hậu quả v. v. Tuy nhiên, việc đưa ra các tiêu chí cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào ưu tiên giải quyết và khả năng tài chính trong bối cảnh quản lý nguy cơ hiện tại. Ví dụ: cùng một thông tin về thực trạng chấn thương giao thông do vấn đề an toàn môi trường giao thông có thể được coi là nghiêm trọng (E) ở quốc gia tương đối phát triển như úc, như cũng có thể được đánh giá ở mức trung bình (M) ở quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn như Thái Lan, nơi mà các vấn đề về các bệnh lây truyền qua đường tình dục được đánh giá là cần ưu tiên giải quyết hơn.
Bảng 2.4. Mã hoá các mức độ lượng giá nguy cơ
TT |
Yếu tố |
Các mức độ |
Mã hoá |
1 |
Hậu quả |
Thảm khốc, chết người, thiệt hại > 1. 000.000 USD |
100 |
Chết nhiều người, thiệt hại 500.000 – 1. 000.000 USD |
50 |
||
Có chết người, thiệt hại 100.000 – 500.000 USD |
25 |
||
Chấn thương nghiêm trọng (có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn), thiệt hại 1.000 – 100.000 USD |
15 |
||
Chấn thương, thiệt hại dưới 1000 USD |
5 |
||
Chấn thương, bệnh, thiệt hại không đáng kể |
1 |
||
2 |
Tình trạng phơi nhiễm |
Liên tục (hoặc nhiều lần trong ngày) |
10 |
Thường xuyên (một lần trong ngày) |
6 |
||
Thỉnh thoảng (từ một tháng/lần đến 1 tuần /lần) |
3 |
||
ít (từ một lần /năm đến một lần/tháng |
2 |
||
Hiếm (đã từng xảy ra) |
1 |
||
Khó có thể xảy ra (chưa từng nghe nói có xảy ra) |
0, 5 |
||
3 |
Khả năng xảy ra |
Chắc chắn 100% sẽ xảy ra |
10 |
Có thể xảy ra khả năng 50:50 |
6 |
||
Có thể xảy ra một cách trùng hợp, không thường xuyên |
3 |
||
Xảy ra một cách trùng hợp, hiếm gặp |
1 |
||
Chưa xảy ra sau nhiều năm phơi nhiễm, tuy nhiên có thể xảy ra |
0,5 |
||
Không thể xảy ra |
0,1 |
Nguồn: NSCA (1973). Phân loại các yếu tố trong hệ thống lượng giá nguy cơ môi Điểm nguy cơ lúc này được tính bằng
R = C x E x P
Trong đó R: Điểm nguy cơ E: Tình trạng phơi nhiễm
C: Hậu quả có thể xảy ra P: Khả năng xảy ra của nguy cơ
Lượng giá nguy cơ bằng phương pháp định lượng
Các nghiên cứu dịch tễ học đóng vai trò quan trọng trong việc lượng giá nguy cơ định lượng này. Các nghiên cứu về mối quan hệ nguyên nhân – hậu quả sẽ chỉ ra một yếu tố nguy cơ (hoá chất, sinh học v. v.) có thể gây ra các nguy cơ như thế nào cho một cộng đồng, đặc biệt là các ảnh hưởng lên sức khoẻ. Các nghiên cứu dạng giám sát sinh học có thể chỉ ra mức tăng đột biến cần phải giải quyết của một hoá chất hoặc một chất độc nào đó trong môi trường. Các thông tin định lượng thu được sẽ được đối chiếu với các tiêu chuẩn, các ngưỡng cho phép theo quy định để xác định mức độ của nguy cơ
Lượng giá nguy cơ bằng phương pháp bán định lượng (semi – quantitative)
Việc lượng giá nguy cơ bằng phương pháp bán định lượng có nghĩa là sử dụng các bằng chứng, thông tin từ các phương pháp nghiên cứu định lượng dựa vào thang phân loại để đánh giá nguy cơ. Các số liệu định lượng thu thập được từ các nghiên cứu dịch tễ học sẽ được mã hoá theo các tiêu chuẩn định sẵn. Từ các mã chuẩn về hậu quả, số người phơi nhiễm và khả năng xảy ra của nguy cơ từ đó có thể lượng giá được mức độ của nguy cơ (bảng 2.4).
Thông tin về môi trường
Người ta đã nhận thấy rằng nhận thức của cộng đồng và mỗi thành viên trong cộng đồng không hoàn toàn giống nhau về các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của các yếu tố môi trường. Người ta nhận biết được tác hại của môi trường ở các mức độ khác nhau, đồng thời khi nhận thức được yếu tố tác hại rồi thì cách phản ứng với yếu tố tác hại đó cũng không giống nhau.
Ví dụ: trong trường hợp ngộ độc cá nóc, do được thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều người đã biết ăn cá nóc có thể bị ngộ độc và thậm chí gây tử vong. Một số người không được thông tin nên không biết. Một số người chỉ biết đại khái mà chưa biết phân biệt cá nóc với các loại cá khác. Thêm vào đó, khi biết rồi nhưng nhiều người vẫn mua về ăn, vẫn mang đi bán nghĩa là vẫn chấp nhận nguy cơ (vì không phải cứ ăn cá nóc là chắc chắn bị nhiễm độc).
Có rất nhiều ví dụ khác tương tự trong thực tế. Ngộ độc thực phẩm do hoá chất xảy ra thường xuyên tạo ra một bầu không khí lo âu về mất an toàn thực phẩm nhưng phản ứng của cộng đồng rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào mức độ truyền thông và cả ý thức của cộng đồng. Thông tin về môi trường không phải chỉ từ phía các cơ sở y tế, cơ sở khoa học công nghệ môi trường đến người dân – những người có thể gánh chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường mà còn tới các cơ sở, các cơ quan của chính quyền chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định xử lý ô nhiễm môi trường và tới các cơ sở sản xuất, các nhà doanh nghiệp, những người phân phối hàng hoá là những người có trách nhiệm trong việc gây ô nhiễm, tạo nguy cơ, phân phát các yếu tố ô nhiễm. Các cơ quan thông tin đại chúng, các hiệp hội trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng cần được thông tin.
Thông tin không có nghĩa là thông báo cho ai đó biết một thông điệp nào đó mà còn có việc khuyến khích việc cung cấp thông tin phản hồi. Kết quả của thông tin là đạt được một sự nhận biết, thay đổi hành vi và có được quyết định nhằm làm giảm nhẹ nguy cơ, giải quyết các hậu quả và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ mới.
Thông tin môi trường nhằm trao đổi thông tin về việc có hay không tồn tại một yếu tố nguy cơ trong môi trường; đặc điểm của yếu tố ô nhiễm, yếu tố độc hại hay nguy cơ; dạng tồn tại của yếu tố ô nhiễm; mức độ ô nhiễm và mức độ chấp nhận được của yếu tố ô nhiễm, của nguy cơ.
Khi thông tin, mục tiêu quan trọng nhất là đạt được một số quyết định của cộng đồng trong việc phòng ngừa nguy cơ bằng những giải pháp hữu hiệu, khả thi và bền vững. Các giải pháp (hay chiến lược) nhằm khống chế nguy cơ của môi trường phụ thuộc vào các loại nguy cơ, vào mức độ nhận thức hay quan tâm, lo lắng của cộng đồng với nguy cơ.
Khi tiếp xúc một cách tự nhiên với nguy cơ môi trường như với ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn là điều mà người ta thấy không thể tránh được (ô nhiễm không khí…) hoặc khó tránh được (khói thuốc lá của người khác hút). Giải pháp quản lý môi trường là giáo dục cộng đồng để họ nhận biết được nguy cơ hoặc tạo ra các điều kiện để khống chế (cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nơi công cộng…).
Khi một số nguy cơ môi trường thường xuyên được thông báo qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc cảnh báo tại nơi làm việc một cách rộng rãi, có thể nhận thức của cộng đồng chỉ là chú ý nhiều hơn tới tác hại thì giải pháp đưa ra sẽ nhằm tăng cường, duy trì sự chú ý của các phương tiện truyền thông và làm cho việc truyền thông rộng rãi hơn, thực hơn, không che dấu thông tin.
Khi một nguy cơ môi trường đã tạo nên tâm lý sợ hãi, lo lắng về sự mất an toàn trong cộng đồng có thể làm cho một bộ phận cộng đồng quá sợ hãi hoặc ngược lại, có một số người cho rằng không hề đáng sợ vì đã trở thành quá thường tình (ví dụ: người làm việc trên cao dễ dàng bị tai nạn do ngã, ai cũng biết tai nạn này cũng thường xảy ra làm cho một số người quá sợ hãi hoặc ngược lại, cho là chuyện thường). Cách giải quyết sẽ phải nhằm đưa ra các luật lệ (ví dụ như điều lệ an toàn lao động).
Khi một nguy cơ môi trường chỉ tác động khu trú trong một nhóm người, một số nguy cơ có thể đã gây chết người, gây tai nạn chấn thương, tàn phế trong một số trường hợp đặc biệt. Giải pháp ở đây là đưa ra các thông báo cho các cộng đồng này về mức độ nguy hại có thể vượt quá những gì mà họ biết, hoặc phóng đại hơn những trường hợp bị ảnh hưởng làm cho cộng đồng chú ý tới những hậu quả so với việc cảnh báo về xác suất sẽ xảy ra hậu quả.
Khi một nguy cơ môi trường tác hại trên trẻ em, giải pháp phải nhằm vào cả cộng đồng và từng gia đình sao cho mọi người, mọi nhà đều nhận thức đúng về nguy cơ này cũng như mức độ nguy hại của nó không chỉ cho trẻ em hôm nay mà kéo dài đến khi trưởng thành. Hậu quả không chỉ hôm nay mà còn trên thế hệ sau.
Thông tin về các mối nguy cơ trong môi trường là một hoạt động của quản lý nguy cơ. Những người cung cấp thông tin về môi trường bao gồm các cơ sở y tế mà trước hết là hệ thống y tế dự phòng thông báo về các nguy cơ, thực trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, môi trường thực phẩm, môi trường lao động. Các thông tin về các vụ dịch bùng nổ không chỉ do nhiễm khuẩn mà còn do nhiễm độc hoặc các nguy cơ với bức xạ ion hoá, các yếu tố vật lý, các nguy cơ thảm hoạ do con người hoặc thảm hoạ tự nhiên, các điều kiện phát sinh cũng như các cơ hội, các yếu tố làm tăng giảm nguy cơ. Các thông tin từ cơ sở y tế cũng phải cảnh báo cộng đồng về sự mất cảnh giác, sự bất cẩn của cá nhân, sự thờ ơ chậm chễ trong việc ra quyết định xử lý của các cơ quan hữu trách và cả sự mất cảnh giác của cơ quan y tế. Đối với hệ thống bệnh viện, các phòng khám cung cấp thông tin về các trường hợp nhiễm độc, nhiễm trùng hoặc tai nạn do ô nhiễm môi trường, cảnh báo cộng đồng qua các số liệu về trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc tàn phế làm cho cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn về các mối nguy cơ, khuyến khích họ áp dụng các biện pháp phòng chống để bảo vệ cho cộng đồng và cho từng gia đình, từng cá nhân. Cảnh báo các nhà sản xuất, những người cung cấp hàng hoá không an toàn và tạo áp lực dư luận, áp lực xã hội trên những người chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường. Thông tin không phải lúc nào cũng chỉ chú ý tới quyền lợi của người dân mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của những người sản xuất, làm họ đồng tình ủng hộ và cùng tham gia vào quá trình khống chế các yếu tố nguy hại từ môi trường, ví dụ như việc đưa ra các khuyến cáo về giải pháp khống chế nguy cơ có chi phí thấp và hiệu quả cao, giải pháp dự phòng để tránh xảy ra rủi ro, giảm chi phí do phải bồi thường.
Theo nhà xã hội học và là chuyên gia về thông tin các nguy cơ môi trường (Tiến sĩ Peter Sandman (1987)) thì nguy cơ được định nghĩa bằng tổng của các yếu tố nguy cơ và những phản ứng bất bình từ phía cộng đồng:
Nguy cơ = Yếu tố nguy cơ + Phản ứng bất bình của cộng đồng
(Risk = Hazard + Outrage)
Đối với các chuyên gia thì nguy cơ đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong ước tính hàng năm. Nhưng đối với cộng đồng (và thậm chí đối với cả các chuyên gia khi họ ở nhà) thì nguy cơ còn mang nhiều ý nghĩa khác. Cộng đồng thường chú ý quá ít tới yếu tố nguy cơ thực sự, còn các nhà chức trách thì lại không chú ý tới phản ứng bất bình của cộng đồng. Vì vậy, khi các nhà chức trách và cộng đồng xem xét đánh giá một nguy cơ thì họ sẽ có các kết quả khác nhau.
Theo Peter Sandman (1987), có hơn 20 yếu tố khác nhau gây bất bình, giận dữ trong cộng đồng. Một số ví dụ điển hình là: nguy cơ tự nguyện thì sẽ không gây ra bất bình trong cộng đồng và được mọi người chấp nhận hơn nguy cơ bị ép buộc (ví dụ hãy so sánh trường hợp bạn bị một nhà chức trách bắt trượt xuống một ngọn núi băng tuyết mà chỉ dùng hai cây trượt với việc bạn quyết định đi trượt tuyết vào cuối tuần); nguy cơ tự nhiên sẽ được chấp nhận như là “tại trời” còn nguy cơ nhân tạo thì sẽ gây ra bất bình và khó được chấp nhận; nguy cơ quen thuộc thì dễ được chấp nhận hơn nguy cơ mới (ví dụ nguy cơ bị bệnh ỉa chảy thì rất quen thuộc và cộng đồng dễ chấp nhận hơn so với nguy cơ bị bệnh than, mặc dù số tử vong mà bệnh than gây ra là rất nhỏ) v. v.
Các thông tin được truyền thông tới cộng đồng phải luôn luôn được lặp đi lặp lại và gây chú ý như nguyên tắc quảng cáo. Đồng thời, thông tin phải được cộng đồng chấp nhận, lôi cuốn họ trở thành những người truyền thông từ người này sang người kia. Thông tin cũng cần rõ ràng, thu hút; vừa phải thân thiện không kích động nhưng vừa phải thẳng thắn và cởi mở phù hợp với trình độ học vấn, tập quán tín ngưỡng, dân tộc và đại chúng nhất là các dân tộc ít người và đồng thời cũng phải phù hợp với nội dung truyền thông đáp ứng yêu cầu của phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin phải nhằm thu được các phản hồi từ cộng đồng, các bên có liên quan để điều chỉnh. Sau cùng, song cũng không kém phần quan trọng đó là thông tin phải dựa trên việc xây dựng kế hoạch phù hợp và được đánh giá hiệu quả để có chiến lược tốt hơn, kế hoạch phù hợp hơn.
Phòng chống tác hại của ô nhiễm môi trường
Một bộ phận quan trọng của quản lý nguy cơ là dự phòng và khống chế tiếp xúc với các yếu tố tác hại trong môi trường.
Giống như các dây truyền dịch tễ học, khống chế yếu tố ô nhiễm môi trường cũng bao gồm ba khâu:
Khống chế nguồn gây ô nhiễm.
Ngăn chặn sự phát tán yếu tố ô nhiễm.
Bảo vệ những đối tượng tiếp xúc.
Mức độ dự phòng được chia làm ba cấp độ như sau:
Dự phòng cấp 1: bảo vệ khối cảm thụ, không tiếp xúc quá mức với các yếu tố nguy cơ để không bị bệnh.
Dự phòng cấp 2: bảo vệ những người đã và đang tiếp xúc quá mức với các yếu tố nguy cơ, không để các tổn thương dưới lâm sàng hoặc lâm sàng gây ra các hậu quả lâu dài trên sức khoẻ (phát hiện sớm và xử trí đúng, kịp thời).
Dự phòng cấp 3: không để xảy ra các rủi ro, hậu quả gây chết người do ô nhiễm môi trường.
Trong y tế dự phòng, người ta chỉ chú ý tới dự phòng cấp 1 và cấp 2, còn dự cấp 3 thuộc về trách nhiệm của hệ thống khám chữa bệnh. Việc phòng ngừa các yếu tố tác hại đặc trưng sẽ được trình bày ở các bài sau. Bài này chỉ trình bày các nguyên tắc dự phòng các tác hại, các nguy cơ từ môi trường chung nhất.
Các giải pháp dự phòng cấp 1
Các giải pháp dự phòng cấp 1 bao gồm:
Khống chế ô nhiễm tại nguồn phát sinh.
Thay thế các yếu tố độc hại bằng yếu tố không độc hại.
Thay thế các quy trình công nghệ phát sinh độc hại nhiều bằng các quy trình không phát sinh độc hại, ít phát sinh độc hại hơn hoặc quy trình công nghệ phát sinh độc hại nhưng dễ khống chế sự lan toả các yếu tố độc hại ra môi trường xung quanh hơn.
Không để yếu tố độc hại phát sinh bằng thông gió, thoáng khí.
Khống chế sự phát tán các yếu tố độc hại vào môi trường sản xuất hoặc môi trường xung quanh:
Áp dụng biện pháp che chắn, bao bọc cách ly nguồn phát sinh ô nhiễm.
Hút cục bộ hoặc tạo các mảng hút, hấp thụ yếu tố ô nhiễm tại nguồn.
Bảo vệ người tiếp xúc
Sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân phòng chống tác hại từ môi trường.
Giáo dục sức khoẻ môi trường cho cộng đồng.
Các giải pháp tổ chức, hành chính.
Khống chế ô nhiễm tại nguồn phát sinh
Thay thế các nguyên liệu, nhiên liệu phát sinh độc hại bằng nguyên liệu hoặc nhiên liệu ít độc hại hơn hay hoàn toàn vô hại sẽ giải quyết tận gốc nguồn ô nhiễm. Một khi nguồn ô nhiễm chỉ hạn chế mức độ gây hại cần áp dụng các biện pháp thông thoáng gió hoặc đưa gió vào làm thoáng bớt nồng độ chất ô nhiễm trước khi bị thải vào môi trường trong cơ sở sản xuất: mở thêm cửa thông thoáng, sử dụng quạt thổi, quạt hút. Khác với việc thay thế chất độc, ở đây nhờ cấp một lượng khí lớn làm cho nồng độ chất độc hoặc bụi trong không khí bị loãng ra để đạt được dưới mức cho phép. Việc khống chế chất độc tại nguồn được thực hiện qua các tiêu chuẩn sản phẩm và các tiêu chuẩn về quy trình hoặc tiêu chuẩn chất thải.
Các tiêu chuẩn sản phẩm
Nếu một chất chưa được biết về ngưỡng cho phép hoặc vẫn chưa được thử nghiệm một cách đầy đủ, có thể thực hiện giảm tác hại bằng cách thiết kế lại sản phẩm sao cho hạn chế tối đa khối lượng cần sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó hoặc đi tìm nguyên liệu thay thế. Ví dụ: benzen là một chất độc hại, có thể sử dụng xylen hoặc toluen để thay thế là các chất ít độc hại hơn, hoặc thay thế một phần benzen bằng các dung môi khác. Một ví dụ khác: việc thay xăng pha chì bằng xăng không có chì đã loại bỏ nguy cơ ô nhiễm chì do khí xả động cơ dùng xăng pha chì trước đây. Trong nhiều trường hợp, tiêu chuẩn hoá các thành phần của nguyên liệu và nhiên liệu để khống chế mức thải chất độc vào môi trường.
Các tiêu chuẩn về quy trình sản xuất
Nếu có một yếu tố ô nhiễm thải vào môi trường trong quá trình sản xuất thì Chính phủ (thông qua Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Y tế…) có thể đưa ra các chính sách thuế ưu đãi cho các quy trình công nghệ không hoặc ít gây huỷ hoại môi trường. Khuyến khích các quy trình công nghệ sạch cũng như đánh thuế cao với các công nghệ lạc hậu hoặc đưa ra các yêu cầu xử lý chất thải (khí thải, rác thải, nước thải) một cách nghiêm ngặt.
Các tiêu chuẩn về chất thải
Các chất thải công nghiệp vào môi trường đất, nước, không khí đã được ban hành hàng chục năm nay. Những tiêu chuẩn này có thể thể hiện qua việc quy định các nồng độ tối đa cho phép về hàm lượng chất ô nhiễm trong khí xả, nước thải. Cũng có các mức quy định chất thải theo đơn vị thời gian hoặc theo đơn vị sản phẩm hoặc đơn vị nhiên liệu, nguyên vật liệu tiêu thụ.
Các tiêu chuẩn được đặt ra cần phải cân nhắc tới thực tế sản xuất, thực tế thị trường. Các tiêu chuẩn quy định cho đào tạo công nhân, tiêu chuẩn đóng gói và dán nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn cất giữ sử dụng và vận chuyển cũng như huỷ bỏ, xử lý các chất độc.
Khống chế sự phát tán yếu tố độc hại vào môi trường
Đây là giải pháp tiếp theo giải pháp khống chế ô nhiễm tại nguồn, một khi giải pháp đó chưa đạt yêu cầu.
Đối với chất độc, biện pháp hút cục bộ nhằm hạn chế sự phát tán chất độc vào môi trường không khí. Hút cục bộ sẽ rất hữu hiệu nếu kết hợp với các biện pháp che chắn, làm kín nguồn phát sinh. Các chất độc, kể cả bụi sau khi được hút sẽ được xử lý, làm sạch trước khi thải vào môi trường. Nhiều trường hợp chỉ hút sau đó lại đưa vào ống khói để thải ra môi trường xung quanh (lúc đó nồng độ chất độc có thể bị loãng ra) và làm ô nhiễm phát tán đi xa hơn, cho dù không còn ở mức gây hại nhưng quá trình tích luỹ có thể lại gây hậu quả lâu dài.
Đối với các yếu tố ô nhiễm là tiếng ồn hoặc bức xạ, việc hút cục bộ không có tác dụng, thay vào đó là các bộ phận bao bọc, các tấm hút âm, chắn bức xạ. Kết cấu tường và trần nhà phù hợp có thể làm giảm mức ồn. Tận dụng quy luật giảm cường độ theo khoảng cách, có thể tạo khoảng cách cách ly xa nguồn phát sinh cũng bảo vệ được công nhân. Bên cạnh các xa lộ có mật độ giao thông lớn, người ta thiết kế các hệ thống cản âm hoặc trồng cây hai bên đường.
Bảo vệ người tiếp xúc
Bảo vệ người tiếp xúc rất thường áp dụng trong môi trường lao động qua việc sử dụng các trang thiết bị phòng hộ cá nhân: quần áo bảo hộ, găng ủng, kính, nút tai, mặt nạ, khẩu trang. Bảo vệ người tiếp xúc cũng được thực hiện qua giảm thời gian tiếp xúc, giảm số người phải tiếp xúc.
Các biện pháp phòng hộ cá nhân chỉ được coi là giải pháp bổ trợ khi hai giải pháp trên bị hạn chế. Các biện pháp phòng hộ cá nhân rất khó áp dụng cho các loại ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc đeo khẩu trang trong 8 giờ lao động đã khó khăn thì việc sử dụng trong môi trường sinh hoạt cũng còn hạn chế hơn rất nhiều. Việc sử dụng các túi thở khi môi trường ô nhiễm quá nặng chỉ có thể thực hiện ở các nước giàu một cách hạn chế.
ở các nước nghèo, vùng nghèo, người nghèo phải sống tại các vị trí mà người giàu không ở đó, ví dụ như gần các nguồn chất thải (gần các cống thải, bãi rác, các nhà máy). Trong điều kiện đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, khu vực nội thành phát triển dần dần có quy hoạch hơn, song khu vực ngoại thành lại là nơi hứng chịu những hậu quả của đô thị, đó cũng là nơi nhận các nguồn rác thải, khí thải, nước thải từ thành phố. Tệ nạn xã hội cũng từ thành phố ảnh hưởng tới khu ngoại ô. Đ ây là hiện tượng bóng rợp đô thị như đã được đề cập tới ở các nước trong khu vực từ hàng thập kỷ trước đây. Việc quản lý môi trường cũng cần chú trọng cả đến khía cạnh công bằng xã hội, nghĩa là phải dành những khoản kinh phí thích đáng cho các chương trình làm sạch môi trường, xây dựng thành phố lành mạnh ở cả hai khu vực nông thôn ngoại thành và thành thị, khu vực công nghiệp và vùng phụ cận. Đ ây cũng là một yếu tố của phát triển bền vững.
Bảo vệ người tiếp xúc khỏi các nguy cơ từ môi trường, ngoài nhà máy, ngoài khu đô thị phải được thực hiện bằng các luật lệ và bằng các chiến lược tổng thể, không phải bằng các phương tiện phòng hộ cá nhân.
Giáo dục sức khoẻ môi trường
Giáo dục sức khoẻ môi trường là một bộ phận của quản lý môi trường. Người dân phải nhận thức được các vấn đề môi trường mà họ đang sống. Những người lãnh đạo cộng đồng cũng cần được trang bị kiến thức về chất lượng môi trường, bảo vệ môi trường trong quá trình quy hoạch sản xuất, quy hoạch khu công nghiệp và đô thị để có thái độ xử trí đúng.
Giáo dục sức khoẻ môi trường bao gồm:
Các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các yếu tố ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của các yếu tố đó lên sức khoẻ.
Hướng dẫn cộng đồng cách tạo ra môi trường sạch hơn, an toàn hơn.
Thay đổi cách ứng xử của cộng đồng với ô nhiễm môi trường do sinh hoạt, do lao động sản xuất và môi trường thực phẩm không an toàn.
Nước ta là một nước nông nghiệp đang trên đà công nghiệp hoá. Gánh nặng môi trường vừa mang đặc trưng của một nước đang phát triển với ô nhiễm các nguồn chất thải sinh hoạt, các mầm bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, vừa chịu ảnh hưởng của ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm đô thị.
Trong khi mức độ tiếp cận với các nguồn nước sạch còn hạn chế, tình trạng thiếu công trình vệ sinh cơ bản như hố xí, nhà tắm, nhà ở hợp vệ sinh, hệ thống xử lý rác thải, phân gia súc, … thì nhiệm vụ của các nhà vệ sinh môi trường vẫn cần chú trọng rất nhiều tới các hoạt động giáo dục sức khoẻ môi trường với đặc trưng nông thôn. Bên cạnh đó, các đặc điểm đô thị hoá thiếu quy hoạch, ít được kiểm soát bằng luật lệ, tạo ra tình trạng ô nhiễm đô thị rất phức tạp. ở đây việc giáo dục môi trường có thể thực hiện qua các chương trình giáo dục sức khoẻ ở nông thôn.
Một trong những điểm lưu ý của truyền thông giáo dục sức khoẻ là tránh lặp đi lặp lại quá nhiều những kiến thức rất phổ thông như: cần ăn chín uống sôi… vì những điều này đến nay đã quá thông thường. Dân trí phát triển, người dân cần biết nhiều hơn về các bệnh tật gây ra do môi trường để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp. Một nghiên cứu của Trường Đ ại học Y Hà Nội tại Hà Nam cho thấy rằng kiến thức về các yếu tố ô nhiễm môi trường của người dân không kém, nhưng hiểu biết của họ về các bệnh do môi trường gây ra còn quá ít. Do chưa hiểu biết đầy đủ về các bệnh do môi trường, người dân chưa có các cách ứng xử phù hợp trong việc cải tạo các công trình vệ sinh và bảo vệ nguồn nước.
Việc giáo dục vệ sinh cho các công nhân trong nhà máy dễ dàng hơn do ở đây có các chương trình đào tạo về vệ sinh an toàn lao động một cách định kỳ, bắt buộc. Đối với một số công nhân cũng như chủ sản xuất của các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều độc hại, hệ thống phòng hộ lao động sơ sài, công nhân thường là tạm tuyển, tay nghề thấp và gần như rất ít tiếp cận với các chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ. Họ là các đối tượng rất dễ bị tổn thương và phải là đối tượng trọng tâm của các chương trình giáo dục sức khoẻ môi trường, nhất là trong điều kiện các xí nghiệp nhỏ ngày càng phát triển như hiện nay ở các đô thị cũng như tại các làng nghề ở nông thôn.
Nếu các giải pháp trên không áp dụng được hoặc có nhiều hạn chế, không đảm bảo bảo vệ để không gây tác hại trên sức khoẻ, lúc đó mới áp dụng các giải pháp dự phòng cấp 2.
Theo dõi, giám sát môi trường và các hậu quảu của ô nhiễm lên sức khoẻ cộng đồng
Theo dõi và giám sát môi trường
Đây là hệ thống kỹ thuật nhằm phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường và cảnh báo về các nguy cơ gây ô nhiễm.
Hệ thống lấy mẫu và phân tích mẫu
Hiện nay hệ thống này ở nước ta còn hoạt động khá rời rạc, thụ động và thiếu chuẩn mực. Hệ thống giám sát môi trường ở các địa phương chưa mang tính dự phòng mà mang nặng tính vụ việc khi có vấn đề ô nhiễm xảy ra hay có những khiếu kiện của người dân hay của các cơ quan. Việc lấy mẫu rất ít được chú ý về tiêu chuẩn, đối với từng yếu tố ô nhiễm, từng loại nguồn phát tán ô nhiễm, các quy luật ô nhiễm rất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: cần lấy bao nhiêu mẫu cho mỗi điểm là đủ? lấy ở đâu? lấy vào thời điểm nào? (chiến lược lấy mẫu ra sao?). Trên thực tế, người ta ít để ý tới chiến lược lấy mẫu mà chú ý nhiều tới các kỹ thuật phân tích mẫu. Các máy lấy mẫu và phân tích mẫu tự động (máy hiện số) cho phép cùng một lúc thu và phân tích nhiều loại chất ô nhiễm. Tuy nhiên, độ nhạy của các thiết bị này bị giới hạn cũng như tính chính xác của các kết quả đưa ra từ các máy hiện số cũng khó được chuẩn hoá (nhất là chưa có một cơ quan nào có một la bô chuẩn để hiệu chỉnh các thiết bị này).
ở những nước tiên tiến, chiến lược lấy mẫu và giám sát môi trường được quan tâm rất nhiều. Các phương tiện thu mẫu và phân tích mẫu định kỳ theo thời gian, thông báo kết quả về mức độ ô nhiễm của một số yếu tố chỉ điểm cho mọi người cùng biết (có thể nhận thấy bảng báo ô nhiễm ngay trên trục đường cao tốc). Với kỹ thuật này cộng đồng được thông tin rộng rãi và ý thức bảo vệ môi trường của họ qua đó được nâng lên.
Trong thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng thu mẫu và phân tích các mẫu. Có nhiều cách đánh giá mức ô nhiễm môi trường khác không chỉ dựa trên kỹ thuật kinh điển phân tích trong la bô. Sau khi lấy mẫu, phân tích mẫu để đánh giá mức độ phát tán các yếu tố ô nhiễm trong môi trường, người ta phải tính toán tiếp các chỉ số đo lường tiếp xúc.
Đo lường tiếp xúc
Thuật ngữ tiếp xúc (exposure) trong một số tài liệu được gọi là phơi nhiễm, cũng có tài liệu định nghĩa là yếu tố được nghiên cứu vì nhiều trường hợp không có biểu hiện gì của tiếp xúc hay phơi nhiễm (ví dụ tình trạng căng thẳng tinh thần, stress trong môi trường xã hội, trong mối liên quan nhân – quả với chứng suy nhược thần kinh, tình trạng trầm cảm, tự tử, ly hôn). Trong thực tế, tiếp xúc có nghĩa rất rộng: nếu nghiên cứu ảnh hưởng của nghề nghiệp với một đặc trưng nào đó, tiếp xúc có thể là: làm nghề gì? làm nghề đó bao nhiêu năm? yếu tố ô nhiễm là gì? mức độ ô nhiễm như thế nào; nếu nghiên cứu ảnh hưởng của khí thải nhà máy ra môi trường xung quanh thì tiếp xúc có thể là: loại nhà máy? chất thải chủ yếu trong khói của nhà máy là gì? lượng chất thải của nhà máy thải vào môi trường xung quanh trong một năm là bao nhiêu? vào từng mùa, từng hướng gió, nồng độ các chất ô nhiễm ở các khoảng cách khác nhau ra sao? Ví dụ, tình hình ung thư trong công nhân ngành cao su (tiếp xúc là ngành cao su) hoặc tình hình bệnh hô hấp và ô nhiễm khí CO2 từ nhà máy nhiệt điện (nồng độ SO2 theo các thời điểm, khoảng cách là tiếp xúc). Đo đạc ô nhiễm bằng phương tiện xét nghiệm là cách đánh giá trực tiếp tình trạng tiếp xúc. Song khi số mẫu không đủ lớn, không đại diện, kỹ thuật phân tích không đủ nhạy sẽ không nói lên mức độ ô nhiễm. Mặt khác những chỉ số về ô nhiễm không kém phần chắc chắn như tổng lượng nước thải, tổng lượng tro toả vào môi trường xung quanh cũng có thể sử dụng để ước tính tiếp xúc. Dưới góc độ của đánh giá tiếp xúc, môi trường được chia ra thành 2 loại: (1) môi trường khách quan (lý học, hoá học, sinh học và xã hội học); (2) môi trường chủ quan hay còn gọi là môi trường cảm nhận được màu, mùi, vị. Môi trường còn được phân chia thành:
Môi trường gia đình (vi môi trường) bao gồm: nhà ở, các thói quen, sở thích, nghiện hút, sử dụng mĩ phẩm, thuốc sát khuẩn sử dụng trong vườn.
Môi trường làm việc: với những tiếp xúc nghề nghiệp, chế độ làm việc, quan hệ chủ thợ, quan hệ đồng nghiệp.
Môi trường địa phương: đó là những nơi tiếp xúc với những yếu tố môi trường sinh hoạt.
Môi trường khu vực: điều kiện địa lý, khí hậu của một vùng.
Trong đánh giá tiếp xúc của cá nhân, một cộng đồng với các tác nhân nào đó phải tính đến mức độ tham dự của một hoặc nhiều trong nhóm trên.
Tiếp xúc khác với yếu tố tác hại, vì không phải lúc nào tiếp xúc cũng gây ra tác hại. Nhiều khi tiếp xúc lại là yếu tố có lợi cho sức khoẻ trong trường hợp nghiên cứu yếu tố làm tăng cường sức khoẻ (ví dụ: chế độ ăn hợp lý, thể thao).
Trong nghiên cứu độc chất học, dược học người ta còn dùng thuật ngữ liều (dose) để chỉ khối lượng chất hấp thụ và chỉ suất liều (dose-rate) để nói lên liều đó đưa vào trong một đơn vị thời gian. Trong dịch tễ học khó có thể xác định liều một cách chính xác, nên thường dùng thuật ngữ tiếp xúc. Tiếp xúc cũng được tính tương tự như chỉ suất liều bằng con số tổng hợp tiếp xúc và thời gian tiếp xúc (trong ca, tháng, trong năm hoặc tuổi nghề với công việc đó). Nhiều trường hợp mức tiếp xúc phụ thuộc chặt chẽ vào thời gian tiếp xúc hơn là cường độ ô nhiễm (vì cường độ ô nhiễm dao động rất lớn giữa các mẫu đo trong cùng một thời điểm và khác nhau giữa các thời điểm tới mức xét nghiệm các mẫu chất độc, bụi trong môi trường cũng chỉ mang ý nghĩa định tính: vượt tiêu chuẩn hay dưới tiêu chuẩn cho phép), cách tính nồng độ chất ô nhiễm theo thời gian TWA (Time Weighted – Average) là một ví dụ (TWA = Nồng độ chất độc trong môi trường x Thời gian tiếp xúc).
Các dạng tiếp xúc
Khác với các con đường tiếp xúc, các dạng tiếp xúc mang ý nghĩa rộng hơn, nó bao gồm 4 dạng cơ bản:
Tiếp xúc bên ngoài theo ý nghĩa chung: đây là cường độ hiện có của các yếu tố ô nhiễm trong môi trường như đất, nước, không khí, thức ăn, có mối liên quan tới tần suất và thời gian tiếp xúc.
Tiếp xúc bên ngoài theo nghĩa hẹp: sự hấp thu là khối lượng chất ô nhiễm hấp thu vào cơ thể. Khối lượng này không chỉ tuỳ thuộc vào mức ô nhiễm trong môi trường mà còn tuỳ thuộc vào thời gian tiếp xúc trong ngày, tuần, năm. Phương thức tiếp xúc: với liều cao ngắn hay liều thấp kéo dài. Tình trạng cơ thể, với cùng một nồng độ chất ô nhiễm trong môi trường, nếu lao động thể lực nặng, vi khí hậu nóng, mức tiếp xúc sẽ cao hơn hoặc người nhẹ cân sẽ phải chịu ảnh hưởng cao hơn so với người có cân nặng hơn họ ở cùng môi trường; chế độ ăn, khối lượng thức ăn cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tiếp xúc qua thực phẩm.
Tiếp xúc bên trong: khi hít thở phải hơi khí độc, bụi, không phải tất cả đều được hấp thu. Cũng như thế với chất độc qua đường tiêu hoá, qua da. Tỷ lệ hấp thu khác nhau theo từng yếu tố và cả đối với thể trạng cơ thể.
Tiếp xúc tại cơ quan chính: mỗi tác nhân độc hại có một vài cơ quan đích, nơi đó chịu tác động của chúng. Nồng độ chất độc ở những cơ quan này càng cao, tác hại của chúng càng lớn. Việc xác định hàm lượng yếu tố độc hại tại cơ quan đích không phải lúc nào cũng đạt được. Trong một số trường hợp, khi có mối liên quan thuận, chặt chẽ giữa nồng độ chất độc ở một số tổ chức, dịch sinh học dễ lấy bệnh phẩm xét nghiệm (như tóc, răng rụng của trẻ em, sữa máu) với hàm lượng tại cơ quan đích một cách gần đúng (ví dụ: lượng chì trong tóc phản ánh sự nhiễm chì ở tuỷ xương – cơ quan đích).
Trong tìm hiểu tiếp xúc, trong công nghiệp nhất là công nghiệp sử dụng hoá chất làm nguyên liệu, nhiên liệu, có những trường hợp chất độc chỉ là chất lẫn nhiễm do hoá chất sử dụng không tinh khiết (ví dụ: dioxin lẫn trong chất gây rụng lá, diệt cỏ; benzen lẫn trong xăng…).
Đánh giá sơ bộ định tính:
Đánh giá định tính có nghĩa là xác định xem tiếp xúc với yếu tố gì, trong khoảng thời gian bao lâu và tốt hơn nếu có được những khái quát về cường độ ô nhiễm: vượt quá mức cho phép, vượt quá mức cho phép 2 lần, vượt quá mức cho phép trên 2 lần, dưới mức cho phép. Kỹ thuật liệt kê nhanh (rapid inventory technique) ngày càng tỏ ra có tính thực tiễn trong đánh giá môi trường ở các nước đang phát triển, nơi thiếu thốn các kỹ thuật đo đạc môi trường. Nguyên tắc của kỹ thuật này là tính toán lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường xung quanh dựa trên cơ sở: tổng số chất thải từ một cơ sở sản xuất, một quy trình công nghệ tỷ lệ thuận với sản phẩm làm ra của cơ sở đó (mức độ hoạt động).
Tỷ lệ giữa lượng chất thải với mức độ hoạt động (gọi là lượng thải) có thể được xác định cho mỗi nhà máy, một quy trình công nghiệp. Từ đây cho phép ước tính mức thải ra một chất độc, bụi từ nhà máy hay một quy trình công nghệ đã biết tổng sản phẩm làm ra của cơ sở đó trong một thời gian định trước.
Công thức: e(j) = E(j)/SA Trong đó:
e(j): lượng thải do chất j tính bằng kg trên đơn vị sản phẩm trong một khoảng thời gian (năm).
E(j): lượng chất thải j tính bằng kg /năm.
SA: mức độ hoạt động tính bằng đơn vị sản phẩm /năm.
Yếu tố lượng thải e (j) phụ thuộc vào: ư Loại nguồn thải, loại nhà máy.
Quy trình công nghệ và /hoặc các chỉ số thiết kế.
Tuổi của nguồn thải, trình độ công nghệ.
Loại và chất lượng nguyên liệu sử dụng.
Điều kiện xung quanh.
Những yếu tố khác về mẫu thiết kế, hệ thống điều khiển.
Bằng kỹ thuật này cho phép ước tính mức độ ô nhiễm một cách gián tiếp song rất thực tế và đáng tin cậy.
Đánh giá định lượng về tiếp xúc:
Đây là phương pháp đánh giá chặt chẽ, đáng tin cậy song tốn kém và khó thực hiện rộng rãi. Khi đánh giá tiếp xúc cần dựa vào hệ thống giám sát môi trường: là hệ thống lấy mẫu, đo đạc ô nhiễm một cách có hệ thống. Trong nghiên cứu dịch tễ học, hệ thống này cho phép đánh giá gần đúng với mức tiếp xúc.
Khi thiết kế hệ thống giám sát, cần đặt ra các câu hỏi sau:
Các chất ô nhiễm nào cần được nghiên cứu?
Lấy mẫu phải tiến hành trong các khoảng thời gian bao lâu và mẫu được lấy bao nhiêu lần?
Điểm lấy mẫu phải đặt ở đâu?
Chất lượng lấy mẫu, phân tích mẫu cần theo tiêu chuẩn nào?
Cần dùng phương tiện gì và kỹ thuật phân tích nào?
Trong thực tế, khó có thể đạt được tất cả những yêu cầu trên. Cũng có thể hệ thống lấy mẫu, theo dõi môi trường ở nước ta chưa đảm bảo là hệ thống giám sát môi trường cho dù đi lấy mẫu định kỳ hàng năm (song sự thay đổi mức ô nhiễm xảy ra hàng giờ, hàng phút), có phân tích mẫu song số lượng mẫu thường rất ít, không đại diện và chưa nói tới năng lực phân tích mẫu rất thấp so với yêu cầu của phân tích một số chất ô nhiễm cơ bản chỉ bằng kỹ thuật đơn giản (bảng 2.5).
Bảng 2.5. Một số chỉ số dùng để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường
Yếu tố độc hại |
Chỉ số |
Nguồn ô nhiễm |
Chất lượng không khí |
|
|
SO2 |
Nồng độ trong không khí |
Khói công nghiệp, khí xả, sử dụng than để đun nấu |
NO2, NO |
Nồng độ trong không khí |
Khói công nghiệp, khí xả, sử dụng than để đun nấu |
Các hạt lơ lửng (bụi), vi sinh vật (vi khuẩn, nấm mốc) |
Nồng độ trong không khí |
Khói công nghiệp, khí xả, sử dụng than để đun nấu |
Chất lượng nước |
|
|
Nước sinh hoạt bị ô nhiễm hoá chất, chất hữu cơ |
Độ cứng, màu, mùi, vị, pH, NO2, NO3, oxy hoà tan, BOD5 |
Các nguồn nước thải, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước ngầm |
Ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh |
Coliform, Colifeacal trong 100ml
|
Ô nhiễm môi trường công nghiệp, thực phẩm, địa chất |
Một số chất độc chung |
|
|
Kim loại nặng (Cd, Pd, As, Hg) |
Nồng độ chất độc trong các dịch sinh vật và mô của người |
Ô nhiễm nông, lâm nghiệp; ô nhiễm thực phẩm |
Hoá chất bảo vệ thực vật |
DDT, dioxin trong mô sinh vật. Nồng độ các chất chuyển hoá đặc trưng trong nước tiểu, máu… |
|
Một số chất gây nhiễm trùng và gây dị ứng |
Các chỉ số ô nhiễm vi sinh vật Các chỉ số ô nhiễm không khí bởi một số chất gây dị ứng Liều sinh học |
|
Một số chất phóng xạ |
Mật độ phóng xạ |
Các nguồn phóng xạ và các chất đồng vị |
Tiếng ồn |
Mức độ ồn |
Ô nhiễm công nghiệp, sinh hoạt, giao thông |
Từ hệ thống theo dõi mức độ ô nhiễm, hoặc các chỉ điểm của ô nhiễm, đo lường mức độ tiếp xúc, người ta tập hợp và phân tích các số liệu để đưa ra các cảnh báovề:
Loại yếu tố ô nhiễm hoặc các nhóm yếu tố ô nhiễm.
Mức độ ô nhiễm (qua đối chiếu với các tiêu chuẩn, các điều lệ vệ sinh).
Các yếu tố về các nguồn phát sinh ô nhiễm (sử dụng nhiên liệu, tốc độ phát triển đô thị, quy trình công nghệ phát sinh ô nhiễm, sản lượng của từng ngành công nghiệp…).
Dự báo xu hướng tăng giảm loại yếu tố và mức độ ô nhiễm trong tương lai gần và tương lai xa dựa trên các yếu tố tác động hoặc phát sinh ô nhiễm.
Dự báo các nguy cơ trên sức khoẻ cộng đồng.
Đề xuất các giải pháp nhằm giảm nhẹ nguy cơ, hạn chế ô nhiễm.
Giám sát các hậu quả của ô nhiễm
Để theo dõi và giám sát các hậu quả của ô nhiễm người ta dựa trên các hệ thống thống kê bệnh tật để biết các tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường trước đó hoặc khám sàng lọc để phát hiện một số nguy cơ gây bệnh liên quan đến ô nhiễm (các bệnh chỉ danh) và khám chẩn đoán các bệnh đặc thù do ô nhiễm.
Thống kê tình hình mắc bệnh và tử vong
Tình hình mắc bệnh và tử vong được phân tích dựa trên các số liệu thống kê từ báo cáo của hệ thống bệnh viện nhà nước chỉ phản ánh một phần tình trạng sức khoẻ cộng đồng. Rất nhiều trường hợp ốm đến y tế tư nhân hoặc tự chữa. Rất nhiều trường hợp ốm chỉ đến trạm y tế cơ sở xã, phường nên chỉ thể hiện ở số mắc.
Thống kê bệnh tật có thể được tính toán theo tần suất mắc trên 100. 000 dân và /hoặc theo cấu trúc mô hình bệnh tật – phân bố các loại bệnh trong số các trường hợp đến bệnh viện khám chữa bệnh.
Các số liệu thống kê trên được tập hợp trong các nhóm bệnh theo phân loại quốc tế về bệnh tật lần thứ 10 (ICD10) với các mức độ chi tiết khác nhau: từ theo tên bệnh đến các mức dưới nhóm và nhóm bệnh.
Phân tích theo tên bệnh cho tất cả các trường hợp ốm gồm 312 bệnh, 21 chương là rất khó và nhiều khi không cần thiết. Chỉ nên chọn một số bệnh có tính chất chỉ danh như: hen phế quản, bệnh phổi phế quản mạn tính tắc nghẽn (viêm phế quản mạn tính co thắt), ung thư phổi, leucose, ung thư dạ dày, các khối u trung biểu mô, ung thư da, các bệnh dị ứng hoặc quá mẫn, các bệnh nhiễm trùng, các dị tật bẩm sinh, các bệnh gan mạn tính, các bệnh nghề nghiệp, các bệnh nhiễm độc cấp tính… Bệnh tật được gộp lại thành từng nhóm để phân tích qua so sánh sự khác nhau theo vùng, theo nhóm dân cư ở các khu vực có đặc trưng môi trường khác nhau, theo thời gian, theo nhóm nghề nghiệp. Việc gộp các nhóm bệnh theo từng nhóm không thực tế bằng việc gộp thành ba nhóm:
Các bệnh lây nhiễm, bệnh phụ nữ, trẻ em suy dinh dưỡng.
Các bệnh không lây nhiễm.
Các tai nạn, chấn thương (do con người, thảm hoạ, chiến tranh, bạo lực, tự tử…) Bảng 2.6 và hình 2.2 đưa ra ví dụ so sánh tình hình bệnh tật theo các năm.
Bảng 2.6. Xu hướng bệnh tật tử vong (đơn vị: %)
Nhóm bệnh |
|
1976 |
1986 |
1996 |
2000 |
I. Bệnh lây |
Mắc Chết |
55, 50 53, 06 |
59, 20 52, 10 |
37, 63 33, 13 |
32, 11 26, 08 |
II. Bệnh không lây |
Mắc Chết |
42, 65 44, 71 |
39, 00 41, 80 |
50, 02 43, 69 |
54, 20 52, 25 |
III. Tai nạn, ngộ độc, chấn thương |
Mắc Chết |
1, 84 2, 23 |
1, 80 6, 10 |
12, 35 23, 20 |
13, 69 21, 67 |
(Nguồn: Niên giám thống kê y tế năm 2000 – Bộ Y tế)
Hình 2.2. Xu hướng mắc bệnh
Với kết quả trên cho thấy cơ cấu bệnh tật (của các trường hợp đến bệnh viện công các tuyến) thay đổi rõ rệt qua các thời kỳ.
Từ năm 1976 – 1986: khi kinh tế chậm phát triển, môi trường ô nhiễm chủ yếu bởi các yếu tố sinh vật học, các bệnh dịch chiếm ưu thế. Tai nạn chấn thương có xu hướng tăng nhẹ.
Từ năm 1986: khi cải cách kinh tế bắt đầu, công nghiệp phát triển, mức sống được nâng cao, môi trường có thể đã được cải thiện, vì vậy ô nhiễm bởi các yếu tố sinh vật học đã giảm đi làm thay đổi cơ cấu bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm chiếm ưu thế, cùng với nó là sự gia tăng mạnh tỷ lệ tai nạn, chấn thương.
Số liệu trên sẽ được giải thích một cách rõ ràng hơn nếu đưa ra các số liệu về chất lượng môi trường và các chỉ số về tăng trưởng kinh tế. Ví dụ: từ năm 1990 – 1999 hàng năm (tổng lượng chất thải do phương tiện giao thông tăng 6 – 8%) tổng lượng rác thải năm 1977 là 19 tấn đã tăng lên 25 ngàn tấn vào năm 1999; số xe ô tô năm 1990 là 27.400 chiếc đã tăng lên 57.822 chiếc vào năm 1999 (nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 10 năm 1991 – 2000).
Nguồn số liệu từ khám sàng lọc, phát hiện nguy cơ trên sức khoẻ
Trong khám sàng lọc có thể sử dụng các xét nghiệm đo lường mức độ thấm nhiễm: chất độc xâm nhập vào cơ thể nhưng có thể chưa gây hậu quả. Thể hiện bằng nồng độ chất độc trong máu, trong các mô (xương, mỡ, tóc), hay các chất độc và chất chuyển hoá của nó được đào thải qua nước tiểu, qua hơi thở (ví dụ: xét nghiệm phenol trong nước tiểu; xét nghiệm chì trong tóc…).
Khám sàng lọc cũng có thể sử dụng các test lâm sàng hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện tình trạng bệnh lý dưới lâm sàng hoặc lâm sàng. Ví dụ: xét nghiệm ALA niệu khi có tiếp xúc với chì; đo ngưỡng nghe khi tiếp xúc cới tiếng ồn; xét nghiệm trứng giun trong phân, tìm người lành mang trùng; đo chức năng hô hấp cho hàng loạt người tiếp xúc với bụi và hơi khí kích thích; khám phát hiện người bị viêm phế quản mạn tính.
Khám phát hiện một số bệnh đặc trưng do môi trường: mắt hột, nhiễm độc nghề nghiệp, bụi phổi, dị ứng da với yếu tố môi trường đặc trưng.
Đi tìm mối liên quan giữa tiếp xúc trong quá khứ và biểu hiện bệnh lý hiện tại không dễ dàng (kể cả tổ chức khám và làm xét nghiệm ở quy mô lớn), nhất là khi có nhiều yếu tố tác hại cùng tồn tại và bệnh thì không đặc hiệu (ví dụ viêm phế quản mạn tính có thể do ô nhiễm khói và bụi trong môi trường sinh hoạt, cũng có thể do tiếp xúc với khói bụi trong môi trường lao động và cũng có thể do hút thuốc lá).
Kinh nghiệm cho thấy, khám lâm sàng rộng rãi các bệnh tật của các cộng đồng dân cư thường ít khi đáp ứng được nhu cầu thông tin, trong khi đó việc tổ chức khám lại rất tốn kém và đòi hỏi phải tổ chức cũng như tập huấn các bác sĩ rất kỹ và theo những quy trình, tiêu chuẩn chẩn đoán thống nhất.
Vì vậy, nên tổ chức khám chuyên khoa, tập trung vào một số bệnh đặc trưng cho từng loại ô nhiễm. Cũng có thể chỉ khám cho một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, làm các chỉ điểm về hậu quả của môi trường ô nhiễm với một hoặc vài yếu tố ô nhiễm đặc trưng.
Phương pháp phỏng vấn về tình trạng sức khoẻ cộng đồng (điều tra hộ gia đình)
Đây là phương pháp khá phổ biến và được áp dụng ở các hình thức khác nhau: hỏi một người trong hộ gia đình để biết tình trạng sức khoẻ của mọi người trong hộ trong khoảng thời gian 2 tuần hoặc 4 tuần. Cũng có thể hỏi từng người đối với công nhân, đối với nông dân hỏi từng người trong hộ (trẻ em thì hỏi mẹ) về những triệu chứng bệnh vừa mắc trong 2 tuần trước đó. Ngoài những thông tin về bệnh tật hoặc tử vong, còn có những thông tin khác được phát hiện bằng phỏng vấn như tình trạng nhân khẩu học, kinh tế, nghề nghiệp, kiến thức về sức khoẻ – môi trường, thái độ và thực hành (biết gì, thái độ về những điều mình biết như thế nào: lo sợ, thờ ơ, cẩn thận và thực tế đã làm gì?), cách ứng xử y tế và môi trường, kiến thức vệ sinh an toàn lao động, hiểu biết về chất độc, tác hại nghề nghiệp, thái độ ứng xử với tình trạng thiếu nước sạch và công trình vệ sinh…
Các nguồn số liệu sẵn có
Báo cáo tổng kết sổ khám chữa bệnh định kỳ hàng tháng, quý, năm qua hệ thống thống kê. Nhưng cần chú ý: tỷ lệ người dân mỗi khi bị ốm đến cơ sở y tế nhà nước chỉ khoảng 20 – 30%. Vì vậy, nếu lấy số liệu thống kê sẽ bỏ sót rất nhiều các trường hợp ốm tự chữa (chiếm đa số) và đến y tế tư nhân; còn cơ sở sản xuất thì 80% các trường hợp ốm đến y tế cơ quan hoặc cơ sở bệnh viện, phòng khám đa khoa.
Nguồn số liệu từ thống kê bệnh viện
Nguồn số liệu này chỉ phản ánh các trường hợp bệnh nặng (đỉnh của tảng băng nổi), hoặc các bệnh khó chữa, các bệnh của người dân gần bệnh viện, bệnh nhân bảo hiểm y tế. Cho dù số liệu thống kê bệnh viện có chẩn đoán chính xác nhất song vẫn phản ánh đầy đủ hậu quả của môi trường lên sức khoẻ, bệnh tật, tử vong của quần thể có nguy cơ.
Nguồn số liệu nghỉ ốm tại các cơ sở sản xuất
Đây là những số liệu quý vì được quản lý khá chặt chẽ. Mỗi trường hợp ốm và nghỉ ốm đều được ghi chép. Mặt khác, môi trường sản xuất tác động mạnh nhất trước hết đến công nhân nhà máy, sau đó mới tác động đến dân chúng xung quanh. Tuy nhiên, ảnh hưởng trên sức khoẻ đôi khi lại không rõ vì hiệu ứng công nhân khoẻ (thường công nhân được tuyển vào nhà máy là những người khoẻ hơn những người khác). Người dân xung quanh nhà máy có những nhóm tuổi nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc dài hơn (không chỉ 8 tiếng).
Nguồn số liệu từ khai báo tử vong
Trường hợp không được mổ tử thi thì nguyên nhân tử vong thường khó chính xác. Có thể dùng kỹ thuật giải phẫu lời nói (hỏi tỷ mỉ triệu chứng trước khi chết với bảng câu hỏi tiêu chuẩn) có thể cho phép nhận định nguyên nhân chết khá đúng.
Dù nguồn số liệu nào, câu hỏi chung nhất vẫn luôn là: đối tượng nào bị ảnh hưởng? Bệnh hoặc ảnh hưởng đó là gì? Xảy ra ở đâu và khi nào? Để góp phần tìm hiểu nguyên nhân và các khả năng can thiệp vào cộng đồng với các loại nghề nghiệp và tình trạng tiếp xúc khác nhau, cần đặt câu hỏi như: biết gì về các yếu tố môi trường đó? Bệnh hoặc ảnh hưởng trên sức khoẻ là gì? Thái độ đối với môi trường và bệnh do môi trường ra sao? Đã làm gì để giải quyết những vấn đề về môi trường xung quanh bị ô nhiễm?
Mục tiêu của giám sát môi trường (các tác nhân ô nhiễm): giám sát hậu quả của môi trường ô nhiễm trên sức khoẻ là nhằm cung cấp các thông tin cho việc xác định các vấn đề tồn tại và mức độ trầm trọng của nó trên sức khoẻ cộng đồng, sau đó là chọn ra các vấn đề cấp bách nhất nhưng đã có giải pháp xử lý và có nguồn lực cần thiết để đưa ra các ưu tiên. Khi đã chọn được các vấn đề ưu tiên, chọn giải pháp thích hợp (khả thi, không tốn kém, có hiệu quả cao, kịp thời…) cần lên kế hoạch để từng bước can thiệp giảm nhẹ nguy cơ.
Các bản kế hoạch phải được những người ra chính sách ủng hộ bằng chủ trương, bằng tài chính và cam kết duy trì. Các bản kế hoạch cũng cần có sự tham gia của động đồng trong việc xác định các vấn đề, chọn giải pháp, đóng góp công sức và tài chính
(nếu có), theo dõi, giám sát, đánh giá các hiệu quả của giải pháp can thiệp đã áp dụng.
Ví dụ minh họa về quản lý nguy cơ môi trường
Quản lý nguy cơ là một quá trình xuất phát từ việc xác định xem có yếu tố nguy cơ nào (ô nhiễm môi trường bởi yếu tố gì), đánh giá mức độ nguy cơ (đo lường mức độ ô nhiễm). Chọn các giải pháp can thiệp làm giảm nguy cơ, thực hiện các giải pháp đó. Thực hiện quản lý nguy cơ cũng phải tính đến các giải pháp nào vừa khoa học, vừa khả thi và phải vừa có hiệu quả cao, chi phí thấp. Khi chọn giải pháp cũng phải dựa trên các quy định pháp lý, các chuẩn mực văn hóa, xã hội, đạo đức cũng như đường lối chính trị. Như vậy có nhiều mối liên quan đến quá trình quản lý nguy cơ, không phải chỉ có người dân chịu tác hại, người gây ô nhiễm và cơ quan y tế. Sau đây là bài tập tình huống mô tả 6 bước trong chu trình quản lý nguy cơ.