Đại cương
Quang đông võng mạc bằng laser là sử dụng tia laser có bước sóng phù hợp với phổ hấp thụ của lớp biểu mô sắc tố võng mạc để làm đông các lớp tế bào gây sẹo dính giữa lớp hắc mạc và võng mạc.
Chỉ định
Điều trị và dự phòng bong võng mạc: vết rách võng mạc hoặc lỗ võng mạc; Thoái hóa võng mạc; Mắt thứ hai của những người cận thị nặng có nhiều thoái hóa hỗn hợp mà mắt kia đã bị bong võng mạc; Dây chằng trong dịch kính gây co kéo võng mạc…
Điều trị thiếu máu võng mạc.
Điều trị tân mạch võng mạc: bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, sau khi bị viêm hắc võng mạc; Tân mạch đĩa thị.
Chống chỉ định
Các bệnh toàn thân và tại mắt không cho phép phẫu thuật.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Mắt.
Phương tiện
Máy laser có chức năng quang đông: YAG 532nm, Argon, Krypton, Diode… được gắn với máy sinh hiển vi.
Người bệnh
Được thăm khám toàn diện về mắt và toàn thân theo quy định, được giải thích về mục đích và hiệu quả cũng như các biến chứng có thể xảy ra.
Hồ sơ bệnh án
Theo quy định của Bộ Y tế.
Các bước tiến hành
Kiểm tra người bệnh
Đúng mắt cần điều trị.
Kiểm tra hồ sơ
Thực hiện kỹ thuật
Tra dãn đồng tử tối đa
Bằng các thuốc như mydrin P, neosynephrin 10%….
Gây tê bề mắt nhãn cầu 2 lần cách nhau 1 – 2 phút.
Có thể gây tê hậu nhãn cầu nếu người bệnh kích thích, chịu đau kém, vận động mắt nhiều, người bệnh hợp tác kém… nhất là khi quang đông gần hoàng điểm.
Điều chỉnh các thông số trên máy laser.
Nếu là laser diode:
Kích thước vết đốt laser: 200 – 500m.
Thời gian tia laser tác dụng trên võng mạc: 180 – 400ms.
Công suất: 400 – 600mw.
Nếu là laser YAG 532nm:
Kích thước vết đốt laser: 50 – 500m.
Thời gian tia laser tác dụng trên võng mạc: 100 – 300ms.
Công suất: 80 – 600mw.
Hướng dẫn người bệnh ngồi vào máy laser, cố định đầu.
Giải thích để người bệnh hợp tác điều trị.
Điều chỉnh chùm tia laser qua máy sinh hiển vi khu trú rõ nét trên vm
Kiểm tra
Thử đốt một điểm trên võng mạc chu biên để điều chỉnh các thông số chùm tia. Tùy từng bệnh lý điều chỉnh các thông số laser, khởi điểm sử dụng công suất thấp và tăng dần công suất lên.
Phân loại cường độ gây bỏng hắc – võng mạc:
Nhẹ (độ I): võng mạc trắng nhẹ.
Vừa (độ II): võng mạc đục như sương mù.
Vừa nặng (độ III): võng mạc trắng đục xám.
Nặng (độ IV): võng mạc đục trắng như lòng trắng trứng luộc, đặc.
Săn sóc sau quang đông:
Băng mắt 6 – 24 giờ nếu phải gây tê hậu nhãn cầu.
Dùng thuốc giảm đau nhẹ khi có đau. Nếu người bệnh đau nhiều cần kiểm tra có tăng nhãn áp cấp tính do xuất huyết hắc mạc không.
Dặn người bệnh tránh hoạt động mạnh, cúi gập người hay ho nhiều vì có thể gây vỡ các tân mạch trong các bệnh có tân mạch hắc mạc.
Lưu ý: Luôn hướng dẫn người bệnh nhìn thẳng và xác định mốc vùng cần laser chính xác tránh tia laser vào vùng vô mạch của hoàng điểm.
Điều trị và theo dõi
Sẹo laser hình thành sau 3 tuần, kiểm tra bằng máy soi đáy mắt.
Chụp huỳnh quang võng mạc: xem các vùng tổn thương đã đủ sẹo laser chưa, nếu chưa đủ cần phải bổ sung thêm.
Kháng sinh, chống viêm, giảm đau, phù.
Tai biến và cách xử trí
Trong khi quang đông
Chảy máu tại vết laser: hạ cường độ laser.
Xuất huyết võng mạc, dịch kính: ấn kính tiếp xúc lên nhãn cầu làm tăng nhãn áp.
Ngừng điều trị laser, dùng thuốc giảm đau, an thần, hoặc phải hẹn làm laser buổi khác khi người bệnh đau quá có thể gây sốc.
Sau khi quang đông
Trợt biểu mô giác mạc do kính tiếp xúc: tra kháng sinh, nước mắt nhân tạo, vitamin A…
Giảm thị lực do phản ứng của mạch máu vùng đĩa thị giác: dùng thêm các thuốc an thần, giảm phù nề, tăng cường tuần hoàn…
Xuất huyết dịch kính: chờ thời gian cho máu tiêu rồi làm laser tiếp.
Ám điểm do phù võng mạc: dùng thêm thuốc giảm phù nề.
Bỏng giác mạc hay thể thủy tinh do không chỉnh nét vết laser trên võng mạc: tra thuốc dinh dưỡng giác mạc, thuốc hạn chế đục thể thủy tinh.
Liệt cơ mống mắt, thể mi: không nên quang đông nhiều ở vùng võng mạc theo đường kính ngang, các vách ngăn ở võng mạc chu biên nên làm chếch đi.