Nội dung

Quy trình điều trị bệnh da bằng puva toàn thân

Đại cương

Điều trị bằng PUVA là phương pháp chiếu tia cực tím UVA với bước sóng từ 320 nm đến 400 nm sau khi uống thuốc nhóm psoralène.

PUVA có nhiều tác dụng trong điều trị đó là ức chế tổng hợp ADN, làm giảm tăng sinh tế bào. Ngoài ra, PUVA còn có các tác dụng khác như giảm số lượng và chức năng của tế bào Langerhans, giảm lympho T, kích thế tế bào sừng sản xuất cytokin…vv.  

Chỉ định

Vảy nến.

Bạch biến. 

Ung thư lympho T ở da (mycosis fongoide). 

Viêm da cơ địa. 

Bệnh tế bào mastocyte (Mày đay sắc tố…).

Rụng tóc thể mảng. 

Bệnh da ánh sáng (PMLE, mày đay ánh nắng,…).

Lichen phẳng.

Á vảy nến (thể giọt/Pityriasis Lichenoides Chronica, thể mảng lớn, thể chấm).

Sẩn cục.

Viêm da tiếp xúc.

Xơ cứng bì khu trú. 

Chống chỉ định

Chống chỉ định tuyệt đối

Hội chứng nevi loạn sản di truyền.

Hội chứng ung thư tế bào đáy.

Phụ nữ có thai và cho con bú.

Tiền sử u da. 

Bệnh có rối loạn sửa chữa DNA (xeroderma pigmentosum, hội chứng Cockayne, hội chứng Bloom).

Tiền sử điều trị trước đó bằng tia xạ, arsenic.

Lupus ban đỏ hệ thống. 

Chống chỉ định tương đối 

Dưới 10 tuổi.

Người bệnh bị dầy sừng ánh sáng.

Porphyrin da.

Đục thủy tinh thể.

Một số bệnh có thể bị nặng lên khi chiếu UV, như: Pemphigus, pemphigoid…

Đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch methotrexate, ciclosporin.

Bệnh Porphyrin.

Bệnh lý gan thận nặng.

Nhậy cảm ánh sáng liên quan hoặc không đến thuốc.

Đục nhân mắt.

Điều trị quá 2000J hoặc 250 lần chiếu. 

Loại da típ I.

Chuẩn bị

Người thực hiện

01 bác sỹ.

01 điều dưỡng/kỹ thuật viên được đào tạo về quy trình.

Trang thiết bị:

Đèn chiếu UVA.

Buồng chiếu toàn thân.  

Người bệnh

Tắm, vệ sinh sạch sẽ.

Được tư vấn về bệnh, tư vấn về điều trị: hiệu quả của điều trị, tác dụng phụ, các nguy cơ khi điều trị bằng PUVA. 

Uống thuốc Psoralene (8-MOP) trước khi chiếu 2 giờ với liều 0,4 – 0,6mg/kg.

Đeo kính đen trong vòng 24 giờ kể từ khi uống thuốc.

Hồ sơ bệnh án

Bệnh án ghi chép đầy đủ, có số hồ sơ, mã người bệnh, chẩn đoán xác định, mô tả chính xác và cụ thể thương tổn.

Các xét nghiệm thực hiện đầy đủ trước khi chiếu.

Có bản cam kết của người bệnh hoặc người thân người bệnh trước khi chiếu.

Ghi chép đầy đủ liều chiếu ở mỗi lần và liều chiếu tích lũy.

Đánh giá tiến triển thương tổn, tình trạng bệnh và các tác dụng phụ sau mỗi lần chiếu.

Kiểm tra người bệnh

Đánh giá loại da của người bệnh.

Khám đánh giá mức độ nặng của thương tổn theo các chỉ số của từng bệnh và ghi đầy đủ vào hồ sơ/bệnh án.

Khám mắt kiểm tra tình trạng đáy mắt, tình trạng thủy tinh thể.

Làm xét nghiệm men gan (SGOT, SGPT), chức năng gan, thận.

Thực hiện kỹ thuật

Sử dụng nguồn điện 220-250 V.

Đeo kính bảo vệ mắt cho người bệnh và nhân viên tiếp xúc trực tiếp với nguồn tia UVA phát ra từ máy. Sau đó cho người bệnh đứng vào buồng chiếu.

Bật ổn áp và bật khóa nguồn điện của máy.

Xác định liều đỏ nhiễm độc quang tối thiểu bằng liều đỏ da tối thiểu của từng người bệnh. Với người Việt Nam type da chủ yếu là type IV, dùng liều khởi đầu là 2J/cm2.

Chỉnh công suất máy theo công suất đo mỗi 3 tháng 1 lần. Dùng phác đồ chiếu 2-3 lần/tuần tùy điều kiện người bệnh. Sau khi kết thúc điều trị tấn công có thể chiếu duy trì mỗi tháng 1 lần.

Lần chiếu tiếp theo: Nếu không đỏ da tăng liều lên 30%. Nếu đỏ da tối thiểu giữ liều. Nếu đỏ da độ II giảm 30% liều. Nếu đỏ da độ III dừng chiếu 1 tuần rồi đánh giá lại. Liều tối đa cho type da IV là 15J/cm2.

Theo dõi

Triệu chứng khó chịu về tiêu hóa khi uống 8- MOP: buồn nôn, nôn.

Ban đỏ ở da thường xuất hiện sau 48-72 giờ, khô da, ngứa.

Đục thủy tinh thể: Khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần đánh giá đáy mắt và tình trạng thủy tinh thể.

Nguy cơ ung thư da: khám da 1 năm/ lần.

Xử trí tai biến

Báo bác sĩ ngay khi có tai biến.

Với triệu chứng tiêu hóa: chia nửa liều dùng 2,5 giờ trước chiếu và nửa liều khác 2 giờ trước chiếu, hoặc dùng biện pháp tắm 8-MOP.

Ban đỏ, ngứa: dùng mỡ corticoid.

Khô da: kem làm mềm, dưỡng ẩm.