Đại cương
Tiêm xơ điều trị trĩ là phương pháp tiêm một chất gây xơ vào gốc búi trĩ để điều trị trĩ nội thông qua phương pháp nội soi ống hậu môn có gây mê sử dụng kim tiêm dùng một lần.
Chỉ định
Trĩ nội độ 1, độ 2, và độ 3 nhỏ.
Chống chỉ định
Trĩ nội độ 3 to, độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, huyết khối trĩ.
Viêm nhiễm vùng hậu môn.
Các bệnh rối loạn đông máu, bệnh toàn thân giai đoạn cấp, bệnh suy giảm miễn dịch HIV.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Nhóm nội soi 01 bác sĩ và 03 điều dưỡng.
Nhóm gây mê 01 bác sĩ và 02 kỹ thuật viên gây mê.
Phương tiện
01 hệ thống nội soi tiêu hóa dưới kèm theo các dụng cụ can thiệp như kim cầm máu, đầu đốt nhiệt, kim tiêm, 01 máy thở và phương tiện gây mê hồi sức.
Thuốc tiêm xơ: Polidocanol.
Người bệnh
Giải thích kỹ để người nhà người bệnh và trẻ hiểu để cộng tác.
Thụt tháo phân, đi tiểu trước khi làm thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Phiếu chỉ định nội soi tiêu hóa đại tràng, giấy cam đoan, 01 bệnh án kèm theo bộ xét nghiệm nội soi đại tràng, kết quả khám tai mũi họng
Kiểm tra tên, tuổi người bệnh, xét nghiệm đông máu.
Các bước tiến hành
(Thời gian khoảng 60-90 phút/01 người bệnh)
Kiểm tra hồ sơ:
15 phút
Kiểm tra người bệnh:
15 phút
Thực hiện kỹ thuật:
Tiến hành gây mê toàn thân.
Đặt bệnh nhi nằm nghiêng trái, cẳng chân vuông góc với đùi, đùi vuông góc với bụng. Thăm khám hậu môn trực tràng.
Bôi trơn gel KY vào hậu môn. Kéo mông phải lên, đẩy đèn nội soi vào trực tràng. Bơm hơi, quan sát niêm mạc trực tràng tìm vị trí và để lộ gốc búi trĩ. Tiêm thuốc gây xơ vào gốc búi trĩ vùng dưới niêm mạc, mỗi búi từ 1, 2, 3 ml tùy theo kích thước búi trĩ, rút kim ra nếu chảy máu ở lỗ đâm kim dùng dao đốt nhiệt. Nếu không chảy máu tiếp tục điều trị búi trĩ khác. Không tiêm quá 3 búi trĩ trong một lần điều trị. Tránh tiêm ở vị trí 12h, các lần tiêm cách nhau 1 – 2 tuần lễ.
Theo dõi
Theo dõi biểu hiện: toàn trạng, tim mạch, hô hấp, tri giác, ỉa máu, đau bụng, chướng bụng.
Cho thuốc giảm đau, nhuận tràng.
Ngâm hậu môn bằng nước ấm 02 lần/01 ngày trong 07 ngày.
Tai biến và xử trí
Chảy máu: Cầm máu qua nội soi, mời hội chẩn ngoại và hồi sức cấp cứu, xét nghiệm máu nếu diễn biến nặng.
Tiêm không đúng khoang dưới niêm mạc.
Áp xe hay nứt kẽ hậu môn.
Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện (1999): 325-327